Thứ sáu, 09/09/2022, 08:13 AM

Tuyên dương Chánh pháp cùng với Hộ trì Phật pháp

Cùng với việc tuyên dương Chánh pháp là hộ trì Phật pháp, vì có Chánh pháp, chúng ta mới hộ trì. Có thể khẳng định rằng chỉ có Phật mới có Phật pháp, vì Đức Phật là bậc Vô thượng đẳng giác thấy được chân lý và pháp là chân lý.

Đức Phật truyền trao hiểu biết cho mọi người để họ nhận ra chân lý và áp dụng trong cuộc sống thì họ trở thành Hiền thánh. Vì vậy, Đức Phật và Thánh chúng mới có Phật pháp. Còn chúng ta chỉ hộ trì Phật pháp. Hộ trì Phật pháp cũng là nguyện của tất cả Bồ-tát từ sơ phát tâm cho đến Bồ-tát Đẳng giác đều hộ trì Phật pháp.

Thế giới Ta-bà này do Đức Phật Thích Ca làm giáo chủ - Ảnh minh họa

Thế giới Ta-bà này do Đức Phật Thích Ca làm giáo chủ - Ảnh minh họa

Thuở sanh tiền, Hòa thượng Trí Thủ thường nguyện rằng đời đời kiếp kiếp đều làm quyến thuộc của đạo từ bi để hộ trì Phật pháp còn mãi trên thế gian làm lợi lạc cho chúng hữu tình. Lời nguyện này của Hòa thượng cũng là lời nguyện của chư Bồ-tát mà chúng ta cần phải noi theo. Đời đời kiếp kiếp làm quyến thuộc của đạo từ bi, nghĩa là chúng ta không phải chỉ mới tu một đời này, mà chúng ta đã từng phát tâm Bồ-đề, gieo trồng căn lành, cho nên đời này mới có được thân người và phát tâm hộ đạo. Và đời này chúng ta tiếp tục phát nguyện như vậy để kiếp sau không quên, tái sanh lại thế giới này. Điều này trái với tư tưởng tiêu cực của những người nhàm chán thế giới đang sống, họ muốn bỏ thế giới này để đi tìm việc mới ở thế giới mới.

Thế giới Ta-bà này do Đức Phật Thích Ca làm giáo chủ. Ngài đã nhập Niết-bàn, nhưng Ngài còn hay mất. Nếu Ngài còn hiện hữu thì chúng ta nên tìm Phật Thích Ca. Nếu Phật chết, không còn, thì chúng ta không tìm Phật Thích Ca và cũng không tu, như vậy là rơi vô đoạn kiến. Tôi luôn suy nghĩ điều này. Học kinh Pháp hoa, phẩm Như Lai thọ lượng thứ 16 nói rõ rằng Đức Phật Thích Ca vĩnh hằng bất tử, như vậy chúng ta yên tâm đi tìm Phật bất tử. Tìm Phật này ở đâu là câu hỏi được đặt ra để tôi hết lòng tìm Phật cho được.

Trên bước đường tu, tôi nhận ra ý nghĩa Phật nói rằng Ngài tùy theo nhân duyên mà hiện thân giáo hóa và khi mãn duyên, Phật thị hiện nhập Niết-bàn. Vì vậy, Đức Phật vẫn hiện thân trong thế giới sanh diệt, đồng thời Ngài luôn hằng hữu trong thế giới vô sanh dưới dạng Pháp thân thường trú.

Theo Nhật Liên tông, Đức Phật thường trú bất sanh bất diệt là đối tượng mà chúng ta tôn thờ, còn Phật Thích Ca sanh ở Ấn Độ là Phật thị hiện. Vì nếu Phật không thị hiện thân người là Thái tử Sĩ Đạt Ta thì không ai biết đạo Phật, nhưng bên trong thân người hữu hạn của Ngài đã tiềm ẩn tố chất của vị Phật. Với cốt lõi bên trong là Phật, cho nên Ngài tu hành đạt quả vị Toàn giác một cách dễ dàng và thành tựu việc hoằng hóa độ sanh hoàn toàn tự tại. Đến khi mãn duyên cứu độ chúng sanh Ta-bà, Phật Niết-bàn, nghĩa là Ngài trở về thế giới vĩnh hằng bất tử. Thật vậy, kinh Pháp hoa dạy rằng Phật thị hiện Niết-bàn để mọi người khát ngưỡng tìm Phật và tu hành sẽ gặp Phật. Như vậy, đối với người có căn lành, người khát ngưỡng Phật pháp và người hộ trì Phật pháp không tiếc thân mạng thì Phật sẽ hiện ra cho họ. Kinh Pháp hoa khẳng định nếu người vì Chánh pháp không tiếc thân mạng, Phật sẽ hiện ra nói rằng Ngài thường ở đây, không nhập diệt. Như vậy, Phật vẫn hiện hữu, nhưng vì bị vô minh vọng kiến ngăn che, nên chúng ta không thể thấy Phật, tưởng là Phật không còn nữa. Khi nào chúng ta không tiếc thân mạng? Kinh Pháp hoa nói khi mạng chung nghĩa là khi phiền não, nghiệp chướng, trần lao diệt sạch thì Phật hiện ra.

Đức Phật cho biết tiền kiếp của Ngài là Bồ-tát Thường Bất Khinh trên bước đường hành Bồ-tát đạo đã phát nguyện hộ trì Chánh pháp. Hễ gặp chư Tăng thì Ngài liền cung kính đảnh lễ, nhưng hàng tăng thượng mạn đã đánh mắng Ngài. Điều này cho thấy việc hộ trì Phật pháp không đơn giản như nhiều người lầm tưởng.

Đức Phật cho biết tiền kiếp của Ngài là Bồ-tát Thường Bất Khinh trên bước đường hành Bồ-tát đạo đã phát nguyện hộ trì Chánh pháp.

Đức Phật cho biết tiền kiếp của Ngài là Bồ-tát Thường Bất Khinh trên bước đường hành Bồ-tát đạo đã phát nguyện hộ trì Chánh pháp.

Người ta thường nghĩ phải xây chùa, đúc chuông..., làm mọi việc để Phật pháp trường tồn, nhưng thử hỏi khi Phật pháp suy đồi thì chúng ta có thể giữ cho Phật pháp tồn tại được hay không. Vào thời kỳ Phật pháp suy đồi, chắc chắn sẽ gặp tục chúng tăng thượng mạn, tiếm thánh tăng thượng mạn, đạo môn thăng thượng mạn tác hại khiến chúng ta không thể hộ trì Phật pháp.          

Ở đây cần lưu ý rằng vì pháp không tiếc thân mạng không phải là liều  mạng, vì liều mạng là người vô trí. Năm 1963, một số bạn rủ tôi tự thiêu để phản đối chính sách đàn áp tôn giáo của chính phủ Diệm. May mắn tôi gặp một vị Hòa thượng khai ngộ cho tôi rằng khi nào thầy làm được như Bồ-tát Quảng Đức thì mới nên tự thiêu, không làm được như vậy, nên cân nhắc. Chúng ta không biết kiếp trước của Bồ-tát Quảng Đức như thế nào, nhưng trong kiếp này, ngài đã trì kinh Pháp hoa trong suốt 49 năm và xây dựng rất nhiều ngôi chùa, đặc biệt là ngài tuyệt đối không làm mất lòng người. Trên bước đường hành đạo, ngài luôn gieo vào lòng người niềm tôn kính, đó là hộ trì Phật pháp.

Đức Phật dạy rằng tu hành mà làm não phiền người thì không phải là Sa-môn. Trên bước đường tu, Bồ-tát Quảng Đức không làm não phiền người. Còn xuất gia tăng thượng mạn và cư sĩ tại gia làm não phiền người, đó là ác ma phá hại Phật pháp. Họ nhân danh đệ tử Phật, nhưng làm việc của ác ma, hành động, lời nói, suy nghĩ không giống Phật, thì không thể là đệ tử Phật. Giống ma là con của ma, ma này là ma tham, ma giận, ma si mê, ma kiêu căng ngã mạn… Nếu trong lòng chúng ta xem thường người khác, coi chừng bị ma tăng thượng mạn ám, thì dù tụng một ngàn bộ kinh Pháp hoa cũng cách xa Phật.

Người xuất gia hay tại gia đều phải cân nhắc, làm gì cho người phát tâm, làm cho người sanh tâm kính Phật trọng Tăng. Xuất gia tăng thượng mạn là người mang hình thức xuất gia, nhưng làm việc thế tục, cũng đầy đủ ham muốn, phiền não khiến cho người trông thấy phải thoái tâm. Thí dụ, có thầy làm Phật sự là nghĩ phải kiếm tiền xây chùa, đúc tượng, bố thí, cúng dường... Làm như vậy coi chừng rơi vô tăng thượng mạn, dù kiếm tiền lương thiện, huống chi là kiếm tiền không lương thiện. Tôi luôn cân nhắc ý này. Phật dạy người xuất gia cố tránh việc liên quan đến tiền bạc, vì việc này của cư sĩ tại gia. Người xuất gia quản lý tiền bạc, bị nó chi phối thì dễ bị đọa, rơi vô hàng tăng thượng mạn. Thực tế có người chủ cửa hàng là em họ của tôi, ông hỏi rằng có một thầy còn thiếu tiền vật tư, nhưng chết rồi thì ông phải làm sao. Tôi bảo chỉ còn cách đến trước quan tài khấn rằng con cúng cho thầy số tiền thầy thiếu, thầy yên tâm ra đi. Làm như vậy để giải thoát cho thầy trụ trì và ông cũng được công đức. Còn nhớ tới số tiền nợ mà buồn giận, không đi chùa, thì tiền mất rồi cũng không lấy lại được mà còn bị đọa.

Hộ trì Chánh pháp là việc khó. Ta hộ trì không đúng cũng bị tội. Một số Phật tử thương kính cúng dường quá mức, vì thấy thầy tu cực khổ, nhưng ông này hoàn tục. Họ thoái tâm, không cúng nữa dù gặp thầy tu tốt. Tu sai lầm như vậy là đã chuyển đổi tâm tốt thành tâm xấu.

Theo Phật, chúng ta hộ trì Chánh pháp, khi bố thí, cúng dường phải biết người nhận là ai và họ nhận sự trợ giúp đó để làm gì. Đức Phật cho biết trong cuộc đời của Ngài có hai lần nhận của cúng dường, tuy phẩm vật nhỏ, nhưng người cúng dường đã gặt hái được công đức rất lớn. Đó là bát sữa của cô gái chăn bò và bó cỏ trải cội Bồ-đề của cậu bé chăn bò. Chỉ cúng Phật một bó cỏ giá trị nhỏ nhoi mà anh này được sanh lên cõi Trời, làm vị Trời tên là Cát Tường, vì anh đã cúng dường đúng đối tượng. Thật vậy, hai người này có phước duyên được cúng dường Phật Thích Ca khi Ngài sắp thành Phật thì suốt cuộc đời 49 năm độ sanh của Phật, Ngài đã giáo hóa được biết bao nhiêu là chúng sanh và giáo pháp của Ngài vẫn còn được mọi người tu học, cho nên hai người này vẫn được chia phần công đức đó. Trái lại, nếu cúng sai đối tượng, họ hoàn tục khiến ta phiền não, cho đến gia đình mất hạnh phúc, nặng hơn nữa là làm ăn thất bại. Cúng dường mà bị rơi vào hoàn cảnh khó khăn thì ý thức tốt đẹp về cúng dường sẽ không còn nữa.

Một Phật tử thưa với tôi rằng họ phát tâm làm từ thiện, đi phát quà cho người nghèo ở vùng sâu. Khi đi về, không biết đường ra thì gặp người cầm gói quà, liền nhờ họ dắt đường. Họ đòi phải đưa tiền mới dẫn đường. Ông này giận quá thề rằng sẽ không bao giờ cho quà người nghèo. Như vậy là đã biến công đức thành tội chướng. Hộ trì Chánh pháp quả là khó.

Làm được một việc tốt là ta hộ trì Phật pháp ở ngay trong lòng ta và khiến cho người phát tâm là chúng ta có thêm một người bạn.

Làm được một việc tốt là ta hộ trì Phật pháp ở ngay trong lòng ta và khiến cho người phát tâm là chúng ta có thêm một người bạn.

Tu hành theo Phật, làm thế nào mỗi ngày tâm chúng ta hoan hỷ, an lạc là đã hộ trì Chánh pháp, vì Chánh pháp ở ngay trong lòng chúng ta. Mỗi ngày gieo lời hay ý đẹp của Phật vào lòng là chúng ta luôn giữ gìn Chánh pháp trong lòng. Nếu Phật trong lòng mình chết thì còn cái gì để hộ trì.

Niệm Phật nhớ hình ảnh thánh thiện và việc làm cao quý của Phật. Niệm kinh nhớ lời dạy đúng đắn hoàn toàn của Phật. Tu như vậy là đã hộ trì Phật pháp. Những kết quả tốt đẹp của sự thực tu ở trong lòng chúng ta thì người ngoài không biết được. Điều này khác với người hộ trì Phật pháp bằng vọng tâm thường khoe khoang việc bố thí cúng dường. Nếu người không biết thì họ khó chịu, từ đó hình thành những người thường dụm lại nói chuyện phải trái hơn thua.

Hộ trì Phật pháp bằng cách giữ tâm thanh tịnh, không nói, thì người này gần Phật được. Hộ trì Phật pháp là hộ trì trong lòng mình và trong lòng mình có Phật thì Phật sẽ chỉ đạo cho lời nói, suy nghĩ và việc làm của mình đúng với Chánh pháp. Đức Phật là bậc Minh hạnh túc vì thân, miệng, ý của Ngài được chư Phật chỉ đạo. Thật vậy, mỗi sáng trước khi đi du hóa, Đức Phật Thích Ca nhập định để quan hệ với chư Phật mười phương, để chư Phật soi sáng tâm Ngài, giúp Ngài nhận ra những người hữu duyên cần đến độ, vì Phật chỉ độ được người có duyên, dù là ác duyên. Điển hình như Phật thấy Sunita thuộc giai cấp thấp nhất trong xã hội Ấn Độ, nhưng biết rõ ông có duyên với Ngài, nên khi độ ông, Phật đã chuyển hóa một cách nhanh chóng người hốt phân này trở thành Thánh La-hán. Đức Phật dạy rằng người thấy nhân duyên là thấy chân lý, tức là Phật thì không còn sai lầm. Còn chúng ta phạm quá nhiều lỗi lầm, nên không thăng hoa mà chỉ đi xuống.

Nhận được lực hộ niệm của Phật, lòng chúng ta có Phật thì sáng lên, thấy đúng những việc xảy ra và điều quan trọng là phải biết cách giải quyết tốt đẹp trong mọi tình huống. Thí dụ thấy rõ người mà ta thiếu nợ, nên ta chuẩn bị tiền để trả họ, thì không có vấn đề xảy ra, hoặc người đến quấy nhiễu, ta cũng giải quyết êm thắm. Gặp việc đáng mừng không mừng, gặp việc đáng giận không giận. Không cần tính toán, suy nghĩ, nhưng mọi việc tự thành, việc tốt tự đến.

Hộ trì Chánh pháp trước tiên là hộ trì ngay trong lòng ta và từ đó, Phật pháp thể hiện ra cuộc sống. Tấm lòng là chính, nhưng cuộc sống mới quyết định. Vì vậy, thấy người tốt nhưng cuộc đời họ bị lận đận, chúng ta nói rằng người ngay mắc nạn. Nói như vậy là mới thấy hiện tại, không thấy được quá khứ. Tôi quan sát người siêng tu, cúng dường, làm phước, nếu nhìn xa quá khứ sẽ thấy họ có điều gì u uất trong lòng, họ mới tới chùa lạy Phật hết lòng. Còn người gặp may mắn, tốt lành, không ai tu. Chỉ có Phật Thích Ca đang ở địa vị cao sang tột đỉnh mà bỏ ngai vàng đi tu, vì Ngài là Phật hiện thân lại, hay Bồ-tát tái sanh. Còn đa số chúng ta rơi vào tình trạng khổ đau mới tu.

Khi chúng ta hộ trì Chánh pháp ngay trong lòng mình, chúng ta trở thành người hiền lành, chân thật trong cuộc sống khiến cho người trông thấy nghĩ tốt về Phật, nghĩ tốt về ta và họ quý trọng ta. Tu như vậy là đã hộ trì Chánh pháp. Tôi có người chú làm cư sĩ, nhờ ông này mà tôi phát tâm tu. Ông cất cái am nhỏ để tụng kinh cầu siêu cho bà vợ. Tôi may mắn ở trọ với ông để đi học, nhờ đó tôi được nghe kinh và đi tu. Ông là cư sĩ có cuộc sống đạm bạc rất dễ thương. Một buổi sáng, hai chú cháu ra vườn tưới rau, bỗng ông kéo tôi núp vào bụi cây, không cho tôi nói, tôi không biết gì cả. Lúc đó, tôi trông thấy người hái trộm rau. Ông bảo người này rất quen, nếu bị phát hiện, họ sẽ xấu hổ. Vậy để họ lấy rau đi rồi, mình hãy ra. Sau này, người đàn bà hái trộm rau biết ông tốt như vậy, mới thú nhận tội lỗi của mình và xin được hầu hạ ông suốt đời. Ông mỉm cười không nhận. Như vậy, làm việc tốt cho người phát tâm chính là hộ trì Chánh pháp.

Tóm lại, làm được một việc tốt là ta hộ trì Phật pháp ở ngay trong lòng ta và khiến cho người phát tâm là chúng ta có thêm một người bạn. Cứ như vậy mà có nhiều người tu trên cuộc đời là Phật pháp còn sống động, còn phát triển. Rộng hơn nữa, ta đóng góp cho xã hội những việc làm tốt đẹp là đã thay Phật làm lợi lạc chúng hữu tình, là hộ trì Phật  pháp bền vững hơn nữa. Nếu làm ngược lại là phá pháp thì cuộc đời sẽ đi xuống. Mong rằng tất cả đệ tử Phật đều phát tâm tu hành, hộ trì Chánh pháp còn mãi trên thế gian này để lợi lạc cho mọi người.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Diệu dụng của thần chú Lăng Nghiêm

Kiến thức 10:11 23/12/2024

Thần chú Lăng Nghiêm là chú cốt tủy trong Phật giáo, học, trì tụng Chú Lăng Nghiêm là nhân duyên rất lớn của người con Phật.

Thần chú hộ mệnh Angulimala là gì?

Kiến thức 06:10 23/12/2024

Thần chú hộ mệnh của mỗi người chính là lòng từ bi của chính người đó. Nếu ta tu tập tâm từ thì trường năng lượng xung quanh ta chính là trường năng lượng hộ mệnh. Trường năng lượng này sẽ bảo hộ ta tránh được rất nhiều tai ương, hoạn nạn.

Chú Lăng Nghiêm: Thần chú uy lực nhất trong Phật giáo

Kiến thức 22:01 22/12/2024

Chú Lăng Nghiêm là vua trong các Chú, vì dài nhất và khó nhất trong Phật Giáo. Hầu hết những người xuất gia đi tu, đều phải thuộc lòng Chú Lăng Nghiêm từ lúc mới xuất gia, hoặc cũng có những người thuộc lòng trước khi xuất gia.

Cách tụng thần chú Dược Sư tại nhà Phật tử nên biết

Kiến thức 15:00 22/12/2024

Thần chú là bí mật của Chư Phật. Bạn có nhân duyên với chú nào thì tụng chú ấy. Đừng nay tụng Lăng Nghiêm, mai tụng Đại Bi, mốt tụng Dược Sư…

Xem thêm