Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ sáu, 21/12/2012, 10:40 AM

Ca dao, hò, vè... Nam Bộ: Đậm chất trữ tình và trào lộng

Ngôn ngữ trong ca dao, dân ca, hò, vè… được khai thác từng đặc điểm, ứng với từ ngữ dân gian địa phương, miệt đồng, miệt biển, hơi dễ dãi nhưng rõ ràng, đậm nét mộc mạc, thẳng thắn, pha lẫn chút cười cợt, châm biếm tạo cảm giác thú vị, khó quên

Kho tàng văn học dân gian Nam Bộ rất đa dạng, phong phú với nhiều thể loại: ca dao, tục ngữ, hò, vè, hát đố… lưu truyền qua nhiều thế hệ, kể từ thời khai hoang mở đất cho đến ngày nay. Ngôn ngữ giản dị cùng hình tượng gần gũi, ẩn dụ, thêm chút cường điệu, dí dỏm, thường nghe đôi lần đã nhớ, đã thương.

Bối cảnh thiên nhiên tạo cho người nông dân khả năng khám phá, diễn đạt, sáng tạo ra những câu ca dao, những làn điệu dân ca, hò, vè, đối đáp… trong lao động. 

Đối với những thói hư tật xấu, mê tín, giả dối, cường quyền ức hiếp… người nông dân có sự đả kích, châm biếm “Em là con gái lòng trinh/ Em đi bán rượu qua dinh ông Nghè/ Ông Nghè cho lính ra ve/ Trăm lạy ông Nghè em đã có con”. 

Và tiếp đó là luận điệu xấu xa, trắng trợn của quan “Có con thì mặc có con/ Thắt lưng cho tròn mà lấy chồng quan”. Cười nhạo một bà tuổi tác đã cao mà còn hứng tình, lòng xuân phơi phới “Bà già đi chợ cầu đông/ Bói xem một quẻ lấy chồng lợi không?” để rồi chưng hửng “Thầy bói gieo quẻ đoán rằng/ Lợi thì có lợi nhưng răng chẳng còn”. 

Tới ông già gần đất xa trời, chân run gối mỏi còn ham chơi trống bởi “Ông già bạc tóc, răng long/ Cưới cô con gái còn măng tuổi đào”, tức thì thấm thía đòn dư luận mỉa mai nhớ đời “Ông ơi từ nẳm đến nay/ Thấy ông mà những đắm say trong lòng/ Muốn se tơ với chữ đồng/ Ngặt nhìn râu ấy má hồng đã đau”, đau thiệt chớ hổng chơi!

 
 Nét duyên miền sông nước. Ảnh internet

Tập tục tảo hôn từ thời xưa đã là nỗi đau xót duyên phận so le, lỡ làng, bộc lộ bằng lời như cợt đùa trong nước mắt của người con gái “Bồng bồng cõng chồng đi chơi/ Đi đến chỗ lội đánh rơi mất chồng/ Chị em ơi cho tôi mượn cái gàu sòng/ Để tôi tát nước vớt chồng tôi lên”. 

Cho tới nhà sư tu hành mà lòng bất chính, dân ca có những câu phê phán, nghe khó dằn được tiếng cười ý nhị “Sư đang tụng niệm nam mô/ Thấy cô cắp giỏ mò cua bên chùa/ Lòng sư riêng những ngẩn ngơ/ Bỏ kinh, bỏ kệ tìm cô hỏi chào/ Ai ngờ cô đi đàng nào/ Tay lần tràng hạt ra vào băn khoăn”.

Những kẻ nói nhiều hơn làm, bình thường vênh vang tự đắc, gặp chuyện gay go thì trốn biệt cũng được gán hai câu “Anh hùng gì? anh hùng rơm/ Ta cho mớ lửa, hết cơn anh hùng”…

Những câu hò được sáng tác, phát sinh qua các hình thức lao động như: chèo ghe, cấy lúa, tát nước, giã gạo, xay lúa… rất sống động, giàu ngôn ngữ, hình ảnh quen thuộc trong cuộc sống xóm làng nông thôn Nam Bộ.

Từ mái đình, vầng trăng, bến nước, ruộng đồng, cây cầu tre, cánh cò… cho tới con chim, con cá, bụi tre, vườn chuối, trái mận, trái khế… cũng được đưa vào ca dao, câu hò. Chỉ gợi đôi câu tình tứ đã thấy lòng xuyến xao, rung động “Cây da trước miễu, ai biểu cây da vàng/ Bao nhiêu lá rụng anh thương nàng bấy nhiêu” hoặc “Thò tay mà bứt ngọn ngò/ Em thương anh đứt ruột… giả đò làm lơ”. 

Đêm về, chắc hẳn đôi trai gái phải chập chờn thương nhớ vẩn vơ. Tình cờ gặp người mình thương, anh chàng hơi liều lĩnh ghẹo trêu “Thấy em cái gò má hồng hồng/ Phải chi em đừng mắc cỡ… thì anh xin bồng em hun”. Cô gái ngừng tay cấy lúa, tề chỉnh hò đáp liền “Chuyện vợ chồng đâu có khá bồn chồn/ Anh thương em xin dè dặt… chớ để thiên hạ đồn không hay”. Có những câu nghe rất nhẹ nhàng mà khiến lòng man mác “Thương em thương quá bất nhơn/ Bữa nay gặp mặt thương hơn bữa nào”.

Những câu tươi vui mang màu sắc trào lộng thường khiến người nghe phải bật cười. Trai mới lớn, thấy người ta có đôi có bạn thì bồn chồn vào ra, lấp lửng ý mình, hiểu đúng là đòi vợ. Văn học dân gian cũng chẳng bỏ qua “Chuối non giú ép chát ngầm/ Trai tơ đòi vợ khóc thầm thâu đêm/ Khóc rồi mẹ lại đánh thêm/ Vợ đâu mà cưới nửa đêm cho mày”. 

Bộc lộ tấm chân tình với người thương đã nhiều, coi bộ chưa đủ sức thuyết phục, chàng nông dân không ngần ngại “Thương em đứt ruột đứt gan/ Lòi phèo, lòi phổi… chó mang cùng đồng”. Đúng là khẩu khí… liều mạng trong tình yêu chơn chất “rặt” Nam Bộ. Mân mê vành nón, cô gái cất tiếng hò vui “Con cò trắng tợ như vôi/ Ai muốn làm bé cha tôi thì về/ Mẹ tôi chẳng đánh chẳng chê/ Mài dao cho bén… móc mề… moi gan”.

Chiều, ngẩng trông “Chim bay về núi tối rồi”, một anh đang chèo ghe bên rạch chớp chớp mắt, miệng hò vu vơ mà thiệt to cho các cô thôn nữ nghe“Gió đưa cơn buồn ngủ lên bờ/ Mùng ai có rộng, cho tôi ngủ nhờ một đêm”.

Chẳng nghe lời đáp lại, ghe khuất sau rặng bần còn nghe giọng anh “Gió thổi lao rao, lòng anh đau, dạ anh đớn/ Gió thổi le re, cây tre chộ nguyệt/ Anh thương em… từ biệt chốn này” như lời than thở cho kiếp thương hồ cô đơn rày đây mai đó.

Khi chàng trai mở lời “Anh hoá sao, hoá đặng con kiến vàng/ Chun trong áo nàng sống được trăm năm” thì nàng tủm tỉm cười đáp lại “Em ước sao hoá đặng con kiến hôi/ Trèo lên, đái xuống cho trôi con kiến vàng”. Dùng từ “đái” cho con kiến thật chính xác, nghe không thô mà lại có vẻ… thiệt thà.

Ngôn ngữ trong ca dao, dân ca, hò, vè… được khai thác từng đặc điểm, ứng với từ ngữ dân gian địa phương, miệt đồng, miệt biển, hơi dễ dãi nhưng rõ ràng, đậm nét mộc mạc, thẳng thắn, pha lẫn chút cười cợt, châm biếm tạo cảm giác thú vị, khó quên. Thỉnh thoảng đọc lại đôi câu, có khi cười một mình, có khi lại bâng khuâng tiếc nhớ hương quê đồng nội…./.


Nguyễn Kim
Nguồn: Báo Cà Mau

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Chuyện kỳ bí từ một cây sao

Phong tục tập quán 21:37 06/10/2018

Hướng dẫn chúng tôi đến tận gốc cây sao to lớn đang ẩn chứa nhiều câu chuyện huyền hoặc, tâm linh, ông Lý Thum, ngụ ấp Đại Thọ nói khẽ: “Cây sao này nghe nói đã trên 700 năm rồi mà vẫn tươi tốt quanh năm. Nhiều người tới đây thắp nhang cầu nguyện lắm vì cây rất “thiêng”. Đã có những câu chuyện tâm linh xảy ra với người đã dám cưa cây để lấy gỗ. Từ đó ban đêm không ai dám bén mảng đến đây”.

Rộn ràng làng nghề làm lồng đèn giấy

Phong tục tập quán 09:20 23/09/2018

Điều đáng phấn khởi là công việc này rất đơn giản, dễ làm, không cần vốn, người cao tuổi lẫn trẻ em đều có thể thực hiện do không phụ thuộc thời gian, sức khỏe, trình độ học vấn.

Trung thu sắp về nơi xóm nhỏ…

Phong tục tập quán 14:03 14/09/2018

Ánh trăng vằng vặc ngày rằm chia sẻ niềm vui trong trẻo, hạnh phúc cho con trẻ mọi nhà dù nơi giàu có, hay còn nghèo khó như ở xóm  Ao Đình ngày nay... Trăng Trung Thu sẽ rất tuyệt vời! Muôn đời vẫn vậy…

Hương cốm gọi thu về

Phong tục tập quán 12:07 13/09/2018

Cứ mỗi độ gió heo may về, giăng giăng ngập tràn lối phố thì cũng là thời khắc báo hiệu một mùa thu bắt đầu tới! Mùa thu ở mỗi vùng miền lại mang đến cho con người ở đó những khoảng khắc, nét thi vị riêng biệt mà khi đi xa người ta thường không dễ gì quên được. Với thủ đô Hà Nội, mùa thu được mọi người biết tới không chỉ có cái hanh hao của nắng vàng, chút gió heo may se se lạnh, lá vàng rụng rơi ngập phố, mà ở đó còn có còn có mùi hương hoa sữa nồng nàn, những trái sấu chín vàng rụng hoài trên ngõ vắng, và mùi của hương cốm…

Xem thêm