Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ bảy, 08/03/2014, 10:30 AM

Bí ẩn chùa Đá Trắng

Với mỗi địa danh, phía sau các câu chuyện huyền bí là khát vọng chiến thắng thiên tai, địch họa; là những ước mơ về cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Không chỉ nổi tiếng bởi là nơi đào tạo nhiều danh tăng, chùa Đá Trắng còn nổi tiếng vì giống xoài tiến vua và những truyền thuyết dân gian được lưu giữ đến ngày nay.

Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam vừa trao bằng chứng nhận Cây di sản Việt Nam cho quần thể 20 cây xoài ngự hơn 220 tuổi trong khuôn viên chùa Từ Quang (còn gọi là chùa Đá Trắng) tọa lạc trên núi Bạch Thạch thuộc thôn Cần Lương, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.

Xoài tiến vua

Chùa Đá Trắng được Hòa thượng Pháp Chuyên (hiệu Diệu Nghiêm) sáng lập từ năm 1797 trên một ngọn núi lô nhô những tảng đá trắng. Trước đó 4 năm, vị Hòa thượng đời thứ 36 phái Lâm Tế này đã đến đây lập am tranh để dịch Kinh Hoa Nghiêm.
 Hòa thượng Thích Đồng Tiến, trụ trì chùa Đá Trắng, bên cây xoài cổ thụ và bia công nhận Cây di sản
Hòa thượng Thích Đồng Tiến, trụ trì chùa Từ Quang, hiện nay, chỉ tấm bia chứng nhận quần thể Cây di sản xoài Đá Trắng vừa được dựng lên với nét mặt mãn nguyện khi kể về một giống xoài quý mà nhà chùa cất công giữ gìn đến nay. Theo vị Hòa thượng đời thứ 43 phái Lâm Tế này, ngay từ những ngày đầu sư Tổ đến đây đã trồng giống xoài tượng có một không hai. “Những cây xoài ở đây có điểm khác lạ là cho hoa trắng muốt, trái nhỏ nhưng khi chín có màu vàng tươi rất đẹp, vỏ mỏng, vị ngọt thanh, đặc biệt hương thơm dịu nhưng thoảng rất xa, lại để được lâu” - Hòa thượng Thích Đồng Tiến tự hào.

Tương truyền, trong một lần hành quân, chúa Nguyễn Ánh dừng chiến thuyền ở vịnh Xuân Đài (thị xã Sông Cầu ngày nay) và có dịp thưởng thức xoài Đá Trắng. Sau khi lên ngôi hoàng đế, ông đã truyền cho phủ Phú Yên mang tiến vua mỗi dịp Tết Đoan ngọ. Còn theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Đình Chúc, người dày công hơn 20 năm nghiên cứu về các ngôi chùa ở miền Trung thì việc xoài Đá Trắng tiến vua xuất phát từ quan Bố Chánh trấn nhậm Phú Yên triều Nguyễn. Vị quan này một lần thăm chùa vào mùa xoài chín nên được thưởng thức hương vị thơm ngon của xoài Đá Trắng và chọn mấy sọt xoài dâng lên nhà vua. Nhà vua rất thích, truyền lệnh mỗi năm phải dâng nạp loại xoài quý này...

Dù là giai thoại nào thì theo ông Trần Quang Nhất, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, việc tiến vua xoài Đá Trắng là điều có thật. Trong sách Đại Nam thực lục có ghi: “Mỗi năm vào dịp Tết Đoan ngọ, tỉnh Phú Yên phải dâng từ 1.000-2.000 quả xoài ở chùa Từ Quang”. Dưới triều Nguyễn, cùng với trái lòn bon Quảng Nam, xoài Đá Trắng của Phú Yên trở thành “nhị bảo ngự thiện”. Cũng kể từ đó, xoài Đá Trắng còn có tên xoài ngự, xoài tiến vua.

Nơi cất giữ nhiều di sản

Chùa Đá Trắng được vua Thành Thái ban sắc tứ vào năm 1889 và được công nhận di tích lịch sử, nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 1997. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Chúc, ngoài có xoài quý, ngôi chùa này đang lưu giữ nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể khác. Không chỉ tọa lạc ở một nơi non nước hữu tình, lưng tựa vào núi Bạch Thạch lung linh những cụm đá trắng, mặt hướng ra biển Đông ở độ cao gần 100 m, bên phải là con sông Cái nước xanh biếc, nơi đây còn có đại hồng chung thuộc loại lớn ở miền Trung, nặng 330 kg được đúc tại Huế vào năm 1915 và còn lưu giữ cả các bản khắc gỗ chú giải kinh điển của tổ sư…

Theo các bô lão ở huyện Tuy An, vùng núi Bạch Thạch trước đây nổi tiếng có nhiều cọp. Cọp ra cả vệ đường ngồi vuốt râu. Người dân không dám định cư nơi chân núi. Thế nhưng, từ khi có chùa Từ Quang, tiếng cầu kinh như cảm hóa được thú dữ. Cọp vắng bóng dần. Còn theo giới nghiên cứu văn hóa dân gian, chùa Từ Quang từng là nơi ẩn cư, lui tới của những bậc anh hung thời ấy, có thể họ đã đuổi được hổ về rừng sâu. Tương truyền sau khi nhà Tây Sơn mất, nhiều quân tướng Tây Sơn đã xuống tóc quy y ở chùa này nhằm tránh sự khủng bố của triều đình nhà Nguyễn. Còn trong phong trào Cần Vương ở Phú Yên, thủ lĩnh Lê Thành Phương đã chọn địa thế xung yếu ở chùa Đá Trắng làm nơi hội họp với nhiều cấp chỉ huy và dựng pháo đài.

Sau 2 năm dựng cờ khởi nghĩa, đầu năm 1887, thủ lĩnh Lê Thành Phương rơi vào tay giặc, bị xử tử. Phong trào Cần Vương Phú Yên tan rã. Chùa Đá Trắng lại tiếp tục được 2 nhà yêu nước Võ Trứ, Trần Cao Vân chọn làm nơi họp bí mật vào rằm tháng 7-1898 nhằm tập hợp lực lượng dựng cờ “Minh trai chủ tể” để chống Pháp. Nhưng rồi cuộc khởi nghĩa cũng thất bại. Mặc dù đã trốn thoát nhưng để tránh dân làng bị đàn áp dã man, nhà yêu nước Võ Trứ chấp nhận ra nộp mạng, chịu xử trảm.

Dưới tán xoài cổ thụ ở chùa Đá Trắng ngày nay vẫn còn 2 ngôi miếu nhỏ do nhà chùa lập để thờ 2 chí sĩ yêu nước Võ Trứ, Trần Cao Vân cùng các nghĩa quân đã bỏ mình vì nước. Các bô lão ở đây kể rằng trước đây vào mỗi đêm rằm, người ta thường thấy một vị tướng oai phong cưỡi ngựa trắng phi qua chùa cùng tiếng gươm khua và tiếng bước chân rầm rập như đoàn quân ra trận. Người dân cho rằng đấy là hồn thiêng của chí sĩ Võ Trứ cùng nghĩa quân về phù hộ cho quốc thái dân an.

“Chúng ta không chỉ giữ gìn một giống cây cụ thể mà còn nhằm bảo vệ những điều hơn thế. Bởi dưới những gốc cây di sản này còn lưu giữ rất nhiều di sản khác. Trong đó có dấu chân của những người nổi tiếng và những câu chuyện bi hùng về một thời mở đất và giữ đất” - ông Nguyễn Điểu, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, phát biểu tại tại buổi lễ trao chứng nhận Cây di sản cho quần thể xoài Đá Trắng.


Nơi đào tạo nhiều danh tăng

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Đình Chúc, chùa Đá Trắng là nơi đào tạo ra rất nhiều danh tăng, về sau đi các nơi, sáng lập ra nhiều ngôi chùa nổi tiếng trong cả nước. Chỉ riêng Tổ sư Pháp Chuyên đã có 27 đệ tử là những chư tăng thành danh, trụ trì nhiều ngôi chùa lớn. Trong đó có Hòa thượng Toàn Nhật - Quang Đài là mưu thần vua Quang Trung, về sau là Tổ Đệ nhất chùa Viên Quang (ở xã An Định, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên).
  

Bài và ảnh: Hồng Ánh
Nguồn: http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/bi-an-chua-da-trang-20140307225002059.htm
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Phật Hoàng Trần Nhân Tông - Nhân vật văn hóa và nhà nhân văn chủ nghĩa vĩ đại của mọi thời đại

Nhịp cầu Phật giáo 10:38 07/12/2018

PGVN xin trân trọng giới thiệu toàn bộ diễn văn khai mạc hội thảo khoa học “Trần Nhân Tông và thiền phái Trúc Lâm - đặc sắc tư tưởng và văn hóa” của Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn tại Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm – xã Thượng Yên Công – thành phố Uông Bí – tỉnh Quảng Ninh, sáng ngày 6 tháng 12 năm 2018, tức ngày 30 tháng 10 năm Mậu Tuất.

Trời đất bao la nhưng lòng tham của con người còn mênh mông hơn thế

Nhịp cầu Phật giáo 09:15 16/11/2018

Lòng tham chính là thuốc độc giết chết nhân cách của con người, có những lúc chỉ vì sân si những lợi ích nhỏ mà chúng ta đánh mất những thứ quý giá và quan trọng, đến khi nhìn lại mới thấy thật sai lầm.

Sự ngộ đạo trong thế giới Kim Dung

Nhịp cầu Phật giáo 16:08 05/11/2018

Tóm lại, từ bi chính là cái gốc của võ công Phật gia trong thế giới võ hiệp Kim Dung. Chỉ có dùng tâm từ bi để hóa giải nó mới có thể đẩy lui trường năng lượng xấu, bảo toàn thân thể. Nói cách khác, song song với việc học võ, phải rèn luyện tâm tính bằng cách đọc và thực hành các kinh Phật cho nhiều mới không sinh ra bệnh tật. Thần tăng vô danh chính là một minh chứng.

Sinh hoạt tôn giáo của đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh miền núi phía Bắc

Nhịp cầu Phật giáo 11:28 01/11/2018

Trên cơ sở nghiên cứu tình hình tôn giáo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc (chủ yếu là Phật giáo, Công giáo và Tin lành), bài viết chỉ ra những tác động của các tôn giáo để tìm giải pháp vừa phát huy các giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, ngăn chặn và đấu tranh có hiệu quả với các các âm mưu, hành động lợi dụng những vấn đề về tôn giáo, dân tộc để chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm sự ổn định xã hội, phát triển kinh tế bền vững; vừa bảo đảm thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về tôn trọng, bảo đảm tự do tôn giáo của nhân dân, x&

Xem thêm