Nhân cách người tu sĩ
Trong bối cảnh xã hội khủng hoảng, con người bị cuốn trong cơn lốc văn minh, văn hóa ngoại lai sôi động, tư cách đạo đức của người tu sĩ đang đối diện những thử thách rất lớn. Nhân cách người tu sĩ được quan tâm hơn bao giờ hết, vì đó chính là mạng mạch, là sự tồn vong của Phật pháp.
Nền giáo dục Phật giáo được Đức Phật khai phá cách đây gần 26 thế kỷ. Đó là nền giáo dục của trí tuệ, của tình thương, đem lại cho mọi người nhiệt tình sống, cuộc sống đạo đức, cuộc sống tâm linh cao cả, cuộc sống trong sáng, thanh tịnh, đầy lòng bao dung… Ngài đã thiết lập một đoàn thể tu sĩ, những người nguyện sống cuộc đời tỉnh thức, luôn luôn quan sát và phân tích để không bị ảo ảnh vật chất cuộc đời.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thực trạng xã hội khủng hoảng ngày nay, con người bị cuốn trong cơn lốc văn minh vật chất, văn hóa ngoại lai sôi động, tư cách đạo đức của người tu sĩ đang đối diện những thử thách rất lớn. Nhân cách người tu sĩ được quan tâm hơn bao giờ hết, vì đó chính là mạng mạch, là sự tồn vong của Phật pháp. Là người con Phật, học theo giáo pháp của Ngài, chúng ta không thể thờ ơ với cuộc sống, không đòi hỏi những hạnh phúc vật chất, không tham cầu bất chánh, mà hàng ngày sống thực hành những lời Phật dạy, trau dồi nhân phẩm được biểu hiện trong mối quan hệ qua lại với con người, với tập thể, với xã hội và cả với thế giới tự nhiên xung quanh trong mọi cái nhìn xuyên suốt quá khứ, hiện tại và tương lai.
Nhân cách người tu sĩ rất cần thiết để thành tựu một Tỷ kheo thanh tịnh và phát triển Tăng đoàn. Nói cách khác, nhân cách người tu sĩ chính là nguồn sinh lực của Tăng già, và là kim chỉ nam cho sự sinh hoạt Tăng đoàn.
Yếu tố cơ bản để xây dựng nhân cách
Người tu sĩ là bậc "thiên nhân chi đạo sư", là bậc Thầy của trời người cần phải xây dựng một nhân cách hoàn bị, là mẫu người đạo đức. Như Đức Phật đã từng dạy các tỳ kheo tại Alabegila về nhân cách tương đối của con người: "Thủ trưởng giả có 8 pháp vị tằng hữu. Những gì là tám? Thủ trưởng giả có thiểu dục, có tín, có tàm, có quý, có tinh tấn, có niệm, có định, có tuệ.
"Nói Thủ trưởng giả có tàm là do nhân gì? Thủ trưởng giả thường hành xấu hổ, điều gì đáng xấu hổ thì biết xấu hổ, xấu hổ đối với các ác bất thiện, phiền não ô uế đưa đến thọ các ác báo, tạo gốc sanh tử. Nói Thủ trưởng giả có tàm, là do nhân đó mà nói.
"Nói Thủ trưởng giả có quý là do nhân gì? Thủ trưởng giả thường hành sự hổ thẹn, điều nào đáng thẹn thì biết thẹn, thẹn đối với các ác bất thiện, phiền não ô uế đưa đến các ác báo, tạo gốc sanh tử. Nói Thủ trưởng giả có quý, là do nhân đó mà nói.
"Nói Thủ trưởng giả có tinh tấn là do nhân gì? Thủ trưởng giả thường hành sự tinh tấn, trừ ác và bất thiện, tu cá thiện pháp, có ý tưởng ngồi dậy, chuyên nhất và kiên cố, tạo gốc rễ thiện, không hề bỏ sự tinh cần. Nói Thủ trưởng giả có tinh tấn, là do nhân đó mà nói. (Trung A Hàm, Kinh Thủ Trưởng Giả II, Phẩm Vị Tằng Hữu Pháp, bản dịch của TT. Thích Tuệ Sỹ).
Nhân cách người tu sĩ còn được xây dựng và hình thành do các thành tố phẩm chất cơ bản của tâm ý, cách ứng xử, phẩm hạnh đạo đức, lòng khiêm tốn, tính bao dung.
Tâm ý là lý tưởng sống, những động cơ, những định hướng giá trị, những triết lý sống, những niềm tin của mỗi người tu sĩ với "tâm hình dị tục, thiệu long thánh chủng phát túc siêu phương". Để thực hiện được hoài bão như vậy, điều quan trọng trong nhân cách người tu sĩ là rèn luyện cái tâm ý ngày càng trong sáng, hướng thiện, có chữ nhân, có lòng khoan dung, không còn các cấu uế phiền não trong tâm thức.
Đức Phật dạy rằng, một người thực hành 10 điều bất thiện thì cuộc sống của họ là phi đạo đức, đồng thời không đạt được mục tiêu hạnh phúc: "Này các Tỳ kheo, sát sanh, lấy của không cho, tà hành trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, nói lời phù phiếm, tham lam, sân hận và tà kiến, đây gọi là phi pháp và phi mục đích" (Kinh Tăng Chi III). Ngài khuyên mọi người nên sống đúng theo 10 điều thiện, sống phù hợp với nguyên tắc đạo đức và quy luật của hạnh phúc.
Đức Phật dạy: "Này các Tỳ kheo, do nhân tham, sân, si mà có sát sinh, lấy của không cho, tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, nói lời phù phiếm. Như vậy, tham là nhân duyên cho nghiệp sanh khởi, sân là nhân duyên cho nghiệp sanh khởi, si là nhân duyên cho nghiệp sanh khởi; ngược lại tham sân si đoạn diệt thì nghiệp đoạn diệt"(Kinh Tăng Chi III). Sự phát triển nhân cách là khai triển sâu và rộng hơn ở ba động lực thiện và bất thiện bên trong tâm ý này.
Đạo Phật chú trọng vào động cơ tâm ý, hay ý nghiệp, điều đó không có nghĩa là coi thường hành vi việc làm và lời nói. Phật giáo thường đi sâu vào động lực tâm ý của con người. Những động lực tâm ý ấy trở thành nhân cách có tác dụng phòng ngừa và làm cho người tu sĩ trở nên thánh thiện. Người nào chế ngự được ngay, Mắt, tai, mũi, lưỡi: lành thay vô ngần!, Lại thêm chế ngự được thân, Cũng như lời nói và tâm ý mình, Nói chung quả thật tài tình! Tỳ Kheo nào bản thân mình thật hay, Chế ngự xong mọi điểm này, Khổ đau giải thoát, đọa đày tiêu tan. (Pháp Cú 361).
Một người xuất gia chân chính, trước tiên chúng ta cần hiểu rõ sự quan trọng của một cuộc sống có kỷ cương, phép tắc, giới luật. Nếu không có kỷ luật trong đời sống tu hành, chúng ta khó khắc phục được dục vọng phiền não. Bởi vì, vọng tưởng ý dục như con trâu điên, có thể dụ dỗ, lôi kéo ta vào đường ma lối quỷ. Nhiều người muốn thực hiện sự chuyển hóa bản thân, nhưng tập khí nhiều đời cứ đưa đẩy họ vào con đường luân lạc, vì không khéo tổ chức một cuộc sống khuôn khổ, nề nếp. Vì thế, lúc sắp nhập Niết bàn, Đức Phật đã dạy các đệ tử phải lấy giới luật làm Thầy.
Quả thực giới luật là bậc Thầy cao cả của hàng đệ tử Phật. Dù chúng ta đang tu theo pháp môn nào, cũng phải theo lộ trình Tam vô lậu học là Giới - định - Tuệ. Giữ giới là dừng mọi việc ác, làm mọi hạnh lành, tạo dựng cho mình một đời sống căn bản đạo đức. Người xuất gia muốn xây dựng lầu cao trí tuệ, phải xây đắp nền móng giới luật vững vàng. Bao nhiêu thiện, ác vượt xong, Tu hành thanh tịnh, tác phong cao vời, Sống đầy hiểu biết ở đời, Xứng danh được gọi là người Tỳ Kheo. (Pháp Cú 267)
Người không đức không hạnh giống như con chim học tiếng người, và những giáo pháp nói ra từ vị tu sĩ đó trở thành bánh vẽ, mà bánh vẽ sao no bụng đói!Không giới luật ta không trở về được với tâm hoàn toàn sáng suốt giác ngộ. Tâm sáng suốt giác ngộ là tâm Phật. Vì vậy trong luật đã nói: "Nhơn giới sanh định, nhơn định phát huệ.
Thứ cơ thành tựu thánh đạo, bất phụ xuất gia chi chí hỷ."
Tích cực gìn giữ cấm giới là nội dung đầu tiên và căn bản, luôn được đề cao và nhắc nhở trong suốt cuộc đời hành đạo của người xuất gia. Từ bước căn bản đầu tiên ấy, người xuất gia mới xứng đáng là Trưởng tử Như Lai, là bậc pháp khí trong hàng Tăng bảo, đem Phật pháp xây dựng thế gian, làm cho Phật pháp xương minh, tất cả chúng sanh đều nhuần ơn pháp vũ. Tỳ kheo ngôn ngữ thuần rồi, Nói câu khôn khéo, tránh lời tự cao, Thì khi giảng Pháp ngọt ngào, Muôn phần êm dịu, xiết bao rõ ràng. (Pháp Cú 363).
Hoàn thiện nhân cách
Sự hoàn thiện về nhân cách đó là tiến trình nỗ lực tu tập của vị tỳ kheo trên nền tảng chú tâm cảnh giác ban ngày cũng như ban đêm, trong các hành động gột sạch tâm trí khỏi các chướng ngại pháp: "Ðệ tử Gotama, Luôn luôn tự tỉnh giác, Vô luận ngày hay đêm, Thường tưởng niệm chánh pháp" (Pháp Cú 297). đạo lộ tuần tự tu tập, kinh Toán số Mục Kiền Liên (Trung A-hàm 144) và kinh Ganaka Moggallana (Trung bộ kinh 107) đưa ra như sau:
a. Thầy tỳ kheo giữ gìn giới hạnh, sống chế ngự với sự chế ngự của giới bổn, có oai nghi chánh hạnh, thấy sự nguy hiểm trong những lỗi nhỏ nhặt, thọ trì và học tập các học giới.
b. Thầy tỳ kheo hộ trì các căn, khi mắt thấy sắc không nắm giữ tướng riêng, không nắm giữ tướng chung, những nguyên nhân gì làm cho tham ái, ưu bi khởi lên thì chế ngự đoạn trừ nguyên nhân ấy , thinh, hương...cũng vậy.
c. Thầy tỳ kheo tiết độ trong ăn uống, chân chánh quan sát ăn không để vui đùa, đam mê, trang sức cho thân mà chỉ để khỏi tổn hại thân, để giữ gìn phạm hạnh...
d. Thầy tỳ kheo được huấn luyện chú tâm cảnh giác ban ngày cũng như ban đêm, trong các hành động gột sạch tâm trí khỏi các chướng ngại pháp.
e. Thầy tỳ kheo được huấn luyện chánh niệm tỉnh giác trong mọi động tác của thân thể khi đi đứng nằm ngồi...đều ý thức việc mình đang làm.
f. Thầy tỳ kheo được huấn luyện ngồi thiền ở một nơi thanh vắng, kiết già lưng thẳng, an trú niệm trước mặt, gột sạch tâm trí khỏi 5 triền cái...chứng sơ thiền cho đến tứ thiền...
Chúng ta cũng không thể mong đạt đến chân lý tuyệt đối khi trí huệ còn mờ ám vô năng "Giai đoạn tu học trước mắt Tăng Ni sinh là giai đoạn nặng nề trách nhiệm đối với sự hưng suy của Phật pháp. Những trầm tư thao thức về Chánh Pháp sẽ làm trong sáng tư duy và tình cảm của người tu sĩ. Khác đi, là những gì u ám được đợi chờ." (HT. Chơn Thiện). Do vậy, tu - học là hai vế không thể thiếu được với mỗi người tu sĩ trẻ để thấy rõ và thành tựu trí huệ. Cư sĩ Chánh Trí – Mai Thọ Truyền cũng có nói: "Tu mà không học là tu mù, học mà không tu là đãy sách" Từ đó mới thấy: "Tu mà có học đường đạo vững bền, học mà có tu trí tuệ thêm sáng." Chính tâm nguyện đó, cư sĩ đã trở thành một trong những người có tâm huyết trong phong trào chấn hưng Phật giáo, trang bị kiến thức hoàn thiện nhân cách cho tu sĩ cũng như người Phật tử.
Kinh A-na-luật-bát-niệm chép: "Tôn giả A-Na-Luật ở bên bờ suối thanh vắng ngồi suy nghĩ rằng: ‘Đạo pháp là ít ham muốn, ham muốn nhiều không phải đạo pháp. Đạo pháp là biết vừa đủ, không biết vừa đủ không phải đạo pháp. Đạo pháp là thanh vắng, ồn ào khoái lạc không phải đạo pháp. Đạo pháp là tinh tiến, biếng nhác không phải đạo pháp. Đạo pháp là chế ngự tâm ý, tâm ý phóng đãng không phải đạo pháp. Đạo pháp là định ý chuyên nhất, suy tưởng mông lung không phải đạo pháp. Đạo pháp là trí tuệ giác sát, ngu si lầm lạc không phải đạo pháp.’ Phật-đà dùng thánh trí biết rõ những điều suy nghĩ này của Tôn giả A-Na-Luật nên như sự co duỗi cánh tay một cách lanh lẹ của lực-sĩ, Ngài đến trước tôn giả, tán dương rằng: ‘Đúng lắm, A-Na-Luật! A-Na-Luật! Những điều ông suy nghĩ là những điều suy nghĩ của một vị Đại-Sĩ (đại bồ tát)!’"
Người tu sĩ đi ngược lại thói quen dòng đời, xa rời lầm lỗi và khổ não, rời bỏ nhà cửa, ruộng vườn, phục sức và chỗ ngồi của thế gian mà vào nhà của Phật, mặc áo và ngồi tòa của Ngài, trên lập trường các pháp đều không mà đem nhu hòa nhẫn nhục để hoạt dụng tâm đại từ bi. Như kinh Đại-Thừa-Diệu-Pháp-Liên-Hoa có dạy: "Vào nhà của đức Như-Lai, mặc áo của đức Như-Lai, ngồi tòa của Như-Lai. Nhà của đức Như-Lai là tâm đại từ bi đối với tất cả chúng sinh. Áo của đức Như-Lai là nhu hòa nhẫn nhục. Tòa của đức Như-Lai là tất cả các pháp đều không." Như vậy,
Thể nhập vào đời sống
Chúng ta cần tư duy quán sát nhiều hơn về cuộc đời, qua sự tác động giữa con người và xã hội, từng bước tu tập từ việc xây dựng một phần toàn thiện xã hội bằng tinh thần vô ngã vị tha, như ý nghĩa: "Không sanh cũng không diệt, Sanh tử là Niết bàn, Sở đắc là vô đắc, Không nắm cũng không buông". Người tu sĩ ngày nay cần có nếp sống tu học tốt đẹp mới có thể từng bước phát triển trí huệ vô lậu, đi vào xã hội để chuyển hóa khổ đau con người.
Chân lý là những gì hết sức linh động và thực tại. Vì vậy, đạo Phật với tinh thần khế lý khế cơ đã biểu hiện dưới nhiều hình thức uyển chuyển và ứng hợp phương châm ‘Phật pháp bất ly thế gian pháp’ ‘Hình bóng lý tưởng gần nhất của người tu sĩ phải là hình bóng của một Long Thọ, của một Huyền Trang, một Vạn Hạnh với đời sống đạm bạc gian khổ, nhưng ý chí thì vững chắc như kim cương; Ðức độ thì khiêm cung, nhẫn nhục; Hạnh nguyện thì rộng lớn như biển cả. Người tu sĩ cần có đôi mắt sáng chiếu niềm tin, chói lòa nghị lực, cần có nụ cười bất diệt, xem nhẹ khổ đau để làm rõ chân tướng sáng rỡ của Ðạo Phật.’
Từ chỗ hoàn thiện nhân cách, người tu sĩ với mắt tuệ và đầy tình thương nhìn cuộc đời, làm lợi ích cho nhân sanh. Con đường mà chư Phật đã mở, chư Tôn túc đã đi qua, bây giờ là lúc hàng Tăng Ni trẻ chúng ta bước vào, bước đi trên đó, sẽ đi những bước an tịnh, không vướng mắc vì an lạc, hạnh phúc của số đông.
Vì hạnh nguyện đại bi, hóa thân cõi vô thường
Vì hạnh nguyện lợi tha, dấn thân đem tình thương
Để chân lý thấm sâu, mọi chúng sanh đều thấm nhuần
Nguồn diệu pháp tràn lan đem bình an cho muôn loài.
Đức Phật khuyến khích các thầy Tỳ kheo thuyết pháp. Ngài thường dạy: "Hãy ra đi, các Tỳ kheo, đem lại sự tốt đẹp cho nhiều người, đem lại hạnh phúc cho nhiều người. Vì lòng từ bi, hãy đem lại sự tốt đẹp, lợi ích và hạnh phúc cho chư Thiên và nhân loại. Mỗi người hãy đi một ngả. Hãy phất lên ngọn cờ bậc thiện trí. Hãy truyền dạy giáo pháp cao siêu. Hãy mang lại sự tốt đẹp cho người khác. Được vậy, là các con đã hoàn tất nhiệm vụ".
Tóm lại trau dồi nhân cách của người tu sĩ là điều không thể thiếu trong bất cứ thời đại nào. Tuy nhiên trong thời đại ngày nay khi con người tham muốn mỗi lúc nhiều hơn, đang đắm chìm trong vật chất, tinh thần đạo đức đang dần đi xuống, thì vai trò người tu sĩ có nhân cách càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết. Chỉ những người tu sĩ có nhân cách mới có thể giải quyết các vấn đề của thời đại như sự suy đồi đạo đức, bệnh căng thẳng (stress), bệnh hoang tưởng…của chính mình và mọi người.
Đức Phật từng nhấn mạnh trong ngũ uẩn, tuy sắc thân là cơ sở của thọ, tưởng, hành, thức nhưng mọi diễn biến trong cuộc đời từ sự hình thành đến hủy diệt thế giới đều do tâm. Con người cần khơi mở trí huệ với cái nhìn đúng về bản chất cuộc đời đến những phương pháp hành trì cho tâm thật phát triển tới trạng thái vô lậu. Cái nhìn trí huệ ấy sẽ được làm cho mạnh hơn và nguồn tâm sáng tạo sẽ được đánh thức dậy qua sự thực tập thiền định như là công phu chính, thực hiện con đường Phật giáo dẫn đến giải thoát. Đó là sự hoàn thiện cao tột nhân cách người tu sĩ. Do vậy, chúng ta hãy hoàn thiện nhân cách người tu sĩ như lời dạy của đức Thế Tôn trước lúc đi xa, từng nhắn nhủ: "Này các tỳ kheo! Các thầy thường phải nhất tâm siêng cầu đạo giải thoát. Tất cả sự vật trong thế gian, dù động hay bất động, đều là tướng bại hoại không an."
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
“Người đời tranh nhau những chuyện không đâu”
Kiến thức 16:50 21/11/2024Đời này chúng ta chết rồi sẽ sanh tới cõi nào? Tôi có thể sanh về đâu? Đời sau chúng ta có nắm chắc sanh tới cõi nào hay chăng? Còn tiếp tục luân hồi hay chấm dứt luân hồi?
Làm thế nào để tạo ra phước đức bền vững?
Kiến thức 16:10 21/11/2024Người sống có phúc có đức chắc chắn sẽ an vui hạnh phúc bền lâu, nhưng quan trọng là làm thế nào để tạo ra phước đức bền vững?
Từ, bi, hỷ, xả - bốn tâm vi diệu
Kiến thức 13:12 21/11/2024Bốn tâm vô lượng này tuy riêng biệt nhưng làm nền tảng cho nhau, tương tức với nhau.
Nhớ ơn Thầy Tổ
Kiến thức 08:35 21/11/2024Chúng ta muốn tỏ lòng biết ơn người đi trước, thì không gì thiết thực hơn là phải thực hành theo ba điểm sau đây...
Xem thêm