Buông sân hận
Tại sao chúng sinh ở thế gian thường sống trong sự xung đột, cãi vã và khổ đau?
Chúng ta thấy những điều này nơi bạn bè, gia đình, thân quyến, thuộc mọi giai cấp, thuộc mọi quốc gia. Đức Phật đã dạy chúng ta phải nhìn lại tâm mình để tìm ra các nguyên nhân gây khổ đau và xung đột. Để có thể sống chung hạnh phúc, chúng ta phải chánh niệm về cách nghĩ suy, nói năng và hành động đối với nhau. Sự thật là các trạng thái tâm nhiễm ô như tham, sân và si đã khiến chúng ta phải khổ đau qua nhiều kiếp sống. Do đó chúng ta phải chánh niệm – trong những gì ta nói, suy nghĩ hay hành động – nếu không các trạng thái bất thiện sẽ chế ngự ta. Khi đã bị chúng chế ngự, rất khó để buông bỏ các thói quen cũ, để sửa mình cho đúng.
Sân hận đến từ đâu?
Sân hận có thể phát khởi dưới nhiều hình thức. Thí dụ, sân phát sinh khi ta không vừa lòng với hành động của người khác, trái với ý mình muốn. Giả dụ ta tặng cho ai đó một chiếc đồng hồ đẹp, rồi thấy người đó không gìn giữ cẩn thận. Ta có thể khó chịu, bực bội. Hay trong trường hợp cha mẹ cho phép con lái xe, căn dặn con chỉ được lái đi đâu đó. Nhưng đứa con sử dụng xe không đúng như thế, lái xe đi khắp nơi, không gìn giữ xe. Kết quả là cha mẹ nổi giận vì đứa con không nghe lời dặn dò của mình.
Ta cũng có thể nổi sân khi nhìn thấy ai đó có hành động mà ta không cho là phù hợp. Thí dụ, người này có thể nói sau lưng người khác, cho rằng họ xấu xí, dơ bẩn hay hành vi thô tháo. Khi người bị nói xấu nghe được những điều này, họ sẽ nổi giận, có thể đến độ khó kiềm chế. Tâm họ sẽ tán loạn với ý nghĩ tại sao người ta lại nói thế về mình, nói những điều làm tổn thương mình.
Người khác cũng có thể kích động để ta sân. Thí dụ ta có nghe những lời chỉ trích mình, nhưng giữ được bình tĩnh. Rồi có một người thứ ba đến và khiêu khích ta bằng những lời như: "Nếu là bạn, tôi không để yên cho họ như thế!". Sau đó, ta thấy mình tức giận. Như thế, hận thù có thể được gây ra bởi sự xúi giục.
Một thí dụ khác về điều này là khi sự tức giận được khơi dậy bằng cách nói xấu hay nói về các hành vi không thể chấp nhận được của người thứ ba. Ác cảm cũng thường phát sinh trong các gia đình. Người chồng có thể nói điều gì đó với vợ khiến người này phản ứng lại ngay, không kiềm chế trước những lời nói của chồng. Cả hai sau đó đều mất bình tĩnh và bắt đầu trao đổi những lời cay nghiệt và đắng cay.
Sự sân giận cũng nảy sinh giữa cha mẹ và con cái. Cha mẹ khuyên bảo để con cái của họ được tốt, nhưng nếu người con trả lời lại hoặc phản ứng không phù hợp, cha mẹ có thể trở nên bực bội, giận hờn. Hiểu lầm và xung đột cũng có thể xảy ra giữa bạn bè. Điều này có thể tạo ra sự tiêu cực và phá hoại tình bạn.
Khi quán tưởng thấu đáo về sân hận, ta có thể dễ dàng thấy nó độc hại như thế nào và những khổ đau mà nó gây ra. Từ những thí dụ trên, ta thấy sân hận có thể phát sinh bằng nhiều cách. Có người dễ dàng cảm thấy khó chịu về những vấn đề nhỏ. Người khác có thể chịu đựng các tình huống căng thẳng trước khi nó đến một mức mà họ không thể chịu đựng được nữa và sự tức giận bùng nổ thông qua lời nói hoặc hành động. Tức giận có nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, nguyên nhân gốc rễ là ô nhiễm trong tâm trí, cộng thêm sự thiếu chánh niệm và trí tuệ để kiềm chế sân hận bằng sự kiên nhẫn.
Những đau khổ triền miên
Ta thường để tâm trí mình tập trung vào những suy nghĩ không lành mạnh, đưa đến sự bùng nổ sân hận. Từ đó mất khả năng duy trì chánh niệm, thực hành sự kiên nhẫn và chịu đựng, khiêm cung. Chúng ta cần nhận thức rằng sự hiềm hận nguy hiểm như thế nào. Khổ nảy sinh ngay khi chúng ta cảm giác khó chịu, bực bội. Đức Phật từng dạy: "Hiềm hận là bất thiện". Nếu chúng ta không thể nhìn thấy những bất lợi của sân giận và tác hại mà nó gây ra, thì ta sẽ không thể kiềm chế nó. Ta sẽ không thể thanh lọc nó khỏi tâm trí. Khi sân hận chế ngự tâm, nó chỉ mang lại đau khổ cho ta và tai hại cho người khác.
Có rất nhiều cách và hoàn cảnh qua đó hiềm hận có thể phát sinh và hoàn toàn thống trị tâm trí của ta. Thí dụ ở nơi làm việc: đồng nghiệp có thể trở nên khó chịu với nhau đến nỗi mọi sự hợp tác kết thúc và cuối cùng họ la hét, cãi cọ nhau như những kẻ thù. Sự xung đột theo cách này có hại cho cả người gây hấn lẫn những người bị hại.
Hiềm hận có thể là một xu hướng tiềm ẩn sâu trong một số người hoặc giữa một số cá nhân, đã phát triển qua nhiều kiếp sống. Khi họ gặp lại nhau trong cuộc sống này với vai trò hoặc là chồng vợ, anh chị em, thì những thói quen đó lại bùng khởi trở lại. Sự oán hận tích lũy từ trong những kiếp sống trước, sẽ khiến họ dễ dàng xung đột lẫn nhau, ngay cả với những điều nhỏ nhặt. Đôi khi ta có thể trải qua nhiều kiếp với cùng một nhóm người. Nhiều gia đình luôn xung đột, tranh cãi với nhau. Không có sự hòa hợp trong cuộc sống của họ. Nghiệp lực, thói quen trong quá khứ của họ, là những thứ khiến họ lại sống cùng nhau.
Có nhiều trường hợp, cha mẹ và con cái có thể sống cùng nhau, nhưng không thể hòa hợp. Cuộc sống của họ tràn ngập phiền muộn. Những nỗi buồn lặp đi lặp lại nhiều lần, hết đời này đến kiếp khác. Những người đó thậm chí chỉ nhìn thấy hay nghe giọng nói của nhau cũng khởi sinh bực bội, oán ghét. Khi ta kết nối với nhau theo cách này, chỉ cần nghĩ về nhau cũng có thể đưa đến rất nhiều đau khổ và bất thiện ý khiến tâm trí quay cuồng thiếu kiểm soát. Xung đột và thậm chí giết hại có thể xảy ra.
Như thế, rõ ràng là những người vô minh trải qua nhiều khổ đau, phiền muộn. Họ thấy mình luôn xung đột với người khác và sự sân giận của họ thể hiện thông qua lời nói và hành động. Đức Phật dạy rằng sân hận giống như bị đao kiếm đâm vào tim. Nỗi đau của sân hận triền miên trong lòng và khổ đau triền miên là hậu quả đương nhiên. Nghiệp được tạo ra bởi hành động theo thói quen này. Nếu có hai người luôn chướng ngại nhau, có thể là do trong nhiều kiếp sống trước đây họ đã có xu hướng bực bội mỗi khi có dịp gặp nhau. Ngay cả khi họ cố gắng nói chuyện một cách thân thiện với nhau, cố gắng tỏ ra hiểu biết, quan tâm, nhưng cuối cùng rồi họ cũng hiểu lầm nhau, và đưa đến cãi vã. Điều này là do những thói quen không tốt lành được hình thành trong các kiếp trước. Trong những kiếp trước, có thể họ đã ẩu đả, cãi cọ, liên tục khiêu khích và phản công lẫn nhau.
Thương yêu và đau khổ
Có một loại sân hận khác có thể phát sinh vì tình yêu hoặc nhục dục. Hãy xem xét trường hợp của hai người yêu nhau thắm thiết. Tuy nhiên, nếu họ để cho sự chiếm hữu chen vào tình yêu thì cảm giác sở hữu và ghen tuông nảy sinh. Nếu một người trở về nhà muộn, thì người kia lo lắng, đưa đến cảm giác ghen tuông và ngờ vực. Hoặc khi một trong hai người cảm thấy bị bỏ mặc hay không được lắng nghe, thì có thể dẫn đến cảm giác oán giận và thất vọng. Loại sân hận này phát sinh từ tình yêu, sự bám víu, nhục dục và ghen tuông.
Tương tự, đôi khi cha mẹ càng yêu thương con cái, họ càng mong đợi con cái phải tuân theo lời họ nói. Cha mẹ có thể trở nên rất khó chịu khi con cái không hành xử theo cách họ muốn. Cha mẹ có thể dạy con phải nói năng lễ phép, lịch sự, nhưng rồi chúng nói năng thô lỗ hoặc chửi thề - sự ngỗ nghịch đó có thể khiến cha mẹ giận dữ. Sự sân giận của cha mẹ thực sự bắt nguồn từ tình thương yêu và bám chấp. Đứa con đã nhận được nhiều tình thương yêu, chăm sóc từ cha mẹ, đổi lại cha mẹ muốn đứa con biết quan tâm, chia sẻ đến người khác. Khi điều này không xảy ra, cha mẹ sẽ tức giận.
Tóm lại, chúng ta thấy rằng sân hận có thể dễ dàng phát khởi do yêu thương nhau, như là giữa vợ chồng, cha mẹ và con cái hoặc giữa bạn bè. Một người đang yêu có thể nổi cơn thịnh nộ nếu đối tượng của họ không làm theo mong muốn, hoặc chỉ trích, đổ lỗi, nói xấu họ. Đó là một bản năng phổ biến, tiềm ẩn trong mọi chúng sinh trên thế gian này.
Tâm trạng cảm thấy bị tổn thương, xúc phạm khi người họ yêu thương không thực hiện mong muốn, đòi hỏi của họ. Thù hận là hình thức giận dữ cao độ và có thể rất khó kiểm soát. Trả hận thậm chí còn dữ dội hơn hận thù. Mặt khác, những cảm giác thất vọng, bực bội nhỏ là những khía cạnh ít thách thức hơn của sân hận, và thường có thể được kiềm chế. Nếu những hình thức hờn giận nhẹ nhàng này phát sinh, kích động tâm trí, nhưng sau đó không được phép thể hiện qua lời nói, hoặc cử chỉ, chúng sẽ dễ dàng biến mất. Tuy nhiên, nếu cơn thịnh nộ của người đó tăng lên, họ có thể hoàn toàn mất kiểm soát.
Sân hận phát sinh như thế nào?
Quá trình để sân hận phát sinh rất đáng cho ta tìm hiểu và suy gẫm. Ta phải nhớ kỹ rằng sân hận nảy sinh thông qua sự suy nghĩ của chính mình, không phải ai khác. Thất vọng phát sinh từ việc khao khát những điều khó đạt, nói năng không khéo léo hoặc hành xử không chánh niệm.
Thí dụ, người ta có thể buồn bã khi bị bệnh, hoặc cảm thấy thất vọng vì không xinh đẹp như người khác. Tại sao trạng thái bất mãn nảy sinh như thế? Đó là vì thiếu nhận thức, và không luôn chánh niệm. Khi không có chánh niệm và sự hiểu biết rõ ràng, tâm sân hận có thể phát sinh. Có người thậm chí còn tức giận với chính việc hành thiền của họ! Trong quá trình hành thiền, họ đã cố gắng rất nhiều để tĩnh tâm và tập trung nhưng không thành công. Tâm họ lang thang đây đó, nghĩ suy về nhiều thứ ngoài việc tập trung. Cuối cùng, họ đành bỏ cuộc, bực tức vì không thể kiểm soát tâm mình. Ai trong chúng ta cũng biết bộ mặt của sân hận.
Chúng ta tin rằng ngoại cảnh kích hoạt nó, nhưng thực sự là chúng ta tự tạo ra. Người không cư xử chừng mực, không nói nhẹ nhàng, cũng không biết đúng lúc và đúng nơi để ăn nói, chắc chắn sẽ thấy bất ổn và khó tập trung khi hành thiền. Khi ta để cho các trạng thái bất thiện ngự trị trong tâm, sự kích động tiềm ẩn dễ dàng khởi lên thành sân hận. Tỉnh thức biến mất khi điều này xảy ra. Chỉ có khổ đau và các hậu quả xấu theo sau. Chúng ta thực sự khổ vì không hiểu lộ trình này.
Quán tưởng về tác hại của tâm sân
Hãy quán tưởng xem sân hận tốt hay xấu. Từ thuở bé đến trưởng thành, đã bao nhiêu lần chúng ta nổi sân? Rất nhiều lần đối với tất cả mọi người. Giờ chúng ta già đi, nhưng nhiều người vẫn tích trữ những tư tưởng bất thiện, não hại đó. Các uế nhiễm đó hôi thối, khiến ta và người phải khổ sở! Nhưng thay vì thanh lọc tâm, chúng ta lại để cho các rác rưởi này ở yên, không bao giờ cố gắng để dọn sạch chúng. Đức Phật dạy rằng nếu không biết giảm thiểu sân hận, tiêu cực thì chúng ta không phải là người trí.
Hãy tự hỏi: Sân hận có tốt không? Chúng ta đã có tánh sân hận từ bao lâu rồi? Chúng ta chưa chán tâm trạng tiêu cực đó sao? Không lẽ những cơn giận trào sôi làm bạn hạnh phúc? Bạn không muốn thanh tịnh hóa tâm sao? Bạn không muốn sống hạnh phúc sao? Hay bạn thích nắm giữ sân hận để sống một cuộc đời khổ sở? Nếu chúng ta muốn cuộc đời mình hướng tới sự tích cực, thì hãy quán sát lại nội tâm, xét lại các hậu quả của sân hận. Bạn sẽ thấy rằng việc quan trọng nhất là phải chiến thắng sân hận.
Tìm cách chuyển hóa sân hận
Làm sao đoạn trừ sân hận để ta được sống hạnh phúc? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần quán sát nội tâm cặn kẽ để có thể hiểu sự việc rõ ràng. Nếu không làm như thế, chúng ta sẽ sống một cuộc sống bất hạnh. Đức Phật đã dạy chúng ta rằng chẳng nên phản ứng lại một người đang giận dữ. Nếu phản ứng giống thế, chúng ta còn tệ hơn họ, còn điên dại hơn và chắc chắn là không thể tốt hơn họ về mặt nào cả. Đáp trả lại tâm sân bằng sân hận, thật vô ích.
Chúng ta hãy tìm cách để tránh, để buông, và thanh lọc khỏi sự rồ dại này. Hãy nghĩ đến những cách để buông sự si mê này. Điều này có thể thực hiện được bằng cách huân tập sự kiên nhẫn, khiêm cung. Thí dụ, cha mẹ có thể cho con một món đồ chơi mới, sau đó thấy nó bị bể vỡ. Lúc ấy, thay vì nổi giận, cha mẹ có thể quán tưởng về tính không bền vững của vạn vật. Trái lại, nếu cha mẹ chỉ chú tâm đến sự bất cẩn của con đối với món đồ chơi, thì chắc chắn họ sẽ phật lòng.
Trong bất cứ hoàn cảnh xã hội nào, chúng ta cũng cần nỗ lực buông bỏ các cảm giác sân hận. Nếu chúng ta nổi sân và không thể chịu đựng hơn nữa, thì tốt nhất là tách mình ra khỏi hoàn cảnh đó. Không liên hệ với những người phiền nhiễu ta, sẽ giúp làm giảm sự hiềm hận. Đó là một cách buông bỏ sân hận tạm thời.
Chúng ta thường có khuynh hướng tự trách. Ngay cả khi ta cố gắng phát triển tình thương yêu, ta cũng có thể trở nên bực bội bản thân. Khi phạm một lỗi gì đó, chúng ta kết tội bản thân gắt gao. Thí dụ khi ta có một quyết định sai lầm trong công việc hay mua một món hàng không tốt, có thể khiến ta thất vọng, tự trách, cho rằng mình dại dột. Sự chú trọng vào lỗi lầm sẽ khiến sân hận phát khởi và kéo dài. Thay vì chìm đắm trong sự tự trách, ta nên nghĩ rằng việc phạm sai lầm cũng là bình thường. Không có chúng sinh nào không phạm lỗi lầm.
Chúng ta không thể kiểm soát tâm mình, cũng như không thể kiểm soát tâm người khác, kể cả con cái chúng ta. Không phải lúc nào chúng cũng nghe theo ta, vì chúng là một cá nhân riêng biệt. Con cái không phải là sở hữu của ta. Ta không thể ép buộc chúng chỉ làm theo ý ta, vì thế oán giận chúng thật vô ích. Thay vào đó, chúng ta cần học hỏi từ chúng, để biết tính cách, trạng thái và hiểu cách chúng phản ứng như thế nào trong một số hoàn cảnh. Khi ta có thể hiểu tánh cách, tính khí của người khác thì ta có sự trang bị tốt hơn để đối phó với họ.
Tránh né những người làm ta sân giận không thể giải quyết vấn đề. Thay vào đó, chúng ta cố gắng vun trồng sự chịu đựng đối với những người hay khiến ta nổi sân. Cố gắng để tìm các phương tiện thiện xảo giúp ta có thể nhìn sự việc từ quan điểm, ý nghĩ của họ. Khi đã có thể hiểu họ hoàn toàn, là chúng ta đã tập sống thân thiện với nhau, trao đổi hòa nhã, ít tranh cãi, sân hận, ác ý hay thành kiến. Đây là điểm mấu chốt. Nếu không hiểu những người chung quanh, ta khó tránh khỏi xung đột.
Chúng ta cần phát triển khả năng lắng nghe và đối thoại. Thí dụ, khi người chồng nói, thì vợ cần cố gắng lặng yên lắng nghe mà không chỉ trích. Tương tự, khi người vợ nói thì chồng phải kiên nhẫn, không trả lời cộc lốc. Bằng sự kiên nhẫn, vợ chồng sẽ không phiền hà nhau. Rồi họ sẽ đạt được kỹ năng giao tiếp hòa hợp. Trái lại, nếu vợ chồng tiếp tục cãi vã, mức độ căng thẳng sẽ gia tăng.
Hãy cố gắng quán chiếu rằng sự thật là con người rất khác nhau. Hãy phát triển khả năng tìm hiểu và quán sát người, dầu cho họ là ai, không kể tuổi tác, giới tính. Thí dụ, ta quán sát thấy người già thường than phiền hơn. Đôi khi họ bực bội một cách vô cớ. Khi đã hiểu như thế, thì thay vì bực bội, chúng ta có thể thay đổi cách nhìn và thái độ đối với họ. Nếu ta cố gắng tự sửa chữa mình hơn là thay đổi người khác, thì những sự thay đổi tích cực của ta sẽ được người khác ghi nhận. Nhìn ra được sự nguy hiểm và khổ đi kèm với sân hận chính là cách để buông bỏ nó.
Buông bỏ sân hận
Nếu mọi người hiểu sự tai hại mà sân hận mang đến bằng cách sử dụng sự hiểu biết rõ ràng về Phật pháp, thì tất cả chúng ta đã có thể vứt bỏ sân hận để sống với tâm trí nhẹ nhàng.
Khi sân hận khởi lên, hãy để cảm xúc đó lắng xuống trước khi hành động. Cố gắng kiên nhẫn và khiêm cung. Đừng biểu lộ các cảm xúc bất thiện. Hãy chịu đựng. Chớ thể hiện sự tiêu cực ra nét mặt. Nếu ta có thể tiết giảm sân hận, rồi buông bỏ nó, thì tất cả mọi người sẽ sống chung trong hòa bình và hòa hợp, bất kể chủng tộc, tín ngưỡng, giới tính của chúng ta là gì.
Để từ bỏ sân hận, trước tiên chúng ta có thể tránh xa một tình huống hoặc người đang kích động cảm giác tức giận trước khi ta nói hay hành động sái quấy. Kế đến ta có thể quán sát, tìm hiểu những người quanh ta để có thể hiểu những thói quen và cá tính của họ. Sau đó, ta có thể quán sát những thói quen sân giận của ta, để thấy những cử chỉ, lời nói hay ý nghĩ gì có thể kích động ta đánh mất sự bình tĩnh. Sau đó với sự hiểu biết sâu rộng hơn, ta sẽ thấy sân hận vô ích như thế nào. Ta sẽ thấy nó chỉ mang lại bất hạnh như thế nào. Rồi với tư cách là những chúng sinh có trí tuệ, chúng ta sẽ có thể buông bỏ nó. Khi ta có thể làm như thế, tâm trí ta sẽ được bình an. Sau khi nghe được giáo lý của Đức Phật, chúng ta phải nhớ để áp dụng Pháp trong sự thực hành hàng ngày. Trong bất cứ điều gì ta nghĩ, nói hay làm. Nhờ thế ta có thể hoàn toàn trừ diệt sân hận và học sống vui vẻ.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Vì sao con muốn tu tập?
Góc nhìn Phật tử 09:30 05/11/2024Thưa sư cô, con muốn tu tập, sư cô dạy cho con tu với được không ạ? Hằng ngày con nghe giảng pháp, niệm Phật và thỉnh thoảng con có ăn chay. Như vậy có phải tu không ạ?
Tình mẹ - Bến bờ bình yên cho con
Góc nhìn Phật tử 20:21 04/11/2024Tình yêu thương của người mẹ dành cho con là tình cảm sâu sắc, thiêng liêng và bền bỉ nhất trên đời.
Kích hoạt sự giàu có của bạn trong đời
Góc nhìn Phật tử 13:30 03/11/2024Bạn nhận ra được những giá trị nơi bản thân và có thể trao tặng những giá trị này đến cuộc đời, cuộc đời sẽ tặng bạn lại sự thịnh vượng và giàu có. Lúc bấy giờ giàu có là hệ quả tất yếu của hành động trao giá trị.
Sự tiến hóa nào cũng cần đánh đổi
Góc nhìn Phật tử 09:50 02/11/2024Nhân duyên quả là một tiến trình mà không phải mắt thường có thể nhìn thấy, nếu không nội quán huân tu, khai mở tâm trí để thấy rõ cội nguồn tử sinh mà thôi tạo tác, thì mỗi chúng sanh phải chịu từng khổ vui của sự sống chết để học hết bài học của nhân quả, ái luyến, chấp thủ, luân hồi...
Xem thêm