Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ ba, 09/05/2023, 16:34 PM

Vì sao nói “nhất nhân hành đạo cửu huyền thăng”?

Từ xưa có câu “Nhất nhân hành đạo cửu huyền thăng” để chỉ cái phước của gia đình có người tu hành – Một người xuất gia thì cả dòng họ chín đời đều được siêu thăng. Thoạt nghe có vẻ mâu thuẫn với luật nhân quả, không phải “Ai ăn nấy no, ai tu nấy đắc sao?”

Bản thân người viết cũng mơ mơ hồ hồ cho đến khi thực chứng câu chuyện của thầy mình, mới nghiệm lại vì sao nói “Nhất nhân hành đạo cửu huyền thăng”. Kì thực để hiểu được ẩn ý của người xưa, cần dụng tâm quán chiếu thêm một tầng nghĩa. 

Theo quý thầy giảng giải, “siêu thăng” ở đây là sự thay đổi về nhận thức, là sự thăng tiến trong tâm trí để hướng đến quả vị giải thoát. Gia đình có người xuất gia thực tập và cảm nhận rõ sự an lạc của chánh pháp, sẽ chia sẻ và hướng dẫn người thân trong gia đình cùng phát tâm hành thiện và tu tập, nhờ đó có cơ hội nâng cao chất lượng cuộc sống. 

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Chữ “tu” cao siêu và xa vời, thực ra là chỉnh sửa hành vi thường ngày, cẩn trọng trong lời nói và thực tập suy nghĩ lạc quan, tránh đổ lỗi, oán trách mà dành thời gian công phu sám hối nhằm chuyển hoá nghiệp lực. Mỗi ngày niệm Phật thêm một câu, khi nóng giận kìm bớt một lời, theo thời gian, tâm tính dần thuần hậu, cũng từng bước cảm nhận được sự biến chuyển tốt đẹp trong đời sống. Người xuất gia là tấm gương sáng, là người tiên phong dẫn lối cho gia đình từng bước tiến lên con đường hướng thượng theo dấu đạo sư, xa lìa nạn khổ quấn thân. Dẫu đời này chưa thể buông bỏ nghiệp xưa duyên cũ, cũng đã gieo được hạt mầm tươi xanh với cảnh giới thanh lương thuần hậu. “Nhất nhân hành đạo cửu huyền thăng” là vì thế. 

Phần tổ tiên quá vãng, trong kinh Phật dạy, hành giả làm các việc công đức theo đạo… thì trong bảy phần, người mất sẽ được hưởng một phần. Nhưng tổ tiên thì vô lượng vô số, biết bao người nương nhờ một phần công đức thì bao giờ mới giải thoát? Quan hệ ông bà, cha mẹ và con cái là huyết thống đặc biệt tương quan cộng duyên cộng nghiệp. Thế nên khi ta tu tập, tụng kinh, bái sám thì người thân vô hình cũng kết duyên với Phật. Một người xuất gia, sẽ truyền cảm hứng cho gia đình cùng phát tâm, công đức ấy hồi hướng đến tổ tiên, nương nhờ oai lực tam bảo tác động vào tâm thức của ông bà cha mẹ để tịnh hóa những cấu uế phiền não còn vướng chấp. Khi tâm thanh tịnh rồi mới cảm ứng được với tâm thanh tịnh của chư Phật và Bồ Tát, được dìu dắt nương theo định lực đó mà siêu thăng đến cảnh giới an lành.

Người xuất gia không trực tiếp đưa người thân quá vãng một bước lên Cực Lạc, tiến trình giải thoát đôi khi chỉ trong 1 khắc, đôi khi lại cần nhiều đời nhiều kiếp chờ hợp đủ duyên, nên hành giả vừa tinh tấn nỗ lực tu hành, vừa khuyến khích gia đình cùng thực hành chánh pháp, ví như đóng chiếc bè phước, mỗi người góp một tay, cùng nâng đỡ tổ tông dòng tộc vươn lên biển nghiệp. Đó là một tầng nghĩa của câu nói “Nhất nhân hành đạo cửu huyền thăng” vậy.

Lại nói, người xuất gia đã nhập vào hàng ngũ tăng bảo trong ba ngôi báu của Phật giáo, vừa là đoàn thể sống phạm hạnh, vừa là chỗ nương tựa cho chúng sanh tu học. Trong tứ hoằng thệ nguyện chư tăng phát nguyện mỗi ngày: 

Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ 

Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn 

Pháp môn vô lượng thệ nguyện học 

Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành 

Độ chúng sanh là là thệ nguyện đầu tiên của bậc hành đạo, cũng là hạnh phổ quát nhất của ba đời chư Phật. Ba thệ nguyện sau cũng là để viên mãn cái nguyện độ chúng sanh. Mà chúng sanh khắp pháp giới đều là ba mẹ, ông bà, thân tộc ta nhiều đời nhiều kiếp, độ chúng sanh cũng là độ tổ tiên mình, mà tổ tiên ông bà cũng là một phần trong muôn vạn chúng sanh. Thế mới biết sự tuần hoàn sâu sa nhiệm màu của nhân quả trong trùng điệp duyên hành. 

Người viết có cơ duyên suy nghiệm về ý niệm trên trong một buổi cúng dường trai tăng của thầy mình. Mẹ qua đời khi còn nhỏ, anh em thầy lần lượt tìm thấy nhân duyên với đạo nên đều xuất gia tu tập. Vừa rồi khi cụ thân sinh mãn duyên trần, hai thầy với lòng hiếu đạo đã y pháp thiết lễ trai tăng cúng dường 100 vị để hồi hướng công đức giúp ba siêu thoát về cảnh giới lành. Ở vùng quê, phước duyên để thỉnh 100 vị tăng ni là cơ hội không dễ có được, do đó rất nhiều Phật tử nhân dịp này đều phát tâm cúng dường, nguyện người thân mình được siêu sinh. 

Bôn ba xa chùa đã lâu, ngày trở về, người viết chấn động khi nhìn khung cảnh pháp hội. Dưới ánh mặt trời rực rỡ, chư tăng ngũ quan đoan chính, phong thái trang nghiêm, y áo chỉnh tề, sắc y vàng hiệp với màu vàng của nắng, như phát sáng, như hào quang. Hàng Phật tử thành kính khiêm cung, nhiếp tâm cầu nguyện. Đại chúng hàng trăm người mà tuyệt chỉ nghe tiếng chuông, lời kinh. Cảm tưởng mọi ngoại duyên phiền não đều ngưng lại, vạn tâm đều đồng nhất tâm: tâm thương nhớ ba mẹ tổ tiên, tâm hiếu thảo của con cháu, tâm đau khổ sầu bi, tâm quyết liệt mong cứu giúp dòng họ, tâm từ bi thương xót chúng sanh, tâm hướng đến giải thoát...hòa chung vào dòng tâm hương dâng Phật. Tâm cảm động khi 2 thầy quỳ gối dâng lời tác bạch, tâm hoan hỷ nghe thầy tôn sư ban lời huấn từ, tâm thanh tịnh của chư tăng chú nguyện, tâm vui mừng khi pháp sự viên mãn. Những dòng tâm thức thiện lành tươi mát ấy tạo nên từ trường mạnh mẽ, giao cảm tới những chúng sanh vô hình, khiến họ được thọ hưởng quả vị công đức ngọt lành của chư tăng và gia quyến. 

Buổi cúng dường trai tăng của người con xuất gia không chỉ làm phụ mẫu thân tộc trong nhà được an vui; khởi một trợ duyên thù thắng cho Phật tử cả vùng cùng tạo công đức, còn giúp những chúng sanh vô hình được an trú trong hỷ lạc của chánh pháp. Người tu hành giúp gia đình mình, cũng là cứu giúp vô số chúng sinh, ngược lại, những chúng sinh vô hình hữu hình có mặt trong pháp hội cũng là quyến thuộc của tăng thân trong vô lượng kiếp nhân sinh. Tiên tổ nhà mình cũng là cửu huyền của người, mà thân tộc của người cũng chính là cửu huyền của chính mình, càng thấm ý nghĩa sâu xa đầy nhân văn trong câu nói ngắn gọn “Nhất nhân hành đạo cửu huyền thăng” vậy. 

Xin được khép lại suy niệm về “Nhất nhân hành đạo cửu huyền thăng” bằng lời dạy của Thế Tôn với Địa Tạng Bồ Tát: “Nếu chỉ hồi hướng cho người thân trong gia đình mình, hoặc chỉ cầu phúc lợi cho bản thân, thì quả báo lành chỉ trong ba đời, khó có thể hơn. Làm một việc lành, biết cách hồi hướng, phước sẽ muôn phần trội hơn bình thường. Hỡi này, Địa Tạng, nhân duyên, phước báu trong cõi đời này luôn tỷ lệ thuận với tâm hành, là như thế đó”. Tâm từ bi thương chúng sanh như thân nhân mình, những người con xuất gia càng dõng mãnh tu tập nguyện độ vô biên chúng sanh. 

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Ơn nước luôn tròn đầy

Góc nhìn Phật tử 07:51 05/05/2024

20 năm trước, khi cùng một người bạn đăng ký dự một khóa thiền do Thiền sư Nhất Hạnh và tăng thân Làng Mai hướng dẫn ở Bảo Lộc (Lâm Đồng), tôi bỡ ngỡ vì làm bất cứ việc gì cũng có một bài kệ để thực tập.

Chỉ có tâm người là đáng sợ

Góc nhìn Phật tử 20:07 04/05/2024

Có một người đến vấn hỏi thiền sư, “Để phòng ngừa tai họa, xin thầy từ bi cho biết cái gì đáng sợ nhất trên cõi đời này?”

Có một cảnh giới mà chúng ta sẽ cùng nhau đoàn tụ vĩnh viễn

Góc nhìn Phật tử 11:45 04/05/2024

"Thầy xin các con tâm niệm: Chẳng sáng thì chiều, chẳng hôm nay thì ngày mai, chẳng tháng này thì tháng khác, chẳng năm nay thì năm sau, Thầy cũng như ba má và tất cả những người các con nương tựa thế nào cũng phải có ngày khuất bóng."

Tâm tham

Góc nhìn Phật tử 07:51 03/05/2024

Tâm tham là một trong những loại tâm bất thiện (Tâm chẳng lành, tâm xấu,…). Khi chưa là A La Hán thì tâm này vẫn chi phối chúng ta, khiến chúng ta tạo tác và luân hồi sinh tử trong nhiều kiếp. Tâm này do huân tập từ nhiều đời cho nên khi gặp cảnh tốt đẹp, hài lòng thì sinh ham muốn.

Xem thêm