Sài Gòn – An cư mùa Covid
Cơn mưa Sài Gòn chiều nay bỗng mát dịu lạ thường, nó xóa tan đi cái tiết trời nóng bức oi ả, làm bớt đi phần căng thẳng trong thời gian COVID-19 đang hoành hành. Thời gian qua, người dân Sài Gòn đã và đang phải oằn mình chống chọi với những khó khăn từ dịch bệnh cực kỳ nguy hiểm này.
Như thường lệ, chiều nay tôi đang cùng đại chúng trì tụng chú Đại Bi, tiếng trì tụng ngân vang lẫn tiếng mưa rơi lộp cộp tạo cảm giác như hòa quyện vào nhau tạo thành tiếng lòng thiết tha cầu xin Mẹ hiền Quan Thế Âm Bồ tát từ bi lắng nghe lời cầu nguyện tha thiết của tất cả chúng sinh đang trầm luân trong biển khổ. Bao sinh linh trên toàn thế giới đã phải nằm xuống mà chưa kịp nói lời trăng trối, đất mẹ bao la không kịp dung chứa hết những xác người chết vì dịch bệnh, thi thể chồng chất lên nhau – đốt, chôn tập thể đến nghẹn lòng. Đau thương không dứt, chuỗi luân hồi khổ đau cứ quay vòng mãi mãi không hồi kết. Xin Ngài rủ lòng lân mẫn rưới nước cam lồ dập tắt cơn dịch bệnh, dập tắt ngọn lửa hận thù của nhân sinh, để rồi con người có thể cùng nhau tu học theo chánh pháp, thế giới trở nên hòa bình, nhà nhà ấm no, hạnh phúc.
Đây là mùa hạ thứ ba tôi ở thành phố Hồ Chí Minh nhằm tiện cho việc theo học tại các trường Phật học. Thế nhưng mùa hạ năm vừa rồi và năm nay, các chùa đã phải lao đao vì tình hình dịch bệnh Covid lây lan khắp cộng đồng, nào là thay đổi thời gian nhập hạ, nào phải nhập hạ tại chỗ, thực hiện giãn cách xã hội… Tôi thấy bản thân mình còn may mắn khi được ở an yên ngay trường hạ cùng đại chúng tu tập, thời khóa tuy có hơi nhiều nhưng tôi tự nhủ: “Trong cơn biến động vô thường của kiếp nạn nhân sinh này, sự nỗ lực công phu tu tập là điều vô cùng ý nghĩa và cấp thiết”. Chính lời kinh tiếng kệ chan hòa khắp nơi nơi đã góp phần tạo thành nguồn năng lượng tích cực, trải rộng lòng từ, hóa giải nghiệp lực của chúng sanh, cầu nguyện cho đất nước và khắp nơi trên thế giới sớm trở lại những tháng ngày yên bình và hạnh phúc. Đó cũng chính là bổn phận thiêng liêng của kẻ xuất trần thượng sĩ đang đi trên lộ trình tu học và thực hành theo lời dạy của Đức Như Lai.
Truyền thống An Cư Kiết Hạ của Tăng đoàn xưa và nay
An cư là truyền thống quý báu của người tu sĩ, là thời gian nỗ lực tu trì nhằm thúc liễm thân tâm, trau dồi tam vô lậu học, thăng tiến trên con đường đạo. Vì vậy, khắp các châu lục, nơi nào có ánh sáng Phật pháp, nơi đó có hình ảnh của chư Tăng Ni cùng nhau tập trung trở về trụ xứ tu học, truyền tay nhau từng trang sách Phật học, chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm tu trì… Sài Gòn cũng không ngoài lệ đó, nhưng mùa an cư năm nay khác hẳn mọi năm, các chùa đều đóng cửa tự tu. Đâu đây, những bóng áo nâu, áo lam xuất hiện rất nhiều trên khắp các con phố đang bị phong tỏa. Các vị tự tay mình trao nhu yếu phẩm, những suất cơm chay đến với những người dân đang khó khăn vì lệnh giãn cách xã hội. Dưới ánh đèn khuya sớm, quý Ngài tập hợp đại chúng trong chùa cùng phân công nấu những món chay thơm ngon và bổ dưỡng dành tặng đến người dân trong lẫn ngoài thành phố. Hàng ngàn hộp cơm chay được chuyển đến các chốt kiểm soát, đến người dân, các khu chung cư hay điểm cách ly… Hàng chục tấn khoai lang tím, vải thiều từ Bắc Giang xa xôi cũng được các chùa mua ủng hộ tặng biếu đến người dân thành phố.
Tấm lòng vị tha của người con Phật luôn hướng đến dân tộc trên tinh thần từ bi “lá lành đùm lá rách”. Không dừng lại ở đó, các chùa còn hưởng ứng lời kêu gọi của Nhà nước, vận động và hỗ trợ kinh phí mua vắc xin phòng chống dịch. Vào thời điểm giãn cách xã hội, các trường hạ không thể mời các vị giảng sư về thuyết pháp, các Ngài đã giảng trực tuyến cho mọi người có thể cùng theo dõi, hưởng pháp lạc vô biên và nhất là trấn an cho những vị đang hoang mang, sợ hãi trước dịch bệnh. Có thể nói, từ xưa đến nay, Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc, cùng bước qua bao thăng trầm, thịnh suy thời cuộc của dân tộc Việt Nam. Thượng tọa Nhật Từ từng phát biểu: “Phật giáo không bao giờ thờ ơ trước những vấn nạn của con người”. Đây chính là tiếng nói chung của người con Phật, luôn song hành và sẻ chia cùng đất nước trong những lúc khó khăn trên tinh thần từ bi và trí tuệ, không một thế lực nào đủ sức phá hoại mối gắn kết giữa Phật giáo Việt Nam và dân tộc Việt Nam. Một số nhỏ những người không hiểu biết Phật pháp hay có lòng ganh ghét, tị hiềm, họ ẩn nấp và luôn chờ cơ hội đánh phá Phật giáo. Thời Đức Phật còn tại thế mà vẫn còn những vị khó độ, làm những việc sai lệch theo lời Phật dạy, huống chi thời đại nay đã cách Phật quá xa, một vài vị tâm còn phàm phu, non nớt sai phạm thì không thể đổ tội cho cả đoàn thể Phật giáo. Vì vậy, hàng Phật tử phải luôn giữ vững lòng tin kiên cố trước ba ngôi Tam bảo, vì “lòng tin là mẹ đẻ công đức”, hãy cùng nhau hộ trì và bảo vệ Phật pháp trước những sóng gió đang bủa vây.
“Chắp tay niệm Phật mười phương
Đạo Vàng chân lý mở đường độ sinh
Chắp tay niệm Phật kính thành
Mở tâm hồi hướng sinh linh muôn loài”.
An cư Kiết hạ thực hành lời dạy của đức Phật
Mùa hạ Sài Gòn cứ đến rồi đi trong niềm hoan hỷ của người con Phật, cho dù gặp phải những biến động của dịch bệnh hoành hành hay những việc khác thì vốn dĩ đó là quy luật cuộc đời: có thành, có trụ, ắt sẽ có hoại và không. Có như thế, mỗi chúng ta mới có thể sống chậm lại những giây phút bình yên đang hiện hữu, trải rộng lòng từ đến khắp muôn nơi. Không giết hại sinh vật vô cớ, không gieo khổ đau đến với người, không tàn phá môi trường chung, thực hành theo lời Đức Phật dạy nhằm kiến tạo một hành tinh xanh, sạch và an bình. Dịch bệnh COVID-19 đã gửi đến thông điệp khẩn thiết cho chúng ta: “Ngọn gió vô thường không chờ đợi ai, phút chốc cuốn trôi đi tất cả, có chăng còn lại chỉ là nghiệp thức mang theo quyết định nơi đến đi của mỗi con người”. Xin hãy trân trọng từng phút giây để nhìn lại và tự trang bị cho mình hành trang vững chắc, sẵn sàng đón nhận tất cả trong tâm thế an nhiên và tự tại.
Cơn mưa chiều hạ đã ngừng rơi hẳn, trong tâm tôi vẫn cứ suy tư về mùa an cư đặc biệt năm nay, thôi thì hãy để đó và chú tâm vào những công việc thiết thực hiện tại, gửi gắm thật nhiều năng lượng tươi mát đến Sài Gòn thân thương. Chúc mọi người khi đọc những dòng suy tư của tôi cũng thấu cảm được và cùng nhau nỗ lực công phu tu tập, vì “Ngày nay đã qua, mạng sống giảm dần, như cá cạn nước, nào có vui chi”. Hãy sống như một đóa hoa, lặng lẽ dâng hương tỏa ngát khắp trần gian này, để khi cánh hoa cuối cùng chạm xuống đất, vẫn không quên góp bồi phù sa thêm cho đất ngày một giá trị hơn!
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Nhất tâm niệm Phật
Góc nhìn Phật tử 10:07 21/11/2024Trong giáo lý của đạo Phật, pháp môn niệm Phật được xem là con đường dễ hành trì, nhưng lại mang đến lợi ích lớn lao cho những ai chí tâm tu tập.
Nhớ về một người Thầy
Góc nhìn Phật tử 09:12 21/11/2024Trong cuộc sống, ắt hẳn rằng mỗi người ai trong chúng ta cũng mong muốn có một cuộc sống thật tốt đẹp và hạnh phúc nhưng đối với tôi một cuộc sống hạnh phúc đã không còn tồn tại vào năm tôi lên ba tuổi khi thần chết đã cướp đi người mẹ mà tôi yêu quý và người cha mà tôi luôn kính trọng.
Những người Thầy khả kính
Góc nhìn Phật tử 21:55 20/11/2024Sự thật thì làm cha mẹ, ai cũng muốn con của mình được sống hạnh phúc, thành công. Họ chấp nhận hy sinh mọi thứ để đánh đổi cuộc đời cho những đứa con thơ, bởi lẽ không có cha mẹ nào mà chẳng thương núm ruột của mình dứt ra.
Đồng tiền có thể tạo ra sự tham lam và sự bất mãn vô tận
Góc nhìn Phật tử 18:30 20/11/2024Trong xã hội hiện đại, đồng tiền đã trở thành một yếu tố quan trọng quyết định đến cuộc sống của chúng ta. Không thể phủ nhận rằng tiền bạc mang lại sự tiện ích và tiến bộ, nhưng khi ta bị chi phối quá mức bởi nó, tiền bạc có thể trở thành cơn ác mộng và làm chúng ta trở thành nô lệ.
Xem thêm