3 mối nhân duyên giữa cha mẹ và con cái theo quan điểm đạo Phật
Người xưa thường nói rằng: Nếu không có duyên có nợ với nhau thì làm sao gặp gỡ? Con cái đến với cha mẹ cũng đều do nhân duyên, nghiệp quả mà đến, đó cũng là quan điểm trong đạo Phật.
Vậy giữa cha mẹ và con cái có những nhân duyên gì?
Kính mời quý Phật tử cùng tìm hiểu bài viết dưới đây qua sự chia sẻ của Thầy Thích Trúc Thái Minh.
Cha mẹ và con cái có duyên ân nghĩa
Tức là cha mẹ và con cái có ân nghĩa với nhau, cùng sinh về một nhà để trả nghĩa cho nhau. Có những gia đình sau khi sinh con ra thì gia đình bắt đầu khấm khá, làm ăn phát đạt và đạt được nhiều sự tốt đẹp. Đó là do phúc báu của đứa con mới sinh và là quả phúc của gia đình đến lúc trổ ra. Bên cạnh đó, có đứa con lớn lên rất chăm chỉ, biết lo cho cha mẹ, đôi khi cha mẹ có những hành động chưa chuẩn mực thì đứa con vẫn thương yêu, lo lắng cho cha mẹ. Đó là đứa con đến trả ân nghĩa cho cha mẹ.
Cha mẹ có nợ với con hay con có mắc nợ với cha mẹ
“Nợ” ở đây là trả nợ, báo oán; giữa cha mẹ và con cái có nợ với nhau, cùng về một nhà để trả nợ cho nhau.
Cha mẹ là hạt nhân để chiêu vời, gọi con cái đến với mình. Nếu cha mẹ có nghiệp xấu thì sẽ gọi đứa con có nghiệp xấu đến. Trong cuộc sống, chúng ta thấy có trường hợp có những đứa con sinh ra đã làm tiêu tốn tài sản của cha mẹ, khiến cha mẹ ngày đêm vất vả, lo lắng, khổ sở.
Câu chuyện vua A Xà Thế sát hại vua cha Bình Sa là minh chứng mối duyên nợ giữa cha mẹ và con cái.
Chuyện kể rằng từ khi hoàng hậu Vi Đề Hy mang thai Thái tử A Xà Thế, hàng ngày bà chỉ khao khát một điều là được uống máu từ cánh tay phải của vua Bình Sa nhưng bà không dám nói ra vì thương vua; cũng vì nỗi khao khát đó nên bà trở nên xanh xao, gầy mòn. Vua Bình Sa thấy vậy nên ông rất lo lắng cho bà, gặng hỏi mãi thì bà đành phải nói thật rằng bà rất thèm muốn được uống những giọt máu từ cánh tay phải của vua.
Vì thương vợ nên vua Bình Sa sẵn sàng lấy gươm rạch cánh tay phải của mình để cho vợ được uống những giọt máu của ông ấy. Hoàng hậu uống máu xong, bà thấy người trở nên khoan khoái, dễ chịu, phấn chấn hẳn lên. Chính vì chuyện đó mà Thái tử được đặt tên là A Xà Thế nghĩa là nghịch tử. Các vị tướng sư cũng tiên đoán rằng Thái tử sau này chắc chắn là sẽ giết cha. Quả đúng như vậy, A Xà Thế khi trưởng thành do sự xúi giục của Đề Bà Đạt Đa nên ông đã bắt nhốt và giết vua cha để cướp ngôi.
Nếu theo lẽ thường, có lẽ chúng ta sẽ đánh giá A Xà Thế là đứa con bất hiếu. Nhưng với tuệ nhãn của Đức Phật, Ngài thấy rõ nhân duyên sâu xa tiềm ẩn từ quá khứ giữa đức vua Bình Sa và con trai A Xà Thế. Đó là trong một lần vua Bình Sa đi săn, vì nghi ngờ vị đạo sĩ làm việc bất chính, quyến rũ các cung tần mỹ nữ theo hầu nên vua đã ra lệnh vây bắt ông ta; mặc cho vị đạo sĩ phân trần nhưng nhà vua không chấp nhận và kiên quyết chém đầu đạo sĩ.
Khi đó, vị đạo sĩ đã phát lời thề nguyền sẽ sinh về làm con để lấy mạng vua. Cho nên, ngay kiếp ấy, vị đạo sĩ đã làm con của đức vua Bình Sa và hoàng hậu Vi Đề Hy. Do mối duyên nghiệp cùng lời thề độc ấy của đạo sĩ mà kết quả là hoàng hậu mang thai đứa con thèm giọt máu của vua, đứa con ấy chính là A Xà Thế, người đã giết chính cha mình để trả thù.
Cả cha mẹ và con cái cùng có nghiệp
Điều này có nghĩa là cả cha mẹ và con cái cùng cộng chung một nghiệp nào đó do họ đã từng gây tạo. Đến khi đủ duyên, gặp lại nhau thì họ cùng trả chung một quả báo khổ đau. Hai câu chuyện dưới đây là minh chứng như thế:
Trong kinh Pháp Cú có kể câu chuyện về gia đình trưởng giả giàu có, ông ta có một cậu con trai duy nhất. Đến tuổi trưởng thành, ông trưởng giả cưới vợ cho con. Hôm sau hai vợ chồng trẻ dắt nhau vào vườn để hái hoa mùa xuân. Thấy cành hoa tươi đẹp, người vợ bảo chồng trèo lên hái hoa cho mình. Chiều lòng vợ, người chồng trèo lên cây, không ngờ đạp phải cành cây gãy khiến anh ta liền rơi xuống đất, chết ngay tại chỗ. Ngày vui vừa đến thì nỗi đau đớn xảy ra, cả nhà nghe tin chạy đến ôm con và than khóc.
Không hiểu nguyên nhân vì sao cả gia đình cùng rơi vào nỗi đau khổ này, họ cùng đến bạch Đức Phật chỉ dạy.
Đáp lại lời thỉnh cầu, Đức Phật kể cho gia đình trưởng giả nghe nhân duyên trong tiền kiếp. Cậu con trai trong quá khứ là một chú bé đi bắn chim; còn ông bà khi đó là hai vị thương gia, thấy chú bé đang giương cung bắn chim thì hai vị bảo chú bé rằng: Nếu cháu bắn chết con chim này thì cháu là anh hùng thiện xạ.
Chú bé nghe lời khuyến khích, liền giương cung lên bắn, con chim bị chết ngay tại chỗ, hai vị vỗ tay khen cậu bé là anh hùng thiện xạ. Do hai người thương gia tán thán, tuỳ hỷ với việc làm ác của cậu bé nên kiếp này cả ba người sinh ra làm cha mẹ, con cái với nhau để cùng trả nghiệp khổ đau. Vì vậy, khi cậu con trai duy nhất ra đi thì ông bà đau đớn cùng tột.
Một câu chuyện khác trong kinh Pháp cú kể rằng, chú bé nọ được sinh ra trong gia đình ở vùng biển, kể từ khi chú bé chào đời thì cả làng không đánh được cá. Lúc ấy, ông trưởng làng suy nghĩ trong làng mình chắc hẳn có người mang sự đen đủi đến. Nghĩ vậy, ông phân chia làng ra làm đôi, nửa làng có gia đình chú bé thì không ai đánh được cá, nửa làng còn lại thì đánh được cá. Và cứ chia dần như thế thì tất cả mọi người phát hiện ra nguyên nhân nhà chú bé này đã đem sự đen đủi cho cả làng. Sau đó dân làng đã đuổi gia đình chú bé đi.
Rời khỏi làng, hai mẹ con chú bé đi ăn mày nhưng cũng không xin được gì, hai mẹ con phải chịu đói khổ. Nhân duyên trong một tiền kiếp, chú đã tranh giành và vứt đồ ăn của một vị Tỳ-kheo. Vì ác nghiệp ấy và có cộng nghiệp với gia đình nên khi chú bé sinh ra thì cả gia đình cùng chịu trả quả báo khổ này.
Vậy nên, theo quan niệm của đạo Phật, khi chúng ta biết giữa cha mẹ và con cái có duyên nghiệp với nhau, dù là nghiệp chung hay riêng, có duyên nợ thì chúng ta nên tu tập, sám hối làm phước để hồi hướng phước báu cho con và cũng là để chuyển hóa những oan trái giữa cha mẹ và con cái và cộng nghiệp của cả nhà. Khi đứa con sinh ra thì cha mẹ tiếp tục làm phúc cho con, hướng dẫn cho con đi sơ quy y, hướng tâm về Tam Bảo. Ngoài ra, việc giáo dục con cái cũng rất quan trọng trong việc hình thành nhân cách của con. Không chỉ vậy, việc giáo dục dạy dỗ con tốt thì nghiệp oán kết giữa cha mẹ và con cái cũng phần nào được chuyển hóa.
Qua lời chia sẻ của Thầy Thích Trúc Thái Minh, mong rằng quý Phật tử hiểu được các mối nhân duyên giữa cha mẹ và con cái; từ đó, cố gắng tu tập để chuyển hoá được các mối nghiệp duyên để gia đình luôn vui vẻ, hạnh phúc.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Yêu thương hơn, hạnh phúc hơn bằng phương pháp “Quán từ bi”
Kiến thức 12:00 31/10/2024Thực hành phép "Quán Từ Bi", một pháp môn rất vi diệu trong Phật Pháp, được Đức Phật hết sức tán thán, ca ngợi về cả công đức thù thắng, lớn lao, cũng như ý nghĩa quan trọng trong việc tu hành viên mãn đức hạnh.
Hạnh nguyện và năng lực gia trì của đức Phật Dược Sư
Kiến thức 11:10 31/10/2024Hôm nay, nhân ngày kỷ niệm vía đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, chúng tôi xin nói về mười hai hạnh nguyện của Ngài. Đức Phật Dược Sư còn có tên là Đại Y Vương Phật, Ngài là vị giáo chủ cõi Tịnh Lưu Ly ở phương Đông.
Cảnh cùng khốn
Kiến thức 09:39 31/10/2024Người khéo học đạo thì trước trị trong để dẹp ngoài, đừng tham ngoài để hại trong. Cho nên giáo hóa chúng sanh, cốt yếu ở tâm thanh tịnh. Muốn chánh được người, cố nhiên phải chánh mình trước.
Lục độ: Sáu pháp vượt bờ
Kiến thức 09:00 31/10/2024Một trong những hành pháp tiêu biểu của Đại thừa là Lục độ. Tư tưởng lục độ Bồ tát ảnh hưởng vô cùng lớn đến mọi mặt của đời sống Phật giáo Việt Nam gần 2000 năm nay.
Xem thêm