Ăn chay giữ sức khỏe và thanh lọc tâm hồn, hướng thiện
Qua những lần đi lễ chùa và ăn chay ở chùa, tôi nghiệm ra rằng người ta ăn chay ở chùa không phải đến chú trọng miếng ăn, mà là tìm về sự thảnh thơi, không gian thanh tịnh, tĩnh tại, bình yên của chùa chiền; cảm nhận và học hỏi thêm nhiều điều may mắn, hạnh phúc, đáng yêu trong cuộc sống này.
Đến chùa ngoài các hoạt động cầu kinh lễ Phật, thì một phần không thể thiếu là nấu các món ăn chay. Nhất là những ngày lễ lớn như Lễ Phật đản, Lễ Vu Lan, lượng người đổ về chùa rất đông, tôi cùng với mọi người tất bật công việc để chuẩn bị cho đại lễ này. Các món chay ở chùa phổ biến là đậu cô ve xào nấm, canh chay rau củ, đậu phụ sốt cà chua…Vào các ngày đại lễ, đông người thì có thêm vài món ngon đặc sản như nấm xào sả ớt, mì Quảng chay. Nấm có vị thơm, giòn và ngọt vì thế được dùng chế biến rất nhiều món chay ngon. Món nấm xào sả ớt có vị cay cay của ớt, giòn giòn của nấm và thơm lừng vị sả khiến ai cũng tấm tắc khen ngon.
Sau khi nấu nướng xong, đem cúng lễ Phật tụng kinh cầu nguyện thì bữa ăn được dọn ra ngay sau đó. Rất nhiều phật tử ngồi vào bàn ăn một cách từ tốn không ồn ào như khi người ta đi ăn cỗ mặn. Tôi cảm nhận được dường như ai cũng hiểu chốn linh thiêng nơi chùa chiền nên rất trật tự. Đâu đó rơi rớt những giọt mồ hôi hạnh phúc, ấm lòng. Tôi gắp từng món ăn bỏ vào bát mọi người rồi đến bát mình. Phải công nhận rằng các món chay ở chùa làm rất ngon. Trong tất cả các món ăn chay ở chùa tôi thích nhất là món lẩu chay thập cẩm, được chế biến từ các lại rau củ, nấm. Nước lẩu có vị ngọt đậm đà thơm ngon, khi ăn với bún kẹp với rau sống thật là tuyệt vời, hấp dẫn.
Đồ chay luôn mặc định là ngán, bởi chỉ có thực phẩm làm từ rau, củ, quả. Nhưng qua bàn tay của các Phật tử, các sư (ni) khéo léo đã làm nên nhiều món chay rẻ tiền mà ngon miệng, một bữa cơm thanh đạm, đơn giản. Riêng với phật tử chùa quê tôi, việc phục vụ mâm chay cho những vị khách phương xa đến lễ Phật như là niềm tự hào. Ngày ngày các Phật tử dành thời gian rảnh đến chùa, quần tụ dưới bếp mỗi người một việc chế biến những món chay đặc trưng đãi khách, thể hiện sự gắn kết giữa cộng đồng và tìm thấy niềm vui trong việc phục vụ du khách thập phương qua những món chay.
Ăn cơm chay tại chùa là nét đẹp văn hóa, tín ngưỡng truyền thống lâu đời của người Việt ta, cần được gìn giữ. Câu “cửa chùa luôn luôn rộng mở” đã in sâu trong tâm trí người Việt từ xưa đến nay, dù nghèo khó đến mức nào, nếu đã đến chùa ăn cơm họ đều luôn có ý thức thực hiện việc cúng dường hay làm công quả bù lại. Họ dọn dẹp, rửa chén, phụ bếp… chứ không ai ăn rồi ra về để tự thấy có lỗi, có tội bao giờ.
Qua những lần đi lễ chùa và ăn chay ở chùa, tôi nghiệm ra rằng người ta ăn chay ở chùa không phải đến chú trọng miếng ăn, mà là tìm về sự thảnh thơi, không gian thanh tịnh, tĩnh tại, bình yên của chùa chiền; cảm nhận và học hỏi thêm nhiều điều may mắn, hạnh phúc, đáng yêu trong cuộc sống này. Đối với riêng tôi mỗi lần đọc câu: “Nam Mô A Di Đà Phật; Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát…”, cùng với ăn món cơm chay tôi thấy lòng mình nhẹ nhõm, thanh thản biết bao. Đúng nghĩa là an nhiên, tự tại!
Khi chưa đến với gia đình phật tử, cá tính tôi chưa mấy hòa thuận, hay cãi lại lời ba mẹ, mắng mỏ chì chiết người kia… Nhưng sau một thời gian tham gia sinh hoạt với gia đình phật tử, đi chùa ăn chay thật sự tôi đã thay đổi tâm tính rất nhiều: dịu dàng hơn, bình tĩnh hơn, dễ thông cảm và dễ tha thứ. Hoặc tôi học được những lời Phật dạy như “Từ bi, Hỷ xả”, giúp đỡ cho nhiều người có hoàn cảnh khó khăn… Phải chăng chính đó là một phần của sự “Vô ngại, Đại bi” mà đức Phật từng dạy! Tôi nghĩ rằng, muốn làm được điều đó, mỗi cá nhân cần phải tu tập lâu dài.
Càng đi sinh hoạt với gia đình phật tử, tôi càng học được từ các anh chị em nhiều thứ lắm: từ cách sống, suy nghĩ chân chính, 5 điều cấm giới của Phật, đức tính nhẫn nhục, chịu đựng, hy sinh và sẵn sàng tha thứ cho những người có lỗi với mình như lời Phật dạy. Làm được điều ấy không những tốt cho mình mà còn cảm hóa được mọi người xung quanh.
Bây giờ, tuy cuộc sống đời thường ồn ào, nhộn nhịp, sự mệt mỏi của công việc, bao lo toan của cuộc sống…, thế nhưng tôi vẫn tạm gác lại để hòa mình vào giai điệu nhạc thiền du dương, nhẹ nhõm. Dù không ăn chay trường nhưng hàng tháng tôi dành hai ngày để ăn chay đó là ngày mồng một và ngày rằm. Bữa ăn chay của tôi cũng rất đạm bạc đơn giản như món canh rau khoai nấu nấm, khuôn đậu chấm xì dầu, mít thấu đậu phộng và rau thơm. Thế nhưng cả chồng và các con tôi ăn khen ngon và cảm thấy đỡ ngán thay cho món thịt. Qua đó, thấy mình tịnh tâm hơn, thanh thản hơn nhẹ nhàng, vứt bỏ mọi lo âu, phiền muộn.
Ngày nay ăn chay có nhiều địa điểm, không nhất thiết phải đến chùa mà có thể ăn chay tại nhà hoặc chúng ta có thể tới các nhà hàng chay để thưởng thức những món chay đặc sắc, hấp dẫn, mới mẻ. Thay vì cứ ăn cơm, rau luộc… thì đến nhà hàng chay, các món ăn được biết tấu đa dạng, bắt mắt, giúp bạn có cảm giác ngon miệng hơn.
Ăn chay trong quan niệm của Phật giáo là để nuôi dưỡng pháp thiện, tăng trưởng căn lành và phát triển tình thương rộng lớn đối với mọi người và mọi loài. Còn dưới góc độ khoa học các món ăn chay rất tốt cho người ăn kiêng hoặc những ai đang gặp vấn đề về hệ tiêu hóa. Với thành phần nhiều rau, ít chất béo, thanh đạm rất tốt cho sức khỏe, ít các nguy cơ gây bệnh và béo phì. Ăn chay còn truyền đi một thông điệp là sống xanh, sống khỏe, sống hài hòa với thiên nhiên cũng là góp phần để bảo vệ môi trường sống trong lành, từ đó ít bệnh tật.
Chế độ ăn chay lành mạnh sẽ mang lại hiệu quả không ngờ trong việc phòng ngừa, điều trị bệnh tim, xơ vữa động mạch, tiểu đường, rối loạn thị lực và giảm nguy cơ ung thư. Việc ăn chay đúng cách sẽ giúp kiểm soát và đẩy lùi bệnh tật ra khỏi cơ thể, ngăn ngừa bệnh tái phát. Người ăn chay tiêu thụ ít chất béo động vật và cholesterol, tăng cường hấp thụ chất xơ và chất chống oxy hóa giúp con người tràn đầy năng lượng để làm việc một cách hiệu quả. Thức ăn từ động vật có thể làm nghẽn mạch máu, hạ năng lượng và giảm hệ thống miễn dịch. Trong khi đó, ngũ cốc nguyên hạt, đậu, trái cây và rau quả sẽ cung cấp nhiều năng lượng cho cơ thể.
Vì vậy ăn chay không khó, duyên lành là được ăn chay, món chay ngon lắm, ăn chay để giữ sức khỏe và thanh lọc tâm hồn, hướng thiện…
*Bài dự thi được gởi từ tác giả Lê Thị Thu Thanh. Địa chỉ: Đội 2 - Bích Khê - Triệu Long - Triệu Phong - Quảng Trị.
Bài tham gia cuộc thi viết “Đạo Phật trong trái tim tôi” do Ban TT-TT TW & Cổng thông tin Phật giáo Việt Nam phát động. Đạo hữu, Phật tử hoan hỉ gửi bài viết dự thi về email: info@phatgiao.org.vn.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Uống nước ép rau này giúp tránh ung thư, hạ huyết áp
Thuần chay 11:41 04/11/2024Nước ép làm từ các loại thực vật tự nhiên cung cấp cho cơ thể nhiều vitamin, khoáng chất và chất chống ô xy hóa. Mọi người thường dùng nước ép trái cây. Nhưng trên thực tế, nước ép từ các loại rau cũng mang lại rất nhiều lợi ích sức khỏe.
Trăm năm thương nhớ cơm chay Tín Nghĩa giữa Sài Gòn
Thuần chay 09:32 29/10/2024Lặng lẽ suốt 100 năm trên con đường náo nhiệt, cơm chay Tín Nghĩa không quá đông khách, nhưng ai đến đây đều sẽ quay lại vì… nhớ ngày xưa.
Đến Việt Nam ăn chay có dễ không?
Thuần chay 10:56 28/10/2024Hằng năm Việt Nam đón hàng triệu lượt khách quốc tế, trong số đó có nhiều người ăn chay, vậy nên 'ăn chay ở Việt Nam có dễ không?' là câu hỏi mà nhiều du khách quan tâm khi đặt chân đến đất nước hình chữ S.
Ăn rau muống mỗi ngày mà tốt quá chừng
Thuần chay 15:49 27/10/2024Rau muống giúp ngừa táo bón, tăng khả năng miễn dịch, chống mệt mỏi... khi ăn thường xuyên.
Xem thêm