Vấn đề hỏa táng và di chúc của một số vị đại sư đương đại
Hiện nay trên thế giới người ta đã sử dụng nhiều hình thức an táng khác nhau. Mỗi hình thức được chọn lựa cho mình khi từ giã cõi đời đều mang một triết lý nhân sinh khác nhau.
Tựu chung an táng được phân ra thành bảy hình thức. Đó là: địa táng, hỏa táng, thuỷ táng, huyền táng, điểu táng, thuỷ phân táng, và an táng xanh. Địa táng là chôn xuống đất. Hỏa táng là thiêu xác chết. Thủy táng là bỏ xác chết xuống sông biển. Điểu táng là đem xác chết lên núi cho chim ăn. Huyền táng là táng treo trên vách núi. Thủy phân táng là một hình thức an táng xanh sạch tức phân hủy xác trong dung dịch hỗn hợp nước và kali hydroxit. Còn an táng xanh sạch khác là biến thi thể người chết thành phân bón hữu cơ trồng hoa hay cây cối.
Ở Việt Nam chỉ có địa táng và hỏa táng, không có thủy táng, huyền táng, điểu táng, thủy phân táng và an táng xanh.
Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi tập trung nói về hỏa táng với những lợi ích thiết thực của nó và cuối bài là di chúc của một số vị cao Tăng Trưởng lão dặn dò đệ tử.
Đứng về mặt truyền thống Phật giáo, thì khi đức Phật Niết-bàn, Ngài đã chọn phương pháp hỏa táng (thuật ngữ Phật giáo gọi là Trà tỳ). Các đại đệ tử của ngài, từ ngài Xá-lợi-phất đến Mục-kiền-liên… cũng dùng phương pháp hoả táng. Xác thân con người do tứ đại (đất, nước, gió, lửa) hợp thành, khi chết thân tứ đại tan rã, trả về với tứ đại, phần tinh thần hay phần tinh anh (còn gọi là thần thức) không thuộc thể xác. Hơn nữa, khi chết xác thân và thần thức đã tách ra, nên dù hỏa táng, địa táng, thủy táng, hoặc thủy phân táng hay bất cứ hình thức an táng nào thì thần thức sẽ không còn bị ảnh hưởng bởi sự nóng hay lạnh.
Được biết tỷ lệ hoả táng trong tổng số người chết đã thay đổi đáng kể giữa các quốc gia, cao nhất là ở Nhật Bản với tỷ lệ hoả táng trên 99% và thấp nhất là Ba Lan – chỉ chiếm 6,7% vào năm 2008. Ở Hoa Kỳ tỷ lệ hoả táng năm 2018 ước tính là 53,5% so với địa táng là 40,5%. Ở Việt Nam không có con số thống kê chính thức nhưng do nhu cầu bảo vệ môi sinh và dân số gia tăng nhanh chóng, nên Giáo hội Phật giáo cũng như chính quyền đã và đang khuyến khích người dân nên chuyển sang phương thức hoả táng.
Tuy đi ngược với tập tục được duy trì suốt hàng trăm hay hàng ngàn năm qua ở nhiều quốc gia nhưng những lợi ích thiết thực khiến hỏa táng càng ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt trong giới trung lưu và tầng lớp có trình độ đại học tại Hoa Kỳ.
Có ít nhất là bốn lợi ích lớn khi chọn hình thức hỏa táng là:
(1) dành đất cho người sống bởi tình trạng quá tải dân số.
(2) chi phí rẻ vì nguồn cung cấp đất có hạn trong khi nhu cầu tăng cao. Ở Hoa Kỳ, chi phí cho địa táng đắt gấp 3 lần so với chi phí hỏa táng khiến tỷ lệ an táng theo cách thức này sẽ tiếp tục gia tăng.
(3) thân thiện với môi trường. Hỏa táng được tiến hành nhanh gọn, không ảnh hưởng đến môi trường chung quanh do các lò thiêu đã xử lý khói thải trước khi thoát ra ngoài. Trong khi đó, cách địa táng, thi thể người chết buộc phải trải qua quá trình xử lý bằng hóa chất. Sau khi chôn cất, hóa chất này sẽ ngấm vào đất trước khi tác động đến các mạch nước ngầm, gây ra hiện tượng ô nhiễm đất xung quanh nơi chôn cất (nghĩa địa).
(4) tiễn đưa người quá cố nhanh gọn nhằm giúp người quá cố thoát khỏi cõi trần nhanh chóng, không còn lưu lại dấu vết gì để thần thức tơ vương và người thân ở lại mau trở về trạng thái bình thường cuộc sống. Giáo lý nhà Phật khích lệ như thế vì đức Phật biết rất rõ con người dễ bám chấp vào thân này. Thân này có mặt với mình từ trong bào thai và lớn lên nên đã sở hữu hóa, đẳng thức hóa thân này là chính mình và (ta) dễ bám vào nó ngay giờ phút lìa đời. Do đó, thiêu để khi tâm thức còn luyến tiếc sẽ không thể nhìn thấy được thân thể nữa nên mới rũ bỏ. Còn nhìn thấy là còn vướng mắc, còn luyến tiếc.
Chính quyền bang California, nơi chúng tôi sinh sống, khuyến khích cư dân nên chọn phương cách hỏa táng mà theo họ có những điểm lợi ích tương tự như nói trên.
Ở Việt Nam thì phương cách an táng bằng hình thức địa táng phổ biến hơn, bởi nó phù hợp với văn hóa, điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế xã hội của người dân vùng nông thôn Việt Nam. Tuy nhiên ngày nay đất nước đang phát triển, đất nông nghiệp bị đô thị hóa nên người dân có khuynh hướng chọn cách hỏa táng, một phần cũng vì những lợi ích thiết thực như nói ở trên và một phần khác do sự khích lệ của chính quyền và Giáo hội Phật Giáo Việt Nam.
Như thế, có thể nói mẫu số chung cách an táng hiện nay trên thế giới là hỏa táng, thế nhưng sau khi hỏa táng rồi thì tro cốt nên để ở đâu là hợp lý?
Nên chôn tro cốt xuống đất, gìn giữ để thờ cúng tại nhà, tại chùa hay đem rải xuống ao hồ sông biển. Đức Phật không để lại một huấn thị rõ ràng về vấn đề này, vì Ngài muốn chúng ta tự hiểu xác thân chỉ là một hỗn hợp của vật chất và sau khi chết, những thứ này lại trở về các nguyên tố Đất, Nước, Gió, Lửa. Phần tro cốt còn lại chỉ là biểu tượng của nguời qua đời, là người thân mà ta thuơng yêu. Chúng ta nên kính trọng, tuy nhiên, không nên quyến luyến quanh những biểu tượng này, không nên sống mãi với quá khứ của họ hay nghĩ rằng chúng ta chẳng còn liên hệ gì với người đã chết.
Theo Phật giáo, con người sau khi chết thì thần thức theo nghiệp tái sinh, còn xác thân tứ đại (đất, nước, gió, lửa) thì bằng cách hỏa táng hay địa táng cũng đồng nghĩa như nhau là đưa thân xác trở về với cát bụi. Cho nên, chôn hay thiêu, giữ tro cốt ở đâu không thành vấn đề quan trọng.
Nói tóm lại, có 5 cách xử lý tro cốt sau khi hỏa táng là:
(1) Đem tro cốt lên chùa thờ tự nếu người đã mất là một Phật tử, hoặc trong lúc lâm chung tâm tưởng hướng về Phật.
(2) Gìn giữ và thờ cúng tại nhà.
(3) Rải tro cốt ra ngoài thiên nhiên như ao hồ sông suối hay biển cả.
(4) Dùng như một loại phân bón cây cối và
(5) Biến tro cốt người quá cố thành viên kim cương để mang theo trong người.
(*)Trong 5 cách xử lý tro cốt nêu trên, người Phật tử chọn phương cách xử lý nào cũng không có gì sai cả, nhưng nếu chọn phương cách gửi tro cốt tại chùa thì đừng nghĩ rằng để tro cốt ở những nơi thiêng liêng như chùa chiền là phương cách tối ưu, người quá vãng sẽ được an toàn, được nghe câu kinh tiếng kệ và không bị nghiệp lực lôi kéo. Việc để tro cốt trong chùa không có ý nghĩa gì hơn là việc biểu lộ niềm kính trọng và thương yêu với người đã khuất. Tuy nhiên, việc để tro cốt trong chùa cũng phát sinh nhiều vấn đề như việc gìn giữ khi nhà chùa sửa chùa hay rời đổi vị trí chùa, khi chùa bị khai phá sản hay bị pháp luật sở tại không cho hoạt động (xảy ra tại hải ngoại). Ngoài ra, theo một vị sư người Canada gốc Việt tại Ontario cũng như một vị hòa thượng đã viên tịch ở Trảng Bàng khuyến cáo việc để tro cốt người thân tại chùa như là con tin của nhà chùa, nếu người thân không cúng dường tiền cho chùa thì bình đựng tro cốt ấy được đẩy lui vào hốc tháp, có khi bị dẹp bỏ. (**)
Tuy nhiên, có một quan điểm trái ngược, cho rằng việc gửi tro cốt người thân ở chùa có điểm lợi là nhằm tạo điều kiện đi thăm viếng dễ dàng, tiết kiệm thời gian cho con cháu. Mỗi lần khi đến thăm tro cốt, con cháu có được cơ hội viếng chùa, có thể ngồi lại một thời gian nhất định để các nhà sư tư vấn cho những điều họ muốn biết trong cuộc đời, nhất là chuyện vượt qua những bế tắc, đau khổ.
Có một điều cần nhấn mạnh nơi đây là chùa không phải là nơi thờ tro cốt của Phật tử quá vãng mà là nơi thờ Đức Phật và chư Tổ Sư, là nơi tu hành cho tăng ni Phật tử.
Còn việc rải tro cốt ra ngoài thiên nhiên có ưu điểm là không có phần lễ nghi phức tạp, nhưng thân nhân cũng nên thực hiện trong sự im lặng, chậm rãi, và quán tưởng; mỗi thành viên trong gia đình rải một nắm trong sự thành kính tiễn biệt sẽ mang ý nghĩa và trọn tình hơn la bỏ cả hũ tro cốt xuống sông hay xuống biển.
Đối với việc dùng tro cốt sau khi hỏa táng để làm phân bón cây cối xung quanh nhà hay nơi các công viên là một phương cách khá đặc biệt nhưng chưa được phổ biến nhiều mà chúng tôi được biết qua tang lễ cố trưởng lão Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm, một vị trưởng lão tôn kính ở quốc đảo Đài Loan. Ngài đã lập di chúc là tro cốt của ngài được phân làm nhiều phần rải chôn ở nhiều vị trí khác nhau trong công viên Pháp Cổ Sơn núi Lập Kim, huyện Đài Bắc. Ngài giải thích việc phân ra nhiều phần như thế cốt để người đời sau không thể nhận ra được nơi nào là nơi đã chôn cất vị thầy hay người thân của mình. Và ngài lưu ý người đến công viên thăm viếng không nên dâng hoa, đốt tiền vàng bạc, thắp hương hay đốt đèn cầy, chỉ có tưởng niệm mà thôi.
(Còn tiếp)
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Luận bàn hai chữ “Cuộc đời” trong bài kệ của Thiền sư Pháp Loa
Tư liệu 13:32 21/11/2024“Cuộc đời của mỗi con người chỉ như một giấc chiêm bao – vô thường. Nếu không có hiểu biết, không tìm thấy cái ta chân thật, thì dù làm bao nhiêu việc cũng chỉ là làm mộng, bao nhiêu cái biết, cũng chỉ là cái biết hư vọng”.
Mối quan hệ giữa đời sống và việc tu hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông
Tư liệu 14:05 20/11/2024Phật hoàng Trần Nhân Tông luôn nhấn mạnh quan niệm tiến bộ của Phật giáo Đại Việt rằng “Phật giáo là cuộc sống, không có sự cách li, phân biệt, bởi vì Phật giáo là gì nếu không phải đó là một quá trình đi tìm chân lý.
Tiếc là con người chỉ có hai tay
Tư liệu 08:20 19/11/2024Ngày xửa ngày xưa, có một cô gái đến tuổi gả chồng, có hai gia đình Đông gia và Tây gia cùng đến cầu thân.
Bay qua miền hạnh phúc
Tư liệu 17:30 18/11/2024Phật pháp chính là diệu pháp, đã chắp cho tôi đôi cánh, giúp tôi bay lên cao, ra khỏi vực thẳm tuyệt vọng, đi đến miền hạnh phúc…Tôi xin cảm tạ Chư Phật Bồ Tát, cảm tạ tất cả những thiện hữu đã nhọc nhằn tâm lực, công sức vì tôi.
Xem thêm