Ca sĩ Phương Thanh: Cảm ơn cuộc đời đã cho tôi gặp Phật
Đúng ra, Thanh có nhân duyên sâu dày với đạo Phật, chỉ tiếc một điều là Thanh đến với đạo hơi chậm. Dù vậy, Thanh thấy mình còn hạnh phúc hơn người khác là đã tìm thấy đạo Phật khi chưa thật sự muộn màng.
Những nghệ sĩ Việt có duyên lên đỉnh núi "tu hành" cao 4000 m ở Ấn Độ
Sôi nổi, bốc lửa một thời đã làm mưa làm gió trong làng ca nhạc Việt Nam, với chất giọng khàn đặc biệt, Ca sĩ Phương Thanh đã đánh dấu cột mốc lịch sử trong làng giải trí một thời không ai thay thế. Nhưng rồi chính vòng xoay của danh lợi, tiền tài vật chất đã làm chị tê tái, chết đi sống lại giữa cuộc đời với bao hận thù, ganh tỵ. Trong lúc tột cùng đau đớn, chị đã tìm thấy Phật như tìm thấy một ánh sáng dẫn lối đi về trên vạn nẻo thời gian của an lành để trải nghiệm hạnh phúc.
Chị đã đến với đạo Phật như thế nào?
- Đúng ra, Thanh có nhân duyên sâu dày với đạo Phật, chỉ tiếc một điều là Thanh đến với đạo hơi chậm. Dù vậy, Thanh thấy mình còn hạnh phúc hơn người khác là đã tìm thấy đạo Phật khi chưa thật sự muộn màng. Một điều nữa là Thanh tiếp nhận giáo lý đạo Phật rất nhanh. Diễn viên Việt Trinh đã từng nói với Thanh rằng: “Chanh (Phương Thanh) ơi? Trinh tu trước Chanh mà Trinh còn chậm hơn Chanh nữa, Chanh nhanh quá”. Thường một kẻ giang hồ khi họ đã chấp nhận buông kiếm tu hành thì họ sẽ tu rất mau. Có nhiều người nói rằng; ngoài đời thấy Chanh dữ lắm, giờ vào chùa tu hiền thấy thương. Ai cũng nói Thanh quay đầu rất mau.
Từ khi làm Phật tử, cuộc sống nghệ sĩ của chị có phần nào thay đổi?
- Đạo Phật đã xoay chuyển Thanh rất nhiều, xoay chuyển cả tâm tính và cả thân phận nữa. Gặp được Phật pháp, cuộc đời Thanh đẹp hơn trước nhiều. Đến bây giờ Thanh thấy mình học được nhiều điều hay từ đạo Phật. Giờ đi đâu ai cũng thắc mắc Phương Thanh bây giờ nữ tánh hơn, hiền hơn và đằm thắm hơn. Nói chung Thanh đổi cả số phận nhờ đạo Phật.
Từ khi làm Phật tử, tôi hát với một phong cách khác. Khi chưa quy y, cuộc sống của Thanh “động” dữ lắm, phải bon chen đủ thứ, cái mà nhà Phật gọi là tham, sân, si. Từ khi quy y rồi, Thanh có những sự thay đổi rõ rệt. Lúc quy y, trong tâm Thanh nói rằng: “Con vẫn còn sống ở đời thường, nên có những vấn đề nào không hợp trong khi ca hát xin Phật bỏ qua cho con”. Thanh không dám chắc là mình sẽ làm một người Phật tử thật tốt nhưng Thanh thường dặn với lòng sẽ hết sức cố gắng.
Sau khi quy y, Thanh né được nhiều sự đời mà trước đây Thanh vướng phải như nóng tánh, làm những điều cho đã cơn tức, thi thoảng đánh nhau. Từ ngày Thanh có điểm tựa tinh thần, khi làm bất cứ việc gì, Thanh đều nghĩ đến hậu quả của nó, cẩn thận với ba nghiệp thân, khẩu, ý. Đó là những điều mà Thanh thấy rất hay. Thậm chí khi Thanh nói chuyện có chút Phật pháp, người ta cũng khen hay hơn, đằm thắm hơn và sâu hơn một chút.
Ca sĩ Phật tử Phương Thanh ra mắt ca khúc mới nhân mùa Vu Lan báo hiếu
Điều này có nghĩa là đường đến với đạo Phật đã đem đến cho chị cuộc sống mới với bình an và hạnh phúc? Xin chị chia sẻ lối sống của chị ngày nay?
- Thanh quy y cũng hơi muộn. Lẽ ra Thanh quy y sớm hơn thì đỡ khổ. Mải mê nghề nghiệp và sự va chạm ngoài xã hội khiến Thanh về với Phật khá trễ. Khoảng thời gian phát tâm quy y, Thanh đã vướng vào nhiều nạn ở ngoài đời. Thanh bị hại rất nhiều. Những tai nạn cay đắng nghiệt ngã đã giúp Thanh tìm về với Phật. Nhiều lúc Thanh tự hỏi nếu không gặp những tà nạn này chắc Thanh chưa biết Phật là ai. Khổ nạn đã làm nhân duyên chín muồi để Thanh quay về nương tựa Phật, Pháp, Tăng.
Ngày xưa Thanh rất ít đi chùa, cũng chẳng biết lạy Phật, chỉ xá xá rồi ra. Hơn hai năm nay Thanh rất thích vào chùa, nhiều khi vào đó ngồi chiêm nghiệm lại cuộc đời mấy giờ đồng hồ. Bây giờ Thanh đã biết lạy, biết tụng kinh, hiểu hết những quy tắc trong cửa thiền môn, Thanh thích đọc kinh Phật, ăn chay thấy thích.
Mới đây trong giấc ngủ, có một giọng nói dạy Phương Thanh đọc câu Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật, khi tỉnh dậy, Thanh thử học chú Đại Bi. Thanh học chỉ chút xíu mà thuộc được 6 câu chú Đại Bi. Kinh của Phật có rất nhiều bài, nhưng không hiểu sao Thanh vẫn thích đọc chú Đại Bi. Bạn bè ai cũng trì chú Đại Bi nên họ cũng khuyên Thanh nên học và hành trì chú này.
Nghệ sĩ nổi tiếng thường đi đôi với sự tai tiếng. Trong tình huống đó xảy ra, Chị xử lý thế nào?
- Nghệ sĩ nổi tiếng thì tai tiếng luôn đi kèm. Nhiều tai tiếng xảy ra vô tội vạ, nhiều khi không làm mà mình vẫn bị. Sau khi quy y, Thanh hiểu giải nghiệp là nghệ thuật sống thanh thản, mặt mày sáng sủa ra. Chắc là bữa giờ giải được một số nghiệp đáng kể nên Thanh tươi hẳn ra (cười).
Thật sự đời sống tình cảm của giới nghệ sĩ gặp nhiều trục trặc. Đa số những người dang dở trong tình cảm, càng vô duyên về tình cảm thì lại càng hát hay. Một khi đã giải được nghiệp thì chưa chắc mình hát hay, bốc lửa, phiêu lãng như ngày xưa nữa. Lúc ấy, người nghệ sĩ sẽ hát hay theo kiểu khác, tức là điềm đạm hơn, bình yên hơn và sâu lắng hơn bằng chính nội tâm của mình. Từ đó, thiết lập số lượng “fan” khác hoặc những người yêu mến sự bình yên, bình tâm thì họ sẽ yêu mình. Còn những ai chỉ thích sống gió, bốc lửa thì chưa chắc họ còn thích mình nữa. Chỉ cần dừng tham vọng, sân, si là sẽ bớt khổ. Trước đây, máu tham vọng của Thanh là muốn chinh phục tất cả mọi người. Giờ đây, Thanh nỗ lực giải nghiệp cho Thanh. Khi mình thật sự hạnh phúc thì mới truyền hạnh phúc đến người khác được.
Diva Thanh Lam: Sống độ lượng hơn từ khi giác ngộ đạo Phật
Người ta thường nói hương vị của cuộc đời là vui, buồn, đắc, thất, vinh, nhục. Người nghệ sĩ cũng từng trải nghiệm qua những hỷ, nộ, ái, ố… Vậy chị đi qua những tâm lý đó như thế nào?
- Cuộc đời người nghệ sĩ có nhiều điều uẩn khúc, sự nghiệp họ có nhiều trân chuyên cho dù ngầm hay lộ diện, chính sự nổi tiếng đem đến cho họ cái bề ngoài nhiều quá. Nên đa số người nghệ sĩ sống với bề ngoài nhiều hơn bên trong. Những giây phút họ đứng trên sân khấu chiếm thời gian không nhiều lắm nhưng đủ để con người ta thay đổi. Làm cái nghề phô trương, thể hiện nhiều quá như nghề của các nghệ sĩ, đôi lúc làm tâm con người không vững, không được bình yên. Danh vọng nào rồi cũng có ngày hết, vì vật sẽ đổi, sao sẽ dời. Hiểu được như vậy thì không sao nhưng có nhiều người cứ cho rằng tôi sẽ nhất mãi cho bằng được, thậm chí họ có những tham vọng rất cao, họ đeo theo những tham vọng đó, cho đến lúc họ không còn hình dung cuộc sống đời thường và cuộc sống trên sân khấu.
Tạo danh hiệu ngôi sao cho mọi người nhìn thấy để yêu mến nhưng khi bước xuống đời thường thì phải hòa đồng cùng mọi người để dễ sống. Đừng nghĩ rằng tôi là ngôi sao thì mọi người phải chiêm ngưỡng, phải kính trọng, điều đó là một sai lầm. Với Thanh, tối nay đang đứng trên sân khấu hát là người của công chúng, sáng mai ngủ dậy là một người bình thường, tối mai lại là một tương lai khác. Thanh xác định ra ba khoảng thời gian khác nhau để sống, nếu mình nghĩ khoảng thời gian nào cũng là của riêng mình là không được. Mình cũng phải kiểm lại những thứ cãi vã, tức là mình phải có sự ảnh hưởng như một người bình thường, cũng phải tìm cách để hòa giải, còn nếu mọi chuyện xảy ra mà mình đem cái mác ngôi sao xuống sẽ giải quyết thì không được, đôi lúc càng đổ dầu thêm lửa. Cho nên tâm lý đằng sau những hỷ, nộ, ái, ố là mình phải biết để tránh.
Theo Thanh, một đời người được chia làm ba giai đoạn, giai đoạn đầu mình sẽ được cho đi tất cả mọi thứ như: sức khỏe, niềm tin… cái gì tới cũng rất dễ, nhiều khi mình không cần nắm nó cũng tới. Giai đoạn hai là mình sẽ bị lấy lại để ta thấy rằng giữa cái mất và cái được, có sự khác biệt, từ đó mình rút ra kinh nghiệm sống. Trộn hai thứ đó lại thì giai đoạn ba ta sẽ tìm ra được con đường, đó là con đường hạnh phúc nhất của đời mình. Ngược lại, cộng hai thứ kia lại mà ta vẫn giữ ý định ban đầu, tức mình muốn lấy lại tất cả thì mình sẽ thua luôn phần tương lai. Tức lấy hai phần đầu rút kinh nghiệm để sống tiếp cho giai đoạn ba.
Nhờ theo Phật mà Thanh biết chấp nhận những gì là của mình, phải hy sinh những gì không phải là của mình, đôi lúc cần phải hy sinh thứ đó để mình có được sự hạnh phúc. Đó là những đức tính giúp mình sống vui vẻ với đời thường.
Trải qua bao sống gió của cuộc đời bây giờ tìm thấy sự bình yên trong cửa Phật, Thanh đã thấy rõ nghiệp chướng và sự ứng dụng Phật pháp vào đời sống để giải nghiệp như thế nào?
- Trước khi đến với thiền môn, Thanh đã bị hại te tua, bị “đánh” nặng nề lắm. Nào bùa ngải, nào tà ma thay nhau đánh hội đồng (cười).
Mọi người khuyên Thanh vào chùa. Khi vào chùa, Thanh thấy hết thật. Vì vậy năm ngoái Thanh rất ít hát mà đi cúng trai đàn chẩn tế, đi chùa rất nhiều.
Thanh đã tâm sự với quý thầy: Tại sao con mắc phải nghiệp này, con đâu có hại ai. Quý thầy dạy rằng đây là do nghiệp tiền kiếp, một phần vì có người ganh tỵ sự nghiệp, một phần vì tánh tình tôi quá nóng, nói thẳng thắn quá nên người ta trả thù. Có lúc giận quá Thanh đánh họ luôn, quý thầy khuyên Thanh phải chấm dứt nghiệp chướng này và phải tập sống một cuộc đời hướng thiện và nên vào chùa tham dự các khoá tu tập nhiều hơn.
Thanh chấp nhận tất cả những nghiệp chướng của mình nhưng từ lúc quy y tự nhiên Thanh gặp được những vị thầy rất giỏi, cả thầy pháp bên ngoài không trị được mà quý thầy chỉ cần cúng, thuyết pháp, giải nghiệp và cho họ vào chùa nghe kinh, quy y theo Phật là Thanh hết ngay. Một năm sau này Thanh đã khỏi hoàn toàn.
Trong khi giải nghiệp, Thanh có gặp khó khăn không?
- Dĩ nhiên có. Có lẽ nghiệp kiếp trước của Thanh rất nặng nên kiếp này sanh ra tánh tình nóng nảy và đôi lúc hung dữ. Thanh đã nghe lời thầy nhẫn nhịn và chấm dứt nghiệp tại đây. Năm ngoái trước khi quy y Thanh còn đánh nhau, gần tết rồi mà Thanh còn vào bót công an ngồi hai trận vì tánh tình hung khí của Thanh không bỏ được. Từ ngày quy y rồi Thanh đở hẳn ra, vì Thanh đã hiểu được cái nghiệp của mình.
Quy y Phật rồi thấy con người mình đằm thắm, điềm tĩnh. Thậm chí có người nói Thanh đằm thắm quá người ta sợ, vì khi điềm tĩnh Thanh không còn đánh bằng tay chân mà bằng sự chuyển hóa. Thanh đem Phật pháp nói thẳng vào tâm thì họ rất sợ. Vừa rồi có người muốn hại và Thanh đã với họ rằng: Anh chị đã dùng cây viết như con dao, viết sai sự thật cái đó gọi là vô lương tâm, tức người không có tâm mới viết bài như vậy. Anh chị hãy vào chùa một lần nghe quý thầy nói chuyện đi rồi các anh chị hãy cầm viết, chắc chắn lúc đó sẽ không còn sai lầm nữa. Các anh/ chị bưng nghiệp đổ vào người khác trong khi các anh cũng có nghiệp, tôi cũng có nghiệp. Thanh chỉ nói vậy thôi mà người ta không dám viết.
Phải nói một điều rằng nếu ai biết đem Phật pháp ứng dụng vào cuộc đời thì người đó sẽ rất thành công. Thanh cũng vậy, cả năm nay không ai hiểu Thanh đã làm gì, sắp tới Thanh sẽ làm gì, tánh tình cũng thay đổi hẳn khiến mọi người thắc mắc, ngạc nhiên, rồi nể phục. Khi mình tích lũy được cho mình vốn sống cần và đủ trong tinh thần chuyển hoá, điều đó hay hơn nhiều khi cái gì cũng nói ra. Bây giờ Thanh đi đường dài bằng những gì Thanh “im lặng trong thiền định” như đức Phật đã dạy.
Đạo Phật trong đời sống người Việt hiện nay
Đạo Phật rất chú trọng về nội tâm. Với một nghệ sĩ có cần những khoảng lặng? Giữa đạo Phật và người nghệ sĩ chị có thấy điểm nào giống nhau?
- Hiện nay bên cải lương, các nghệ sĩ tên tuổi như Lệ Thủy, Bạch Tuyết, Thanh Kim Huệ, Ngân Huệ… tu tập, tham thiền rất nhiều. Bên ca nhạc hiếm thấy, dù họ rất muốn học thiền nhưng vòng tham, sân, si xoay người ta nhiều quá nên không có thời gian tu tập. Dù vậy, cũng có những người hiểu được điều đó, tìm cho mình một khoảng thời gian ngồi tĩnh tọa, quay lại với chính bản thân. Với Thanh, mục đích đến chùa không phải vì thành Phật, mà để mỗi ngày phát hiện ra ở mình những tánh khó ưa, nóng nảy, cáu gắt… để sửa. Thanh tu là để sửa tâm, sửa tính lại thôi.
Nghĩ đơn giản, Thanh thấy mình giống Tề Thiên, vừa tu vừa đánh lộn. Trong Tây Du Ký có bốn thầy trò tượng trưng cho bốn đức tính khác nhau, chắc Thanh nằm ở chỗ Tề Thiên, tức là Phật Đấu Chiến Thắng, chiến thắng đó là chiến thắng tà tâm. Thanh cũng không dám mơ mình là Đấu Chiến Thắng Phật, chỉ cần được đứng kế bên chân Phật là Thanh thấy vui, thấy hạnh phúc lắm rồi. Ngày xưa chưa hiểu Thanh thấy mọi thứ rất bình thường, giờ đây khi đã là con Phật mỗi lần chiêm ngưỡng Ngài, Thanh thấy lòng phơi phới, thấy rất thanh thản nhẹ nhàng.
Một Phương Thanh ngày xưa sôi nổi, bốc lửa, một Phương Thanh bây giờ đằm thắm, dịu dàng và hiền nữa. Vậy thì hai Phương Thanh ấy có gì khác nhau?
- Cuộc sống của Thanh bây giờ là đi chùa một phần, hát một phần và ở nhà một phần. Thanh không sống dồn dập nữa, nếu người ta mời hát nhiều quá thì Thanh từ chối. Cuộc đời Thanh sanh ra nhằm số nhà nghèo, khổ nhưng rất vui, làm như Thanh vui vì trả được nghiệp. Đạo Phật đã cho Thanh những niềm vui giản dị, những niềm vui bình thường nhất trong kiếp sống của một con người. Hiện tại Thanh rất hạnh phúc, người yêu rất thương Thanh, cho Thanh tất cả, và đặc biệt người đó một lòng theo Phật.
Thanh bây giờ là người hạnh phúc nhất, sự nghiệp vẫn giữ được, dù không “hot” như ngày xưa nhưng Thanh “hot” kiểu khác, Thanh có gia đình, có tình cảm, có tiền đều đều tức cái gì cũng tốt nên Thanh rất an lạc. Ngày xưa Thanh chỉ có sự nghiệp ngoài ra không có gì, bây giờ Thanh có tất cả. Cám ơn cuộc đời đã cho tôi gặp Phật.
Nghe Phương Thanh nói như vậy chắc là cuộc sống hiện tại của chị rất hạnh phúc? Chị có thể chia sẻ về cảm giác này với tất cả bạn đọc gần xa?
- Tâm trạng của Phương Thanh bây giờ rất thoải mái và an lạc. Nếu tâm không bình yên, tâm không thu xếp được tất cả mọi vấn đề để có được cái tâm yên tĩnh thì rõ ràng tướng của mình sẽ còn khổ mãi. Nên dạo này khán giả cứ khen Phương Thanh trẻ hơn, xinh hơn… Thật ra không có một vị thuốc tiên nào giúp Thanh mỗi ngày một tươi trẻ như Thanh đã tìm thấy sự bình yên trong cuộc sống, Thanh đã chấp nhận những gì mình đang có, từ đó Thanh thấy cuộc đời ngày thêm hạnh phúc và bình an. Khi tâm bình yên thì tướng mình sẽ thay đổi.
Cám ơn Thanh về buổi trò chuyện, chúc Thanh luôn an lành trong ánh hào quang từ bi và trí tuệ của Phật.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
“Điều cần thiết nơi phẩm hạnh của người Thầy là đạo đức và tình thương”
Phỏng vấn 11:00 20/11/2024Đó là lời chia sẻ chân thành của Đại đức Thích Quảng Tịnh, trụ trì chùa Pháp Lạc ( xã Giang Điền, H.Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) với Phatgiao.org.vn nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Voice talent Nguyễn Bình Nguyên - “Kẻ Trộm Hương”: “Sách của Thiền sư Nhất Hạnh dễ hiểu, dễ ứng dụng”
Phỏng vấn 09:51 15/11/2024Nguyễn Bình Nguyên (sinh năm 1989), nickname “Kẻ Trộm Hương” - một voice talent - vừa đọc lại cuốn sách “Đường xưa mây trắng” của thiền sư Thích Nhất Hạnh được nhiều người đón nhận.
Phật tử Phạm Trọng Đạt: “Nhờ thuyền từ Bát-nhã, con vượt qua nỗi đau mất 2 người thân nhất”
Phỏng vấn 10:33 10/11/2024Phạm Trọng Đạt, sinh năm 2001, pháp danh Pháp Hạnh - là một Phật tử thuần thành, thường làm các thiện sự và đặc biệt có duyên thân cận với các bậc tôn đức đạo cao đức trọng.
Thượng tọa Tâm Định: “Phật giáo xứ Thanh để lại dấu ấn đẹp trong lòng dân tộc”
Phỏng vấn 15:43 26/10/2024Trong hai ngày 30 và 31/10 và 1/11 tới, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thanh Hóa tổ chức Đại lễ Kỷ niệm 40 năm thành lập (1/11/1984 – 1/11/2024). Nhân sự kiện đặc biệt này Cổng thông tin Phật giáo thuộc GHPGVN (phatgiao.org.vn) đã có trao đổi cùng Thượng tọa Thích Tâm Định, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh.
Xem thêm