3 việc quan trọng cần làm trước khi kết hôn dưới góc nhìn của Phật giáo
Có sự chuẩn bị chu đáo cho việc kết hôn là đảm bảo cho một cuộc hôn nhân bền vững trong tương lai. Có như vậy, chúng ta mới trưởng thành, mới có thể đồng tâm, hiệp lực, thương yêu nhau, cùng xây dựng gia đình Phật hóa trên con đường đời thánh thiện.
Hôn nhân là kết quả của quá trình yêu đương giữa người nam và người nữ đã trưởng thành
Đồng thời là sự kết hợp với nhau thông qua sự chấp thuận của cha mẹ đôi bên và sự công nhận của pháp luật qua thủ tục đăng ký kết hôn. Từ đây cho đến hết cuộc đời, giữa họ hình thành mối quan hệ gia đình, mà gia đình là tế bào của xã hội – nơi sinh thành, nuôi dưỡng, giáo dục con người. Bởi vậy, kết hôn là việc vô cùng hệ trọng trong cuộc đời của người cư sĩ Phật tử cũng như của toàn xã hội. Vì vậy mà người ta cần cân nhắc, sửa soạn cho thật tốt để đảm bảo đời sống hôn nhân được hạnh phúc vẹn toàn và bền vững.
Phật giáo có quan điểm về vấn đề hôn nhân rất khai phóng. Theo đó, mỗi cá nhân hoàn toàn có quyền tự do quyết định cho bản thân mình về tất cả những vấn đề liên quan đến đời sống hôn nhân gia đình. Cùng với đó, Đức Phật đã dạy chúng ta rất nhiều bài học bổ ích về đời sống gia đình, bổn phận người vợ, người chồng… mà cho đến nay qua hơn hai ngàn năm vẫn nguyên chân giá trị.
Dân gian có câu: “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Đức Phật cũng đã nhấn mạnh người nữ đóng vai trò rất quan trọng trong gia đình; sự an vui, hạnh phúc và hòa thuận trong gia đình là phần lớn phụ thuộc vào người phụ nữ. Bởi vậy, trước khi kết hôn, người nữ Phật tử cần phải có bước chuẩn bị cần thiết để xây dựng hạnh phúc gia đình sao cho phù hợp với giáo lý đạo Phật và cuộc sống xã hội, thông qua 3 việc quan trọng cần làm trước khi kết hôn sau đây:
1. Tìm người bạn đời thật sự phù hợp trên 5 yếu tố: tín ngưỡng, tình yêu, tính cách, sức khỏe, nghề nghiệp
Chọn người bạn đời phù hợp với mình, trước hết là phù hợp về tín ngưỡng. Không nên chọn người khác tín ngưỡng mà người ấy buộc mình phải bỏ đạo Phật mới tiến đến hôn nhân. Nếu người yêu đã là Phật tử thì quá tốt đẹp. Còn ngược lại, trước khi kết hôn, người nữ cần hướng cho bạn thích nghi dần với đời sống tín ngưỡng của mình bằng cách đưa bạn đến chùa vào mùng 1, ngày rằm để cùng nghe kinh và nghe các thầy giảng thuyết pháp hoặc tham gia vào các hoạt động sôi nổi chào mừng các ngày lễ do chùa tổ chức để tạo niềm vui, hứng thú ban đầu. Dần dà, người nữ khuyên bảo bạn đời quy y Tam bảo để xây dựng gia đình Phật tử hạnh phúc là điều không gì quý bằng.
Giáo lý nhà Phật đặt trên nền tảng tình thương yêu con người. Ngài dạy con người phải thương yêu nhau, mang lại niềm vui, an lạc cho nhau. Xây dựng cuộc sống hôn nhân là phải mang lại hạnh phúc, niềm vui cho nhau, chứ không phải mang lại nỗi đau. Sau kết hôn, tình yêu lúc này không còn đơn thuần là tình cảm nam nữ thắm thiết, lãng mạn nữa mà được vun đắp, nuôi dưỡng lớn dần thành tình nghĩa vợ chồng sớm tối có nhau, “gừng cay muối mặn”. Nó tạo thành chất “men” để duy trì, gìn giữ đời sống hạnh phúc vợ chồng. Không có tình yêu, hôn nhân không có động lực để tồn tại. Vợ chồng mang tiếng “đầu ấp tay gối”, ăn ở chung một mái nhà, cùng nuôi dạy các con nhưng xem nhau như hai người xa lạ, sống chỉ để tạo vỏ bọc che đậy sự mục ruỗng từ bên trong sẽ chỉ đem lại khổ đau cho nhau và làm khổ con cái. Do vậy, mái nhà hôn nhân phải được “khởi công” từ tình yêu chân thành và phát triển bền vững trên nền móng ấy.
Thế thì Phật tử đặt câu hỏi rằng nhiều đôi vợ chồng chia tay sau một thời gian chung sống mặc dù trước đây đã từng yêu say đắm? Đó là bởi sự không hòa hợp về mặt tính cách. Trong Kinh Đại Bảo Tích, Đức Phật đã dạy: “Nếu một người đàn ông có thể tìm được một người vợ, người phụ nữ thích hợp và hiểu biết; người phụ nữ có thể tìm được một người chồng, người đàn ông thích hợp và hiểu biết, cả hai thực sự may mắn”.
Như thế, Đức Phật đã nêu rõ nền tảng của hạnh phúc gia đình là sự thấu hiểu, nhường nhịn lẫn nhau để hòa hợp với nhau như ông cha ta đã đúc kết “chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi nhỏ lửa một đời không khê”. Có nhiều đôi bạn trẻ từ khi yêu nhau đã rất tâm đầu ý hợp, nhưng cũng có cặp thường xuyên cãi vã, giận hờn vì những lý do không đâu. Điều này bắt nguồn từ sự không hiểu nhau, không cảm thông cho nhau, ai cũng cho mình là đúng còn bạn mình thì sai, tạo cơ hội để người thứ ba chen chân vào hoặc tệ hơn là chia tay để rồi có thể sau này hối hận. Như vậy, để tránh được xung đột không đáng có, người Phật tử đang chuẩn bị cho đời sống hôn nhân trong tương lai gần cần sự tìm hiểu kỹ lưỡng, tự dung hòa về mặt tính cách với người bạn đời để có thể trao đổi, chia sẻ với nhau trong mọi công to việc lớn. Làm được vậy thì quả là điều may mắn cho cả hai như lời Đức Phật đã dạy.
Hôn nhân bền vững xuất phát từ tình yêu đôi lứa và đòi hỏi hai người phải thật sự hòa hợp về mặt tính cách. Bên cạnh đó, hôn nhân cần có sự đảm bảo về mặt sức khỏe và nghề nghiệp của hai đối tượng đang tiến đến hôn nhân. Ở đây xin nói đến mặt sức khỏe sinh lý của mỗi người. Thực tế cho thấy, có đôi vợ chồng do chênh lệch nhiều về tuổi tác nên không hòa hợp trong đời sống chăn gối dẫn đến ngoại tình. Vì vậy, vấn đề sức khỏe tình dục rất quan trọng, là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến nhiều gia đình tan vỡ. Do đó, trong quá trình tìm hiểu, cả hai cần phải xem xét cả yếu tố sức khỏe để có sự chuẩn bị và chủ động giải quyết những khó khăn có thể nảy sinh trong đời sống tình dục về sau.
Nghề nghiệp là yếu tố thứ tư trong việc chọn lựa một người bạn đời phù hợp. Người chồng tương lai cần có một công việc, một nghề nghiệp có thể nuôi sống bản thân và lo cho gia đình. Người phương Tây có câu: “Khi sự nghèo khó gõ cửa nhà bạn, thì tình yêu đội nón ra đi”. Điều này chứng tỏ khi tiến đến hôn nhân, cả hai cần có công việc ổn định, đảm bảo nguồn tài chính thiết yếu cho cuộc sống gia đình. Tuy nhiên, chúng ta không nên quá đặt nặng vấn đề này bởi bản chất hôn nhân không phải là cuộc tính toán hơn thua về vật chất. Yếu tố nghề nghiệp như một nền tảng thiết yếu để hai vợ chồng có “phương tiện” cùng khắc phục khó khăn như cha ông ta đã dạy: “thuận vợ thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn”.
2. Ghi nhớ và thực hiện 5 điều đức Phật đã dạy về bổn phận người vợ đối với chồng
Một là, phải luôn làm tròn bổn phận trong nhà: người vợ phải lo chu toàn công việc trong gia đình chồng, phải thông thạo các việc thuộc nữ công gia chánh; biết quản lý và sắp đặt công việc nhà khéo léo.
Hai là, phải vui vẻ tử tế với quyến thuộc bên chồng: người vợ phải kính trọng và đối xử hòa nhã với cha mẹ chồng, kính trọng những người mà chồng mình kính trọng; xem gia quyến bên chồng như người thân ruột thịt của mình.
Ba là, phải luôn chung thủy với chồng: phải kính trọng và thương yêu chồng; chung thủy với chồng và không được ngoại tình trong tư tưởng cũng như trong hành động; luôn quan tâm chăm sóc cho chồng, biết dịu dàng, bình tĩnh và thấu hiểu chồng.
Bốn là, giữ gìn cẩn thận đồ trang sức và luôn coi sóc, giữ gìn của cải – đồ dùng trong nhà: không tiêu xài hoang phí, bảo vệ, tiết kiệm tài sản mà chồng đã kiếm được.
Năm là, luôn siêng năng, không bao giờ trút tháo công việc cho người khác: người vợ phải chia sẻ công việc với chồng và các thành viên trong gia đình chồng; động viên, khuyên bảo chồng khi cần thiết.
3. Hãy luôn chủ động về mặt tài chính
Để có sự chuẩn bị chu đáo cho cuộc sống hôn nhân, ngoài việc lựa chọn một người bạn đời tin tưởng và hiểu rõ bổn phận của người vợ trong gia đình, người nữ còn cần phải có công việc của mình để có thể chủ động về mặt tài chính, cùng gánh vác, chia sẻ với chồng về vật chất và tạo cho bản thân niềm vui, hạnh phúc riêng ngoài việc chăm lo cho con cái, gia đình… Đó là sự chuẩn bị cho cuộc sống bản thân bằng chính sức lao động của mình, không phụ thuộc hoặc trông chờ vào ai khác, nhất là trong xã hội nam nữ bình quyền ngày nay.
Theo: Blog Phật Giáo
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Lục hòa: Sáu pháp sống chung hòa hợp
Kiến thức 14:50 02/11/2024Đây là phép sống chung hòa hợp để tu tập hướng đến giải thoát giác ngộ. Người tu hành mà không học tập sống chung cùng đại chúng một cách hòa hợp thì khó mà tu tập thăng tiến.
Thứ lớp quả vị của Bồ tát Thập địa
Kiến thức 13:29 02/11/2024Nhờ có trí tuệ thấy rõ khổ đau và thực hành Bát chính đạo cùng giáo lý Trung đạo, hành giả phát khởi Bồ đề tâm, hành trì Lục độ Ba la mật để dần đạt các cấp độ thành tựu trên con đường Giác ngộ.
Nói về Tứ niệm xứ
Kiến thức 10:40 02/11/2024Học, hiểu và tu tập Tứ niệm xứ là rất cần thiết dù tu sĩ hay cư sĩ giúp ta sống chất lượng, sâu sắc ý nghĩa, thanh tịnh thân tâm, thành tựu đinh lực trí tuệ hướng đến an vui giác ngộ giải thoát hoàn toàn ra khỏi mọi nỗi khổ niềm đau.
Bài học nhân sinh từ những cơn bão
Kiến thức 09:00 02/11/2024Bão tố dạy ta về sự vô thường - một bài học căn bản mà ta vẫn thường quên trong cuộc sống hằng ngày. Đời sống là một chuỗi những đổi thay liên tục, không có gì là vĩnh cửu, không có gì là bất biến.
Xem thêm