Vật trả ơn, người trả oán vì sao lại như thế?
Ơn nghĩa ở thế gian là bao la, vô cùng tận, ta không thể nhất thời mà trả hết những công ơn ấy. Phật dạy ta biết ơn và đền ơn là đạo lý uống nước nhớ nguồn. Ai sống luôn nhớ nghĩ và thực hành như vậy, sẽ là những Phật tử chân chính sống đúng theo lời dạy của Như Lai Thế Tôn.
Ngày xưa, có một đất nước nọ, ông vua sống rất nhân từ, đạo đức, thông suốt việc đời cho đến việc đạo. Ông thấy rõ kiếp sống con người tạm bợ, mong manh, mạng người sống trong hơi thở, vì công danh, sự nghiệp, vợ đẹp, con ngoan mà nhiều người đành lòng giết hại, trộm cướp, lừa gạt mà bức hại, làm khổ lẫn nhau.
Nghĩ vậy, vua liền từ bỏ tất cả, đi qua nước khác, tìm thầy học đạo và xuất gia làm người tu hành. Gần hai mươi năm, ông lánh xa thế gian trần tục, tinh tấn tu hành, sống đời đạm bạc. Chỗ ông đang ở có một hang sâu, không có đường lên. Một hôm, có anh thợ săn vì ham đuổi theo con mồi mà rớt xuống hang. Vị thầy tu đó nghe tiếng kêu cứu, liền chặt dây leo thả xuống. Anh thợ săn nhờ vậy mà thoát chết. Lúc đó, anh đã bắt được một con rắn và một con quạ, nhốt chung vào cái rọ đeo bên mình.
Vì thấy hai con vật tội nghiệp nên vị thầy thương tình, mở rọ ra thả chúng đi. Riêng anh thợ săn thì thương tích đầy mình, và thầy nhiệt tình chăm sóc. Sau đó, anh thợ săn phục hồi được sức khỏe, cám ơn rối rít vị ân nhân cứu mình và hứa sẽ có ngày đền ơn, đáp nghĩa. Nói xong, anh chỉ cho thầy ngôi nhà ở bìa rừng và mời thầy khi nào có dịp thì ghé nhà chơi để gia đình có dịp hậu tạ. Trước đó, hai con vật được cứu thoát cũng đã thầm hứa khi thầy gặp chuyện không may, chúng sẽ hết lòng tìm phương cứu giúp.
Những nghề tạo nghiệp xấu nên tránh
Chú quạ sau khi thoát chết luôn tìm cách trả ơn thầy. Nó nghĩ mãi vẫn không có cách nào để đền ơn xứng đáng. Cuối cùng, nó sực nhớ ra, liền bay vào cung vua lúc nửa đêm để lấy cắp hạt kim cương quý giá của hoàng hậu. Sau đó, nó tìm đến vị thầy để đền ơn cứu mạng bằng cách dâng kính thầy hạt kim cương.
Hoàng hậu sau khi ngủ dậy mới phát giác ra hạt kim cương bị mất, liền báo cho vua biết. Vì là vật gia bảo quý giá nên nhà vua truyền rao khắp tất cả thần dân thiên hạ, nếu ai tìm được viên kim cương sẽ được tặng đất đai, nhà cửa, tiền bạc và các nhu cầu cần thiết. Lệnh thông báo được truyền đi khắp nơi từ thành thị phồn náo đến hang cùng ngõ hẻm nên ai cũng biết tin.
Riêng vị thầy, sau khi nhận hạt kim cương mới nghĩ rằng gia cảnh anh thợ săn chắc rất túng thiếu nên khởi lòng từ bi đem đến tặng anh ta, không ngờ tai họa bắt đầu ập đến. Tên thợ săn nhân cơ hội này trói vị thầy ân nhân đã cứu sống mạng mình, nộp cho nhà vua để được nhận đầy đủ các thứ nhà vua hứa.
Nhà vua hỏi vị thầy: “Hạt kim cương này do đâu mà ngươi có, hãy mau thành thật khai báo”. Vị thầy suy nghĩ, nếu ông nói thật ra thì tất cả loài quạ trên thế gian này sẽ bị tiêu diệt hết. Còn nếu tự mình nhận lấy thì phạm giới tu hành sẽ làm cho mọi người mất tín tâm. Nghĩ vậy nên thầy đành im lặng, một mực cam chịu sự đánh đập, hành hạ dã man.
Tuy vậy, thầy không khởi tâm oán giận nhà vua, mà còn khởi lòng bi mẫn, thương xót phát nguyện sau khi thành tựu đạo lý giác ngộ giải thoát, sẽ độ nhà vua trước tiên. Nhà vua thấy ngài bị tra tấn dã man mà không hề có thái độ sợ hãi, nên truyền lệnh chôn sống vị thầy, chỉ chừa cái đầu bên trên. Con rắn hay tin thầy bị oan gia vì muốn giúp người mà đành chịu khổ, nó tức tối nên tìm cách cứu thầy.
Có duyên mới gặp hết duyên khó mà tìm
Đêm đó, rắn bò vào cung, cắn chết thái tử là đứa con duy nhất của nhà vua. Xong, nó bò về chỗ thầy bị chôn sống, trao thuốc giải độc cho thầy, rồi từ biệt thầy ra đi. Thương tiếc đứa con duy nhất, nhà vua truyền lệnh, nếu ai cứu được thái tử, ông sẽ nhường lại nửa giang sơn. Danh y các nơi nghe thế đều tìm về cung chữa trị, nhưng tất cả đều bó tay, chào thua. Tin thái tử chết và tin thầy tu bị chôn sống được lan truyền rất nhanh.
Người hiểu đạo thì tội nghiệp cho nhà vua, người không hiểu thì nói đáng đời cho nhà vua, kẻ thì nói gieo gió thì gặt bão, họ bàn tán xôn xao vì sự oan trái này. Một người lính đi ngang chỗ thầy tu đang bị chôn sống, vừa đi vừa thốt lên tội nghiệp cho nhà vua quá, có đứa con duy nhất mà giờ phải chịu chết vì rắn cắn. Vị thầy nghe vậy mới nói rằng: “Tôi có thuốc giải độc rắn cắn hay lắm”. Thế là tên lính liền đem thuốc giải về trình vua và cho thái tử uống thử. Thật là mầu nhiệm! Mười phút sau, thái tử hồi tỉnh lại trong sự vui mừng của tất cả mọi người. Nhà vua liền truyền lệnh mau cứu sống vị thầy tu và quỳ xuống ăn năn sám hối: “Mong thầy tha thứ lỗi lầm, con vì người phàm mắt thịt nên xém chút đã giết oan một người tu hành chân chính như thầy”. Sau đó, nhà vua cùng quan quân, gia đình, người thân đồng đến quy y nương tựa thầy cầu mong sự chỉ dạy. Vị thầy vì lòng từ bi cao cả nên đã chấp nhận hết mọi oan gia đau khổ, để tất cả chúng sinh được sống bình yên, hạnh phúc.
Sau đó, thầy hướng dẫn cho vua biết tin sâu nhân quả, khuyên nhủ mọi người làm lành, lánh dữ để cùng nhau sống yêu thương, hiểu biết, để đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau. Sau khi mọi việc xong xuôi, nhà vua mới hỏi: “Tại sao thầy lại không nói lên sự thật?” – “Nếu ta nói lên sự thật thì các loài quạ trong nước đều phải bị hủy diệt hết. Chính vì lẽ đó nên ta không nói. Còn nếu nói sai sự thật thì cũng phạm vào giới cấm, làm cho người khác càng mất niềm tin nơi Phật pháp, ta thà cam chịu đau thương để mọi loài không bị tổn hại”. Vua nghe xong hai hàng lệ rơi mà càng cung kính thầy, vừa cảm phục đức độ của vị chân tu, vừa hổ thẹn vì sự phán xét sai lầm của mình.
Kế đến, nhà vua truyền lệnh chu di ba họ gia đình anh thợ săn, nhưng vị thầy xin vua hãy tha thứ, để anh ta có cơ hội làm mới lại chính mình. Vua nghe lời và từ đó phát tâm xây dựng chùa chiền để hướng dẫn cho mọi người tu theo.
Câu chuyện ngụ ngôn trên nói lên sự bạc bẽo của con người khi không có sự hiểu biết chân chính, không có lòng nhân, không có tình người, không tin sâu nhân quả. Chính vì không tin sâu nhân quả, tin không có đời sau mà người ta đành lòng giết hại lẫn nhau để bảo tồn mạng sống cho riêng mình. Kẻ có quyền cao chức trọng thì nhân danh thượng đế, buộc mọi người phải kính cẩn tôn sùng. Con người vì có hiểu biết nên hơn hẳn các loài vật nhờ biết suy nghĩ, quán chiếu, tìm tòi, biết vận dụng đi theo chiều hướng tốt đẹp, cùng giúp nhau sống an vui, hạnh phúc. Nếu si mê, chấp ngã thì tìm cách chiếm hữu của kẻ khác bằng nhiều hình thức, miễn sao lợi cho mình là được, còn ai khổ đau mặc kệ.
Còn các loài vật thì sao? Khi ai cứu nó, nuôi nó, nó sẽ nhớ ơn suốt đời, không bao giờ có tâm phản phúc, mà còn tìm cách để trả ơn và đền ơn. Chính vì lẽ đó mà dân gian có câu: “Cứu vật, vật trả ơn, cứu nhân, nhân trả oán”, thật không sai chút nào.
Tình người lòng dạ đổi thayNgoài môi, chót lưỡi những câu ân tình.
Biết đền ơn, đáp nghĩa là một việc làm cao quý nhất trong cuộc đời, con người sống thiếu nó thì không có lòng nhân. Biết ơn và đền ơn là đạo lý uống nước nhớ nguồn, ăn trái nhớ kẻ trồng cây. Hiện tại, người Việt Nam chúng ta vẫn giữ được truyền thống tốt đẹp và cao cả này. Ai phủ nhận công ơn của cha mẹ, công ơn của thầy Tổ, công ơn của đất nước, công ơn của tất cả chúng sinh, kẻ đó gọi là “người vong ơn bội nghĩa”.
Ơn cha mẹ là ơn cao cả nhất. Mẹ mang nặng, đẻ đau, cha làm lụng vất vả, nhọc nhằn, chịu cực khổ, mà không hề oán than, chỉ một lòng mong cho con trẻ mau được lớn khôn để nên danh phận ở đời. Đó là sự mong muốn của các bậc làm cha mẹ. Ngoài đời, các em học sinh còn phải biết ơn thầy cô giáo dạy chữ, dạy nghề. Trong đạo pháp, ơn thầy Tổ thì vô cùng cao quý. Cha mẹ làm nên thân ta, thầy cô giúp ta có hiểu biết và công ăn việc làm. Thầy Tổ giúp ta giới, thân, huệ mạng trang nghiêm, trong sạch, sống có nhân cách và đạo đức. Đức Phật ngày xưa, khi thọ ơn ai một điều gì, dù nhỏ nhặt nhất vẫn nhớ và tìm cách trả ơn.
10 cách gieo trồng phước đức theo lời Phật dạy
Trong một kiếp quá khứ, Ngài thọ ơn một người vì đã nói một lời an ủi. Kiếp hiện tại, vị ấy là đệ tử xuất gia theo Phật, nhưng bị bệnh ghẻ lỡ, hôi hám, do quả báo kiếp trước khi làm quan đánh đập, hành hạ nhiều người oan sai, hiện tại phải bị quả báo bệnh khổ. Phật đích thân cùng ngài A Nan đến chỗ đệ tử thăm bệnh và ân cần hỏi han, chăm sóc. Chính Phật đích thân nấu nước, tắm rửa, lau chùi cho thầy tỳ kheo ấy. Trong cơn khốn đốn, khổ bệnh hành hạ, vị tỳ kheo được Phật quan tâm, tận tình chăm sóc, như được uống nước cam lồ nên thân tâm cảm thấy nhẹ nhàng, an ổn. Song, Phật chỉ dạy phương pháp quán bệnh khổ, vị tỳ kheo tinh cần miên mật, nhiếp tâm quán chiếu mà chứng quả giác ngộ giải thoát.
Ta bây giờ yên ổn tu hành, không phải bận rộn lo toan các thứ, vì đã có nhiều người hy sinh, chịu khổ, bảo vệ đất nước, giữ gìn an ninh, trật tự cho mình. Họ đã phải can đảm chấp nhận xa lìa người thân, bảo vệ biên cương, bờ cõi. Ta cần phải cám ơn các nhà lãnh đạo đất nước, cùng các chiến sĩ đã hy sinh thầm lặng. Một đất nước luôn bị giặc giã, luôn bị chiến tranh, thì thử hỏi ta có thể yên ổn tu hành hay không? Do đó, Phật dạy ta phải biết ơn đất nước mà cố gắng tu hành để được an lạc hạnh phúc mà dấn thân phục vụ tốt đạo, đẹp đời.
Và còn một ơn này nữa cũng tối quan trọng, đó là ơn tất cả chúng sinh và bầu vũ trụ bao la này. Ta không làm ruộng nhưng vẫn có cơm ăn, ta không nuôi tằm dệt vải nhưng vẫn có áo quần mặc ấm. Biết bao con người phải làm lụng vất vả, hành nghề giết mổ để ta được ăn ngon, sống khỏe và bảo tồn mạng sống. Ơn nghĩa ở thế gian là bao la, vô cùng tận, ta không thể nhất thời mà trả hết những công ơn ấy. Do đó, Phật dạy ta biết ơn và đền ơn là đạo lý uống nước nhớ nguồn. Ai sống luôn nhớ nghĩ và thực hành như vậy, sẽ là những Phật tử chân chính sống đúng theo lời dạy của Như Lai Thế Tôn.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Duyên khởi là cốt tủy, là hạt nhân của mọi triết lý Phật giáo
Kiến thức 11:20 03/11/2024Các triết lý quan trọng của Phật giáo như Vô ngã, khổ, vô thường, tính không, nhân quả đều được đặt trên nền tảng cơ sở của duyên khởi.
Tìm lại chính mình
Kiến thức 09:00 03/11/2024Một lần Đức Phật đang tĩnh tọa ở bìa rừng thì có 30 thanh niên từ đâu chạy tới, thấy Đức Phật, họ hỏi: Thưa Sa-môn, Ngài có thấy một cô gái chạy qua đây không?
Vì sao Đức Phật không cứu độ hết chúng sinh thoát khỏi khổ đau?
Kiến thức 20:09 02/11/2024Phật không thể chuyển được nghiệp của chúng sinh, mà chỉ có thể từ bi chỉ dạy chúng sinh tự mình nỗ lực để thay đổi cuộc đời của mình.
Lục hòa: Sáu pháp sống chung hòa hợp
Kiến thức 14:50 02/11/2024Đây là phép sống chung hòa hợp để tu tập hướng đến giải thoát giác ngộ. Người tu hành mà không học tập sống chung cùng đại chúng một cách hòa hợp thì khó mà tu tập thăng tiến.
Xem thêm