Từ bi tức là Quán Thế Âm
Đó là lời dạy của Lục tổ trong kinh Pháp bảo đàn, một bộ kinh trọng yếu của Thiền Tổ sư. Mọi thứ đều quy tâm. Chúng sinh và Phật với cái nhìn hiện nay thấy phân hai rõ ràng. Ta, người, chúng sinh, Phật.
Tâm trong ta còn Phật và chúng sinh thì ngoài ta. Với cái nhìn của Nhất thừa, tất cả không có gì ngoài tâm. “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức”.
Chúng sinh, Tổ Mã Minh nói “là do tâm, ý, ý thức cùng sinh”. Chúng sinh ngoài tâm chỉ là bóng dáng của chúng sinh trong tâm. “Tâm sinh thì tất cả pháp sinh. Tâm diệt thì tất cả pháp diệt”. Nếu tâm, ý và ý thức chẳng sinh thì ngay đó là Phật. Phật hay chúng sinh đều từ tâm này mà ra. “Niệm trước mê là chúng sinh. Niệm sau giác là Phật”. Kinh Pháp bảo đàn nói: “Phật nhằm ở trong tánh mà tạo, chớ hướng ra ngoài mà cầu. Tự tánh mê tức là chúng sinh. Tự tánh giác tức là Phật. Từ bi tức là Quán Thế Âm. Hỷ xả gọi là Đại Thế Chí. Năng tịnh tức là Đức Thích Ca. Bình trực tức là Phật Di Đà. Nhân ngã ấy là núi Tu-di. Tà tâm là biển độc. Phiền não là sóng mòi. Độc hại là rồng dữ. Hư vọng là quỷ thần. Trần lao là rùa trạnh. Tham sân là địa ngục. Ngu si là súc sinh...”. Tức, là ngay đó mà không phải đó. Tâm chúng sinh, một niệm từ bi thì những niệm còn lại chưa hẳn đã từ bi, dù từ bi chưa hề thiếu vắng. Chưa hẳn thì niệm nào từ bi niệm ấy đang trong ranh giới của Quán Thế Âm, niệm nào chưa từ bi thì niệm ấy chưa phải là Quán Thế Âm. Trong khi Quán Thế Âm thì niệm niệm từ bi. Nói phải mà chưa phải là vậy.
Vua nước Câu-viêm-di tên là Ưu-đà-diên. Đệ nhất phu nhân của vua tên là Xá-ma, là một tín nữ trung thành của Phật. Bà thường hay thân cận dúng dường Như Lai và ca ngợi công đức của Ngài hết mực. Ngược lại, đệ nhị phu nhân, vì thiếu trí tuệ và hay có lòng ganh ghét nên thường tâu với vua rằng:“Đức Như Lai và hàng đệ tử có chỗ không chánh đối với đại phu nhân”.
Vua nghe xong giận lắm, lấy cung tên bắn phu nhân Xá-ma. Vì thương xót vua, phu nhân Xá-ma nhập từ tam muội. Tên vừa bắn ra, liền quay trở lại dừng ngay trước trán vua. Tên ấy cháy đỏ như một khối lửa trông rất đáng sợ. Vua bắn ra ba phát, chúng đều như vậy.
Vua Ưu-đà-diên thấy sự việc ấy, toàn thân lông tóc dựng đứng, kinh sợ hối hận nói với phu nhân:
- Khanh là tiên nữ hay long nữ, là Dạ-xoa, Càn-thát-bà nữ, Tỳ-xá-giá nữ, hay La-sát nữ?
Phu nhân Xá-ma trả lời:
- Thiếp không phải thiên nữ, cũng không phải La-sát nữ. Đại vương nên biết, thiếp nghe Đức Phật thuyết pháp, thọ trì 5 giới làm cư sĩ. Vì thương đại vương, thiếp nhập từ tam muội. Dầu đại vương sanh lòng bất thiện với thiếp, nhưng do bi nguyện nên thiếp không bị tổn hại.
Tam muội là chánh định. Có chánh định tức tâm không bị các niệm chúng sinh chi phối để rơi vào tán loạn. Không sợ hãi, không oán hờn, không ghét bỏ v.v… mà chỉ một tâm từ trải khắp, nên nói “nhập từ tam muội”. Muốn chúng sinh được an vui, ban an vui cho chúng sinh là bi nguyện của Bồ-tát. Trong kinh Lăng nghiêm, Quán Thế Âm bạch Phật “Bạch Thế Tôn! Con nhớ vô số hằng sa kiếp về trước, có Phật ra đời là Quán Thế Âm, từ Đức Phật đó mà con phát tâm Bồ-đề…”. Quán Thế Âm được truyền thừa từ Quán Thế Âm và hiện khởi ba mươi hai ứng hóa thân vào trong thế gian. Thiền sư Hàm Thị bàn: “Bản giác diệu tâm đó, nguyên chúng sinh cùng với Phật đồng một thể. Nay cùng với Phật đồng một thể nên hay đồng một từ lực. Cùng chúng sinh đồng một thể nên hay đồng một bi ngưỡng. Bi ngưỡng, là chúng sinh bi ngưỡng, cũng do giác tâm huân tập mà sinh bi ngưỡng, cũng do sức từ chiêu cảm khiến sinh bi ngưỡng. Chỉ đồng một bi ngưỡng cũng sinh sức từ vậy”. Như thế thì Quán Thế Âm là Quán Thế Âm hay chẳng phải là Quán Thế Âm? Bạn là Quán Thế Âm hay chẳng phải là Quán Thế Âm? Phải hay chẳng phải là nhị biên phân biệt. Nhận đó thì ba mươi hai ứng hóa thân liền mất. Cảm ứng đạo giao khó nghĩ bàn.
Phu nhân Xá-ma nói: “Dầu Đại vương sanh lòng bất thiện với thiếp, nhưng do bi nguyện nên thiếp không bị tổn hại”. Kinh Lăng nghiêm thì nói “Một là, do con không tự quán các tướng mà quán cái tâm năng quán, khiến cho chúng sinh khổ não trong mười phương quán âm thanh con, liền được giải thoát. Hai là, do con xoay tri kiến trở lại, khiến cho các chúng sinh vào trong lửa lớn, lửa không thể đốt cháy. Ba là, do con quán cái nghe xoay trở lại, khiến cho các chúng sinh bị nước lớn cuốn đi mà không chết chìm. Bốn là, do con diệt hết các vọng tưởng, tâm không sát hại, khiến cho các chúng sinh vào các nước quỷ, quỷ không thể hại được…”. Do năng lực tu hành như thế mà tự lực tha lực cảm ứng bày hiện lẫn nhau. Nếu bản thân có bi ngưỡng, nghĩa là phần tự lực đã thông được với bi từ của Quán Thế Âm thì không nạn tai nào có thể xâm hại, nếu có chỉ do bi nguyện, không thể nghĩ bàn. Nếu năng lực tu hành chưa đủ thì như Thiền sư Hàm Thị nói “hoàn toàn phải nhờ vào việc xưng danh hiệu”. Do việc trì niệm ấy mà cảm được lực gia trì của Quán Thế Âm. Thành tuy nói tha lực mà thực vẫn cần vào tự lực trì danh, mọi thứ mới ứng hiện.
Nhờ niệm Phật mà với chư Phật thì nhận được từ lực, với chúng sinh hữu duyên đương nhiên cũng trao được từ lực.
Giới nếu giữ kỹ thì có thể dùng đó hồi hướng cho kẻ hữu duyên đồng giữ giới. Giới giữ được thì các nạn tai như bệnh tật, chết yểu, nạn tai, thiên tai, cướp giật, quan tham v.v… đều không động được đến thân.
Cho nên, niệm Quán Thế Âm mà niệm lại tự tánh của chính mình, tức vào chánh định là từ văn, tư, tu, rồi năng văn và sở văn đều dứt, tiến lên năng giác sở giác đều không, và rốt sau là năng không sở không đều diệt, bản tánh tịch diệt hiện tiền, thì bi từ hiển hiện, ba mươi hai ứng hóa thân do chỗ cảm của chúng sinh tự nhiên ứng hiện, chẳng phải thật có thân nào.
Nếu có thể nhất tâm trì danh Quán Thế Âm thì chẳng phải đợi vãng sinh mới có Cực lạc. Ngay thế gian này đã có thể thoát khỏi nạn tai, là hiện thực an vui của chúng sinh. Quan trọng là, y đó chúng ta luôn thấy vững tin với cuộc sống đầy tai ương hoạn nạn này, là lý do thứ hai khiến chúng ta nên niệm Phật nếu không tu thiền.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Pháp tu soi gương
Kiến thức 15:52 05/11/2024Pháp thoại này Thế Tôn dạy Tôn giả La-vân (La-hầu-la) quán chiếu về thân nghiệp giống như đang soi gương thấy rõ mặt mình dơ hay sạch. Nếu không soi gương, chúng ta sẽ không biết mặt mình như thế nào.
Ác nghiệp đã trót gieo, phải làm sao để ác báo không trổ ra?
Kiến thức 10:35 05/11/2024Mỗi ngày chúng ta đều gieo trồng những nhân thiện, ác lẫn lộn. Những nhân này tuyệt đối không hề mất đi, nó được lưu trữ trong tàng thức của chúng ta. Quá trình từ nhân đi đến quả đều cần phải có duyên. Vậy làm sao để tránh được duyên ác?
Đi về phía an lạc hạnh phúc
Kiến thức 09:20 05/11/2024Kinh Trường bộ ghi: Đường này đến an lạc giải thoát Niết bàn, chấm dứt khổ đau; Đường kia đến ưu phiền não loạn khổ đau trong sinh tử luân hồi, các người muốn đi đường nào?
Muốn mau lành bệnh
Kiến thức 07:03 05/11/2024Ai cũng biết Đức Phật ngoài mười hiệu tôn quý còn được xưng tán là Y vương, bậc thầy của các thầy thuốc trong việc trị liệu tâm bệnh của chúng sanh. Không chỉ chữa trị tâm bệnh, Đức Phật còn là một vị thầy thuốc đúng nghĩa chữa trị cả thân bệnh nữa.
Xem thêm