Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ hai, 22/08/2022, 03:43 AM

Xuất gia báo hiếu

Phàm làm con phải lo báo ơn công sanh thành dưỡng dục, nhất là tu sĩ chúng ta phải luôn nhớ rằng nếu không có cha mẹ thì làm sao ta có thân này để học đạo giải thoát.

25

Đạo Phật đề cao chữ Hiếu

Thật vậy, dù là là người lao động chân lấm tay bùn hay bậc Thánh thì vẫn mãi mãi là con của cha mẹ. Vì thế, phàm làm con phải lo báo ơn công sanh thành dưỡng dục, nhất là tu sĩ chúng ta phải luôn nhớ rằng nếu không có cha mẹ thì làm sao ta có thân này để học đạo giải thoát. “Thông thường thế nhân không hiểu rõ đạo hiếu thuận tuy dị danh nhưng đồng nhất thể nên khi thấy những người con xuất gia vào chùa cắt ái từ thân, không nuôi dưỡng cha mẹ; cạo râu bỏ tóc, đem thân giam hãm nơi chốn thiền môn thanh tịnh không thờ cúng tổ tiên, thừa tự gia nghiệp liền cho rằng xuất gia là bất hiếu” [1]. Quan niệm ấy rất sai lệch. Phải biết rằng xuất gia không những không quên hiếu đạo mà còn rất coi trọng đạo hiếu. Chúng ta từng nghe kinh dạy rằng:

“Tâm hiếu là tâm Phật

Hạnh hiếu là hạnh Phật”.

Vì vậy, những ai làm đệ tử Phật nhất định không thể quên hiếu hạnh. Ngược dòng lịch sử cho chúng ta thấy, cũng chính vì hiếu hạnh với cha mẹ và muốn cứu khổ chúng sanh mà thái tử Tất Đạt Đa đã dám từ bỏ quê hương đất nước, ngai vàng, vợ đẹp con ngoan để xuất gia tìm đạo giải thoát. Sau nhiều năm tu hành khổ hạnh, đến khi thành Phật không lâu Ngài liền trở về quê hương giáo hóa phụ vương và dòng họ Thích. Cũng chính vì hiếu hạnh mà ngài đã lên cung trời Đao Lợi nói Kinh Địa Tạng để hóa độ thân mẫu được lợi ích lớn. Tuy vua cha đã thấm nhuần đạo giải thoát nhưng khi nghe tin cha bệnh nặng, Ngài liền vội vã trở về quê hương thuyết pháp cho vua nghe lần cuối khiến vua Tịnh Phạn tâm được giải thoát. Không những hiện đời ngài đã thực hành hiếu hạnh mà từ vô lượng kiếp quá khứ ngài cũng đã từng làm con hiếu thảo. Không những khi làm thân người mà ngay cả những kiếp đọa lạc làm loài chim thú ngài vẫn luôn thực hành hiếu hạnh như trong các bài kinh Bổn sanh, Bổn sự đã nói rõ. 

Có thể nói, chính vì lòng hiếu thảo mà từ vô lượng kiếp Ngài sẵn sàng từ bỏ đầu, mắt, tay, chân để phụng dưỡng cha mẹ. Chính vì lòng hiếu thảo mà Ngài đã từ bỏ được những thứ khó bỏ, làm được những việc khó làm, nhẫn được những điều khó nhẫn cho nên trong kinh gọi là “Đại phương tiện Phật báo ân”. Như thế, dòng suối hiếu hạnh của Đức Thế Tôn đã chảy mãi khắp không gian và thời gian, từ vô lượng kiếp quá khứ cho đến tận cùng vị lai. Cũng chính vì hiếu hạnh mà Ngài đã tinh tấn tu hành chứng thành vô thượng chánh đẳng chánh giác. Cho nên Vu Lan Bồn sớ có câu rằng:

“Khể thủ tam giới tôn

Đại hiếu Thích Ca Tôn

Lịch kiếp báo thâm ân

Tích nhân thành chính giác” [2].

Nối tiếp tinh thần hiếu hạnh của đức Thích Ca từ phụ, những bậc Tổ sư, chư Thánh đệ tử cũng là những tấm gương hiếu hạnh sáng ngời. Như tiền thân ngài Địa Tạng Vương Bồ Tát là bà Quang Mục vì cứu khổ mẹ và tất cả chúng sinh trong địa ngục mà phát lời thề nguyện vang lừng ba cõi: “Địa ngục chưa không thề chẳng thành Phật. Chúng sinh độ tận mới chứng Bồ Đề”. Cho đến ngài Mục Kiền Liên vì đại hiếu mà vào địa ngục cứu mẫu thân. Ngài Xá Lợi Phất trước khi vào Niết Bàn còn trở về quê hương lần cuối để độ mẹ già, mặc dù mẹ ngài không có thiện cảm về các vị Sa môn. Với tấm lòng hiếu thảo, ngài Xá Lợi Phất đã dùng phương tiện thiện xảo để giáo hóa người mẹ cố chấp của mình khiến bà chứng quả. Không những ở Ấn Độ mà ngay cả Trung Hoa cũng có nhiều vị Tổ sư với tấm lòng hiếu kính, biết ơn vô cùng thiêng liêng sâu sắc như: “Lục tổ Huệ Năng có 10 lạng bạc cúng mẹ hết rồi ra đi học đạo tay không. Đức Ngũ tổ Hoằng Nhẫn làm nhà riêng hầu mẹ để tạ cái ơn sáu năm nhẫn khổ cưu mang, Rạng Pháp sư cõng mẹ đi giảng pháp” [3]. Còn ở Việt Nam có tổ Nhất Định nổi tiếng hiếu thảo. Hoà thượng (ở Huế) đã khiến vua Tự Đức cảm phục và ban cho Sắc tứ Từ Hiếu tự. Tại miền Bắc nước ta có Hòa thượng Cua (còn gọi là tổ Cáy) sau 40 năm học đạo đã trở về quê hương giáo hóa mẹ già khiến sinh tín tâm với Tam Bảo, sớm hôm chấp tác trong chùa, ăn chay niệm Phật. Đến khi thân mẫu tạ thế, Ngài đã lo tang mẹ và phát nguyện bên quan tài rằng: Trong kinh dạy: “Một người con tu hành đắc đạo thì cha mẹ được sinh thiên”. Nếu lời này không hư dối thì xin Tam bảo chứng minh lời phát nguyện: chiếc quan tài này sẽ bay lên hư không. Vị thiền sư ấy chính là thiền sư Tông Diễn hiệu Chơn Dung (1640 – 1711) bằng nhiều phương tiện thiện xảo đã giúp vua Lê Hy Tông cải ác quy thiện, trở về với Phật pháp. Cho đến chư vị tôn túc Hòa thượng cũng là những tấm gương hiếu hạnh sáng chói khiến hậu thế noi theo như: Hoà thượng Thích Trí Tịnh (chùa Vạn Đức), Hoà thượng Thanh Từ, Hòa thượng Nhật Quang (thiền viện Thường Chiếu).

297302886_608114614245779_6657785273912994982_n

Thông thường, thế gian hết lời ca tụng, ngợi khen những người con hiếu thảo hết lòng phụng dưỡng cha mẹ, không quản ngại khó khăn gian khổ nhưng ít có ai biết tán dương người xuất gia là để báo hiếu. Phải biết rằng phương pháp báo hiếu của người xuất gia rộng lớn vô cùng đâu cứ phải sớm khuya hầu hạ mới là báo hiếu. Họ đâu có biết rằng báo hiếu có ba bậc: tiểu hiếu, trung hiếu và đại hiếu. Tiểu hiếu nghĩa là đạo làm con phải hết lòng phụng dưỡng cha mẹ trong lúc khỏe mạnh cũng như khi đau ốm. Đến khi cha mẹ quá vãng thì hết lòng thờ cúng, giữ gìn gia nghiệp. Còn trung hiếu nghĩa là những người con lớn lên đỗ đạt thành tài, thành danh đem vinh hiển cho cha mẹ dòng tộc và quê hương không chỉ trong một đời mà còn làm “Quang tông diệu tổ” về sau. Còn bậc đại hiếu là xuất gia tu hành đắc đạo, không những cứu khổ cha mẹ hiện đời mà còn cứu độ song thân nhiều kiếp. 

26

Như vậy, về sự tướng trên hiện thực mà nói thì các vị Tổ sư, Thánh đệ tử Phật đều là những bậc đại hiếu. Còn về phần ý nghĩa, triết lý hiếu hạnh của người xuất gia thì thế nào? Theo quan điểm của Phật pháp: “Tất cả nam tử là cha ta, tất cả nữ nhân là mẹ ta. Từ nhiều đời ta đều thác sanh nơi đó. Vì lẽ ấy, nên chúng sanh trong lục đạo đều là cha mẹ ta. Nếu giết chúng để ăn thịt, thời chính là giết cha mẹ ta, mà cũng là giết thân cũ của ta. Tất cả chất tứ đại đều là bổn thân bổn thể của ta, cho nên phải thường làm việc phóng sanh và khuyên bảo người làm”. [4] Cho nên không được khinh mạn, tàn hại các loài hữu tình. Chẳng qua vì thay hình đổi dạng, người phàm mắt thịt nên không thể nhận ra nhau, sinh tâm phân biệt đây là cha mẹ tôi, còn kia không phải cha mẹ tôi khiến cho tâm lượng hạn cuộc. Vì muốn khai thị cho chúng ta, Đức Phật nói: “Nhất thiết chúng sanh giai thị phụ mẫu”. Theo tinh thần của Bồ Tát, người xuất gia đối với tất cả chúng sanh đều nghiêm trì tịnh giới, trong giới hạnh của Bồ Tát, giới nào cũng đề cập, nhắc đến tâm hiếu thuận, tâm từ bi, làm lợi ích cho chúng sanh, không được làm bất cứ gì tổn hại chúng sanh. Tất cả tâm ấy đều xuất phát từ tâm hiếu thuận, lấy hiếu làm căn bản. 

Tam tụ tịnh giới

Luận rộng thấy xa thì tinh thần Tam tụ tịnh giới của Phật giáo hết sức nhân văn. 

1. Bất nhục kỳ thân 

(不 辱 其 亲)

Không làm cho cha mẹ bị nhục. Ý nói phận làm con phải tránh tất cả mọi hành vi xấu ác, trái với đạo đức pháp luật tức không khiến cha mẹ bị huỷ nhục, xã hội chê cười. Cũng vậy, người xuất gia muốn đạt mức độ ấy cần vâng Nhiếp luật nghi giới vì công năng của giới này khiến cho người tu không làm tất cả các điều ác, thông qua những giới điều mình lãnh thọ tùy theo cấp bậc: từ 5 giới, 10 giới Sa di, 250 giới Tỳ Kheo, 348 giới Tỳ kheo Ni, 10 giới trọng và 48 giới khinh của Bồ Tát. Ngày nay, các bậc làm cha mẹ bị huỷ nhục phần nhiều do con cái tạo ác: Giết người, cướp của, nghiện ma tuý, rượu chè, cờ bạc, ăn chơi sa đoạ, lừa đảo, tham ô… 

2. Hiển dương phụ mẫu 

(顯 揚 父 母)

Làm cho cha mẹ vinh hiển. Nếu như con cái chúng ta học rộng, hiểu nhiều, công danh sự nghiệp thành đạt thì cha mẹ được mọi người tôn kính, tiếng tốt lan xa, vinh quang vô hạn. Còn trong Phật pháp, người tu hành vâng giữ nhiếp Thiện pháp giới, làm tất cả các việc thiện lành từ bi, bố thí, giúp ích cho nhân quần xã hội bằng những việc làm từ thiện như: Phóng sinh, thuyết pháp, tổ chức các khóa tu cho thanh thiếu niên, cứu trợ đồng bào thiên tai, ủng hộ người nghèo, giúp đỡ người già cả cô đơn, trẻ em tàn tật, xây nhà tình thương và nhiều công trình thiện nguyện khác… Đó là những việc làm của Bồ Tát, biết hy sinh tự ngã, hết lòng vì người. Qua những buổi giảng pháp, khoá tu mùa hè, hành động thiện nguyện các tu sĩ đã cực lực xiển dương đạo hiếu thuận đồng thời nhắc nhở, khuyến hoá Phật tử, các tầng lớp thanh thiếu nhi cần tránh những hành động bất hiếu vô ơn thông qua những việc làm và bài học, câu chuyện triết lý về nhân quả giáo dục.

Theo tinh thần của Bồ Tát, người xuất gia đối với tất cả chúng sanh đều nghiêm trì tịnh giới, trong giới hạnh của Bồ Tát, giới nào cũng đề cập, nhắc đến tâm hiếu thuận, tâm từ bi, làm lợi ích cho chúng sanh, không được làm bất cứ gì tổn hại chúng sanh.

Theo tinh thần của Bồ Tát, người xuất gia đối với tất cả chúng sanh đều nghiêm trì tịnh giới, trong giới hạnh của Bồ Tát, giới nào cũng đề cập, nhắc đến tâm hiếu thuận, tâm từ bi, làm lợi ích cho chúng sanh, không được làm bất cứ gì tổn hại chúng sanh.

3. Tứ loại bất quỹ 

(賜 類 不 匱)

Ban bố cho nhân loại không thiếu sót. Nghĩa là không những bản thân hiếu thuận với cha mẹ còn khuyên người thực hành hiếu thuận khiến cho tất cả mọi người cũng hiếu nghĩa như mình không khác. Muốn mình và người đều thực hành hạnh hiếu thuận nên vâng giữ Nhiếp chúng sinh giới, nghĩa là hoá độ tất cả chúng sanh đều vào Phật đạo. Bất cứ người xuất gia nào cũng đều hiếu thuận với cha mẹ không những một đời mà còn hiếu hạnh với cha mẹ nhiều kiếp. Vì thế, hàng năm không chỉ nhân mùa Vu Lan hàng đệ tử mới cầu siêu cho cha mẹ, ông bà nhiều đời nhiều kiếp mà còn thường xuyên thực hành hạnh hiếu trong đời sống hàng ngày, trong từng tâm niệm, mỗi mỗi công đức tu hành đều cầu nguyện cho cha mẹ hướng về vô thượng Bồ Đề. Còn gì vinh hiển hơn, rạng rỡ hơn khi chúng ta và cha mẹ nhiều đời đều viên mãn công đức, vĩnh viễn thoát khổ luân hồi, cứu khổ chúng sinh. Như vậy trong ba bậc hiếu hạnh, chúng ta thấy người xuất gia có thể cứu khổ cha mẹ nhiều kiếp vĩnh viễn suốt đời vị lai. Vì thế, hạnh hiếu của người xuất gia rất giá trị vậy!

Qua những ý nghĩa và triết lý ở trên, chúng ta thấy chỉ có Đức Phật và chư vị Tổ sư tu hành đắc đạo đã thành tựu đại hiếu, còn chúng ta tuy là hàng hữu học, chưa bằng các Ngài nhưng hàng ngày ta chuyên tâm tu tập, tụng kinh, tu thiền, niệm Phật và làm các việc phước thiện hồi hướng cha mẹ được bình an thêm thọ còn cha mẹ quá vãng nhiều đời được sanh về cảnh giới an lành. Bên cạnh đó, chúng ta còn đem kinh sách, băng đĩa giảng về Phật pháp, khuyến hóa cha mẹ sinh tín tâm với Tam bảo, chăm làm lành lánh dữ, tụng kinh niệm Phật để gieo duyên giải thoát về sau. Còn những ai chưa đủ duyên giáo hóa thuyết pháp độ sinh, chỉ cần chăm chỉ tu hành rèn luyện thân tâm với hy vọng sau này trở thành bậc xuất gia tu hành chân chính. 

Chúng ta từng nghe kinh dạy rằng: “Tâm hiếu là tâm Phật Hạnh hiếu là hạnh Phật”.

Chúng ta từng nghe kinh dạy rằng: “Tâm hiếu là tâm Phật Hạnh hiếu là hạnh Phật”.

Với trường hợp cha mẹ không người nuôi dưỡng, Phật cũng cho phép hàng đệ tử xuất gia, hàng ngày khất thực đem một phần dâng cúng cha mẹ, còn một phần mình thọ dụng. Ngoài ra còn khuyên cha mẹ thọ Tam quy trì ngũ giới, ăn chay, niệm Phật để thí chủ có phước và cũng đỡ tổn đức cho chính mình. Luật Ngũ phần còn xác định rõ: “Nếu các Tỳ kheo không phụng dưỡng cha mẹ thì phạm tội trọng”. Đức Phật còn nhấn mạnh cho hàng đệ tử biết rằng: “Cha mẹ tại tiền như Phật tại thế”. Vì vậy, những ai cúng dường, thờ phụng cha mẹ cũng chính là cúng dường chư Phật vậy. Vì thế, không có lý nào lại cho rằng người xuất gia là bất hiếu. Chẳng qua người đời chỉ bàng quan nhìn nhận người tu một cách phiến diện và chưa thấu đáo mà thôi. Người xuất gia báo hiếu có nhiều cách khác nhau. Chúng ta nên tùy điều kiện hoàn cảnh sao cho phù hợp. Điều quan trọng là phải có lòng chí thành chí kính, tận tâm tận lực đối với cha mẹ. Nhân mùa Vu Lan sắp về con xin thắp nén tâm hương nguyện cầu 10 phương chư Phật gia  hộ cho đấng sanh thành của nhân loại nói chung cũng như của người xuất gia nói riêng luôn bình an tăng phước tăng thọ với lòng thành kính tri ân sâu sắc nhất. 

“Mẹ yêu bắc một nhịp cầu 

Đưa con vượt khỏi nỗi sầu thế gian

Mẹ ru tình ngập nắng vàng 

Mẹ ru vượt cả ba ngàn đại thiên”. 

 Chú thích và tài liệu tham khảo:

[1] Việt dịch: Sa môn Thích Trí Minh, Phạm Võng Kinh Bồ Tát Giới bổn giảng ký quyển thượng, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2009, tr.276.

[2] Sa môn Thích Trí Minh (dịch), Phạm Võng Kinh Bồ Tát Giới bổn giảng ký quyển thượng, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2009, tr.281.

[3] NT Hải Triều Âm (biên soạn), Hai Cánh Nhà Ni phần chỉ, Nxb Tôn giáo, 2017, tr.335.

[4] Hoà Thượng Thích Trí Tịnh (dịch), Kinh Phạm Võng Bồ Tát giới, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2002, tr.34-35.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Chỉ có tâm người là đáng sợ

Góc nhìn Phật tử 20:07 04/05/2024

Có một người đến vấn hỏi thiền sư, “Để phòng ngừa tai họa, xin thầy từ bi cho biết cái gì đáng sợ nhất trên cõi đời này?”

Có một cảnh giới mà chúng ta sẽ cùng nhau đoàn tụ vĩnh viễn

Góc nhìn Phật tử 11:45 04/05/2024

"Thầy xin các con tâm niệm: Chẳng sáng thì chiều, chẳng hôm nay thì ngày mai, chẳng tháng này thì tháng khác, chẳng năm nay thì năm sau, Thầy cũng như ba má và tất cả những người các con nương tựa thế nào cũng phải có ngày khuất bóng."

Tâm tham

Góc nhìn Phật tử 07:51 03/05/2024

Tâm tham là một trong những loại tâm bất thiện (Tâm chẳng lành, tâm xấu,…). Khi chưa là A La Hán thì tâm này vẫn chi phối chúng ta, khiến chúng ta tạo tác và luân hồi sinh tử trong nhiều kiếp. Tâm này do huân tập từ nhiều đời cho nên khi gặp cảnh tốt đẹp, hài lòng thì sinh ham muốn.

Niềm tin Phật Pháp hồi sinh tôi

Góc nhìn Phật tử 16:03 02/05/2024

Sấm sét có thể rưới mưa hạnh phúc và những giọt lệ có thể nở hoa niềm tin. Trong cuộc sống mỗi người, không sớm thì muộn, sẽ có lúc chúng ta đương đầu với một khủng hoảng ghê gớm nào đó tạo nên bước ngoặt và bẻ gãy cuộc sống bình thường của mình.

Xem thêm