Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ năm, 30/06/2022, 14:05 PM

Vấn đề nghiên cứu Tâm lý giáo dục theo quan điểm Duy thức học Phật giáo (Phần 1)

Theo quan điểm Phật giáo, con người là hợp thể của ngũ uẩn gồm sắc, thọ, tưởng, hành, thức; trong đó thân thể thuộc sắc pháp; còn thọ, tưởng, hành, thức đều thuộc tâm pháp. Điều này cũng phù hợp với nhận thức khoa học hiện nay, công nhận con người gồm có thân và tâm; thân thuộc vật chất còn tâm thuộc tinh thần.

Tóm tắt

Tâm lý giáo dục phương Tây và nền giáo dục hiện đại đã có những thành tựu to lớn không thể phủ nhận được. Nhưng không vì thế mà nhân loại có thể quên đi những khủng hoảng trầm trọng trong vài thế kỷ qua, tất cả đều dẫn xuất từ những thành tựu khoa học công nghệ của phương Tây, đến nỗi đã có người có ý kiến, “Nếu nền văn minh phương Tây thường xuyên rơi vào trạng thái khủng hoảng thì có thể nói rằng có những sai lầm nào đó trong hệ thống giáo dục của nó”.

Bài viết này giới thiệu sơ lược về học thuyết Duy Thức như một hệ thống tâm lý học Phật giáo có thể góp phần định hướng giáo dục và bổ sung cho những thiếu sót của tâm lý giáo dục phương Tây, vốn xây dựng trên tư duy hữu ngã.

Từ khoá: Tâm lý giáo dục phương Tây, Duy Thức học, Tâm lý học Phật giáo.

Abstract

Western educational psychology and the modern educational system have undeniably great achievements. But it is not for that reason that mankind can forget the severe crises of the past few centuries, all of which come from the achievements of science and technology in the West, to the point where there is an opinion, “If the Western civilization is often in a state of crisis, it can be said that there are certain mistakes in its educational system”.

This article briefly introduces the theory of Mere-Consciousness as a Buddhist psychology system that can contribute to educational orientation and complement the shortcomings of Western educational psychology, which is built on selfish thinking.

Key words: Western educational psychology, the theory of Mere-Consciousness, the Buddhist psychology.

1. Tổng quan về Tâm lý Giáo dục

Theo Bách khoa Toàn thư tiếng Anh (Encyclopedia Britannica), giáo dục là việc truyền đạt các giá trị và những kiến thức đã tích luỹ được của một xã hội. Nói rộng hơn, chính giáo dục làm nên văn hoá và văn minh của một xứ sở[1]. Lịch sử cũng cho thấy giáo dục là loại hoạt động giúp xã hội loài người tiến bộ theo hướng tích cực, mặc dù không phải lúc nào cũng như vậy. Ở mức độ cao nhất, giáo dục phải góp phần vào việc tạo ra sự phát triển bền vững cho toàn thể xã hội loài người[2].

Xưa nay, nhiều nền giáo dục nhắm đến việc đào tạo mẫu người lý tưởng, nhưng mẫu người lý tưởng ấy cũng thay đổi theo thời đại, nơi chốn; nghĩa là cũng vẫn chưa có một đối tượng chung nhất của giáo dục. Chính vì thế, có thể nghĩ rằng giáo dục phải nhằm giúp con người tự khám phá chính mình và phát triển nhân cách trong sự tổng hòa các mối quan hệ xã hội.

Khoảng thế kỷ XV của kỷ nguyên tây lịch, các dân tộc phương Tây đã có những cố gắng vượt bực trong hoạt động giáo dục. Không chỉ giới hạn trong việc giúp các cá nhân hoà nhập xã hội, giáo dục phương Tây có những mục tiêu xa hơn nhằm đào tạo thành phần ưu tú có kiến thức sâu rộng, có năng lực vững vàng để xây dựng đất nước, tạo điều kiện cho việc chinh phục thiên nhiên, góp phần tạo dựng sự thịnh vượng cho cộng đồng, cho xã hội. Nhiều quốc gia châu Âu đã xác định mục tiêu, nội dung, tổ chức và các chiến lược giáo dục dành cho những thành viên ở tuổi chưa thành niên thuộc xã hội mình; giáo dục trở thành giáo dục công dân. Nhiều lĩnh vực học thuật ra đời, đặt nặng tinh thần nghiên cứu khoa học, trong đó nghiên cứu về giáo dục rất được chú trọng. Hệ quả là nhiều lý thuyết giáo dục xuất hiện, đặc biệt là ngành Tâm lý học Giáo dục (Educational Psychology) đã phát triển với nhiều trường phái khác nhau.

Tâm lý học Phật giáo

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tâm lý Giáo dục hiện đại là một phân ngành của ngành tâm lý học phương Tây, ban đầu ngành này chỉ là một bộ phận phụ thuộc vào Triết học và Sinh vật học; mãi đến năm 1879, khi Wilhelm Wundt (1832-1920) thành lập phòng thí nghiệm đầu tiên dành riêng cho việc nghiên cứu tâm lý học tại Đại học Leipzig (Đức Quốc), Tâm lý học mới trở thành một ngành khoa học riêng biệt[3]. Từ những kết quả nghiên cứu của các nhà Tâm lý học lỗi lạc phương Tây như Hertbert Mead (1863-1931), Sigmund Freud (1856-1939), Carl Gustav Jung (1875-1961), Erich Fromm (1900-1980), Abraham Harold Maslow (1908-1970)… phân ngành Tâm lý Giáo dục hiện đại cũng đã xác định một trong những trọng tâm của giáo dục chính là giáo dục nhân tính.

Tâm lý giáo dục quan tâm đến việc nghiên cứu về các hoạt động học tập của con người. Việc nghiên cứu về các tiến trình học tập, cả từ quan điểm nhận thức lẫn từ quan điểm hành vi, cho phép các nhà nghiên cứu hiểu rõ những khác biệt cá nhân trong các lĩnh vực về khả năng hiểu biết, phát triển nhận thức, hành vi, động cơ thúc đẩy, sự tự ý thức về bản thân, khả năng tự điều chỉnh… của người học. Ngành tâm lý giáo dục hiện đại trông cậy nhiều vào các phương pháp nghiên cứu mang tính định lượng, quan trọng nhất là các biện pháp thử nghiệm và đo lường, nhằm nâng cao phẩm chất hoạt động liên quan đến việc thiết kế giảng dạy, quản lý lớp học và lượng giá kết quả học tập, có mục đích tạo sự dễ dàng cho tiến trình học tập trong những bối cảnh giáo dục khác nhau trong suốt cuộc đời của người đi học.

Tuy nhiên, khi đi sâu tìm hiểu về các lý thuyết Tâm lý học và Tâm lý Giáo dục phương Tây, có thể thấy nhiều nghiên cứu về tâm lý con người chỉ tập trung vào hiện tượng tâm lý hơn là chỉ ra được bản chất tâm lý. Định hình vào thời điểm nền khoa học kỹ thuật và công nghệ phương Tây đang phát triển rực rỡ, dường như mọi lý thuyết Tâm lý học phương Tây đều xây dựng trên nhận thức hữu ngã và đặt niềm tin vào khả năng khai thác vô tận mọi tài nguyên thiên nhiên để phục vụ khát vọng sống của con người, được cho là cá thể có ngã tính thường hằng. Bên cạnh đó, khoa tâm lý giáo dục hiện đại tuy có khảo sát các lý thuyết về tánh hạnh con người, quá trình phát triển tâm lý trẻ em, thiếu niên và người trưởng thành… nhưng vẫn đặt nặng việc ứng dụng Tâm lý học để tăng cường hiệu quả cho việc dạy và học với nội dung giáo dục không ngừng chú trọng đến khả năng chinh phục ngoại giới và xiển dương nhu cầu tự thể hiện mình.

Nói chung, Giáo dục, Tâm lý học và Tâm lý Giáo dục hiện đại phương Tây đã và đang tiếp tục xây dựng trên nền tảng tư duy về cái “Tôi”, cái “của Tôi” và cái “tự ngã của Tôi”[4] – nghĩa là vẫn chưa thấy được bản chất của thực tại vốn vô thường, vô ngã – có thể vẫn góp phần vào việc nâng cao sự tiến bộ của một bộ phận xã hội loài người nhưng với cái giá phải trả là thiên nhiên tiếp tục bị tàn phá, môi trường sống của toàn thể loài người tiếp tục bị xâm hại, và không ít những bộ phận khác của loài người phải chịu hy sinh, thiệt thòi. Nói khác đi, mục tiêu góp phần vào sự phát triển bền vững cho toàn thể xã hội loài người vẫn xa vời, nói chi đến việc mang lại hạnh phúc cho số đông.

Những thành tựu lớn lao của nền giáo dục hiện đại phương Tây trong nhiều thế kỷ qua là điều không thể phủ nhận. Nhưng hẳn là nhân loại cũng không thể quên được những khủng hoảng trầm trọng của xã hội loài người suốt vài thế kỷ gần đây, từ những tham vọng bành trướng dẫn đến chủ nghĩa thực dân gây ra vô số thảm hoạ nhân loại đến các cuộc chiến tranh thế giới, từ việc xiển dương chủ nghĩa tiêu thụ khoa trương đến tình trạng tiếp tục tàn phá môi sinh gây biến đổi khí hậu… đều dẫn xuất từ phương Tây. Vào đầu thập niên 70 của thế kỷ XX, đã có người đặt vấn đề về sự lệch lạc trong nền giáo dục phương Tây mà có thể người đầu tiên là nhà kinh tế người Anh gốc Đức E.F. Schumacher (1911-1977). Năm 1973 ông đã viết trong tác phẩm Small is Beautiful (Nhỏ là đẹp) rằng, “Nếu nền văn minh phương Tây thường xuyên rơi vào trạng thái khủng hoảng thì có thể nói rằng có những sai lầm nào đó trong hệ thống giáo dục của nó”[5]. Tuy vậy, việc giới thiệu một quan điểm giáo dục khác vẫn chưa dễ dàng được tiếp cận. Trong Lời Nói Đầu luận án tiến sĩ Phật học Lý thuyết Nhân tính qua Kinh tạng Pali, tác giả Thích Chơn Thiện cho biết, “Có ít bài khảo luận xem Phật giáo là con đường giáo dục. Ngay cả tác phẩm giáo dục rất nổi tiếng, “Các Lý thuyết về Nhân tính” của Calvin S. Hall và Gardner Lindzey xuất bản lần thứ ba, năm 1991, chỉ có một chương mới nói về “Tâm lý học Đông Phương” bàn về Thắng Pháp (Abhidhamma) qua mười sáu trang giấy, như là lý thuyết Nhân tính của phương Đông”[6].

Do vậy, việc xuất hiện trong năm 1999 tác phẩm Tâm lý học Phật giáo của tác giả Thích Tâm Thiện và tác phẩm Lý thuyết Nhân tính qua Kinh tạng Pali của Hoà thượng Thích Chơn Thiện  qua bản dịch của dịch giả Tâm Ngộ là những đóng góp quý giá cho việc nhận thức lại giá trị nền giáo dục hiện đại, đồng thời thúc đẩy việc nghiên cứu thêm, làm sáng tỏ thêm giá trị nền giáo dục cổ truyền của dân tộc, vì quả thực, Phật giáo đã có thời là nền giáo dục chủ đạo của đất nước ta.

Đức Phật - Nhà trị liệu tâm lý vượt thời gian

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

2. Giới thiệu Duy Thức học

2.1. Tổng quan về Duy Thức học

Duy Thức học là hệ thống luận thuyết Phật giáo trình bày mọi hiện tượng liên quan đến chúng sinh và thế giới nơi chúng sinh tồn tại. Điều mà Duy thức học mô tả chính là thế giới của con người và môi trường sống của con người. Trong thế giới đó, con người là chủ thể và môi trường là khách thể.

Duy Thức học cho thấy mọi nhận biết thông thường của chúng sinh về hiện tượng ngoại giới thực ra chỉ là sự vận hành của tâm thức. Nhận thức đó không đạt đến bản chất thực của ngoại giới mà chỉ mang ý nghĩa của những sự kiện đã bị biến thể ít nhiều tuỳ theo mức độ ô nhiễm trong tâm thức chúng sinh; từ đó hình ảnh của ngoại giới đã bị méo mó do vô tình hay dựa trên thái độ cố ý biến đổi của từng cá thể nhận thức vốn là kết quả của nghiệp lực mà từng cá thể đã sở hữu, đã thừa tự từ vô thuỷ. Duy Thức hàm ý sự nhận biết về hiện tượng ngoại giới mà chúng sinh coi là thực chẳng qua chỉ là hình ảnh đã bị tâm thức biến đổi.

Điều này không hoàn toàn có nghĩa là Duy Thức học phủ nhận sự tồn tại khách quan của thế giới hiện tượng, chỉ khẳng định rằng sự nhận biết về thế giới hiện tượng của mọi chúng sinh còn trong tình trạng vô minh đều là không như thật, nhưng vì chúng sinh căn cứ vào sự nhận biết không như thật ấy mà hành xử nên chúng sinh chịu đau khổ. Tuy vậy, Duy Thức học vẫn nhấn mạnh rằng toàn bộ thế giới hiện tượng là không có thực thể, dựa trên lời dạy của Đức Phật rằng “Nhất thiết pháp vô ngã”[7]. Cũng theo Duy Thức học, chỉ qua quá trình tu tập để từ đó có thể chuyển hoá thức thành trí, nhận biết thế giới hiện tượng như thật, chúng sinh mới có thể tồn tại an lạc ở nơi họ đang tồn tại.

2.2. Sơ lược về quá trình hình thành Duy Thức học

Việc hình thành và phát triển Duy Thức học là cả một quá trình kéo dài suốt hàng nhiều thế kỷ xuất phát từ những giáo nghĩa căn bản do chính Đức Phật tuyên thuyết, được các vị Tổ sư diễn dịch không đi ngược với bản ý của bậc Chánh Đẳng Giác. Khoảng cuối thế kỷ thứ IV tây lịch, ngài Thế Thân (Vasubandhu 320-400) dựa vào các bản kinh và luận như Giải Thâm Mật, A Tỳ Đàm, Nhập Lăng Già… Du Già Sư Địa Luận, Hiển Dương Thánh Giáo Luận, Nhiếp Đại Thừa Luận, Biện Trung Biên Luận… viết ra 30 bài kệ tụng được gọi là Duy Thức Tam Thập Tụng tuy ngắn gọn nhưng nội dung phong phú, làm nền tảng cho học thuyết Duy Thức. Lịch sử cho biết ngài Thế Thân viết xong Tam Thập Tụng chưa bao lâu thì viên tịch. Bộ luận này được học giới Ấn Độ hết sức quan tâm nên đã có các ngài Bandhusri (Thân Thắng) và Citrabhana (Hoả Biện), cùng thời với ngài Thế Thân, đưa ra những quan điểm luận giải; sau đó, lại có thêm tám vị luận sư khác như Gunamati (Đức Huệ), Sthiramati (An Huệ), Jnanacandra (Trí Nguyệt)…  viết các bản chú giải riêng. Khi sang học tại Viện Đại học Nalanda, ngài Huyền Trang (600- 664) người Trung Hoa đã được truyền thụ tất cả mười bản chú giải của mười vị luận sư đó, và ngài đã mang hết về nước với ý định dịch ra toàn bộ, nhưng sau ngài chỉ sử dụng các tài liệu ấy để tập hợp lại làm nên bộ luận Thành Duy Thức, được nhìn nhận là bộ sách cương yếu về Duy Thức học ở vùng Đông Á.

Ứng dụng đạo đức Phật giáo vào đời sống tâm lý con người

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

2.3. Sơ lược về nội dung Duy Thức học

Nói chung, Duy Thức học thuyết minh Pháp tướng như huyễn, toàn thể thế giới hiện tượng là không thật có và điều này được hệ thống Duy Thức học trình bày dựa vào sự vận hành của tâm lý con người, cho thấy mọi hiện tượng xuất hiện trong thế giới đều chỉ là ảnh tượng lưu xuất từ tâm thức của con người, là kết quả của tâm lý cộng đồng… Thế giới hiện tượng chỉ là nhận thức về các đối tượng sai biệt, mà đối tượng thực ra cũng chỉ là hình ảnh của đối tượng mà chủ thể nhận thức là con người đã nắm bắt được. Người ta biết rằng chỉ khi nhận thức đúng về mình và về thế giới nơi mình đang sống, con người mới có khả năng xây dựng cho mình một cuộc sống an lạc. Chính vì vậy, Duy Thức học được coi là một hệ thống tâm lý học sâu sắc, có thể dùng trong việc giáo dục về mặt tâm lý với tính cách là một học thuyết tâm lý giáo dục.

Theo quan điểm Phật giáo, con người là hợp thể của ngũ uẩn gồm sắc, thọ, tưởng, hành, thức; trong đó thân thể thuộc sắc pháp; còn thọ, tưởng, hành, thức đều thuộc tâm pháp. Điều này cũng phù hợp với nhận thức khoa học hiện nay, công nhận con người gồm có thân và tâm; thân thuộc vật chất còn tâm thuộc tinh thần. Khác với quan điểm của triết học nhị nguyên cho rằng những gì không thuộc tâm thì đều là vật; ở đây, ngoài Tâm pháp để chỉ tâm và Sắc pháp để chỉ vật chất, Duy Thức học liệt kê thêm những phạm trù được gọi là Tâm sở hữu pháp, Tâm bất tương ưng hành pháp và Vô vi pháp.

Trong năm phạm trù này, thuộc về Tâm pháp là các yếu tố ở vị trí chủ thể nhận thức, chẳng hạn nhãn thức có địa vị chủ thể nhận thức đối với hình sắc thuộc hiện tượng ngoại giới…; Tâm sở hữu pháp là những trạng thái tâm lý của chủ thể nhận thức, chẳng hạn buồn, vui, hờn, giận, tham lam…; Sắc pháp trước hết là các thành phần vật chất làm chỗ dựa cho các yếu tố ở vị trí chủ thể nhận thức, chẳng hạn như mắt là chỗ dựa của nhãn thức nên được gọi là nhãn căn…, kế đó là tất cả những hiện tượng ngoại giới thuộc đối tượng của chủ thể nhận thức; Tâm bất tương ưng hành pháp là những hiện tượng không thể xếp vào tâm pháp, tâm sở hữu pháp hoặc sắc pháp mặc dù vẫn có khả năng làm biến đổi nhận thức của con người, chẳng hạn không gian, thời gian, phương hướng… Bốn phạm trù trên là các hiện tượng có sanh có diệt, được gọi là các pháp hữu vi, là những hiện tượng có điều kiện mới sinh khởi; phạm trù cuối cùng được Duy thức học xếp vào các hiện tượng không sanh không diệt, gọi là Vô vi pháp, mang tính chất giáo nghĩa giải thoát của Phật giáo.

2.4. Sơ lược về Tâm pháp theo Duy Thức học

Mặc dù khẳng định rằng tâm thức không hề có một yếu tố vật chất nào và không thể chỉ ra được vị trí nhất định, cho nên phải hiểu tâm thức là một tổng thể không tách rời, thế nhưng Duy Thức học vẫn trình bày tâm thức như một cơ cấu gồm tám thành phần có công năng và sự vận hành khác nhau.

Thành phần nằm sâu trong cùng gọi là A-lại-gia thức, còn có các tên Tàng thức, Nhất thiết chủng thức, và Dị thục thức… dựa theo công năng của nó. Gọi là tàng thức vì nó chứa các hạt giống (chủng tử) của tâm thức; gọi là Nhất thiết chủng thức vì tất cả mọi hạt giống của tâm thức đều có mặt trong đó; gọi là Dị thục thức vì từ đó những hạt giống tâm thức chín muồi để hiện hành, nghĩa là xuất hiện trong thế giới hiện tượng; thức A-lại-gia còn được gọi là thức thứ tám hay Căn bản thức vì đây là nền tảng của tâm thức, nơi chứa đựng, gìn giữ, tưới tẩm tất cả mọi hạt giống của tâm thức và cũng là mọi hạt giống của thế giới hiện tượng.

Thành phần kế tiếp là Mạt-na thức, thức thứ bảy. Đây là một Chuyển thức vì thức này nương vào A-lai-gia thức mà hiện hành. Duy Thức học cho biết thức này là cầu nối giữa thức thứ tám A-lại-gia và thức thứ sáu (Ý thức) để đưa những hạt giống chín muồi từ tàng thức ra ngoài hoặc tiếp nhận những hạt giống từ ý thức đem vào cất giữ trong Tàng thức, vì vậy Mạt-na thức còn được gọi là Truyền tống thức. Mạt-na thức cũng được coi là nền tảng của Ý thức nên còn được gọi là Ý căn[8].

Thức thứ sáu chính là Ý thức, cũng là một chuyển thức vì sinh khởi trên nền tảng của thức thứ bảy (Mạt-na thức) được coi là thành phần quan trọng nhất trong cơ cấu tâm thức của con người vì chỉ có Ý thức mới có công năng nhận thức phân biệt. Ý thức có thể hoạt động độc lập hoặc hoạt động cùng lúc với các thức cảm giác. Ý thức là nơi tiến hành tất cả những hoạt động nhận thức, được coi là cơ cấu có công có tội đầu tiên trước mọi hành vi của con người.  

Tiếp theo thức thứ sáu là năm thức cảm giác, gồm có Nhãn thức là cơ quan cảm giác về hình tướng hoạt động dựa vào mắt; Nhĩ thức là cơ quan cảm giác về âm thanh hoạt động dựa vào tai; Tỷ thức là cơ quan cảm giác về mùi hoạt động dựa vào mũi; Thiệt thức là cơ quan cảm giác để biết vị hoạt động nhờ lưỡi; Thân thức là cơ quan cảm nhận được sự sờ mó hoạt động dựa vào lớp da ngoài cùng của thân thể.

Năm thức cảm giác này thường được gọi chung là Tiền ngũ thức, có cách vận hành giống nhau nên được trình bày chung, riêng Tỷ thức (mũi) và Thiệt thức (lưỡi) lại có tầm mức hoạt động hẹp hơn ở một số môi trường. Duy thức Tam thập tụng xác định năm thức cảm giác đều nương vào thức A-lại-gia để hiện khởi, khi thì hiện khởi cùng lúc với nhau, khi thì sinh khởi riêng, như sóng nương vào nước, cũng là năm chuyển thức.  

Chú thích: 

[1] Thích Chơn Thiện, Lý thuyết nhân tính qua kinh tạng Pali, Tâm Ngộ dịch từ luận án Tiến sĩ The Concept of personality revealed through the Pancanikaya, nxb Phương Đông, Sài Gòn (2006).  

[2] UNESCO, Rethinking Education - Towards a global common good?, 2015, p.32.

[3]Tham khảo mục từ Wilhelm Wundt trong Wikipedia, https://en.wikipedia.org/wiki/Wilhelm_Wundt#Laboratory_of_Experimental_Psychology: “In 1879, at the University of Leipzig, Wundt opened the first laboratory ever to be exclusively devoted to psychological studies, and this event marked the official birth of psychology as an independent field of study”. 

[4] Thích Tâm Thiện, Tâm lý học Phật giáo,  

[5] Dẫn theo Thích Tâm Thiện, Tâm lý học Phật giáo.

[6] Thích Chơn Thiện, Lý thuyết nhân tính qua kinh tạng Pali, Tâm Ngộ dịch, nxb Phương Đông, Sài Gòn (2006).  

[7] Bài kệ Pháp Cú 279

[8] Có lẽ việc gọi thức Mạt-na là Ý căn ở đây chỉ là sự miễn cưỡng dùng từ cho phù hợp với trạng thái Mạt na nương theo A-lại-da mà sinh khởi, thì Ý thức cũng có chỗ nương theo để sinh khởi; chứ thực ra, toàn bộ nền tảng của tâm thức gồm Tâm-Ý-Thức là không có cơ sở vật chất.  

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử: Dấu ấn của Phật giáo thời Trần

Nghiên cứu 09:40 15/11/2024

Thời đại nhà Trần, không những độc lập dân tộc, tự chủ về đời sống kinh tế, chính trị, xã hội…, mà còn độc lập, tự chủ về hệ tư tưởng làm chỗ dựa cho đời sống tinh thần của nhân dân Đại Việt thế kỷ XIII – XIV.

Tín ngưỡng thờ phụng đức Phật Dược Sư thời nhà Đường

Nghiên cứu 09:45 03/11/2024

Việc thiết lập đàn tràng và tu trì đức Phật Dược Sư trở nên quan trọng hơn dưới thời trị vì của vua Đường Túc Tông, thời kỳ triều đình nhà Đường phải vật lộn để vượt qua thách thức do những cuộc nổi dậy của quân đội trong nước gây nên...

Những đóng góp của Hòa thượng Thích Minh Châu trong công tác ngoại giao Phật giáo

Nghiên cứu 09:45 19/10/2024

Di sản mà Hòa thượng để lại không chỉ là nền móng vững chắc về giáo dục và ngoại giao, mà còn là kim chỉ nam cho chúng ta tiếp tục phát triển, đưa tinh thần từ bi và trí tuệ của đạo Phật lan tỏa rộng khắp, góp phần gìn giữ hòa bình.

Lợi ích của Thiền tứ vô lượng tâm trong đời sống xã hội

Nghiên cứu 09:30 06/10/2024

Có thể nói rằng Từ, Bi, Hỷ, Xả là những đức hạnh tốt lành và cao đẹp để xây dựng nên một con người hoàn thiện, một gia đình hạnh phúc, một xã hội tốt đẹp.

Xem thêm