Từ bi, tình thương, Bồ Tát trong mỗi người
Nói đến Phật giáo người ta sẽ nghĩ ngay đến đạo Từ Bi – Cứu Khổ. Mà hình ảnh tuyệt với nhất có lẽ không ai khác đó là Bồ Tát Quán Thế Âm. Quán Thế Âm Bồ Tát là biểu tượng thân thuộc mà không một Phật tử thuần thành nào không biết tới.
Ý nghĩa ba ngày Vía của Bồ tát Quán Thế Âm – 19/02,19/06,19/09
Ở Việt Nam trong các ngôi chùa từ vùng quê cho tới thành thị, đâu đâu ta cũng có thể bắt gặp hình tượng của Ngài. Chỉ với cái tên gọi thôi cũng có thể thấy được hạnh nguyện độ sinh cao cả đến nhường nào. Danh hiệu của Bồ Tát thông thường các kinh điển nói tới 8 danh hiệu của Ngài như sau: 1. Quan Thế Âm Bồ Tát; 2. Quán Tự Tại Bồ Tát; 3. Quan Thế Tự Tại Bồ Tát; 4. Quan Thế Âm Tự Tại Bồ Tát; 5. Hiện Âm Thanh Bồ Tát; 6. Quan Âm Bồ Tát; 7. Cứu Thế Bồ Tát; 8. Quan Âm Đại Sĩ. Mọi người thường gọi tên thông dụng là Quán Thế Âm Bồ Tát. Quán觀 là xem xét, dùng bằng tâm trí để mà xem xét, chứ không chỉ là “Quan” sát bằng con mắt bình thường. Thế世 là đời, là thế giới vũ trụ toàn cầu. Âm 音 là âm thanh, tiếng. chúng ta có thể hiểu Bồ Tát luôn luôn quán xét tiếng kêu cầu của chung sinh của cuộc đời để mà cứu độ. Do tu pháp Nhĩ Căn Viên Thông thường “Phản văn văn tự kỷ” – nghe tính nghe nội tâm mình được chân tâm thanh tịnh, tâm nghe thông suốt mười phương, sáu căn dung thông như nhất. Bởi vậy, tự tại nghe suốt hết thảy âm thanh thế gian, mỗi phân biệt rõ ràng, có thể phân thân cứu độ chúng sinh khổ não chí thành xưng niệm danh hiệu.
Hạnh nguyện của Bồ Tát Quán Thế Âm được đề cập rất nhiều trong các kinh điển Đại Thừa. Các kinh điển hình mà Phật tử chúng ta thường đọc tụng là Chư Kinh Nhật Tụng, trong đó có ghi lại 12 lời thệ nguyện của Bồ Tát Quán Thế Âm, kế đó là kinh Ngũ Bách Danh với hạnh nguyện ứng hiện ra 500 hóa thân để tùy duyên tế độ. Kinh Lương Hoàng Sám, Vô Lượng Thọ, Kinh Bi Hoa, Kinh Đại Bi Đà Ra Ni… đều có đề cập đến hạnh nguyện Quán Âm. Đặc biệt nhất vẫn là kinh Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa phẩm Phổ Môn, Đức Phật Thích Ca ca ngợi hạnh nguyện riêng của Bồ Tát Quán Thế Âm như là một nguồn năng lượg chói sáng, siêu việt những đối đãi để lắng nghe và hóa giải những thanh âm thống thiết của cuộc đời. Câu kệ thâu tóm súc tích nhất có thể nói lên hạnh nguyện của Ngài là:
“Từ năng dữ nhất thiết chúng sanh chi lạc,
Bi năng bạt nhất thiết chúng sanh chi khổ”.
Trong cuộc sống ngày nay, Từ Bi hay nói đơn giản tục đế là tình thương thật là những món quà vô giá làm lên nhựa sống của cuộc đời. Chúng ta bắt gặp rất nhiều những câu chuyện như người đàn ông đâm chết vợ mình khi thấy cô ấy đi cùng một người đan ông khác. Những đứa con bất hiếu với cha mẹ, những mối quan hệ đau khổ bi kịch và hãi hùng, anh ta đã biến mình thành kẻ giết người. người ta sẽ cho đó là kẻ vô minh, ghen tuông, tàn ác… nhưng có lẽ ông ta thiếu tình thương. Thiếu đi tình thương vợ, thương con, thương gia đình, thiếu tình thương xã hội và thiếu tình thương cả đến bản thân mình. Chúng ta xẽ còn bắt gặp những câu chuyện như thế trong xã hội, thường ngày và nay mai. Phải chăng họ thiếu lòng từ bi, tình thương mà con người sẽ dám làm tất cả những gì tệ hại nhất từ đầu độc nhau bằng hóa chất thông qua thực phẩm giá rẻ nhưng nhiễm độc, cho đến vô vàn những việc làm khổ mình khổ người. Đại thi hào Nguyễn Du đã từng nói: “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay”. Không ai cảm nhận một cách sâu sắc nỗi đau sinh lão bệnh tử, ái biệt ly khổ, cầu bất đắc khổ… của con người bằng chính con người. Bởi lẽ, ai đã từng khổ đau vì đổ vỡ hạnh phúc, tuyệt vọng vì thất bại trong cuộc sống mới cảm nhận được giá trị của niềm khích lệ, chia sẻ và cảm thông. Một nụ cười một niềm động viên, một sự an ủi trong tình huống như thế sẽ là chiếc phao cứu sinh giữa bển đời đau khổ này.
Bồ Tát Quán Thế Âm, tín ngưỡng và triết lý
Mỗi người đệ tử Phật chúng ta hàng ngày thường vẫn siêng năng lễ bái, trì niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm, phải bằng tâm chuyên nhất không tạp loạn mới có thể được lợi ích lớn, được an vui trong trong sự độ trì của Bồ Tát. Bởi vì hữu cảm giai ứng, vô nguyện bất tòng niệm là luôn ghi nhớ luôn luôn không gián đoạn, từ đó phải biết chuyển hóa phát huy tự lực của mình. Tự lực và tha lực hợp nhất thì mới đạt được an vui hạnh phúc và đi thẳng tiến đến đạo Bồ Đề. Do đó, chúng ta cầu và nguyện phải luôn luôn xong hành. Cầu ước những điều bình an là lẽ thường tình của mỗi chúng sinh, nhưng cầu không thôi chưa đủ. Chúng ta phải nguyện, nguyện là hạnh nguyện nó phải được thực thi trong cuộc sống luôn luôn không ngừng, như tứ hoằng thệ nguyện là nguyện chung của Chư Phật, Bồ tát. Bồ Tát Quán Thế Âm có 12 nguyện lớn, Phật Di Đà có 48 đại nguyện, Phật Dược Sư có 12 đại nguyện… đó gọi là biệt nguyện. Mỗi hành giả lễ bái, trì niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm cũng chính là lắng nghe tiếng lòng của tự tâm, bằng tâm thanh tịnh dứt trừ vọng tưởng điên đảo, khiến cho tự thân được thấm nhuần trong chính pháp, mà vững chí tiến tu trong đạo nghiệp. Khi nào có người chuyên tâm chú niệm danh hiệu Ngài tức là người ấy đã chuyên chú đức tính Từ Bi của họ. Mỗi người phải phát khởi được lòng từ bi nơi mình, biến nó thành hành động việc làm (nguyện) trong cuộc sống đối với mỗi người xung quanh ta.
Nhà văn Nam Cao từng nói về sự ích kỷ của con người, ví như kẻ đau chân họ chỉ nhớ tới chân đau của chính mình mà thôi. Tình thương mà chúng ta hay thấy hàng ngày như anh em, vợ chồng, bạn bè…. Nó cũng chỉ là thứ tình thương đối đãi mà thôi, tức là họ chỉ thương yêu nhau khi 2 phía đáp ứng được những điều kiện nhất định cho nhau, nếu những điều kiện ấy không đủ hoặc mất đi thì tình thương ấy xẽ rạn vỡ và cái theo sau là khổ đau. Còn tình thương mang ý nghĩa của từ bi là bao la vô tận, là đồng thể đại bi không có bất cứ điều kiện nào. Vâng, mỗi khi nhắc đến hình tượng Bồ Tát Quán Thế Âm thì trong suy nghĩ của người Phật tử hoặc những vị mới biết đến đạo Phật đều nghĩ rằng: Ngài là vị Bồ Tát biết lắng nghe nỗi khổ của chúng sinh và sẵn sàng đưa tay cứu giúp. Quả đúng vậy, với hạnh nguyện lắng nghe nỗi khổ trong nhân gian, Bồ Tát Quán Thế Âm đã trở thành một hình ảnh, một biểu tượng quen thuộc như người mẹ hiền, luôn lắng nghe, cảm thông và chia sẻ những gì mà con người đã và đang gánh chịu. Hạnh nguyện đó rất gần gũi, thực sự cần đối với mọi người và rất thiết thực trong bối cảnh xã hội hôm nay.
Trong cuộc sống của chúng ta, trong mối quan hệ giữa con người với con người biết lắng nghe là một sự trân trọng và tôn trọng, vì qua đó sẽ chấp cánh cho mọi sự thấu hiểu và là cơ sở để dẫn đến những thành công. Thấu hiểu người khác sẽ làm chúng ta sống an nhiên và có nhiều sự chia sẻ hơn. Nhưng khi ta muốn thực tâm muốn hiểu người khác thì không thể nhìn vào hiện tượng mà ta phải nhìn vào nguyên nhân bản chất; động cơ đằng sau hành động đó. Để thấu hiểu người khác thì cách duy nhất là phải đặt mình vào vị trí của họ. Thiền sư Nhất Hạnh từng nói.
“Niếu không thể thấu hiểu
Bạn không thể yêu thương”
Kính ngưỡng Bồ Tát Quán Thế Âm theo tinh thần Phật giáo
Từ trong gia đình, nhà trường, và rộng lớn như xã hội thì hơn bao giờ hết, biết lắng nghe để rồi thấu hiểu nhau và chia sẻ cho nhau là tiền đề đưa đến một gai đình, một xã hội thanh bình, an lạc. Nếu như vợ chồng biết lắng nghe nhau thì muôn sự đều thành công. Cho nên người xưa nói “thuận vợ thuận chồng, biển đông tát cạn”. Thầy giáo lắng nghe tâm ý của học sinh muốn gì và ngược lại học trò lắng nghe thầy giáo truyền đạt kiến thức gì, anh em lắng nghe nguyện vọng của nhau, bạn bè lắng nghe cảm thông cho nhau có thể giải quyết được nhiều vấn đề, chắc chắn là muôn sự đều thành, không cần phải đi cầu xin Bồ Tát Quán Thế Âm bên ngoài làm gì.
Trong cuộc sống mưu sinh, nhân tình thế thái, với nhiều phiền não khổ đau, ở môi trường nào dù là ngang trái, nếp sống không lành mạnh, chúng ta phải luôn luôn giữ được tịnh niệm, không để dục vọng, si mê làm chủ ta. Chúng ta phải giữ lấy nhân cách như hoa sen trong bùn mà không vướng hôi tanh của bùn, như vậy thì Bồ Tát luôn bên cạnh ta để gia hộ che chở cho ta. Trong cuộc sống không sao tránh khỏi những sự việc không vừa lòng, trái mắt ngang tai, đối đầu với những người nóng giận, cãi vã, hơn thua, tranh chấp thì ngay nơi chính trong lòng Phật tử chúng ta trước hết phải bao dung, tha thứ và lúc nào cũng phản chiếu lại chính mình thì đức Quán Thế Âm sẽ hằng hữu trong mỗi người. Chính vì lòng dục, không tự làm chủ được nên chúng ta thường nóng giận, phiền não và dĩ nhiên cái ngu si sẽ có cơ hội sai khiến chúng ta làm những điều điên đảo, thấp hèn, gian trá, điêu ngoa.
Lễ niệm Bồ tát quán thế âm, cũng chính là chúng ta tưởng nhớ tới đức tính Đại bi ở nơi tự mình, tính tự mình thanh tịnh trí tuệ sáng soi mọi mê si đều tiêu tan. Chúng ta lòng từ luôn tràn đầy, rộng mở, thì phúc đức đầy đủ. Hiều và phát nguyện hành trì theo hạnh nguyện của Bồ Tát Quán Thế Âm được như vậy thì chắc chắn mọi mong cầu, ước muốn đều có thể thực hiện được. Nếu như chúng ta chỉ tôn thờ Ngài như một đấng thần linh tối cao ban phúc, thì thật là đã làm mất đi một hình ảnh cao cả của Bồ Tát. Đức Thích Ca đã từng nói; tôn thờ ta mà không hiểu ta chính là phỉ báng ta. Chúng ta tôn kính đức Quan Âm Bồ tát thì phải hiểu về hạnh nguyện của ngài, Bi tâm cảu Ngài rồi nhớ nghĩ suy tư. Phải biết học hỏi theo đó để áp dụng thực hành trong cuộc sống thực tại. Khi sống trong bản thể thanh tịnh trong một thế giới vô biên của Quán Thế Âm lòng mình, thì con người thật chúng ta sẽ sống mãi trong tan hợp đổi thay của cuộc đời. Chúng ta sẽ như Bồ Tát Quán Thế Âm hùng dũng, uy nghiêm, vững chãi đứng giữa đời dâu bể với bao thăng trầm đau khổ triền miên.
Chúng ta phải hiểu mình, rồi hiểu người lắng nghe xung quanh ta, rồi chia sẻ bao dung kiến tạo khổ đau thành an vui hạnh phúc trong hiện tại, phải biến mình là hóa thân học theo hạnh của Bồ Tát, có như vậy mới không hổ thẹn là đệ tử Phật. Nhân ngày khánh đản của Ngài, mỗi Phật tử dọn dẹp lòng mình cho thanh tịnh lắng trong đến trước tôn tượng uy nghiêm dịu hiền đỉnh lễ Ngài, niệm danh hiệu Ngài để rồi ta xẽ thấy Bồ tát trong lòng mình. Chúng ta cũng sẽ học tập theo Ngài, thị hiện vào đời, cùng góp bàn tay từ bi xoa dịu nỗi đau thương mất mát, cứu khổ cho chúng sanh với hạnh nguyện vị tha, vô úy thí.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Hạnh nguyện độ tha rạng ngời của Đức Phật A Di Đà
Góc nhìn Phật tử 11:35 14/12/2024Hướng về ngày 17/11 AL, ngày vía kỷ niệm Ngài, là khi những điều thiêng liêng cao cả nhất được tôn vinh, là cơ hội hy hữu để ta hướng tâm về hình ảnh đức Phật, hướng về hình ảnh của một bậc xuất trần thượng sĩ và tam thiên đại thiên thế giới của Ngài.
Tập điều chỉnh chính mình khi phát hiện mình bất ổn
Góc nhìn Phật tử 08:54 03/12/2024Này bạn, khi tâm trạng rơi vào trạng thái bất ổn, uể oải, hoặc cảm giác như năng lượng tích cực trong ta đã cạn kiệt, việc đầu tiên cần làm là ý thức rõ ràng về tình trạng của mình.
Tôi tin nhân quả
Góc nhìn Phật tử 13:57 02/12/2024Từ ngày tôi biết đến Phật pháp, câu kinh dạy về nhân quả: “Muốn biết cái nhân trước, hãy nhìn sự thụ hưởng ở hiện tại. Muốn biết cái quả sau, hãy nhìn việc làm hôm nay” luôn khắc sâu trong tâm trí tôi.
Truyện ngắn: Hương từ chữ bay ra…
Góc nhìn Phật tử 11:17 02/12/2024Mẹ về hưu sau mấy chục năm lăn lộn với nghề. Ngày đi làm cuối cùng để chia tay đồng nghiệp, mẹ mang về một bó hoa nhỏ và mấy tấm bằng khen đạt giải thưởng báo chí toàn quốc trong nhiều năm.
Xem thêm