Ý nghĩa chữ tâm trong đạo Phật
Có thể nói, trọng tâm của Phật giáo không phải thay đổi thế giới mà là thay đổi tâm tánh, thay đổi cách nhìn, niềm tin, và bằng cách đó thay đổi cuộc sống.
Có một châm ngôn khá nổi tiếng trong đạo Phật, đó là: “Nếu người làm chủ được tâm mình, thì người làm chủ được thế giới” và “thế giới bị dẫn dắt bởi tâm thức” - Cittena nīyati loko - Vậy tâm là cái gì mà quan trọng đến vậy?
Tâm - Mind - Heart - Consciousness
- Vật gì dắt dẫn đời?
Vật gì tự não hại?
Và có một pháp nào
Mọi vật đều tùy thuộc?
- Chính tâm dắt dẫn đời
Chính tâm tự não hại
Chính tâm là một pháp
Mọi vật đều tùy thuộc.
(Sam. Tương ưng Chư thiên VII, phẩm Thắng 62)
Chữ tâm cũng được dùng trong rất nhiều ngữ cảnh khác nữa, thường là kết hợp với một từ khác như “tâm trạng”, “tâm tình”, “tâm tư”, “tâm tính”, “tâm thức”, “tâm ý”, “tâm thái”, “thiện tâm”, “ác tâm”… Bài khảo cứu này khảo sát về triết lý và từ nguyên của chữ tâm theo triết học đạo Phật.
Trong ngôn ngữ Pali, có ít nhất bốn chữ có nghĩa tương đương như chữ tâm của tiếng Việt. Đó là citta, ceto, mano và viññāṇā. Đoạn kinh văn trích dẫn ở trên thì chữ tâm này được dịch từ citta - tâm vương, và một tập hợp các tâm sở (cetasika) đi kèm với nhau để tạo ra một trạng thái tâm lý nào đó. Ví dụ như tâm tham là tâm thái có thích, ưa, muốn, khao khát, đắm say, níu giữ, thường đi kèm với si hoặc tà kiến, có thọ lạc hay xả, được kích thích hay tự động phát khởi, v.v… Tâm sân là trạng thái nóng nảy khó chịu, là phản ứng khi có kích thích tạo ra cảm giác khó ưa, không thích và khó kham nhẫn. Tâm si là trạng thái tâm lờ đờ thiếu mẫn cảm, không biết những gì đang diễn ra, hoặc biết mà lơ mơ không hiểu rõ sự đến, đi, tồn tại và hậu quả của vấn đề.
Theo triết học A-tỳ-đàm (Abhidhamma), có 89 loại tâm, được phân chia theo cảnh giới và tính chất thiện, bất thiện hay vô tác. Về mặt cảnh giới thì phân chia tâm dục giới, sắc giới hay vô sắc giới và tâm siêu thế. Bài viết này không phân tích tâm theo mô hình A-tỳ-đàm, mà chủ yếu nói đến việc nhận biết tâm, điều phục tâm và giải phóng tâm ra khỏi các phiền não nghiệp chướng - thứ khiến cho người ta khổ sở, bị trói buộc và dẫn dắt đến tạo nghiệp và tạo ra đau khổ.
Một con người thường được định nghĩa là bao gồm thân và tâm, cũng có thể nói theo ngôn ngữ hiện đại là gồm “phần cứng” và “phần mềm”. Trong thuật ngữ Phật học, còn gọi là danh và sắc. Sắc là “phần cứng” do tứ đại hợp thành, còn danh là cảm nhận (thọ), ý thức (tưởng), “chế tác lại” (hành), và lưu giữ (thức). Tâm thức là một tiến trình theo xúc, thọ, tưởng và tư tác. Bình thường chúng ta chỉ thấy hình sắc, tức là thân thể mà thôi, không thấy được tâm tư, nhưng có thể cảm nhận được tình cảm. Khi căn môn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, và ý) tiếp xúc với trần cảnh là các đối tượng tương ứng với mỗi giác quan, thì tâm thức sinh khởi để “chế tác” các thông tin đã ghi nhận được. Quá trình chế tác này cũng chính là cách mà chúng sinh tạo nghiệp cho riêng mình hay theo cách của mình, gần như không ai giống ai. Đây là tiến trình “ngũ uẩn hóa” (attabhāva), hình thành nên một bản ngã tồn tại độc lập với khách thể.
Tâm thức và sự đồng hóa - dính mắc - chấp thủ
“Này các Tỳ-kheo, thân do bốn đại tạo thành này được thấy đứng vững một năm, đứng vững hai năm, đứng vững ba năm,…, đứng vững năm mươi năm, đứng vững một trăm năm, đứng vững nhiều hơn nữa. Còn cái gọi là tâm này, là ý này, là thức này, này các Tỷ-kheo, cả đêm và ngày, khởi lên là khác, diệt đi là khác” (Sam. 12.Vii, 61).
Tâm thức sinh khởi và hoại diệt tùy theo đối tượng, có những luồng tâm diệt theo cảnh, nhưng cũng có những luồng tâm lưu giữ tướng trạng của đối tượng khá lâu, thậm chí rất lâu vì ấn tượng quá sâu đậm. Ấn tượng sâu đậm mà đối tượng để lại trên tâm có khi là thiện cảm, có khi là ác cảm. Những ấn tượng rõ nét này nếu được tưởng khuếch đại lên, hành tiếp nối chế tác, và thức ghi nhận, hệ thống hóa các dữ kiện, những gì đã qua chế biến như vậy tạo ra các nghiệp thiện và bất thiện liên hệ với đối tượng được nhận thức.
Với mỗi tương tác giữa thế giới chủ quan và các khách thể, tâm lại chế tác thành những “uẩn” (khandha - đống, thứ, cái) khác nhau. Trong thuật ngữ Phật học, điều này được diễn tả bằng động từ abhisaṅkaroti - tạo ra ba món: phước hành, phi phước hành và bất động hành. Phước hành là tạo ra thiện tâm, phước đức và thiện duyên; phi phước hành là tạo ra điều bất hạnh, làm mất phước, sinh ra nghịch duyên và đau khổ; bất động hành là thiền tâm, khi các tương tác không làm cho tâm dao động và phản ứng theo xu hướng yêu - ghét, thủ - xả.
Trong thuật ngữ Phật học, yếu tố giúp tâm định hướng được gọi là manasikāra - một trong những tâm sở thuộc hành uẩn. Nó có thể hướng dẫn tâm đi đúng hướng, có phương pháp để tâm không bị mắc kẹt vào đối tượng với các phản ứng thiếu thiện xảo. Khi đó nó được gọi là Yoniso manasikāra - Như lý tác ý - nghĩa là đưa tâm đi đúng đường để phiền não không có cơ hội sinh khởi và chiếm ngự tâm. Ngược lại, nếu tâm thức bị hướng dẫn sai lầm bởi phi Như lý tác ý - Ayonisa manasikāra - nghĩa là ý tưởng thêm thắt vào đối tượng và cảm thọ những phẩm chất mà chúng vốn không có, thì tâm bị chiếm ngự bởi phiền não và bị mất tự do tự tại do yêu ghét thủ chấp xen vào.
Những chữ tâm
Khi đại thi hào Nguyễn Du đặt chữ tâm nặng bằng ba chữ tài “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” để nói về số mệnh, để đối kháng với sự thông minh khôn ngoan theo lẽ thường tình. Tâm này chính là thiện tâm (kusala citta), cái nhiệt tình làm việc tốt, hy sinh cái bản ngã bé nhỏ vì một mục đích lớn hơn, cao đẹp hơn những ý tưởng phục vụ cho cái tôi bé nhỏ.
Chúng ta thường nghe những câu cửa miệng “Làm gì cũng phải có tâm”, tâm này là lương tâm, hay thiện tâm, tức là làm có mục đích, có chủ tâm, và có sự chú tâm vào công việc để tiên lượng trước được hậu quả của việc đó. Đó chính là chữ tâm trong bốn pháp nền tảng để thành công mà trong thuật ngữ Phật học gọi là Tứ thần túc, bao gồm: dục (chanda), tấn (viriya), tâm (citta), và khả năng suy xét (vīmaṃsā). Khi tâm ý tập trung vào một mục đích, có mong muốn mãnh liệt, có nỗ lực để đạt, và có tư duy quyết đoán thì công việc sẽ thành tựu như ý.
Trong kinh Pháp cú (Dhammapada) có nói:
Tâm ý dẫn các pháp/ Tâm ý chủ tạo tác/ Với tâm ý ô nhiễm/ Nói lên hay hành động/ Khổ não bước theo sau/ Như xe, chân vật kéo.
Tâm ý dẫn các pháp/ Tâm ý chủ, tạo tác/Với tâm ý ô nhiễm/ Nói lên hay hành động/ Khổ não bước theo sau/ Như xe, chân vật kéo.
Chữ tâm (manos) này cũng hàm ý những nghiệp lực dung chứa trong kho tàng tâm thức sâu thẳm khó lường mà ý thức chỉ như phần nổi của tảng băng chìm bị xô đẩy trên bề mặt của đại dương đời sống. Có những năng lực tiềm ẩn điều khiển tâm ý của chúng sinh khiến cho họ không hiểu vì sao mình đã lựa chọn và hành động như vậy. Đó là khi Nguyễn Du viết “Ma đưa lối quỷ đưa đường/ Cứ tìm những chốn đoạn trường mà đi”. Tâm thức sâu thẳm như vậy, đại dương đời sống cũng rộng lớn bao la và tiềm ẩn nhiều sóng gió, nhiều bão tố, nhưng cũng nhiều điều kỳ diệu và đẹp đẽ mời gọi khám phá, vậy tâm như vị thuyền trưởng phải lèo lái con thuyền đời như thế nào để qua bờ bình yên?
Sử dụng tâm
Tâm rất quan trọng, vì tâm vốn làm chủ, tâm tạo tác, tâm dẫn đầu các pháp thiện hay bất thiện. Vậy mà phần lớn trong chúng ta, những kẻ phàm phu lại không biết tâm là gì? Nên làm gì với tâm mình và nuôi dưỡng phát triển tâm ra sao? Thật lợi ích lớn nếu chúng ta biết tâm mình đang ra sao, phải điều hướng nó như thế nào để nó là bạn mình, và thấy được sự nguy hiểm khi không biết điều hướng tâm ý khiến nó trở thành kẻ thù, mà lại là kẻ thù bên trong thì thật là nguy hiểm. Bài kinh sau đây cho chúng ta thấy phần nào tầm quan trọng đó của tâm và cách sử dụng tâm.
Tâm được ví như hồ nước. Khi tâm bị các phiền não nghiệp chướng ngự trị và sai sử, đó là tâm ô nhiễm, cũng giống như hồ nước bị khuấy động các cặn bã bùn lầy khiến cho nó không trong sạch.
Khi tâm đã được giải phóng khỏi các ham muốn nhục dục, sân hận, si mê, hôn trầm thụy miên, lo lắng bất an và nghi ngờ (5 triền cái) thì tâm trở nên trong sáng, dễ uốn nắn, như hồ nước trong lặng.
“Ví như, này các Tỳ-kheo, một hồ nước trong sáng, sáng suốt, không bị khuấy đục. Tại đấy có người có mắt, đứng trên bờ, có thể thấy các con ốc, các con sò, các hòn sạn, các hòn sỏi, các đàn cá qua lại, đứng yên. Vì cớ sao? Vì nước không bị khuấy đục, này các Tỳ-kheo. Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, vị Tỳ-kheo với tâm không bị khuấy đục biết được lợi ích của mình, hay biết được lợi ích của người, hay biết được lợi ích cả hai, hay sẽ chứng ngộ các pháp thượng nhân, tri kiến thù thắng xứng đáng các bậc Thánh; sự kiện như vậy có xảy ra. Vì sao? Vì rằng tâm không bị khuấy đục, này các Tỳ-kheo”(Kinh Tăng chi bộ).
Ví như, này các Tỳ-kheo, phàm có những loại cây gì, cây phandana được xem là tối thượng, tức là về nhu nhuyến và dễ sử dụng. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Ta không thấy một pháp nào khác, lại nhu nhuyễn và dễ sử dụng, như một tâm được tu tập, được làm cho sung mãn. Tâm được tu tập, được làm cho sung mãn, này các Tỳ-kheo, là nhu nhuyến và dễ sử dụng.
Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỳ-kheo, lại vận chuyển nhẹ nhàng như tâm. Thật không dễ gì, này các Tỳ-kheo, dùng một ví dụ để diễn tả sự vận chuyển nhẹ nhàng của tâm.
Tâm này, này các Tỳ-kheo, là sáng chói, nhưng bị ô nhiễm bởi các cấu uế từ ngoài vào.
Tâm này, này các Tỳ-kheo, là sáng chói và tâm này được gột sạch các cấu uế từ ngoài vào” (An, Phẩm 1 pháp, kinh 45).
Điều phục tâm
Thành tựu bảy pháp, này các Tỳ kheo, Sariputta điều phục tâm và Sariputta không để mình bị tâm điều phục. Thế nào là bảy?
Ở đây, này các Tỳ-kheo, Sàriputta: Thiện xảo về định, thiện xảo nhập định, thiện xảo an trú định, thiện xảo xuất khỏi định, thiện xảo trong sự thoải mái về thiền định, thiện xảo trong cảnh giới định, thiện xảo trong dẫn phát đến định.
Thành tựu bảy pháp này, này các Tỳ-kheo, Sàriputta điều phục tâm và Sàriputta không để mình bị tâm điều phục (A. vii. 4. 38)
Giải thoát tâm
Kinh điển Phật giáo Nguyên thủy nói đến hai loại giải thoát, cittavimutti và paññāvimutti. Tu tập thiền định làm cho tâm được giải thoát khỏi các phiền não bậc trung - những tâm trạng khiến cho tâm bị khuấy đảo hay dao động và khiến nó không còn trong sáng để phản chiếu và có được những quyết định sáng suốt. Tâm bị chế ngự bởi phiền não cũng giống như máy tính bị nhiễm virus vậy. Tâm không được giải phóng cũng giống như cái máy tính có quá nhiều chương trình cũ không còn xài tốt nữa, nó trở thành gánh nặng khiến cho tâm không nhẹ nhàng và nhu nhuyễn, khó sử dụng.
Nhiều khi tâm của chúng sinh cũng đầy các ý tưởng không tương hợp, chống đối lẫn nhau và khiến cho người có cái tâm như vậy cảm thấy rất bức xúc, khó chịu. Nặng thì đi đến trầm cảm, nhẹ thì cũng cảm thấy bất an, phiền não và bối rối không tìm ra lối thoát. Trong tình trạng như vậy, ngồi xuống hay đi bộ chậm rãi, có chánh niệm là rất cần thiết để làm lắng dịu cái tâm đang loạn. Chỉ khi tu tập định tâm đến mức độ khiến cho tâm yên lặng hoàn toàn (samatha), như mặt hồ phẳng lặng hay như bầu trời trong sáng không một gợn mây, thì trí tuệ mới hiển lộ.
Con đường tu tập tâm là áp dụng những phương pháp để loại bỏ ra khỏi tâm những phẩm chất xấu, chiếu ánh sáng vào phần ‘tối’ của tâm thức. Khi có niềm tin chân chánh, tâm sẽ không bị lôi kéo vào những niềm tin mù quáng thiếu cơ sở mang tính mê tín dị đoan. Khi đã có chánh tín nhờ học hỏi và duyên lành, con người sẽ có động lực sống tốt, sống có ý nghĩa, và làm hiển lộ phần sáng của tâm thức mà bản chất vốn là chiếu sáng và thanh tịnh không uế nhiễm. Thiền định (samādhi) từng bước một giải phóng tâm ra khỏi các loại phiền não nghiệp chướng, và trả tâm về trạng thái trong sáng chiếu diệu (pabhassa cittam) như nó vốn có. Một cái tâm đã rũ sạch các phiền não cấu uế thì được gọi là tâm giải thoát (citta vimutti). Đây cũng là trạng thái thiền định, khi tâm thức đã lắng dịu, khi các nhiệt động do tham, sân, si, hoài nghi, trạo hối, lo lắng bất an và các trạng thái bất thiện khác đã tạm thời được dập tắt.
Tuệ giải thoát (paññāvimutti) là khi tâm thức có trí tuệ hướng dẫn để thấy được vô thường và khổ trong các hành (saṅkhārā), và thấy vô ngã trong tất cả các pháp (dhamma). Khi đã có tuệ quán chắc thật như vậy, tâm sẽ tự nhiên không xu hướng theo vô minh để tạo ra phiền não nghiệp chướng. Giải thoát như vậy là giải thoát do trí tuệ.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
“Phàm làm việc gì, trước phải xét kết quả của nó về sau”
Kiến thức 10:00 04/11/2024Những người không nghĩ đến quả mà cứ gieo nhân bừa bãi, thì thế nào cũng gặt nhiều tai họa, gây tạo cho mình những điều phiền phức, có khi làm ung độc cả cuộc đời, cả sự sống. Chỉ có những người nông nỗi, liều lĩnh mới không nghĩ đến ngày mai, mới sống qua ngày.
Ý nghĩa của việc tụng Kinh, trì Chú và niệm Phật
Kiến thức 08:54 04/11/2024Trong suốt cuộc đời hoằng pháp, đức Phật không hề viết sách. Tất cả kim ngôn hay lời dạy của Ngài được truyền thừa lại nhờ vào truyền thống tụng đọc thuộc lòng, của các vị đệ tử của Ngài truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Duyên khởi là cốt tủy, là hạt nhân của mọi triết lý Phật giáo
Kiến thức 11:20 03/11/2024Các triết lý quan trọng của Phật giáo như Vô ngã, khổ, vô thường, tính không, nhân quả đều được đặt trên nền tảng cơ sở của duyên khởi.
Tìm lại chính mình
Kiến thức 09:00 03/11/2024Một lần Đức Phật đang tĩnh tọa ở bìa rừng thì có 30 thanh niên từ đâu chạy tới, thấy Đức Phật, họ hỏi: Thưa Sa-môn, Ngài có thấy một cô gái chạy qua đây không?
Xem thêm