Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Chủ nhật, 28/07/2024, 18:37 PM

Vượt lên mọi khác biệt để có bình an và hạnh phúc

Làm thế nào để có được hòa bình và hạnh phúc trong một thế giới đầy biến động và nghi ngờ như hiện nay?

Sau đây là chia sẻ của Đức Dalai Lama, người đã được trao tặng giải Nobel Hòa bình năm 1989, một vị Thầy được nhiều người trên thế giới kính trọng và yêu mến.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Buổi sáng, khi thức dậy, tôi thường suy ngẫm về con người và những cảm nhận chung của chúng ta khi bắt đầu cuộc sống này trong tình yêu thương vô bờ của người mẹ. Đây là điểm chính khiến tôi cảm nhận được sự đồng nhất giữa tất cả mọi người. Nếu chúng ta luôn ấp ủ, nuôi dưỡng cảm giác yêu thương vô điều kiện từ mẹ mình, và mong muốn chia sẻ tình thương đó với mọi người, chúng ta sẽ không có lý do gì để tranh cãi với bất kỳ ai. Tuy nhiên, thay vì nghĩ về những điểm chung, chúng ta lại có xu hướng tập trung vào những khác biệt giữa mình và mọi người.

Bất cứ nơi nào tôi đến, tôi chỉ nghĩ mình là một con người bình thường và mỉm cười với mọi người xung quanh. Tôi không nghĩ mình là Dalai Lama hay có gì khác biệt cả. Khi gặp một người mới, tôi cảm thấy họ cũng giống như tôi. Dù chúng tôi có tên gọi khác nhau, màu da hay mái tóc khác nhau, những điều đó chỉ là thứ yếu. Tất cả đều là con người, đều là anh, chị, em của tôi. Khi còn nhỏ, tôi sống ở vùng Đông Bắc Tây Tạng và chơi đùa với những đứa trẻ xung quanh, tôi chỉ nghĩ rằng họ cũng giống như tôi. Sau này, tôi mới biết rằng nhiều đứa trẻ đến từ các gia đình Hồi giáo và gia đình tôi là Phật tử. Nhưng điều đó không thể chia rẽ chúng tôi.

Chúng ta phải nhớ rằng tất cả chúng ta đều là con người. Đôi khi quên đi những giá trị cơ bản nhất như sự rộng lượng và lòng từ bi, chúng ta bị rơi vào định kiến hoặc sự phân biệt đối xử tiêu cực. Bất kể tôn giáo, văn hóa hay sắc tộc của chúng ta là gì, ở cấp độ căn bản nhất, chúng ta đều là những con người giống nhau.

Phật giáo là một truyền thống tâm linh chú trọng vào thực hành và mối liên hệ giữa bản thân và người khác. Nếu bạn phát triển một cái nhìn tích cực hơn theo cách này, bạn sẽ cảm thấy bình an hơn với chính mình, và mối quan hệ của bạn với những người khác sẽ trở nên tự nhiên và tốt đẹp hơn. Nếu so sánh bản thân tôi với người tiền nhiệm của mình, Đức Dalai Lama thứ 13, thì tôi có thể kết nối với người khác dễ dàng hơn. Có lẽ điều này liên quan đến trải nghiệm riêng của mỗi người.

Một điều quan trọng nữa là bạn nên trân trọng những sự tử tế và tình yêu thương mà mọi người dành cho bạn. Gần như tất cả các vấn đề đều xuất phát từ sự thiếu quan tâm đến người khác. Thực ra, tình yêu thương và sự quan tâm căn bản không liên quan đến tôn giáo, đó là những phẩm chất tự nhiên của con người. Một số phương pháp thực hành của Phật giáo có thể giúp chúng ta nuôi dưỡng và phát triển cảm giác yêu thương trực quan của mình. Nếu chỉ để tình yêu thương ở trạng thái tự nhiên, sự tử tế của chúng ta đối với người khác sẽ bị lệ thuộc vào cách họ đối xử với chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta có thể rèn luyện, trau dồi và mở rộng nó đến những người mà chúng ta không kết nối trực tiếp. Đối với một người Phật tử, câu nói “nguyện cho tất cả chúng sinh đều được an lành” thực sự có sức ảnh hưởng rất mạnh mẽ.

Vì có trí tuệ, con người chúng ta có một lợi thế: hiểu được sức mạnh và giá trị của sự kết nối cũng như sự tử tế. Điều quan trọng là cách chúng ta kết nối với nhau trong tình đồng loại. Tất cả chúng ta đều muốn sống trong một thế giới hòa bình hơn, nhưng nếu không kết nối với nhau thì sẽ không có cơ sở cho hòa bình tồn tại. Khi chúng ta quan tâm đến người khác, ý thức về hòa bình của chúng ta sẽ càng được nuôi dưỡng. Rõ ràng là ở đâu có ít tình thương và sự tử tế thì ở đó sẽ xuất hiện nhiều vấn đề hơn. Đó là lý do tại sao thế giới này cần nhiều tình yêu thương hơn nữa.

Chỉ có giáo dục mới có thể tạo nên sự khác biệt và khiến chúng ta mở rộng tâm ra. Nếu không, vị trí của một người càng cao, họ càng trở nên hẹp hòi và ích kỷ. Một trong những đặc điểm của giáo dục là giúp mọi người có được góc nhìn rộng mở hơn. Đối với thế hệ trẻ đang được đào tạo để trở thành những nhà lãnh đạo trong tương lai, các bạn nên ý thức rõ ràng rằng lòng từ bi có vai trò rất quan trọng đối với việc kiến tạo một thế giới tốt đẹp hơn. Chúng ta đều mong muốn hạnh phúc, đây là điểm chung của tất cả mọi người. Tuy vậy, nhiều hệ tư tưởng chính trị lại nhấn mạnh và quá xem trọng sự khác biệt giữa “chúng ta” và “họ”. Như vậy là trái với bản chất và tình cảm của mỗi cá nhân.

Khi đến Ấn Độ, với tâm thế của một người đã đi đây đi đó khắp thế giới, tôi hiểu rằng con người chúng ta, dù là ai hay ở bất kỳ nơi đâu, cũng đều giống nhau, đều có hạnh phúc và khổ đau như nhau. Nhận ra điều này khiến tôi cảm thấy hạnh phúc và bình an. Bởi khi ta thấy người khác cũng giống như mình, tình yêu thương và lòng trắc ẩn đối với họ sẽ đến một cách dễ dàng và tự nhiên. Ngược lại, nếu chỉ chăm chăm vào sự khác biệt về tôn giáo hoặc chính trị, chúng ta chỉ làm tăng thêm cảm giác xa lánh, chia rẽ và bực bội trong tâm mình.

Chúng ta phải cùng nhau kiến tạo một thế giới hòa bình và tốt đẹp hơn. Hãy lan tỏa và chỉ cho người khác thấy rằng chỉ tập trung vào bản thân là một góc nhìn rất hạn hẹp. Chỉ khi quan tâm đến mọi người, tâm chúng ta mới có thể trở nên thênh thang và rộng lớn hơn. Ngay cả từ góc độ lịch sử, hầu hết các vấn đề trên thế giới đều bắt nguồn từ sự ích kỷ. Vì vậy, quan tâm đến người khác là chìa khóa để giải quyết vấn đề này. Hãy trở thành một người hạnh phúc để xây dựng một thế giới bình an.

Tất cả tám tỷ người chúng ta phải sống và giúp đỡ lẫn nhau nhiều nhất có thể. Vì vậy, hãy tu tập và rèn luyện để có hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ, và hơn hết, hãy nghĩ về người khác như thể họ là anh, chị, em của chính mình.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Cả nhà cùng tu

Góc nhìn Phật tử 22:09 19/09/2024

Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình bình dị, giữa những con người hiền hòa, chân chất. Từ nhỏ, tôi đã quen với hình ảnh mẹ tụng kinh vào mỗi buổi sáng sớm, ba ngồi tĩnh lặng trước bàn thờ Phật sau một ngày dài làm việc.

Đại phước trong đời

Góc nhìn Phật tử 10:32 19/09/2024

...Con cũng bắt đầu tìm hiểu về đức Phật A Di Đà với 48 lời đại nguyện và thế giới Cực Lạc của ngài thông qua sách vở và những lời khai thị của các tổ Tịnh Độ tông.

Cứu một mạng người phúc đẳng hà sa

Góc nhìn Phật tử 10:03 19/09/2024

Trong giáo lý nhà Phật, câu nói “Cứu một mạng người phúc đẳng hà sa” mang một ý nghĩa sâu sắc về lòng từ bi và giá trị của mạng sống. Mỗi sinh mạng đều quý giá, không chỉ riêng con người mà tất cả các loài chúng sinh đều cần được tôn trọng và bảo vệ.

An vị Phật, Phật tâm đã an vị

Góc nhìn Phật tử 09:09 19/09/2024

...Hôm nay tôi được đầy đủ nhân duyên đi đến nhà Phật tử Diệu Đức làm lễ An vị Phật. Xe dừng lại tại khu chung cư An Sương, huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh...

Xem thêm