10 năm bị mất ngủ, một ngày tụng Kinh lạy Phật liền khỏi
Có lẽ, từ "vi diệu” mới nói được hết sự thực tâm ngưỡng vọng của tôi đối với Phật pháp. Mới bảy ngày trước, tôi còn sống vật vờ, hoảng loạn như một bà điên của thôn Lạc Sơn, vậy mà bây giờ tôi đã tìm lại được giấc ngủ của mình chỉ nhờ vào lòng hướng thiện, biết sám hối tội lỗi.
Mấy ngày gần đây, người dân thôn Lạc Sơn ( xã Phú Sơn, huyện Lâm Hà, tinh Lâm Đồng) bàn tán xôn xao về việc chị Tạ Thị Xuân Dung sinh năm 1967, đột nhiên chữa khỏi bệnh mất ngủ hơn 10 năm bằng cách tụng kinh, niệm Phật.
Với vẻ mặt đầy ngạc nhiên xen lẫn hoài nghi, bà Nguyễn Ngọc Diệu 54 tuổi, ngụ thôn Lạc Sơn cho biết:
– Tôi không thể tin nổi, không biết có thật không nữa. Mới tháng rồi, tôi còn bắt gặp chị Dung nửa đêm đi lang thang ngoài đường lớn. Bỗng nhiên, mọi người kháo nhau chị ấy chữa khỏi bệnh mất ngủ và sức khỏe còn tốt hơn trước, ngủ sâu hơn. Đặc biệt, chị Dung đi đâu cũng bảo chữa khỏi bệnh nhờ chú tâm tụng kinh, niệm Phật và nguyện ăn chay trường.
Nhà vợ chồng chị Dung khá khang trang, nằm dưới một con dốc cách ven đèo Phú Sơn. Anh Nguyễn Xuân Hải sinh năm 1966, ngụ thôn Lạc Sơn, xã Phú Sơn, làm tài xế lái xe khách đường dài, chấp nhận gánh hết việc nhà thay cho người vợ mắc chứng mất ngủ kỳ lạ. Anh Hải cho biết:
– Thời gian đầu mắc bệnh, vợ tôi thấy bực bội trong cơ thể, dễ nóng giận. Cô ấy lao vào làm việc quần quật, từ cuốc đất, làm cỏ, vác gạo đến quét dọn, rửa chén… Cô ấy làm đến độ cơ thể kiệt sức, mệt mỏi mà giấc ngủ vẫn không tìm đến. Làm việc, đi lại quá nhiều, vợ tôi mắc thêm bệnh thoái hóa cột sống, sức khỏe không còn tốt. Thế nên, nhiều việc tôi phải làm thay cho vợ. Thương vợ bất hạnh mắc phải căn bệnh kỳ lạ, tôi không dám nghĩ đến chuyện gì khác ngoài chí thú làm việc.
Niệm Phật, lạy Phật vừa tiêu trừ được nghiệp chướng vừa có lợi cho sức khỏe
Chị Dung bị mắc chứng bệnh mất ngủ vào tháng 9 năm 2002 (âm lịch): “Tự nhiên, đêm đó, tôi không ngủ được, trằn trọc nguyên một đêm. Những ngày kế tiếp, dù đêm hay ngày, tôi muốn được ngủ khoảng 15 phút cũng không thể nhắm mắt lại. Chồng tôi đưa đi khám ở bệnh viện Lâm Hà ở thị trấn Đình Văn, bệnh viện Hoàn Mỹ ở Đà Lạt. Nhưng các bác sĩ đều khẳng định tôi không bị bệnh, cấp cho tôi một số thuốc bổ rồi cho về. Về nhà, chị Dung thay đổi tính nết, trở nên cộc tính, hung dữ. Anh Hải khẳng định:
– Từ lúc mắc chứng mất ngủ, vợ tôi cực kỳ hung dữ. Tôi làm gì trái ý, đặt cái ly không đúng cách cũng bị vợ quát tháo om sòm. Biết vợ bị ức chế, tôi cố nhịn cho qua chuyện nhưng mức độ hung hăng của vợ ngày càng gia tăng. Có lần, Dung đang chế biến thức ăn, nghe tôi nói chuyện không hài lòng, liền lấy dao phóng về phía tôi. May mà tôi né kịp, không thì đã chết hoặc bị thương dưới mũi dao của vợ. Hồi nhỏ, hai đứa con cũng sợ vợ tôi kinh khủng. Thấy mẹ về, tụi nhỏ liền kiếm chỗ tránh mặt, đi đứng cũng thật nhẹ nhàng để không làm phiền mẹ nằm nghỉ.
Lớn lên, mấy đứa nhỏ hiểu chuyện hơn nên không xa lánh nữa mà quay sang tìm thuốc chữa bệnh cho mẹ . Những đêm không ngủ cứ kéo dài, không còn tính được bằng ngày mà chuyển qua thành tháng, thành năm. Thấm thoát đã hơn 10 năm, chị Dung chưa đêm nào chợp mắt dẫu người mệt lả, uất ức làm đầu chị đau như bị đóng đinh.
Hễ không ngủ, chị lại lầm lũi một mình ra đường lớn đi khắp thôn cho khuây khỏa đầu óc. Chị đi bộ cả đêm mà không sợ ma quỷ, hay cướp bóc đe dọa mạng sống. Nếu không nghĩ đến con cái còn nhỏ, lo chồng thân gà trống không thể nuôi dạy con, chị đã tìm đến cái chết để giải thoát căn bệnh oan nghiệt, dày vò cơ thể mình.
Những đêm lạnh, chị Dung âm thầm đến các cổng chùa, đứng trước tượng Phật Quan Âm cầu xin để được khỏi bệnh. Nhưng mọi lời khẩn cầu đều không thành hiện thực, chị tiếp tục chìm trong chuỗi ngày tăm tối khi giấc ngủ bình yên vẫn chưa tìm về. Người ta hễ có gì khó khăn là mới chịu đến ôm chân Phật, ôm chân Bồ Tát mà xin. Chẳng chịu hiểu cho rằng, khổ là do Nghiệp chướng, muốn hết nghiệp chướng thì phải tu hành, phải làm theo lời Phật dạy, rồi các Ngài sẽ gia hộ thêm cho, chứ đâu phải cứ xin là được toại nguyện hết đâu.
Có hôm đã hai, ba giờ sáng, chị vẫn lang thang ngoài đường, thấy có đôi vợ chồng bị hư xe, đang loay hoay sửa trên đèo vắng. Chị đến gần ngỏ ý kêu họ về nhà mình để lấy dụng cụ sửa xe. Nhưng họ tưởng chị không phải người, không ai bảo ai cứ im thin thít. Họ chỉ tin chị là người khi chị nổi điên, dậm chân bình bịch xuống nền đường vắng.
Không ngủ được, chị đâm ra chán ăn, miệng lúc nào cũng cảm giác đắng nghét, nhìn thấy thức ăn chỉ muốn đổ đi. Chồng bưng cơm lên tới nơi cho ăn tôi quát nạt bắt anh đem đổ. Những lúc như thế, chị vô cùng hoang mang và chỉ muốn tìm đến cái chết.
Thấy vợ bệnh, anh Hải thường xuyên đi chùa làm công quả, để mong chút việc tốt của mình có thể giúp vợ nhanh chóng trở lại bình thường. Đằng đẵng hơn chục năm, hai vợ chồng sống trong cảnh hoang mang, anh Hải thì lo vợ ngày càng dữ dằn, còn chị Dung cũng đau lòng nghĩ đến cảnh mình trở nên điên loạn. Khoảng đầu tháng 9 năm 2013 “ âm lịch”, anh Hải thực lòng đến thuật lại chứng mất ngủ kỳ lạ của vợ để trụ trì chùa Bửu Sơn tìm cách hóa giải.
Anh Hải cho biết:
– Tôi làm công quả nhiều năm trong chùa Bửu Sơn, cũng nghe danh trụ trì Thích Minh Châu có đạo hạnh hơn người. Thế nên, tôi mạn phép đến thưa bệnh của vợ cho trụ trì nghe qua. Tôi kể cho người nghe những biểu hiện kỳ lạ của vợ mà thuốc thang, cây lá, bài thuốc nào cũng không trị được. Thầy buồn rầu bảo tôi kêu vợ lên chùa cho nhập thất ngày ngày tụng kinh, niệm Phật xem có thay đổi được hay không.
Nghe lời trụ trì chùa Bửu Sơn, anh Hải dẫn vợ lên chùa làm lễ nhập thất vào ngày 9 tháng 9 năm 2013 (âm lịch). Suốt từ ngày đó, chị Dung mặc áo Phật tử đến thất cùng chị Hoa Phúc- một Phật tử ở TP.HCM lên chùa Bửu Sơn để nhập thất. 7 giờ sáng, chị được ăn điểm tâm với cháo trắng rồi lại tiếp tục lạy Phật và tụng Kinh Lương Hoàng Sám, Diệu Pháp Liên Hoa. Ngay ngày đầu tiên, khi đang đọc kinh, bất giác, mắt chị Dung nhíu lại và cảm giác buồn ngủ dồn dập kéo đến.
Thế nhưng, chị vẫn cố gắng tụng cho xong những quyển kinh mà sư thầy giao phó. Buổi tối của đêm đầu tiên nhập thất, chị Dung ngủ say sưa, không hề mộng mị. Cảm giác lâng lâng, tôi vui mừng khôn xiết, được ngủ một giấc ngon lành sau hơn 10 năm không khác gì chết đi sống lại. Mấy ngày ở thất, tôi bị cảm lạnh, nhưng vẫn cố làm theo lời sư thầy căn dặn. Mỗi ngày, tôi đọc hết hai quyển kinh và lạy 600 lạy. Thế nhưng, lòng tôi vẫn phập phồng lo sợ chứng mất ngủ sẽ trở lại nên càng cố công đọc kinh, lạy Phật.
Sau bảy ngày, tôi ra thất và trở về nhà. Những giấc ngủ bình yên lại nhẹ nhàng tìm đến mà không cần gượng ép”, chị Dung vui vẻ cho biết thêm: “Dầu không còn ở thất, tôi vẫn tâm niệm ăn chay trường và ngày nào cũng tụng kinh niệm Phật. Chị Dung tay cầm cuốn Kinh Lương Hoàng Sám, sắc mặt hồng hào, hồ hởi chia sẻ:
– Tôi không biết phải diễn tả như thế nào về sự nhiệm mầu này. Có lẽ, từ "vi diệu” mới nói được hết sự thực tâm ngưỡng vọng của tôi đối với Phật pháp. Mới bảy ngày trước, tôi còn sống vật vờ, hoảng loạn như một bà điên của thôn Lạc Sơn, vậy mà bây giờ tôi đã tìm lại được giấc ngủ của mình chỉ nhờ vào lòng hướng thiện, biết sám hối tội lỗi.
Chứng mất ngủ này có thể đến từ những ác nghiệp mà tôi gây ra ở kiếp này hay kiếp trước. Nay, tôi thành tâm sám hối nên nghiệp được tiêu trừ. Những ai cũng mắc phải căn bệnh lạ như tôi, xin lấy tôi làm gương, nên thành tâm sám hối để sớm có lại cuộc sống bình yên.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Luận bàn hai chữ “Cuộc đời” trong bài kệ của Thiền sư Pháp Loa
Tư liệu 13:32 21/11/2024“Cuộc đời của mỗi con người chỉ như một giấc chiêm bao – vô thường. Nếu không có hiểu biết, không tìm thấy cái ta chân thật, thì dù làm bao nhiêu việc cũng chỉ là làm mộng, bao nhiêu cái biết, cũng chỉ là cái biết hư vọng”.
Mối quan hệ giữa đời sống và việc tu hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông
Tư liệu 14:05 20/11/2024Phật hoàng Trần Nhân Tông luôn nhấn mạnh quan niệm tiến bộ của Phật giáo Đại Việt rằng “Phật giáo là cuộc sống, không có sự cách li, phân biệt, bởi vì Phật giáo là gì nếu không phải đó là một quá trình đi tìm chân lý.
Tiếc là con người chỉ có hai tay
Tư liệu 08:20 19/11/2024Ngày xửa ngày xưa, có một cô gái đến tuổi gả chồng, có hai gia đình Đông gia và Tây gia cùng đến cầu thân.
Bay qua miền hạnh phúc
Tư liệu 17:30 18/11/2024Phật pháp chính là diệu pháp, đã chắp cho tôi đôi cánh, giúp tôi bay lên cao, ra khỏi vực thẳm tuyệt vọng, đi đến miền hạnh phúc…Tôi xin cảm tạ Chư Phật Bồ Tát, cảm tạ tất cả những thiện hữu đã nhọc nhằn tâm lực, công sức vì tôi.
Xem thêm