Tu sĩ và nông dân
Nếu đã khoác cho mình pháp phục nhà Phật rồi thì nên nỗ lực tu tập từng ngày, đừng để những ham muốn nhỏ nhặt lôi cuốn rồi đánh mất mình. Chăm sóc ruộng phước bởi những thiện pháp để chúng sinh gieo trồng phước đức.
Có rất nhiều lời nhận xét theo hướng tiêu cực trên các trang mạng xã hội, mỗi khi Phật giáo dậy sóng một vài sự việc không đáng xảy ra trong nếp sống tu tập. Trong hàng loạt lời chửi bới, la ó, nguyền rủa đó, ý kiến được nhiều người nghĩ đến nhất là những vị tu sĩ đều là ăn bám xã hội, ở ngoài không làm được gì nên mới vào chùa đi tu, nhác làm ăn nên mới vào chùa… Vì trong ấn tượng của họ, màu áo nâu sòng thường xuất hiện trong các đám ma, ếm bùa, trục vong, làm những trò mê tín dị đoan. Còn những lúc quý Thầy đi làm Phật sự, làm từ thiện, thuyết pháp… thì họ lại bỏ mặc, họ không thấy được những điều đó.
Trong kho tàng kinh điển mà đức Phật để lại, có một bài kinh liên quan đến vấn đề trên, đó là bài kinh Canh Điền, số 98 trong tập Tạp A-hàm. Nội dung như sau:
“Tôi nghe như vầy. Một thời, đức Phật từ Câu-tát-la du hành trong nhân gian đến trụ trong rừng Nhất-na-la, tại tụ lạc Nhất-na-la. Bấy giờ, đức Thế Tôn đắp y mang bát vào tụ lạc Nhất-na-la khất thực. Rồi Thế Tôn nghĩ: “Nay trời còn quá sớm. Giờ Ta hãy đi đến chỗ phân phát ẩm thực của Bà-la-môn làm ruộng là Bà-la-đậu-bà-giá”. Bà-la-môn chuẩn bị đủ năm trăm cái cày, đang phân phát ẩm thực. Từ xa, Bà-la-môn cày ruộng Bà-la-đậu-bà-giá nhìn thấy đức Thế Tôn, bèn thưa rằng:
- Bạch Cù Đàm, nay tôi cày ruộng, gieo giống để cung cấp lương thực. Vậy Sa-môn Cù Đàm cũng nên cày ruộng gieo giống để cung cấp lương thực!
Phật bảo Bà-la-môn:
- Ta cũng cày ruộng gieo giống, để cung cấp lương thực.
Bà-la-môn bạch Phật:
- Tôi không thấy Sa-môn Cù Đàm sắm cái cày, cái ách, dây buộc, cái bừa, hay cái roi, mà nay Cù Đàm lại nói: Ta cũng cày ruộng, gieo giống, để cung cấp lương thực!
Lúc ấy, Bà-la-môn cày ruộng Bà-la-đậu-bà-giá liền nói kệ rằng:
“Người tự nói cày ruộng Mà không thấy cái cày Lại bảo tôi cày ruộng Xin cho biết phép cày”.
Bấy giờ, đức Thế Tôn nói kệ đáp lại rằng:
“Tín tâm là hạt giống
Khổ hạnh mưa đúng mùa
Trí tuệ là cày, ách
Tàm quý là cán cày
Tự gìn giữ chánh niệm
Là người giỏi chế ngự
Giữ kín nghiệp thân, miệng
Như thực phẩm trong kho
Chân thật là xe tốt
Sống vui không biếng nhác
Tinh tấn không bỏ hoang
An ổn mà tiến nhanh
Thẳng đến không trở lại
Đến được chỗ không lo
Người cày ruộng như vậy
Chứng đắc quả Niết-bàn
Người cày ruộng như vậy
Không tái sinh các hữu”.
Đại lão hòa thượng Thích Phổ Tuệ - Lão nông tăng 105 tuổi trong ngôi cổ tự
Bấy giờ, Bà-la-môn cày ruộng Bà-la-đậu-bà-giá bạch Phật rằng:
- Cù Đàm rất giỏi cày ruộng! Cù Đàm cày ruộng thật hay!
Rồi thì, sau khi nghe đức Thế Tôn nói kệ, tín tâm đối với ông càng tăng, Bà-la-môn cày ruộng Bà-la-đậu-bà-giá đem dâng cúng Phật một bát đầy đồ ăn thức uống thơm ngon. Đức Thế Tôn không nhận, vì có được là do nói bài kệ. Ngài bèn nói kệ rằng:
“Không vì việc nói pháp
Nhận ăn thức ăn này
Chỉ vì lợi ích người
Nói pháp không thọ thực…”.
Qua bài kệ mà đức Thế Tôn trả lời Bà-la-môn, chúng ta thấy người nông dân cày cấy tối ngày, muốn thu hoạch được những hương thơm lúa tốt thì cần phải trang bị cho mình đầy đủ các thiết bị cần thiết để việc làm nông diễn ra được thuận lợi, và hơn hết là bỏ công sức ra thật nhiều, nỗ lực mới làm được. Người xuất gia cũng tương tự, muốn đạt được đạo quả thì cần trang bị những điều mà đức Phật đã dạy trong câu kệ, đó là: tín tâm, khổ hạnh, trí tuệ, tàm quý, chánh niệm, giữ kín nghiệp thân miệng, chân thật và tinh tấn.
Thứ nhất là tín tâm:
Tín tâm là tự trong nội tâm có một niềm tin mạnh mẽ, quyết đoán, có được nhờ vào sự hiểu biết, dày công tư duy. Điều này làm nền tảng cho việc phát sinh những việc tốt lành về sau. Vậy chúng ta cần tin vào những điều gì?
1. Tin vào tự tánh chân như của chính mình: Luôn nghĩ rằng mình có pháp chân như, rỗng rang sáng suốt với vô lượng công đức thanh tịnh.
2. Tin Phật: Vì Phật là một vị đã hoàn toàn giác ngộ, giải thoát, nên cần phải phát nguyện suốt đời tin tưởng theo Phật, nhằm hướng đến sự giải thoát mà chính Ngài đã nhân chứng cho nhân loại.
3. Tin Pháp: Pháp là chân lý, là những sự thật mà đức Phật đã khám phá ra và truyền lại cho chúng ta. Ta tin những giáo lý ấy, vì người nói ra là đức Phật, đã thân chứng được và đã giác ngộ được nhờ giáo lý ấy.
4. Tin Tăng: Tăng là người thực hành các giáo lý của Phật để giác ngộ mình và người, là người thay Phật đưa cao ngọn đuốc chánh pháp sáng ngời, để soi đường cho chúng sinh. Vì thế, ta cần quy hướng về Tăng.
Chiếc áo người tu sĩ là chiếc áo lịch sử
Thứ hai là khổ hạnh:
Trước khi thành Phật, đức Phật đã trải qua việc khổ hạnh và thấy không kết quả. Vậy tại sao Ngài lại đưa phép khổ hạnh vào đây? Người viết nghĩ rằng việc sống thiểu dục tri túc, nên biết giới hạn ham muốn của mình lại, không cần đến mức ép thân xác quá ngưỡng chịu đựng để việc tu học sẽ bị ảnh hưởng. Không nghĩ đến việc ăn ngon mặc đẹp, chỉ cần ăn đủ no, áo mặc đủ ấm là được. Nếu ở đời, chúng ta dành nhiều thời gian để chăm chút vào việc ăn, ngủ, xuôi ngược dòng đời để kiếm chút danh lợi mang theo, rồi tìm cách nào đó để có thật nhiều tiền... thì ngược lại với những việc bình thường như thế. Khi bước qua cửa “không” rồi thì ta hãy nỗ lực hết sức giảm thiểu những việc đó lại, dần dần đi đến dứt bỏ.
Thứ ba là trí tuệ:
Trí tuệ trong nhà Phật là trí tuệ sáng suốt, thâm nhập được chân tướng của vạn pháp. Trí tuệ ấy không có sự phân biệt, bởi phân biệt là tác dụng của vọng thức mê lầm. Để có được thì hành giả cần phải thiền định, làm lặng sạch các vọng tưởng, để nó phát huy được tối đa nhiệm vụ là thông suốt được sự thật vốn dĩ của các pháp; là căn nguyên phát sinh mọi việc vĩ đại để giải thoát chúng sinh. Việc tu tập để phát sinh được trí tuệ được ví như hành giả đang tự đóng cho mình một con thuyền lớn để vượt ra biển sinh lão bệnh tử, như tự thắp lên không những cho bản thân mà cho hết thảy chúng sinh một ngọn đèn sáng nhất để xóa trừ hắc ám vô minh, hay là đang bào chế thần dược cho mọi kẻ bệnh tật…
Thứ tư là tàm quý:
“Tàm” là tự mình thấy xấu hổ, hối hận khi làm việc sai lầm, tội lỗi. “Quý” là tự mình hứa với bản thân rằng sẽ không làm những sai trái nữa. Vì có tàm quý nên hành giả biết vươn lên sửa đổi lỗi lầm, làm cho đạo hạnh và trí tuệ được phát triển. Nhờ việc đó mà sẽ hiểu rõ mình hơn, cũng xác lập được vị trí cũng như phẩm chất của các đối tượng, để bản thân có thái độ cư xử hợp lý trong tinh thần kính trọng và thương yêu. Đức Phật cũng đã từng dạy trong kinh Di Giáo rằng: “Sự hổ thẹn là phục sức đẹp nhất trong mọi thứ phục sức... Mất hổ thẹn là mất công đức, có hổ thẹn là có thiện pháp, không hổ thẹn thì không khác gì cầm thú…”.
Thứ năm là chánh niệm:
Theo như Sư ông Làng Mai định nghĩa lại một cách giản dị dễ hiểu, thì chánh niệm là năng lượng có khả năng nhận diện được bất cứ những gì đang xảy ra ngay ở thực tại. Khi ta đang làm việc gì, ta phải biết được việc chúng ta đang làm. Khi có một cảm xúc vui, buồn, sợ, chán… thì ta cũng biết được rằng lúc đó ta đang có cảm xúc đó.
Thứ sáu là giữ nghiệp thân và miệng:
Giữ nghiệp thân và miệng là chúng ta không nên sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không dối gạt người, không nói lưỡi đôi chiều, không nói lời hung dữ, không dùng lời phù phiếm. Những điều đó là những điều trong hạnh tu Thập thiện. Người xuất gia hay cư sĩ tại gia, nếu hiểu và làm được những điều đó thì ngay đời sống hiện tại cũng đã được nhiều người yêu mến, tôn trọng, và cũng là những bước đi căn bản đầu tiên của các vị Hiền Thánh thoát khỏi sinh tử luân hồi, chứng quả Vô Thượng.
Thứ bảy là chân thật:
Trong chú giải Hạnh Tạng định nghĩa chân thật như sau: “Chân thật có đặc tính không dối trá trong lời nói; chức năng, phận sự của chân thật là kiểm chứng trung thực với thực tế; biểu hiện, thành tựu của chân thật là cao quý; cận nhân của nó là trung thực”. Có nghĩa là sự chân thật qua thân, khẩu và ý. Để chứng ngộ Tứ Thánh đế, ta cần trung thực, chân thành với bản thân mình, và điều này có nghĩa là trung thực với các pháp hiện khởi như chúng là. Thiện pháp là thiện pháp, và bất thiện pháp là bất thiện pháp; chúng không thể khác đi, bất kể sinh khởi nơi mình hay người khác.
Thứ tám là tinh tấn:
“Tinh” là tinh chuyên một việc không có xen tạp một thứ gì khác. “Tấn” là tiến tới mãi mãi không dừng, không gián đoạn hay thối lui. Theo nghĩa thông thường là siêng năng chuyên cần, cũng là một động lực mạnh mẽ thúc đẩy mọi người đi đến thành công trong việc đời cũng như việc đạo. Ở đời, cho dù người có một núi tiền đi chăng nữa, nhưng không cần mẫn làm việc thì núi tài sản kia dần dần sẽ cạn kiệt và trở thành người nghèo khó. Nếu trong đạo mà lười biếng giãi đãi, không tinh tấn thức khuya dậy sớm tham thiền, tụng kinh, niệm Phật… cứ biếng nhác qua ngày đoạn tháng thì ngay hiện tại đã không có ích cho đạo pháp, mà sau khi mất đi phải mang lông đội sừng trả nợ cho đàn na tín thí.
Nhìn lại chúng ta một lần nữa, nếu đã khoác cho mình pháp phục nhà Phật rồi thì nên nỗ lực tu tập từng ngày, đừng để những ham muốn nhỏ nhặt lôi cuốn rồi đánh mất mình. Chăm sóc ruộng phước bởi những thiện pháp để chúng sinh gieo trồng phước đức. Và đức Phật cũng đã nhấn mạnh rằng mục đích nói pháp của hàng tu sĩ là để chúng sinh thoát khỏi bờ mê chứ không phải để kiếm miếng ăn.
Xem thêm video: "Đức Phật hữu tình hay vô tình":
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Tình mẹ - Bến bờ bình yên cho con
Góc nhìn Phật tử 20:21 04/11/2024Tình yêu thương của người mẹ dành cho con là tình cảm sâu sắc, thiêng liêng và bền bỉ nhất trên đời.
Kích hoạt sự giàu có của bạn trong đời
Góc nhìn Phật tử 13:30 03/11/2024Bạn nhận ra được những giá trị nơi bản thân và có thể trao tặng những giá trị này đến cuộc đời, cuộc đời sẽ tặng bạn lại sự thịnh vượng và giàu có. Lúc bấy giờ giàu có là hệ quả tất yếu của hành động trao giá trị.
Sự tiến hóa nào cũng cần đánh đổi
Góc nhìn Phật tử 09:50 02/11/2024Nhân duyên quả là một tiến trình mà không phải mắt thường có thể nhìn thấy, nếu không nội quán huân tu, khai mở tâm trí để thấy rõ cội nguồn tử sinh mà thôi tạo tác, thì mỗi chúng sanh phải chịu từng khổ vui của sự sống chết để học hết bài học của nhân quả, ái luyến, chấp thủ, luân hồi...
Hạnh phúc khi biết an trú tâm trong hiện tại, bây giờ và ở đây
Góc nhìn Phật tử 08:30 02/11/2024Có một người khi sanh tiền rất hiền lương, hay giúp đỡ người khác nên sau khi chết sanh lên thiên giới và được phong làm thiên sứ. Thiên sứ thường xuống trần gian làm việc thiện, giúp đỡ người khác để cảm nhận hương vị của hạnh phúc.
Xem thêm