Ăn chay thế nào kiểm soát đường huyết?
Người bệnh tiểu đường tránh ăn thực phẩm đã qua chế biến hoặc tiêu thụ quá ít chất béo, protein để đảm bảo kiểm soát tốt đường huyết, cơ thể không thiếu hụt dinh dưỡng.
Chuyên viên Nguyễn Thị Thu Huyền, khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết chế độ ăn chay đem đến nhiều lợi ích như hỗ trợ ổn định lượng đường trong máu, tăng độ nhạy insulin, kiểm soát cân nặng, nhờ đó giảm biến chứng tiểu đường như suy giảm chức năng thận, bệnh tim mạch, đột quỵ... Hiện có nhiều kiểu ăn chay khác nhau, phổ biến nhất gồm ăn thuần chay (không sử dụng thịt, trứng hoặc sản phẩm từ sữa), ăn chay lacto (chỉ không ăn thịt hoặc trứng) và ăn chay Lacto-ovo (chỉ không ăn thịt). Người bệnh có kế hoạch ăn chay phù hợp, lựa chọn thực phẩm đúng cách góp phần kiểm soát đường huyết.
Chọn thực phẩm có chỉ số đường huyết (GI) thấp giúp đường huyết tăng chậm và ổn định hơn sau khi dùng bữa. Người bệnh tiểu đường nên ưu tiên ngũ cốc nguyên cám chứa nhiều chất xơ như gạo lứt, yến mạch, lúa mạch, quinoa (diêm mạch), các loại đậu gồm đậu lăng, đậu xanh, đậu đỏ, đậu nành. Các loại rau xanh, củ ít tinh bột như rau bina, cải bó xôi, bông cải xanh, cà tím, dưa leo và trái cây táo, lê, bưởi, cam, dâu tây với GI thấp có lợi cho người bệnh tiểu đường.
Hạn chế tinh bột tinh chế và đường đơn như gạo trắng, bánh mì trắng, bún, phở, miến trắng, đường tinh luyện, bánh kẹo, nước ngọt, sữa đặc có đường... Những thực phẩm này có thể khiến đường huyết tăng nhanh chóng.
Kết hợp chất đạm thực vật (protein) với carbohydrate có hàm lượng chất xơ cao trong mỗi bữa ăn làm chậm quá trình tiêu hóa và tốc độ glucose đi vào máu, nhờ đó tránh được tình trạng đường máu tăng đột biến, thay đổi năng lượng trong thời gian ngắn. Bổ sung protein có nguồn gốc thực vật còn hỗ trợ giảm cân, cải thiện sức khỏe tim mạch, giảm nguy cơ mắc ung thư.
Người bệnh tiểu đường cần lượng đạm khoảng 15-20% tổng năng lượng nạp vào, cao hơn người bình thường (12-14% năng lượng). Người bệnh nên chọn các nguồn đạm thực vật chất lượng từ đậu nành, đậu hũ, tempeh, hạt chia, hạt lanh, hạnh nhân và sữa hạt không đường (hạnh nhân, đậu nành, óc chó).
Chọn chất béo lành mạnh từ dầu ô liu, dầu hạt lanh, trái bơ, hạt óc chó, hạt chia và bơ đậu phộng không đường giúp tăng độ nhạy insulin, từ đó tế bào hấp thụ đường tốt hơn. Tỷ lệ năng lượng do chất béo cung cấp chỉ nên khoảng 20-30% tổng năng lượng trong ngày để ngăn biến chứng tim mạch.
Ăn đủ chất xơ giúp tinh bột lưu lại lâu hơn trong dạ dày, tạo cảm giác no lâu. Quá trình phân giải và hấp thu glucose chậm lại làm lượng đường máu tăng lên từ từ nên điều hòa được lượng đường huyết.
Hiệp hội Tiểu đường Mỹ (ADA) khuyến cáo người bệnh nên ăn ít nhất 14 g chất xơ mỗi ngày trên 1.000 calo. Lượng khuyến cáo hàng ngày có thể thay đổi tùy theo giới tính và độ tuổi, cụ thể nữ giới 19-30 tuổi là 28 g, 31-50 tuổi cần 25 g, nam giới 19-30 tuổi cần 34 g, giai đoạn 31-50 tuổi là 31 g và từ 51 tuổi trở lên cần 28 g chất xơ mỗi ngày. Ước tính trong 100 g rau chứa khoảng 1-3,5 g chất xơ. Các loại thực phẩm chứa nhiều chất xơ gồm rau xanh, các loại đậu, yến mạch, khoai môn, hạt lanh, hạt chia và quả mọng.

Chia nhỏ bữa ăn thành 5-6 trong ngày dựa trên tổng số năng lượng của cả ngày để đường huyết không tăng đột ngột. Trong đó, người bệnh nên dành một bữa phụ vào buổi tối trước khi đi ngủ để nửa đêm không bị đói, dễ hạ đường huyết, nhất là khi đang điều trị bằng insulin.
Uống đủ nước mỗi ngày giúp cơ thể thực hiện trao đổi chất hiệu quả, hỗ trợ thận loại bỏ lượng glucose dư thừa qua nước tiểu, phòng ngừa mất nước, từ đó tránh tình trạng suy giảm thể tích tuần hoàn máu gây tăng đường huyết, phòng ngừa nguy cơ nhiễm trùng da. Người bệnh cần bổ sung đủ 40 ml nước cho mỗi kg cân nặng cơ thể, ưu tiên nước lọc hoặc trà thảo mộc không đường, trà hoa cúc, trà xanh. Tránh uống nước ép trái cây do hàm lượng đường cao, lượng chất xơ bị loại bỏ có thể khiến đường huyết tăng vọt sau khi sử dụng.
Hạn chế ăn mặn do nội mạc mạch máu của người bệnh tiểu đường nhạy cảm. Tiêu thụ nhiều muối dễ dẫn tới tình trạng tăng huyết áp, tăng nguy cơ biến chứng tim mạch. Lượng muối sử dụng không nên quá 2.000 mg mỗi ngày.
Hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm chay đóng gói do chúng chứa nhiều dầu mỡ, có thể có đường ẩn, tinh bột tinh chế, muối. Mỗi người nên đọc kỹ nhãn thực phẩm trước khi lựa chọn. Ưu tiên đồ ăn tự chế biến bằng cách hấp, luộc thay vì chiên, xào nhiều dầu mỡ do có thể gây tăng cân, làm tăng tình trạng kháng insulin.
Không bỏ bữa sáng do có thể khiến cơ thể thiếu hụt năng lượng để hoạt động, ảnh hưởng việc điều tiết insulin, khó kiểm soát đường huyết. Đây là bữa ăn giúp ổn định đường huyết trong suốt thời gian còn lại của ngày. Nếu theo chế độ ăn chay, người bệnh có thể chọn cháo yến mạch với hạt chia, quế và sữa hạnh nhân, bánh mì nguyên cám với bơ đậu phộng không đường hoặc sinh tố xanh với rau bina, trái bơ, hạt chia và sữa hạt.
Kiểm soát khẩu phần các bữa ăn trong ngày, tránh ăn quá nhiều một lúc hoặc nhịn đói quá lâu có thể khiến tăng hoặc giảm đường huyết đột ngột. Các bữa ăn nhẹ cũng nên được cân bằng giữa các thành phần dinh dưỡng carbohydrate, protein và chất béo lành mạnh.
Ăn các loại thực phẩm theo thứ tự rau, súp rau, rau trộn, đạm thực vật, rồi mới tới nhóm bột đường. Ăn món đạm cùng với tinh bột để làm chậm hấp thụ đường.
Kiểm soát lượng trái cây tiêu thụ, hạn chế loại có chỉ số GI cao như nho, dưa hấu, chuối chín, xoài chín... Nếu muốn ăn, người bệnh kết hợp với protein hoặc chất béo tốt chẳng hạn ăn chuối kèm hạt óc chó và nên kiểm soát số lượng ăn vào.
Tập thể dục sau ăn như đi bộ để kích thích tiêu hóa, điều hòa đường huyết.
Theo dõi đường huyết thường xuyên vào thời điểm trước khi ăn và sau khi ăn hai giờ theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa để kiểm soát, điều chỉnh chế độ ăn phù hợp.
Bổ sung thực phẩm có tác dụng hạ đường huyết tự nhiên như quế (cải thiện độ nhạy insulin), giấm táo (làm chậm hấp thụ đường), nghệ (chứa curcumin giúp giảm kháng insulin) và trà xanh (chứa chất chống oxy hóa EGCG).
Theo chuyên viên Huyền, áp dụng chế độ ăn chay dễ thiếu hụt một số dưỡng chất vitamin B12, vitamin D, canxi, omega-3... Người bệnh cần bổ sung dưỡng chất này thông qua trứng, sữa hoặc thực phẩm chức năng, tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để xây dựng chế độ ăn chay phù hợp với tình trạng sức khỏe.
Nguồn: Báo VnExpress
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn


Thành tựu nào cũng đều có chìa khoá để mở
Sống an vui
Bạn và tất cả những người xung quanh thật sự bình đẳng với nhau, vì vậy nếu bất kỳ ai thành công về một lĩnh vực nào đó và bạn cũng khao khát thành công như họ thì bạn cũng sẽ chắc chắn thành công như họ.

Tâm và thiên nhiên
Sống an vui
Có những khoảnh khắc, ta thấy lòng mình chùng lại khi lặng ngắm một đám mây bay, một chiếc lá rơi, hay tiếng chim gọi nhau lúc ban mai. Không phải vì thiên nhiên quá đẹp, mà vì trong sâu thẳm, ta nhận ra mình đã quên mất một điều gì đó rất đỗi thân thuộc: ta là một phần của thiên nhiên.

Hãy luôn bình an và hạnh phúc trên từng bước chân đi
Sống an vui
Người chọn thành công trên nền tảng hạnh phúc và bình an, người ấy sẽ nhận ra được không cần chạm đến mục tiêu như mình mong muốn mới có hạnh phúc.

Đu đủ tốt, nhưng không nên ăn quá nhiều
Sống an vui
Đu đủ là trái cây bổ dưỡng nhưng ăn quá nhiều có thể gây vấn đề tiêu hóa, dị ứng, làm hạ đường huyết hoặc tương tác với các loại thuốc.
Xem thêm