An cư, nỗ lực thực tập pháp Phật
An cư cố gắng nỗ lực thực tập pháp Phật, rèn luyện cơ thể chịu đựng được đói khát, nóng lạnh, vượt qua mọi ham muốn, bực tức. Tuy còn ở thế gian, nhưng không bị cuộc đời chi phối nhiều. Và từng bước đi sâu vào Thiền quán, trí tuệ phát sinh, thấy việc đáng làm, thành tựu công đức như Phật dạy.
Tôi nhận thấy Tăng Ni thực hiện lời Phật dạy, tập hợp một chốn để an cư kiết hạ, thúc liễm thân tâm, trau dồi giới, định, tuệ. Đó là điều đáng mừng. Sau đây, tôi có vài suy nghĩ về tu hành xin được chia sẻ cùng đại chúng.
Việc thứ nhất, chúng ta là đệ tử Phật, đương nhiên phải nương vào giáo pháp của Phật mà hành trì, nương vào di huấn của Phật mà tu tập. Nhưng giáo lý của Phật khá nhiều so với các tôn giáo khác.
Nói đến tôn giáo khác, chúng ta nghĩ tới đạo Thiên Chúa, đạo Hồi và Ấn Độ giáo, đó là những tôn giáo lớn, nhưng thời gian thuyết giáo của các vị giáo chủ này ngắn ngủi.
Chỉ có Đức Phật Thích Ca thuyết giáo tương đối dài. Theo Nam truyền Phật giáo, Đức Phật thuyết pháp 45 năm, theo Bắc truyền Phật giáo Đức Phật thuyết pháp 49 năm.
Điểm lại, chúng ta thấy Phật nói rất nhiều pháp tu khác nhau, nhưng ngày nay, phần lớn người chấp pháp thường chê pháp môn khác, dù đó cũng là pháp của Phật.
Theo kinh nghiệm của riêng tôi, điều quan trọng là chọn pháp thích hợp để mình tu cho đạt được kết quả tốt đẹp. Những pháp khác mà người ta chọn để tu, mình không nên chê; vì chấp vào một pháp nào đó mà chê bai pháp khác là hiểu sai ý Phật.
Truyền thống An Cư Kiết Hạ của Tăng đoàn xưa và nay
Thật vậy, Phật có vô số phương tiện giáo hóa độ sanh, tùy vào hoàn cảnh, tùy vào địa điểm, tùy theo suy nghĩ khác nhau, mà Phật thuyết pháp không giống nhau. Vì vậy, người ta thường chia pháp Phật, mở rộng có đến 84.000 pháp tu để ứng vô 84.000 phiền não, trần lao của chúng sanh. Cho nên, pháp Phật dùng để tẩy nghiệp chướng, trần lao của mọi người, nhưng không hiểu tôn ý Như Lai mà lại chấp chặt vào một pháp nào, cho là nhất, quả thật là sai lầm.
Có thể nói pháp Phật được ví như thuốc chữa bệnh, thì bệnh lành, pháp cũng phải xả. Ý này thường được diễn tả rằng qua sông cần thuyền, nhưng lên mặt đất, không thể đi thuyền, phải đi bộ, hay đi xe, đi máy bay… Vì tinh thần này, tất cả các pháp được Phật dạy khác nhau tùy chỗ, tùy lúc, tùy nghiệp của chúng sanh… Và chính nhờ sự khác biệt của vô số pháp Phật dạy mà đạo Phật đã tồn tại lâu dài và phát triển khắp năm châu. Cốt lõi này nói tóm gọn là đạo Phật bất biến, muôn đời không thay đổi, nhưng tùy duyên là ứng vào địa điểm, vào nếp sống, nếp nghĩ của người dân bản địa mà có thay đổi. Và tuy đạo Phật tùy duyên, tức thích nghi với hoàn cảnh xã hội của từng vùng miền khác nhau, nhưng vẫn luôn giữ vững yếu lý bất biến.
Khi Tổ sư Minh Đăng Quang truyền đạo, Ngài chủ trương du tăng khất sĩ theo truyền thống của đạo Phật. Du tăng không ở một chỗ. Ban đầu Phật lập giáo khai tông đã quy định rằng một Tỳ-kheo không ở dưới một gốc cây quá ba đêm và ôm bình khất thực, không đi quá bảy nhà, tức từ tịnh xá đi ra, ngang qua bảy nhà, nếu không ai cho, phải ôm bát về, không đi xin nữa. Sau này, Tổ Minh Đăng Quang cũng quy định như vậy.
Thời của Phật và thời của Tổ Minh Đăng Quang trong giai đoạn ban đầu quy định như thế, nhưng về sau, lại khác. Thật vậy, vì ban đầu Phật lập giáo khai tông, Tỳ-kheo không ở một chỗ cố định, nhưng khi vua Tần Bà Sa La cúng thượng uyển, xây tịnh xá Trúc Lâm, lúc đó một ngàn Tỳ-kheo dưới sự lãnh đạo của ba anh em Ca Diếp trở về đây và Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên cũng dẫn đại chúng về theo Phật, tổng cộng là 1.250 vị là số Tỳ-kheo chính xác căn bản thời Phật tại thế đã về Trúc Lâm ở. Vì vậy, Phật quy định Tỳ-kheo không ở dưới gốc cây nữa, nhưng ở cốc nhỏ chỉ có một cửa duy nhất hướng về Đức Phật và không có cửa hậu. Ngày nay, Phật Niết-bàn, cốc của Tỳ-kheo hướng về chỗ thờ Phật.
Như đã nói ban đầu Phật quy định Tỳ-kheo ngủ dưới gốc cây không quá ba đêm, nhưng về tịnh xá Trúc Lâm, vua Tần Bà Sa La phát nguyện cúng dường, nên các thầy phải ở yên trong cốc tu suốt đời, hay tu đến đắc đạo, là mục tiêu chính của Tỳ-kheo. Trong khi ở Lộc Uyển, Phật bảo năm Tỳ-kheo đầu tiên không được khất thực, chưa đắc đạo phải ở một chỗ tu. Một mình Phật khất thực nuôi năm thầy này.
Như vậy, chúng ta thấy rõ Phật quy định tu đắc đạo mới cho đi khất thực. Nhưng ngày nay thì ngược lại, người chưa đắc đạo khất thực, nhưng người ta lại nghĩ rằng đó pháp Phật dạy. Hiểu như vậy hoàn toàn trái lời Phật dạy. Vì người chưa đắc đạo sẽ hiện tướng phàm Tăng, mà từ phàm Tăng đi tu dễ sanh phiền não, nghiệp chướng, trần lao và không tu thì phiền não, nghiệp chướng, trần lao càng phát triển.
Thực tế cho thấy mới vô tu, nghiệp bắt đầu đổ ra, thứ nhất là ốm đau, bệnh hoạn. Tôi phải mất mười năm, từ năm 1950 đến 1960, chịu đựng nghiệp này. Nhưng Tỳ-kheo mang nghiệp thân đi khất thực, làm sao người phát tâm. Một Tỳ-kheo ốm đau, bệnh hoạn, hôi dơ, xấu xí, hung dữ mà chúng ta thường thấy qua hình ảnh những người khất thực phi pháp ngày nay, Phật không cho những người này mặc pháp Phật, hành pháp Phật. Ốm bệnh, phiền não thì không được phép ra ngoài, vì người trông thấy sẽ chê trách, khinh ghét.
Tu theo Phật, chúng ta quyết tâm hạ thủ công phu cho đắc đạo. Đắc đạo, tối thiểu là người tu phải vượt qua ốm đau, bệnh hoạn. Phần nhiều chúng ta tu hay viện lý do bệnh hoạn, rồi sanh lười biếng, giải đãi. Ốm bệnh là nghiệp chướng Tăng do đời trước nghiệp nặng, nên tái sanh đời này mới bị như vậy.
Riêng tôi ý thức lời Phật dạy, nên gia tốc tu hành, siêng năng đọc kinh Đại thừa, sám hối, Thiền quán. Tin Phật dạy ốm bệnh là nghiệp, nên Tăng Ni trong ba tháng an cư phải dụng công tu cho tiêu nghiệp.
Có bệnh mà thuốc không chữa được, chỉ tu là chữa được. Thuở nhỏ, tôi bị bệnh tim bẩm sinh, thời đó bác sĩ chưa có khả năng mổ tim. Tôi siêng năng lạy sám hối, siêng năng tu, bệnh này tự nhiên khỏi. Lúc đó, tôi mới mười mấy tuổi, chưa thể thuyết pháp, nhịp tim trên 100 một phút. Tôi chỉ lạy Hồng danh sám hối, đọc thầm và nhịp tim giảm xuống còn 70, 80 và gia tốc Thiền quán, nhịp tim hạ còn 50, 60 thì nhịn đói dễ dàng. Nếu nhịp tim 70, 80, một ngày phải ăn một, hai lần, nhưng nhịp tim hạ còn 50, 60 thì hai, ba ngày mới ăn một lần vẫn khỏe bình thường. Thầy tu mà ăn đến bụng to thì tu khó.
Trên bước đường tu, đầu tiên thực tập pháp Phật để điều chỉnh thân nghiệp và tâm nghiệp của chúng ta. Đối với tôi, điều này quan trọng cần phải thực tập. Khẩu nghiệp phá dễ, cả đời không nói chuyện cũng không sao. Chỉ cần nói với Phật, nói với người mất công sanh chuyện. Thân nghiệp dễ thấy, là ốm đau, bệnh hoạn, nghèo đói, xấu xí…
Thuở nhỏ, tôi ốm đau, bệnh hoạn, tự biết thân nghiệp nặng, nên nỗ lực lạy Phật, đem Phật vào tâm, lần lần tiêu được bệnh nghiệp. Tâm nghiệp là ham đủ thứ, ham ăn, ham mặc, ham ngủ, sợ tụng kinh, nhưng tôi cố khắc phục tánh xấu này. Tập khắc phục được nghiệp thì lần lần nghiệp giảm; còn mình chìu theo nghiệp, nghiệp sẽ tăng lên.
Cắt nghiệp ham ngủ trước. Tỳ-kheo A Na Luật ham ngủ, bị Phật quở trách. Ngài dứt khoát không ngủ đến mù mắt. Tôi không khuyên làm như vậy, nhưng các thầy nên ngủ ít lại.
Riêng tôi, phá nghiệp ham ngủ, hễ muốn ngủ thì tôi không cho phép mình ngủ, nhưng nếu mệt quá, thiếp đi thì cho ngủ. Còn ham ngủ thì cắt bằng cách lấy kinh đọc, nhưng buồn ngủ đến mở mắt không ra, không thấy chữ, không đọc được thì sao. Tôi không cho ngủ, đổi qua lạy Phật. Vì danh hiệu Phật nhớ trong lòng, cứ đọc và lạy, không cần mở mắt vẫn lạy Phật được.
Về sau, trong giấc ngủ, tôi vẫn lạy Phật, vẫn tụng kinh, tôi mới phát hiện ra Thiền thay cho ngủ, nghĩa là tâm mình lúc nào cũng Thiền, cũng lạy Phật. Tôi nhớ nhiều ý kinh nhờ đọc kinh nhiều. Vì vậy, cần phải nỗ lực khắc phục nghiệp, nếu không, dành thì giờ cho cuộc sống vật chất quá nhiều, chắc chắn không bao giờ tiêu trừ được phiền não, trần lao, nghiệp chướng.
An cư kiết hạ trong mùa đại dịch Covid-19
Hãy kiểm lại xem một ngày có mấy tiếng tu, mấy tiếng dành cho trần lao, nghiệp chướng. Kiểm rõ như vậy rồi, chúng ta cắt lần phiền não, nghiệp chướng, trần lao, cho đến dành trọn 24 tiếng tu, tu trong giấc ngủ, tu trong việc làm của chúng ta.
Ngày xưa chứng quả Dự lưu, chúng ta không biết thế nào, nhưng Phật dạy rằng không bị tình cảm, xã hội và thiên nhiên chi phối, mới được Phật thừa nhận chúng ta là Sa-môn. Còn buồn giận, lo sợ, ham muốn, Phật không thừa nhận chúng ta, dù mặc áo tu, nhưng là tu sĩ giả.
Người được Phật công nhận là Dự lưu thì khác. Người không được Phật công nhận là hở chút buồn giận hết chuyện này đến chuyện khác. Như vậy, thân xuất gia, nhưng tâm chưa vào đạo.
Thiết nghĩ bằng mọi cách, phải đem tâm chúng ta vào đạo gọi là Dự lưu, tức phiền não bên ngoài không quấy rầy chúng ta. Thứ hai là chúng ta phá luôn nghiệp chướng, vì tu theo Phật, chúng ta cởi bỏ nghiệp chướng lần lần. Nghiệp này là thân nghiệp ốm đau, bệnh hoạn. Tu sao cho hết bệnh nghiệp, nếu không hết, vẫn nỗ lực tu thì chết cũng về với Phật.
Ta biết rõ đã là nghiệp, nên nó đòi hỏi trong cuộc sống tối thiểu ba việc là ăn, mặc, ở. Nhưng Phật dạy người tu hạn chế tối đa ba việc này. Đừng để ba nghiệp này mở rộng, muốn chỗ ở lớn hơn, ăn nhiều hơn, mặc nhiều hơn chỉ chuốc lấy khổ mà thôi. Chúng ta hạn chế, thu hẹp ba việc này để có cuộc sống giải thoát.
Chuyển hóa thân nghiệp không phải một ngày một bữa mà làm được, phải có quá trình thực tập. Vì ăn quen, nên phải cắt bớt từ từ. Ở ngoài, ăn thịt cá. Vô chùa, ăn rau. Tu cũng phải tập ăn chay, một tháng ăn chay bốn ngày, sáu ngày, mười ngày, cho đến ăn chay ba tháng vẫn khỏe mạnh mới cho cạo tóc xuất gia ở chùa. Không phải đi tu là cạo tóc, đắp y, làm thầy liền. Tập khắc phục nghiệp để tướng Sa-môn hiện ra, mới cho cạo tóc. Ngày nay, Giáo hội chúng ta quy định phải công quả sáu tháng, ăn chay, dậy sớm, lao động được, vì đạo Phật đào tạo người cứu đời.
Và thử thách thứ hai là tình cảm, sáu tháng ở chùa, thầy trụ trì để ý xem Phật tử có xin về thăm nhà không. Nếu có về thăm nhà, không cho xuất gia. Sau mười năm xuất gia, tôi mới về nhà. Tôi nhớ Phật nói rằng Ngài đi tu, hẹn khi nào đắc đạo mới trở lại hoàng cung. Chưa đắc đạo mà có ý thức muốn về thăm nhà là đọa, vì ở chùa, ba giờ phải thức dậy, cực khổ. Ở nhà ngủ tới mấy giờ cũng được.
Chuyển nghiệp lần lần là tu và chuyển hết nghiệp thế tục, mới trở thành nghiệp Sa-môn là thầy tu thực sự, là Dự lưu, thể hiện cuộc sống trong đạo hoàn toàn an lạc, giải thoát.
Phật giáo suy đồi khi hiện hữu nhiều người xuất gia, nhưng tâm thế tục. Vì vậy, nếu giữ đúng điều Phật dạy và thực tập miên mật, từng bước sẽ có tiến bộ và phá trừ được phiền não, nghiệp chướng, trần lao.
An cư là mùa nạp năng lượng nhiều phước đức
Theo kinh nghiệm riêng tôi, người còn muốn ăn, ít ai muốn cúng dường họ. Trên bước đường tu, không lệ thuộc thế gian, dứt khoát Sa-môn là như vậy. Tôi nhớ Ca Diếp xưa kia chuyên mặc đồ bỏ. Riêng tôi từng lượm quần áo tang mà người xả tang bỏ và ngâm vỏ măng cụt để nhuộm màu lem luốc mặc, để đâu không ai lấy. Tôi có người bạn được Phật tử may cho đồ tốt, phơi đồ sợ mất, phải canh chừng hoài. Tôi sướng hơn huynh này, vì có một bộ mà không thể ngủ yên, phải canh giữ. Như vậy, mới có một hạnh của Sa-môn đã được sung sướng thấy rõ. Ngoài ra, người tu không lệ thuộc tình cảm. Nói cách nào, tôi vô tình nhất, ít thăm viếng, không lệ thuộc ai.
Trên bước đường tu, chúng ta không lệ thuộc miếng ăn, manh áo, tình cảm, xã hội, mới giải thoát, thành tựu hạnh Sa-môn, được Phật thọ nhận và Phật khiến Hộ pháp thiện thần che chở chúng ta, khiến chư Thiên đến cúng dường.
Chúng ta thấy nhiều vị tôn túc tu hành có được kết quả này, tức cuộc sống thực tế các ngài không quan tâm đến ăn, mặc, nhưng luôn đầy đủ. Phật tử hiến cúng vì thành tựu hạnh Sa-môn và các ngài ra xã hội, người thấy phát tâm.
Hòa thượng Từ Huệ cùng tông môn Thiên Thai với tôi, nhưng khi thấy Tổ Minh Đăng Quang đi vào làng, không nói gì, Hòa thượng liền buông tất cả việc, ôm bình đi theo Tổ. Điều này khiến tôi nhớ lại câu chuyện Mã Thắng đi khất thực, Xá Lợi Phất trông thấy liền đi theo đến với Phật.
Đặc biệt Sư bà Tạng Liên kể rằng khi bà đi khất thực và ngồi nghỉ trên hòn đá ở Vũng Tàu, thấy Tổ Minh Đăng Quang từ biển đi vô, bảo bà xây tịnh xá ở đây, mặc dù lúc đó, Tổ đã tịch rồi. Người tu có những điều đặc biệt như vậy.
Tu hành, muốn đạt quả Dự lưu, thấp nhất người thấy ta có thể phát tâm Bồ-đề muốn tu, cầu giải thoát. Được như vậy, Phật mới cho đi ra ngoài. Còn người trông thấy mà khởi tâm khinh ghét, nên ẩn tu. Người thấy phát tâm mới để cho họ thấy.
Và tu cao hơn, các vị Thánh có tầm nhìn rộng hơn là Chánh kiến do thực tập Thiền quán mà sanh trí tuệ thấy được Túc mạng của mình, nghĩa là biết con người thật của mình từ đâu đến và khắc phục được nghiệp. Còn không biết, cứ muốn này nọ thì phiền não nhân đây phát sinh, nên càng tu càng đọa.
Thấy được con người thật của mình, thấy được oan gia nghiệp chướng của mình mới chuyển được nghiệp. Thấy nghiệp là sao. Thấy người vô cớ phỉ báng mình là biết oan gia nghiệp chướng mà mình đã tạo, quả đất tròn, trong kiếp luân hồi, gặp lại. Ban đầu, quý vị chỉ thấy mang máng, sau thấy rõ, mới chuyển được nghiệp.
Thấy mang máng là sao. Chẳng hạn vô tịnh xá tu, mình không động chạm họ, nhưng họ ghét và phá mình, phải biết đó là oan gia gặp lại. Nếu không biết, không thấy nghiệp, cứ hỏi tại sao nó hại tôi. Phật nói tại đời trước hại người, nay họ hại lại, rõ ràng rồi, nói gì nữa.
Xưa kia vua Lương Võ Đế kính trọng Chí Công hòa thượng, nhưng hoàng hậu rất ghét Chí Công. Chí Công nói điều này không có gì lạ. Vì đời trước ông từng cứu Lương Võ Đế, nên đời này gặp lại, vua hết lòng kính trọng Hòa thượng. Còn hoàng hậu đời trước đã bị ông giết, nên nay bà thù. Đó là thấy được nghiệp mới hóa giải và chuyển nghiệp.
Theo tôi, nếu tu Tiểu thừa, chúng ta tránh người không ưa mình, đừng gặp mặt họ. Tuy nhiên, vẫn gặp trong lòng, vì là nghiệp mà. Vì vậy, với người có thiện duyên, ta tìm đến độ. Biết chỗ nên tới, chỗ nên tránh, người nên gặp, người nên tránh. Là nghiệp thì phải giải quyết theo cách đó, vì gặp lại, nghiệp sẽ tăng trưởng, trong khi ta chưa đủ sức chuyển hóa.
Thể hiện lý này, kinh Pháp hoa nói rằng phải đợi đủ sức, ta đến độ, gọi là thệ nguyện an lạc. Xưa kia, Phật gặp năm anh em Kiều Trần Như, ba người thuộc họ cha, hai người thuộc họ mẹ. Khi thái tử tu, vua Tịnh Phạn nhờ năm người này giúp đỡ, nhưng trớ trêu là năm ông này không bao giờ bằng lòng Phật, đó chính là oan gia nghiệp chướng. Vì vậy, kinh Pháp hoa dạy rằng phải đợi đắc đạo, đến độ. Còn muốn độ thì càng làm họ bực bội, nên phải tránh mặt. Chính vì vậy, khi vừa đắc đạo. Phật đến Lộc Uyển độ năm ông này đắc Thánh quả trước, rồi mới nghĩ đến việc khác.
Đắc đạo thì hành đạo mới có thể hóa giải được nghiệp. Chưa đắc đạo, gặp khó khăn, chúng ta không vượt được. Người đắc đạo như An Thế Cao sanh ở nước An Tức là Iran ngày nay. Ngài vốn là hoàng tử đi tu và đắc đạo, thấy được tiền nghiệp của ngài mắc nợ một người Trung Quốc. Ngài mới đi qua Trung Quốc. Một người Trung Quốc thấy ngài mặc áo tu Ấn Độ, liền đâm ngài chết. Như vậy, ngài đã biết rõ túc nghiệp của mình, nên đi trả mạng.
An Cư Kiết Hạ – Nỗ lực tinh tấn tu hành
Có người nói Tổ Minh Đăng Quang trước khi thọ nạn, có nói với một thầy là hôm nay ngài vào núi Lửa để thiền định và từ đó, ngài vắng bóng luôn. Vì vậy, họ giải thích là ngài đi tìm gặp ông Năm Lửa để trả túc nghiệp đời trước. Theo tôi, ngài trả túc nghiệp và bị bắt cho đến khi ngài hoàn toàn vắng bóng, nhưng ngài vẫn sống an lành trong thiền định.
Trên mặt sanh diệt, chúng ta có bốn tướng hàn, nhiệt, cơ, khát, xuống sông thấy lạnh, vô lửa bị nóng, không ăn thì đói, không uống nước thì khát. Nóng, lạnh, đói, khát là ở thế giới sanh diệt phải có, nhưng khi trở về thật tánh, tu chứng được, thì vào băng không lạnh, vào lửa không nóng, không cần ăn uống, tức vượt qua bốn tướng này, được giải thoát.
Vì vậy, tu hành, chúng ta cố khắc phục nghiệp, từng bước vượt qua phiền não, nghiệp chướng, trần lao, phá được sự chi phối của tình cảm, của xã hội, phá được sự đòi hỏi của thân; đó là nghĩa giải thoát trong đạo và đạt được giải thoát này, chúng ta không còn bị cuộc đời chi phối, không còn chịu đói khát.
Điều đặc biệt là nơi tịnh xá này, Phật tử của tịnh xá và Phật tử của đạo tràng Pháp Hoa tuy tu pháp khác nhau, nhưng coi nhau là huynh đệ, tu chung với nhau được. Đây là duyên lành đặc biệt để tôi đến đây thuyết pháp, làm bạn với Hòa thượng trụ trì tịnh xá Ngọc Viên.
Cầu mong Tăng Ni hữu duyên hôm nay an cư cố gắng nỗ lực thực tập pháp Phật, rèn luyện cơ thể chịu đựng được đói khát, nóng lạnh, vượt qua mọi ham muốn, bực tức. Tuy còn ở thế gian, nhưng không bị cuộc đời chi phối nhiều. Và từng bước đi sâu vào Thiền quán, trí tuệ phát sinh, thấy việc đáng làm, thành tựu công đức như Phật dạy.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Vì sao Đức Phật không cứu độ hết chúng sinh thoát khỏi khổ đau?
Kiến thức 20:09 02/11/2024Phật không thể chuyển được nghiệp của chúng sinh, mà chỉ có thể từ bi chỉ dạy chúng sinh tự mình nỗ lực để thay đổi cuộc đời của mình.
Lục hòa: Sáu pháp sống chung hòa hợp
Kiến thức 14:50 02/11/2024Đây là phép sống chung hòa hợp để tu tập hướng đến giải thoát giác ngộ. Người tu hành mà không học tập sống chung cùng đại chúng một cách hòa hợp thì khó mà tu tập thăng tiến.
Thứ lớp quả vị của Bồ tát Thập địa
Kiến thức 13:29 02/11/2024Nhờ có trí tuệ thấy rõ khổ đau và thực hành Bát chính đạo cùng giáo lý Trung đạo, hành giả phát khởi Bồ đề tâm, hành trì Lục độ Ba la mật để dần đạt các cấp độ thành tựu trên con đường Giác ngộ.
Nói về Tứ niệm xứ
Kiến thức 10:40 02/11/2024Học, hiểu và tu tập Tứ niệm xứ là rất cần thiết dù tu sĩ hay cư sĩ giúp ta sống chất lượng, sâu sắc ý nghĩa, thanh tịnh thân tâm, thành tựu đinh lực trí tuệ hướng đến an vui giác ngộ giải thoát hoàn toàn ra khỏi mọi nỗi khổ niềm đau.
Xem thêm