Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ ba, 26/11/2024, 09:54 AM

Truyện ngắn: Khúc hát xanh rêu

Ty đã ngủ khi xe vừa chạy được một đoạn, sợ con mỏi, tôi đỡ bé Ty nằm dài trên ghế, đầu gối lên đùi tôi. Ngoài cửa kính, cảnh vật trôi dần về phía sau. Những núi, sông, đồng, biển đủ sắc mầu.

Đã nhiều đêm trong giấc mơ của Ty không có hình bóng của ba. Tôi biết Ty không quên, nhưng con bé cố tình không nhớ. Ty thường khóc thét mỗi khi anh trở về nhà, người nồng nặc mùi rượu. Ty ngồi thụp xuống một góc nhà, hai tay bịt kín mắt. Thoảng con bé hở hai ngón ra, qua kẽ tay, con bé thấy anh giáng xuống gò má tôi những cái tát nảy lửa. Ty ú ớ không nói được nên lời. Đến chừng anh mệt lử và nằm ngủ sõng soài trên sàn nhà như chưa có chuyện gì, tôi chạy đến ôm chầm lấy con bé. Đôi mắt con đờ đẫn và ngấn nước. Tôi hỏi gì con bé cũng nín thin thít. Tôi sợ quá, ôm Ty chạy sang hàng xóm. Cô gọi giúp tôi chiếc taxi. Tài xế cố chạy nhanh hơn mọi khi, chiếc xe vun vút đi trong đêm, dưới ánh sáng chập chờn đô thị khuya khoắt. Vào bệnh viện…

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

***

Tôi từng mơ được chu du khắp đất nước, nơi nào cũng đặt chân đi qua. Hồi nhỏ tôi vẫn thường ôm mộng lớn lên sẽ đi khắp bốn phương trời mà trước hết là khám phá cảnh đẹp đất nước mình, Nha Trang, Đà Lạt, lên Tây Bắc hay ngược về sông nước Cửu Long… Tôi sẽ tận mắt ngắm nhìn Việt Nam tươi đẹp của mình chứ không phải là cảm giác thèm thuồng mỗi khi hình ảnh non sông hiện lên trên màn hình tivi đen trắng.

Mẹ nói: “Ráng học, lớn lên đi làm, có tiền rồi muốn đi đâu cũng được. Chừng đó mẹ già rồi, ra đầu làng chắc gì nổi, huống hồ chu du bốn phương”. Tôi hứa: “Giá nào cũng phải dẫn mẹ đi du lịch một chuyến”. Đời mẹ quẩn quanh, sáng ra đồng, chiều về nhà cơm nước, tối ngồi vá áo cho ba. Mẹ đã được đi đâu trong cuộc đời của mình? Xa nhất, có lẽ là chợ tỉnh.

Nhưng ước mơ đó tôi không thể nào thực hiện được. Tốt nghiệp đại học, lấy chồng, tôi vùi đầu vào mớ công việc chất chồng ở một cơ quan nhỏ mà chồng tôi xin giúp. Tôi sinh con, bé Ty kháu khỉnh và đáng yêu, giống tôi như đúc. Những chuyến đi vẫn cứ mãi là một giấc mơ. Không thể đưa mẹ đi chơi xa, tôi lại đợi bé Ty lớn hơn một chút vợ chồng tôi sẽ đưa con đi cùng khắp.

Ước mơ lại tan vỡ trong một chiều đi đón con, tôi thấy anh đèo sau lưng một phụ nữ trẻ trung hơn tôi. Bé Ty nói vống: “Ba, ba kìa mẹ ơi! Ba, đợi con…”. Rồi con bé òa khóc.

Khoảng cách giữa chúng tôi ngày một xa dần.

– Ba, cô váy đỏ hôm trước là ai vậy ba? Sao cô váy đỏ lại ngồi sau lưng ba, chỗ đó… là của mẹ mà?

Anh sững sờ trước câu hỏi của con. Tôi cũng ngạc nhiên. Và rồi nước mắt tuôn ra như mưa.

Anh đứng như trời trồng, định dỗ dành con bé bằng cái ôm hay véo yêu lên gò má phúng phính như mọi khi. Bé Ty quay đi, ùa vào lòng mẹ.

– Ty, không được hỗn với ba – Tôi rầy.

Con bé lại òa khóc. Anh bỏ đi. Cánh cửa đóng mạnh. Tôi ôm bé Ty ngồi trong phòng nghe rõ mồn một tiếng anh tra chìa khóa xe, đề máy, lên ga và phóng đi trong đêm tối.

Tôi không nhớ đêm ấy tôi với bé Ty đã khóc đến bao lâu. Tôi thấy mình cũng như đứa trẻ. Bé Ty khóc mệt rồi gối đầu lên đùi tôi ngủ một giấc tới sáng. Thi thoảng nó hét toáng lên và rồi lại chìm vào giấc ngủ.

***

Giờ thì chúng tôi đã có thể đi được cùng nhau. Không có mẹ, nhưng có bé Ty. Tôi đã không giữ tròn lời hứa với mẹ, rằng “giá nào cũng phải dẫn mẹ đi du lịch một chuyến”. Mẹ tôi ra đi trong một buổi chiều phía tây đỏ rực, mẹ nấn ná quét mớ lá mận trước sân nhà và rồi xây xẩm mặt mày. Mẹ ngã xuống, lặn khuất vào hoàng hôn hôm ấy. Được tin mẹ mất, tôi ôm bé Ty ra bến xe bắt chuyến sớm nhất về làng. Ngồi trên xe, lòng tôi trống rỗng. Tôi khóc đến khi về tới đầu làng thì hai mắt đã sưng húp. Những khi đi xa tôi sợ nhất là nghe tin dữ ở quê nhà, mấy lần mẹ bệnh, cô hàng xóm gọi điện lên thành phố báo tin cho tôi hay. Tôi nhấp nhỏm, thi xong môn cuối, tôi lập tức trở về để tận tay chăm sóc mẹ mình, đắp bù những lúc tôi đi xa để mẹ đơn chiếc trong ngôi nhà bao nhiêu năm vẫn không hề thay đổi. Giờ thì mẹ đã không còn. Mẹ về với gió. Lời hẹn hóa mây bay.

Tôi đưa con đi cùng khắp. Cô hàng xóm nói một câu an ủi trước khi tôi từ giã cô, khuân đồ đạc lên xe tải và rời khỏi căn nhà chia đôi, anh một nửa, tôi một nửa:

– Đàn ông, nhiều người bạc bẽo lắm! Phụ nữ mình cun cút hy sinh, vun vén… mà họ không có hay. Thôi họ không hiểu mình, thì mình cũng không cần thiết phải vì họ nữa. Mình sống, mình nuôi con, mình dạy con lớn lên đừng sống bạc bẽo… Đời vẫn trọn niềm vui.

Tự dưng lòng tôi ấm lại. Cô hàng xóm cũng là mẹ đơn thân. Việc của tôi bây giờ là phải giúp bé Ty trở lại là con bé hoạt bát, vui vẻ đúng với cái tuổi ô mai của nó. Bác sĩ bảo con bé bị sang chấn tâm lý. Bệnh tâm lý thì không có thuốc thang nào hiệu quả bằng cách làm ấm lại trái tim của con bé, để nó thấy mình vẫn còn được yêu thương, được lo lắng, được sống trong không khí của một gia đình đúng nghĩa.

Tôi đưa bé Ty đi khắp đất nước bằng số tiền tích cóp được mấy năm trời. Đi đến những nơi tôi đã từng ước ao, khao khát. Cuối thu đầu đông, tôi dẫn con bé lên cao nguyên đá Đồng Văn ngắm hoa tam giác mạch, ngắm ruộng bậc thang. Mùa xuân, chúng tôi ngang qua thị trấn Madagui lên Đà Lạt ngắm mai anh đào nở rộ khắp các cung đường. Núi đồi chìm trong sắc thông, sắc ngàn năm và mầu hồng của loài hoa đài các. Mùa hè, tôi lại dẫn bé Ty về Nha Trang tắm biển, ra Quy Nhơn ngắm hoàng hôn. Con bé có vẻ thích biển cả. Trước biển, tôi khóc nấc vì hạnh phúc khi nghe bé Ty lẩm nhẩm đọc mấy câu thơ, chuyện trò cùng mây trời và cát trắng:

Nghỉ hè với bố

Bé ra biển chơi

Tưởng rằng biển nhỏ

Mà to bằng trời…

Những câu thơ gợi lại không khí của một gia đình. Tiếc là vắng anh. Nhưng bé Ty sẽ trở lại là con bé kháu khỉnh ngày nào, sẽ không còn ù lì, sầu trĩu như bây giờ. Con tôi sẽ chấp nhận được sự thật và biết rằng, dù không có ba bên cạnh nhưng nó còn có mẹ yêu thương hết lòng.

***

Tôi đưa con về lại làng xưa.

Một lần ngồi trước Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, bé Ty vừa mút kẹo, vừa nói khẽ với tôi:

– Mình về quê mẹ ha.

Tôi hỏi:

– Quê nào, con?

– Quê ngoại đó. Về với ngoại. Về làng.

Tôi vịn tay con:

– Con nhớ ngoại, nhớ làng hả?

– Con nhớ lắm!

Phải rồi, bà ngoại là người thương Ty nhất. Hồi ngoại còn sống, lần nào về ngoại, Ty cũng ngủ cùng ngoại. Ngoại biết nhiều câu chuyện hay, đêm ngoại thường kể cho con nghe đến khi mắt nó khép lại và say ngủ trong mơ mộng. Những chuyến trở về ấy cho tôi một cảm giác ấm áp lạ thường. Cảm giác ấy chỉ có mẹ mới mang lại được.

Bao lâu rồi tôi không về thăm mẹ. Mộ mẹ cỏ xanh. Trời xanh biêng biếc. Bầu trời quê nhà vẫn luôn xanh. Tôi nhớ hồi nhỏ chỉ quanh quẩn ở làng, chiều lon ton chạy trên đồng thả diều và đêm đêm ngắm trăng hiền như cỏ…

– Mình về quê ngoại, nha Ty!

Con bé reo lên:

– Về ngoại. Chắc bà ngoại vui dữ lắm, mẹ ha.

– Vui chứ con. Ngoại thương mẹ, thương Ty lắm lắm!

Tôi nắm tay con đi giữa bến xe trong một sáng nắng nghiêng ngả liêu xiêu. Mua vé xong, chúng tôi lên xe, ngồi cạnh khung cửa. Bé Ty ngắm cảnh không được bao lâu thì đã ngủ. Còn tôi vẫn thức để suy nghĩ bao điều. Đã bao lâu rồi mình không ngồi trên chuyến xe đường dài để về lại quê nhà. Đã bao lâu rồi mình không ngồi nhổ tóc sâu cho mẹ như ngày xưa mẹ vẫn thường nhặt bông bưởi rụng nấu nước rồi nâng niu mái đầu mượt mà thơm phức của tôi. Đã bao lâu rồi tôi không tự tay giẫy mấy vạt cỏ mọc lam nham trên mộ mẹ, mộ mẹ giữa đồng khơi, cỏ xanh, dưới tầng trời thanh tịnh… Nước mắt tôi lưng tròng. Mẹ đã cho tôi nhiều thứ, còn tôi đã cho mẹ được những gì? Lớn lên, tôi như cánh chim rời xa mẹ, bay đi, rồi lấy chồng, rồi lao vào vòng đời thương đau. Hạnh phúc của tôi bấy giờ là Ty và hình bóng của mẹ. Nơi tôi quay về, bấy giờ chỉ còn là quê mẹ thương yêu…

– Ngủ đi con, rồi mẹ con mình sẽ về nhà với ngoại…

Tôi nói khẽ. Mắt tôi dần khép lại…

***

– Ty, con thấy không, làng ngoại kia rồi, nhà mình kia rồi, ngoại… kia rồi.

Tôi chỉ tay, lòng mừng như đứa trẻ lần đầu tiên xa nhà và rồi được quay trở về trong yêu thương bình an.

Mẹ tôi một đời vất vả, một đời tảo tần. Mẹ đã yên phần mẹ, mẹ nằm dưới đất sâu, dưới lớp cỏ xanh, mây trời hiền hòa ôm ấp. Mẹ luôn mạnh mẽ cho đến phút cuối cùng. Tôi cũng sẽ mạnh mẽ như mẹ để dẫn Ty qua bao nhiêu giông bão cuộc đời. Tôi sẽ dạy Ty những gì tốt đẹp nhất, rằng Ty phải sống tốt, lễ phép, chân thành, thủy chung… và luôn nhớ về nguồn cội.

Ty nhổ nắm cỏ trên mộ ngoại.

Tôi áp tai lên mộ mẹ. Nghe vọng về khúc hát xanh rêu…

Muộn phiền tan như khói.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Truyện ngắn: Khúc hát xanh rêu

Góc nhìn Phật tử 09:54 26/11/2024

Ty đã ngủ khi xe vừa chạy được một đoạn, sợ con mỏi, tôi đỡ bé Ty nằm dài trên ghế, đầu gối lên đùi tôi. Ngoài cửa kính, cảnh vật trôi dần về phía sau. Những núi, sông, đồng, biển đủ sắc mầu.

Mọi thứ đều có thể rời bỏ ta, nhưng chính ta thì không bao giờ bỏ rơi ta

Góc nhìn Phật tử 17:00 25/11/2024

Ta thực sự không phải những tiếng nói tiêu cực trong tâm trí, cũng không phải là những điều tích cực như là những cống hiến, hy sinh, những nụ cười hạnh phúc khi bên cạnh ai đó hay khi có được, đạt được điều gì đó. Mà ta thực sự chính là nguồn ánh sáng nhận biết.

Đường về nhà

Góc nhìn Phật tử 15:40 25/11/2024

Mỗi buổi sáng, tôi đều dành một khoảng thời gian để ngồi thiền trước hiên nhà, nơi có tán bồ đề xòe rộng che mát. Hơi thở nhè nhẹ, từng ý niệm trôi qua như những đám mây lặng lẽ trên bầu trời.

Thoát khỏi thói quen chỉ trích bản thân

Góc nhìn Phật tử 13:15 25/11/2024

Ngày nay, trong một thế giới đầy rẫy áp lực và sự so sánh, thói quen tự chỉ trích đã trở thành một phần không nhỏ trong cuộc sống của nhiều người.

Xem thêm