Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ tư, 01/07/2015, 18:46 PM

Trung Quốc: Thiền sư Đức Lâm viên tịch

Suốt đời Ngài nghiêm trì Tịnh giới, dù trăm tuổi nhưng thân vẫn khinh an nhẹ nhàng, ngôn giáo, thân giáo tịnh trọng, lãnh chúng Tọa hương, Chủ trì Thiền thất Pháp hội, giảng Kinh Kim Cương, Kinh Pháp Hoa, Giáo Quán cương tông.

Phật giáo Giang Tô lừng danh tổng trì vô lượng Pháp môn, buông xả vạn duyên, chuyên sâu tham: Niệm Phật là ai ? (念佛是誰?). Công đức viên mãn, thuận thế vô thường, Thiền sư Đức Lâm an nhiên thể nhập Chân tính tại Tổ đình Cao Mân Thiền Tự vào lúc 18h58 phút ngày 22/06/2015 (07/05/Ất Mùi). 

Hưởng đại thụ 101 xuân. Tăng tịch 82 niên. Giới tịch 81 Hạ. 

Nhất đại Cao tăng Pháp thân tịch diệt, tứ chúng ai thán, tứ hải đồng bi. 

9h30 phút ngày 28/06/2015 (13/05/Ất Mùi), cử hành Lễ Truy tiến Giác linh Cao tăng Đức Lâm trưởng lão, cung tống Kim quan, Pháp thể nhập Bảo tháp, tại Tổ đình Cao Mân Thiền tự, Thành phố Dương Châu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc.
 
Tiểu sử
Thiền sư Đức Lâm
(1915-2015)

Thiền sư thuộc dòng thiền Lâm Tế Chính tông đời thứ 47 pháp danh Diệu Ngộ, tự Ngộ Tham, hiệu Đức Lâm. 

Ngài họ Lương, Sinh ngày 01 tháng 09 năm Ất Mão (09/10/1915) tại huyện Phong Nhuận, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Ngài vốn xuất thân dòng dõi trâm anh thế phiệt, Tiểu vương trang Vương thị gia phả (小王莊王氏家谱).

Năm Giáp Tuất (1934), vừa tròn 19 tuổi thanh xuân, Ngài đến Tổ đình Cao Mân Thiền Tự, đảnh lễ Đạo trí thượng nhân, cầu đạo thế phát xuất gia. Mùa xuân năm sau, Ngài được Bổn sư cho đến Bảo Hoa sơn Long Xương Tự, đảnh lễ Hòa thượng Luật sư Đức Khoan cầu thọ giới Sa di và Cụ túc giới, sau khi tuyển khảo hạch giới tử, Ngài đậu thủ khoa đầu bảng đàn giới.  Thọ giới xong, Ngài trở về Tổ đình Cao Mân Thiền Tự, cầu pháp với Thiền sư Lai Quả hơn hai mươi năm học đạo Tham thiền, công quả thị giả hầu Sư phụ trọn chí nguyện.

Sau đó, Ngài đến Vân Cư sơn Thánh Thủy Tự, Thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, đảnh lễ Pháp sư Tĩnh Tu cầu pháp học Thiên Thai giáo quán. Ngài bế quan nhập thất tĩnh tọa Tham thiền tại Khung Lung sơn, Thành phố Tô Châu, Tỉnh Giang Tô, đăng đàn tuyên dương Chính pháp giảng kinh tại Văn Phong Tự, Thành phố Dương Châu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc.

Sau năm Tân Mão (1951), Ngài về Tịnh thất Mao Bồng, Thượng Hải để hầu Bổn sư (tức Thiền sư Lai Quả), trong lúc tuổi cao sức yếu. 

Năm Nhâm Thìn (1952), tại Tịnh thất Mao Bồng, Ngài được Bổn sư (tức Thiền sư Lai Quả) truyền Tâm ấn, Pháp tự Cao Mân tục diệm truyền đăng Lâm Tế chính tông đời thứ 47. Trong năm này, Ngài được Bổn sư (tức Thiền sư Lai Quả) công cử Phó Trụ trì Tổ đình Cao Mân Thiền Tự, thành phố Dương Châu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc.

Ngày 17/10/Quý Tỵ (1953), thiền sư Lai Quả nhập diệt tại Tịnh thất Mao Bồng, Thượng Hải, Ngài phải thọ tang và lo hiếu sự, ngày 01/11, Kim quan từ Tịnh thất Mao Bồng được đưa về Tổ đình Cao Mân, 08/12 năm Quý Tỵ Trà tỳ. Giờ Thìn ngày 04/04/Giáp Ngọ (1954) nhập tháp rồi cất đình ở bản tự Cao Mân để thờ tháp Xá Lợi.
Thủ bút
Thiền sư Lai Quả viên tịch vài năm, sau khi Trung Hoa “giải phóng”. Dòng Thiền được truyền qua đệ tử là Thiện Huệ, người mà sau này bị xếp loại “hữu khuynh”. Không biết chuyện gì đã xảy đến cho Thiền sư Thiện Huệ, có lẽ ngài đã bị đánh đập đến chết. (Hòa Thượng Hư Vân bị đánh đập rất nặng trong thời gian này, và tác phẩm trước tác duy nhất của ngài là quyển chú giải Kinh Lăng Nghiêm đã bị đốt cháy. Một số đệ tử của ngài bị tử hình sau khi bị xếp loại là “hữu khuynh”).

Sau năm Mậu Tuất (1958),  trong cuộc Cách Mạng Văn Hoá, Tổ đình Cao Mân Thiền Tự bị tấn công nặng nề cay đắng. Tất cả đều bị phá hủy gồm cả Thiền Đường nổi tiếng là nơi nhiều cao tăng đã giác ngộ và nơi tôn thờ năm Nhục Thân Bồ Tát. Tổ đình Cao Mân Thiền Tự đã biến mất và sau đó biến thành một xưởng làm áo len. Chỉ có cổng sơn môn nguyên là món quà của vua Khang Hy tặng là còn tồn tại, có lẽ vì làm bằng đá và rất khó phá hủy. Trong thời kỳ Cách mạng, mặc dầu có những cuộc phá hoại quy mô, nhiều di vật đã tránh thoát được sự phá hoại nhờ ở vị trí xa xôi, nhờ làm bằng đá, nhờ dùng hình Mao Trao Đông che phủ, hoặc được các vị tăng sẵn sàng tự thiêu để bảo vệ đã làm đám đông quần chúng sợ hãi tránh đi.

Sau nhiều năm khi cuộc cách mạng chấm dứt, theo chính sách cải cách và mở cửa của Đặng Tiểu Bình, nhà cầm quyền địa phương quyết định phục hồi Tổ đình Cao Mân Thiền Tự. Ngài được mời phụ trách công việc. Lúc đó Ngài đã 72 tuổi, Ngài nói “Người ta về hưu vào lúc năm mươi mấy tuổi. Tôi lại bắt đầu làm việc khi bảy mươi mấy tuổi.”

Năm Tân Mùi (1991), trải qua thời gian gần một tháng chia sẻ về việc hoằng dương Tổ sư Thiền tại Tổ đình Cao Mân Thiền Tự, giữa Ngài và Thiền sư Thích Duy Lực từ Hoa Kỳ sang, hai vị tôn túc rất tâm đắc trong việc hoằng truyền Thiền tông trong thời đại bùng nổ thông tin, sự tiến bộ vượt bậc của khoa học và kỹ thuật, Ngài nhã ý mời Thiền Thiền sư Thích Duy Lực làm Thủ tọa Tổ đình Cao Mân Thiền Tự, nhưng vì Phật sự hoằng dương Tổ sư Thiền Quốc tế và Việt Nam cho nên Thiền sư Thích Duy Lực không nhận lời mời của Ngài. 

Đáp lời thỉnh cầu Thiền sư Thích Duy Lực  khai thị cho đại chúng tại Tổ đình Cao Mân Thiền Tự từ ngày 07/08 đến 27/08/1991.

Hơn 30 năm gian khổ, Tổ đình Cao Mân Thiền Tự khôi phục trùng kiến được thành quả đáng kể, vun bồi chốn Tổ, khôi phục Tọa hương môn đình, liên tục Tĩnh hương mỗi ngày, coi trọng nông thiền, dung nhiếp Thiền pháp hợp với thời đại, giương cao gia phong chốn tổ Cao Mân, tiếp tục thắp sáng ngọn đèn Thiền pháp tông phong Lâm Tế, trở thành nơi mô phạm Tùng Lâm cho Thiền sinh tứ phương tụ hội tham học.

Hằng năm có hàng vạn Thiền sinh từ khắp nơi trên thế giới đến tham học. Ngài thiết kế đại Thiền đường, dung nạp năm trăm người Hành hương, Bão hương, Tọa hương và tham thoại đầu. Đương thời được tôn vinh “Đệ nhất Thiền đường Trung Quốc-第一禪堂中國”.

Suốt đời Ngài nghiêm trì Tịnh giới, dù trăm tuổi nhưng thân vẫn khinh an nhẹ nhàng, ngôn giáo, thân giáo tịnh trọng, lãnh chúng Tọa hương, Chủ trì Thiền thất Pháp hội, giảng Kinh Kim Cương, Kinh Pháp Hoa, Giáo Quán cương tông.

Ngài được cung thỉnh đến các nước Đài Loan, Hồng Kông, Canada, Myanmar để làm chủ Thiền thất, dựng Thiền phong chốn tổ Cao Mân khắp tứ hải.

Ngài là bậc mô phạm Thiền phong, các giới đạo đời đều kính ngưỡng, từng được suy tôn các trọng trách của tổ chức Phật giáo, cựu Phó Chủ tịch Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc, Cố vấn Hiệp hội Phật giáo tỉnh Giang Tô, Hội trưởng Danh dự Hiệp hội Phật giáo Thành phố Dương Châu, Pháp chủ Tổ đình Cao Mân Thiền Tự, trụ trì Quải Giáp tự, Thành phố Thiên Tân (thành phố cảng quốc tế, trung tâm kinh tế phương Bắc, thành phố sinh thái), Trụ trì Từ Vân tự, Thành phố Hoài An, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. 

Quán nhân duyên Ta bà quả mãn, hóa duyên ký tất, Ngài thuyết kệ Thị tịch: 

人生幻化古今同
誰肯將身入夢中
來時百花逢春境
去時黃葉悲秋風

釋德林書

Nhân sinh huyễn hóa cổ kim đồng,  
Thùy khẳng tương thân nhập mộng trung,  
Lai thì bách hoa phùng xuân cảnh;  
Khứ thì hoàng hiệp bi thu phong.  
Thích Đức Lâm thư

Nghĩa:

Cuộc đời huyễn hóa chuyện xưa nay,
Ai dám đem thân gá mộng này,
Lúc đến hoa xuân tràn sắc thắm;
Đi thời hiu hắt lá thu bay.
(Pháp sư Nguyên Hiền dịch)

Công đức viên mãn, thuận thế vô thường, Ngài an nhiên thể nhập Chân tính tại Tổ đình Cao Mân vào lúc 18:58 giờ ngày 22/06/2015 (07/05/Ất Mùi). Hưởng đại thụ 101 Xuân. Giới lạp 81 Hạ. Trụ trì 80 đông. 

Nam Mô Cao Mân Đường Thượng Từ Lâm Tế Chánh Tông tứ thập thất thế pháp danh Diệu Ngộ, tự Ngộ Tham, hiệu Đức Lâm Trưởng lão Thiền sư giác linh tác đại chứng minh.

Thích Vân Phong kính biên tập 
(Theo Phật Hữu võng, Trung Quốc)
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Chim két chết có xá lợi

Tư liệu 14:00 19/05/2024

Vào năm 1987, con chim két này bị người ta đem từ Lạc Sơn tỉnh Tứ Xuyên đến Bao Đầu, bởi vì miệng nó ngu không biết nói, lại không thuần phục, lại hay dùng mỏ mổ người ta. Vì thế nó trở thành kẻ khó ưa. Sau đó người ta chuyển nó cho nhà cư sĩ Vương nuôi.

Trong cõi vô thường

Tư liệu 07:19 19/05/2024

Xóm là xóm tha phương, ý mọi người nói là do đủ mọi nơi tìm đến đây sinh sống, lập nghiệp mà tạo ra xóm. Con đường đất cũng cong queo, theo cách cất nhà cái nhô ra cái trồi vào, thấm thía câu nói của Lỗ Tấn: “Khi xưa có đường đâu, người ta đi thét mà thành đó thôi”.

Thơ về mẹ của Hòa thượng Thích Giác Toàn: "Mười năm con lớn"

Tư liệu 06:01 19/05/2024

Năm 1974, tập thơ Suối về Hoa nghiêm của thi sĩ trẻ đồng thời là tu sĩ, với bút danh Tha Phương Khách, được xuất bản lần đầu tại Sài Gòn.

Bài học về sự nhẫn nhục

Tư liệu 12:10 17/05/2024

Sẽ rất khó để thực tập nhẫn nhục khi chẳng có gì phải nhẫn, khi mọi việc đều diễn ra tốt đẹp, bạn cảm thấy an ổn và chẳng ai làm phiền mình. Trên thực tế, hạnh nhẫn nhục chỉ có ý nghĩa khi được kiểm chứng trong những tình huống xung đột của cuộc sống.

Xem thêm