Thứ, 07/08/2023, 09:30 AM

Tu sĩ và Y sĩ hai lối đi một con đường: Luận tinh thần Phật giáo dấn thân qua đại dịch

Dù là tu sĩ hay y sĩ khi đứng trước lằn ranh sinh tử, đều có quyền chọn cửa sinh cho mình, nhưng chính sự Từ Bi và Y Đức sáng ngời của mình, những người tu sĩ và y sĩ đã chọn bước một chân vào cửa tử, để giành lấy từng phút giây sự sống cho nhân dân...

Từ đầu năm 2020 cho đến hết năm 2022, Việt Nam đã trải qua 4 đợt bùng phát dịch Covid-19, trong đó 3 đợt dịch đầu quy mô lây nhiễm khá nhỏ, số người nhiễm và tử vong khá ít, đợt dịch thứ 4 quy mô lây nhiễm rộng, số người tử vong tăng nhanh. Theo thống kê của trang báo điện tử Nhân Dân “Đại dịch Covid-19 đã tạo ra 4 làn sóng lớn tấn công sâu rộng trên toàn quốc với gần 1,7 triệu người nhiễm SARS-CoV-2 và hơn 31 nghìn người tử vong”. [1]

Hiện nay, tuy nỗi ám ảnh kinh hoàng mang tên Covid-19 đã lắng xuống, nhưng mỗi khi cái tên Covid được nhắc đến, sự mất mát, đau thương lại không hẹn mà lũ lượt ùa về, gây xúc cảm mạnh trong lòng người dân Việt và nhân dân thế giới. Là người trực tiếp chỉ đạo các chương trình hỗ trợ chống dịch của Hội từ thiện chùa Tường Nguyên, trong đó có hai chương trình ghi dấu ấn khó phai trong lòng toàn thể thành viên của Hội và bà con trên địa bàn thành phố đó là chương trình “Bữa ăn yêu thương” và chương trình “Bác sĩ của F0”, chúng tôi hiểu rất rõ, bước chân vào công tác hỗ trợ chống dịch cũng chính là xác nhận bước một chân vào cửa tử. Nhưng với tinh thần “Từ Bi Vô Ngại” của người con Phật, sinh tử tuy đáng sợ nhưng điều đáng sợ hơn chính là ngồi nhìn nhân dân sống trong đau thương, sợ hãi và thiếu thốn.

“Từ thiện là công tác đặc biệt phát khởi từ tâm, không kể thời gian, không gian”

1ca9abbe4e1a9d44c40b

Trong suốt thời gian cùng Đảng, Nhà Nước và Nhân Dân chung tay chống dịch, chúng tôi nhận thấy nhiều sự tương đồng giữa người tu sĩ Phật giáo và người Y sĩ. Tuy khác về danh xưng, nhưng lại có một vài điểm chung như:

1. Tinh thần cứu nhân

Bất luận và tu sĩ hay y sĩ thì việc hành thiện, cứu người luôn là con đường mà cả hai đang dấn thân phụng sự. Tuy phương pháp và cách thức có nhiều khác biệt, nhưng đích đến là như nhau. Trong kinh điển Phật giáo, đức Phật được xưng tán là Vô Thượng Y Vương. Trong luật tạng của người xuất gia, có một chương rất dài nêu rất chi tiết các phương thuốc và cách sử dụng, cũng như ghi chép lại nhiều trường hợp đức Phật đích thân đứng ra chăm sóc cho những vị Tỳ Kheo ốm đau với tư cách là một y sĩ. Từ đây có thể thấy đức Phật là một bậc thầy giải thoát khổ đau cho nhân loại, giáo lý của Ngài là một phương pháp giúp thoát khổ, Ngài từng nói “Này các Tỳ Kheo, đại dương dù mênh mông nhưng cũng chỉ có một vị duy nhất ấy là vị mặn của muối, Đạo pháp này cũng thế, chỉ có một vị duy nhất mà thôi, ấy là hương vị của sự giải thoát”. [2]

Tu sĩ và y sĩ cũng thế dù khác biệt về danh xưng, phương pháp nhưng chung quy nhất vẫn mong có thể giúp người bớt khổ đau, tu sĩ hướng đến việc giải thoát con người khỏi nỗi khổ ở tâm còn y sĩ giúp con người chữa lành nỗi khổ nơi thân. Thân và tâm tuy hai mà một, cũng như tu sĩ và y sĩ vậy, danh xưng khác nhau nhưng lý tưởng lại như nhau.

Với hành trình 23 năm hình thành và phát triển, Hội từ thiện chùa Tường Nguyên đã phát dương tinh thần từ bi của đạo Phật thông qua 15 chương trình thiện nguyện như: mổ mắt, khám bệnh – phát thuốc, xây cầu, xây nhà, bữa cơm yêu thương,…hợp tác cùng các Y, Bác sĩ trong công tác thiện nguyện, thực hiện khám - tầm soát bệnh tật cho bà con có hoàn cảnh khó khăn ở các tỉnh vùng sâu vùng xa và công nhân ở các khu công nghiệp, phát hiện nhiều ca bệnh nan y, bệnh ung thư giai đoạn đầu, giúp tư vấn, theo dõi điều trị, tuyên truyền chống phá thai,…

Ngoài ra Hội còn phối hợp cùng các Y, Bác sĩ thực hiện các công tác phòng chống dịch. Chương trình “Bác sĩ của F0” do sự phối hợp từ hai phía tu sĩ và y sĩ đã giúp giành lại sự sống cho 10.000 ca bệnh bằng cách tư vấn, tặng hơn 30.000 phần thuốc điều trị, tặng oxy, nhận và tư vấn hàng ngàn cuộc gọi của F0 đang cách ly tại nhà, nấu và trao 2 triệu phần ăn, tặng 19 chiếc xe cứu thương, 2.000 áo quan, 55.000 phần quà, khẩu trang, thiết bị y tế, bình oxy, tổng kinh phí gần 200 tỷ đồng. [3]

Thiết nghĩ “đạo bất đồng, bất tương vi mưu”, tức không cùng chí hướng thì không thể cùng nhau đàm đạo, sự kết hợp giữa chúng tôi và quý Y, Bác sĩ trong chương trình “Bác sĩ của F0” là một minh chứng cho việc tu sĩ và y sĩ tuy hai lối đi nhưng chung một con đường.

b66e9e86a21c7142280d

2. Từ bi và Y đức

Chúng tôi cho rằng, Y Đức là có thể xem là một dạng đức hạnh của người hành y và Từ Bi là đức hạnh của người tu sĩ. Con người quan trọng nhất là đức hạnh, nhờ đức hạnh mới sanh phước báo. Cho nên phàm những người hiển đạt, được nhiều người yêu kính đều là những bậc có đức hạnh sâu dày. Với sự dấn thân vô ngại của tu sĩ và y sĩ, đã tạo nên một niềm tin mãnh liệt trong lòng người dân. Trong đại dịch, ai cũng có quyền khao khát sống, ai cũng có quyền được lánh dữ tìm lành, lánh nặng tìm nhẹ, do đó dù là tu sĩ hay y sĩ khi đứng trước lằn ranh sinh tử, đều có quyền chọn cửa sinh cho mình, nhưng chính sự Từ Bi và Y Đức sáng ngời của mình, những người tu sĩ và y sĩ đã chọn bước một chân vào cửa tử, để giành lấy từng phút giây sự sống cho nhân dân, quên cái tôi cá nhân để hướng về cái ta chung, rời thân quyến để chiến đấu vì một ngày mai tươi sáng của dân tộc.

Trong giai đoạn dịch bệnh, nếu Y, Bác sĩ quên mình tiếp xúc với F0, giành lại từng nhịp thở cho người dân, thì tu sĩ ngoài là hậu phương vững chắc cho các Y, Bác sĩ, còn là những người chữa lành tâm hồn, an ủi những thân nhân không mai có thân quyến rời xa nhân thế vì nạn dịch. Những đàn tràng, pháp sự cầu siêu mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam kêu gọi thiết lập, cũng như những tự viện mở cửa tiếp nhận tro cốt của các F0 đã quá vãng là niềm an ủi, động viên rất lớn đối với những người còn ở lại. Chính sự trên dưới một lòng của toàn Đảng, toàn Dân của các lực lượng tuyến đầu chống dịch và đặc biệt là sự dung hoà ý chí giữa người tu sĩ và y sĩ, đã mang đẩy lùi những khí tức đau thương, thắp lại ngọn đuốc của niềm tin và sự sống. Do đó, không một bằng khen, giải thưởng hay huy chương nào có thể ca dương, tán thán được hết những hy sinh của người tu sĩ và y sĩ, nếu có chỉ là một sự biết ơn vô hạn từ tận cõi lòng.

Để kết thúc tham luận, chúng tôi xin nhấn mạnh, sự gắn kết giữa người tu sĩ và y sĩ là sự gắn kết giữa “thân” và “tâm”, như hai mặt của một tờ giấy, tuy hai mà một, chúng ta tuy khác lối nhưng chung đường. Chính sự gắn kết đặc biệt này đã góp phần tạo nên thành công trong công cuộc chống dịch của toàn dân tộc Việt Nam. Ngày nay, tuy đại dịch đã lắng, nhưng chúng ta vẫn tiếp tục cuộc hành trình duy trì từng phút giây sự sống và thổi bừng ngọn lửa của hơi ấm nhân sinh, một cuộc hành trình tuy chông gai nhưng đầy ý vị.

Sau cùng chúng tôi xin mượn bài thơ “Còn gặp nhau” của Tôn Nữ Hỷ Khương, mong thông qua ý vị bài thơ, gửi đến toàn thể quý đại biểu một thông điệp “Nhân sinh như mộng, Chớp mắt hợp tan. Hồng trần như mây, Vạn niên trùng phùng” do đó xin hãy yêu thương nhau khi còn có thể.

Còn gặp nhau thì hãy cứ vui

Chuyện đời như nước chảy hoa trôi,

Lợi danh như bóng mây chìm nổi

Chỉ có tình thương để lại đời.

 

Còn gặp nhau thì hãy cứ thương

Tình người muôn thuở vẫn còn vương,

Chắt chiu một chút tình thương ấy

Gửi khắp muôn phương vạn nẻo đường.

 

Còn gặp nhau thì hãy cứ chơi

Bao nhiêu thú vị ở trên đời,

Vui chơi trong ý tình cao nhã

Cuộc sống càng thêm nét tuyệt vời.

 

 

Còn gặp nhau thì hãy cứ cười

Cho tình thêm thắm, ý thêm tươi

Cho hương thêm ngát, đời thêm vị

Cho đẹp lòng nhau, hết thảy người.

 

Còn gặp nhau thì hãy cứ chào

Giữa miền đất rộng với trời cao,

Vui câu nhân nghĩa, tròn sau trước

Lấy chữ chân tình gửi tặng nhau.

 

Còn gặp nhau thì hãy cứ say

Say tình, say nghĩa bấy lâu nay

Say thơ, say nhạc, say bè bạn

Quên cả không gian lẫn tháng ngày.

 

Còn gặp nhau thì hãy cứ đi

Đi tìm chân lý - lẽ huyền vi

An nhiên tự tại - lòng thanh thản

Đời sống tâm linh thật diệu kỳ.[4]

Chú thích: 

[1] Nhân Dân. Dấu mốc quan trọng 2 năm đại dịch Covid-19 tấn công Việt Nam. Khai thác từ https://special.nhandan.vn/daumoc-Covid-19/index.html.

[2] Phật Giáo – Giáo hội Phật giáo Việt Nam. (23/03/2020). Đức Phật - Vị lương y vô song. Khai thác từ https://phatgiao.org.vn/duc-phat--vi-luong-y-vo-song-d40694.html

[3] Số liệu chương trình “Bác sĩ của F0” do Hội thống kê và cung cấp.

[4] Thi Viện. Còn gặp nhau. Khai thác từ https://www.thivien.net/Tôn-Nữ-Hỷ-Khương/Còn-gặp-nhau/poem-tMBRWBE4OwKHGsczSNpDeQ

* Đại Đức.Thích Minh Phú - Uỷ viên Hội đồng Trị sự TW GHPGVN, Chủ tịch Hội từ thiện Tường Nguyên.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Phật giáo Việt Nam và sự dung hợp tam giáo thời Trần

Nghiên cứu 14:00 30/11/2024

Có thể thấy, Phật giáo - Nho giáo và Đạo giáo đã có sự dung hòa, bổ sung cho nhau để cùng hướng đến xây dựng đời sống tinh thần và đời sống nhân văn cho xã hội.

Ứng dụng triết lý Phật giáo Trúc Lâm trong xây dựng, phát triển đất nước

Nghiên cứu 08:45 25/11/2024

Phật giáo là cuộc sống, không có sự phân biệt bất cứ thành phần nào trong xã hội, Phật giáo chính là quá trình đi tìm chân lý. Chân lý thì không nằm trong Phật giáo mà nằm trong cuộc sống.

Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử: Dấu ấn của Phật giáo thời Trần

Nghiên cứu 09:40 15/11/2024

Thời đại nhà Trần, không những độc lập dân tộc, tự chủ về đời sống kinh tế, chính trị, xã hội…, mà còn độc lập, tự chủ về hệ tư tưởng làm chỗ dựa cho đời sống tinh thần của nhân dân Đại Việt thế kỷ XIII – XIV.

Tín ngưỡng thờ phụng đức Phật Dược Sư thời nhà Đường

Nghiên cứu 09:45 03/11/2024

Việc thiết lập đàn tràng và tu trì đức Phật Dược Sư trở nên quan trọng hơn dưới thời trị vì của vua Đường Túc Tông, thời kỳ triều đình nhà Đường phải vật lộn để vượt qua thách thức do những cuộc nổi dậy của quân đội trong nước gây nên...

Xem thêm