Cảm đức từ bi
Đó là ngày đủ duyên, tôi có mặt tại chùa Phổ Quang (TP. Hồ Chí Minh) đúng ngay buổi công chiếu bộ phim điện ảnh Phật giáo về hành trạng của cố Đại lão hòa thượng Thích Trí Tịnh. Từ những tình tiết khắc họa về lòng từ bi của hòa thượng đã “đánh động” rất lớn vào tâm tôi.
Thời điểm ấy, tôi là một người vừa mới tiếp cận Phật pháp một cách bài bản. Dù còn nhiều bỡ ngỡ với các nghi thức và lời kinh kệ, như “gã cùng tử” đã “bỏ nhà” ra đi quá lâu, có chút sợ sệt, ngỡ ngàng trước những oai nghi, mực thước trong từng lời nói, hành động từ quý Chư tôn đức Tăng, Ni và Phật tử thuần thành. Nhưng lạ thay, mỗi khi hồi chuông trống bát nhã nổi lên, sâu thẳm trong tôi như có tiếng réo gọi của “người đưa đò” từ bờ bên kia sông vọng về. Tôi hướng mắt chăm chú về tôn tượng Đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật nơi chánh điện mà từng tế bào như được tươi nhuận từ một nguồn sáng vô cùng từ ái.
Tôi tin rằng, mỗi chúng ta dù có những tập khí nhiều đời kiếp, từ đó khởi lên thành hiện hành, dẫn đến cuộc đời không ai giống ai. Nhưng chắc chắn trong tự tánh, chúng ta đồng nhau, đều sẽ gặp lại, hỗ trợ nhau nếu chịu bóc tách phần trần lao, nghiệp chướng đan xen che lấp. Để căn lành, mầm bồ đề được hé nở, trưởng dưỡng trong giáo pháp của Đức Thế Tôn với việc: tín, thọ, phụng, hành bằng niềm tin chân chánh vào Tam Bảo: Phật, Pháp, Tăng và tin nơi bản thân mình có khả năng đạt đến sự giác ngộ, giải thoát.
Theo tôi, một trong những dưỡng chất giúp niềm tin Phật pháp thấm đẫm trong lòng mọi người, để cho “niềm tin là mẹ sinh ra các công đức”, thì tình thương, từ - bi - hỷ - xả là cách thể hiện và tiếp cận gần gũi nhất với phần lớn mọi người, dù cho họ có theo đạo Phật hay không. Lúc xưa, nội tôi và các cụ già trong xóm không có đủ điều kiện học hành để tự đọc hiểu rành rẽ từng ngữ nghĩa của lời kinh, nhưng nhờ gặp gỡ được các vị thầy sống thanh cao, mà tự động phát tâm, nghe theo, làm theo lời thầy chỉ bảo. Như hình ảnh Đại lão hòa thượng Thích Phổ Tuệ thanh bần lạc đạo, trí tuệ uyên thâm, cả một đời nuôi thân chủ yếu bằng nghề làm ruộng, chưa từng dám lạm dụng một bát gạo, đồng tiền của tín thí thập phương. Nhờ đức độ, công hạnh tỏa sáng của ngài và nhiều bậc cao tăng mà những “ông bà già quê” càng tin tưởng Phật pháp, càng tâm niệm sống hiền, sống tốt, sống vì tình thương để đức cho đời sau, hết lòng thành tâm niệm Phật, cả một đời thắp nhang cúi lạy không sót một ngày. Bởi vậy tôi thấm ngay ý nghĩa lời dạy của cố Đại lão hòa thượng Thích Trí Tịnh: “Thông minh hiểu biết nhiều, coi chừng không bằng ông già, bà lão ăn chay niệm Phật”. Từ những người bà, người ông chân chất, sống với cả một trái tim thuần lành hướng Phật như thế, mà gieo vào lòng con cháu một tinh thần từ bi theo đạo lý dân tộc “thương người như thể thương thân”. Để đạo Phật in hằn trong cội rễ tâm thức qua bao thế hệ. Nhờ vậy, mạng mạch chánh pháp vẫn âm thầm chảy trước những biến chuyển thăng trầm của thời cuộc theo một cách rất riêng, rất đậm đà bản sắc truyền thống.
Cũng như trong lịch sử nước nhà, chính nhịp đập của trái tim từ bi đã viết nên những trang sử vẻ vang với các nhân vật huyền thoại như thiền sư Khuông Việt, thiền sư Vạn Hạnh, Trúc Lâm Tam Tổ… kết thành một dòng chảy miên viễn. Đó còn là Nguyên phi Ỷ Lan, từ cô “thôn nữ hái dâu” đã trở thành một bậc nữ nhi lưu vang trong sử sách về tài trị quốc an dân, về tấm lòng thương yêu dân chúng, mở kho cứu đói. Nhiều nhận định cho rằng, bởi bà là người sùng đạo Phật nên tâm hồn thấm nhuần tư tưởng từ bi. Hay vua Trần Thái Tông - vị vua Trần đầu tiên tu hành theo lời Phật dạy, lấy từ bi làm tông chỉ trị quốc, đem Phật pháp giáo hoá cho dân chúng thực hành cũng do sự khai ngộ và cảm ân đức của Thiền sư Phù Vân ở núi Yên Tử thể hiện qua câu phát nguyện: “Cảm đức từ bi để nghìn kiếp nguyền cho thân cận. Đội ơn tế độ, nát muôn thân, thề chịu đắng cay”. Và cả “trái tim bất diệt” của Bồ tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân để đạo pháp trường tồn, cho chúng sanh an lạc, đã gieo trong lòng rất nhiều thế hệ Tăng, Ni, Phật tử, những người con Việt Nam và trên thế giới sự kính ngưỡng về một “đóa sen tươi thắm bất nhiễm” giữa lòng các pháp hữu vi giả tạm.
Bằng cái nhìn của niềm tin, hẳn nhiều đạo hữu có chung cảm giác rằng, các bậc tiền nhân, liệt vị tổ sư vẫn hiện hữu trong tâm thức, vẫn dõi theo và chở che cho công cuộc xiển dương Phật pháp nước nhà và toàn nhân loại. Các vị đến và đi bằng tâm từ ái, như chính Đức Phật đã thương yêu chúng sanh như vậy. Vì lẽ đó, mà khi đọc tụng kinh Diệu Pháp Liên Hoa, sau những câu chữ trên giấy, một ngày khi đến phẩm Diệu Âm Bồ Tát, đoạn Ngài Diệu Âm đến bạch rằng: “Thế Tôn! Đức Tịnh Hoa Tú Vương Trí Phật hỏi thăm Đức Thế Tôn ít bịnh, ít khổ, đi đứng thơ thới, sở hành an vui chăng?”, “Việc đời nhẫn được chăng, chúng sanh dễ độ chăng?”, tự dưng trái tim tôi như đập nhanh hơn, thấy tình thương ngập tràn nhiều hơn. Từ lược giải về kinh Pháp Hoa của Trưởng lão hòa thượng Thích Trí Quảng, càng giúp tôi thông suốt cho cảm giác đó. Như thấy cảnh tượng một người con bé bỏng đang trở về vòng tay ôm ấp của người cha. Mà người cha ấy đã và đang chịu đựng mọi độc dữ bủa vây của cõi người để mong sao các con mình sớm ngày tỉnh ngộ và giải thoát. Không một lời oán trách, ngược lại chính lòng từ bi của Đức Phật càng rạng tỏa hơn và kiên nhẫn để cảm hóa, soi dẫn cho nhân sinh vượt qua biển mê tìm đến bờ giác bằng nhà thanh tịnh Như Lai, áo trí tuệ Như Lai, tòa chân như Như Lai. Thế nên, một trong ba tướng đặc biệt của Đức Phật mà người thường không có, chính là tướng kiết tường hình chữ Vạn ở giữa ngực luôn phóng ra ánh hào quang màu hồng. Thể hiện rằng, tình thương của Phật hiển lộ ra bên ngoài với muôn loài, khiến cho tâm ác lắng lại và tâm tốt sinh trưởng. Còn chúng ta, nhìn lại tình thương chỉ nằm vỏn vẹn trong con tim nhỏ bé, vậy mà còn bị nghiệp thiện ác ngăn che.
Từ hiểu và thương Phật như vậy, bằng trái tim cảm mến triết lý Phật pháp, tôi nương theo lời Phật dạy mà hành trì, hướng tâm mong được chư Phật soi sáng để mỗi ngày những cái nhìn sai lệch, nghiệp dần rơi rụng. Và nhờ tình thương được giáo dưỡng trong Phật pháp của những người thân, người quen biết quanh tôi, từ đạo hạnh của những vị thầy sống “tốt đời đẹp đạo” đã cộng hưởng cho tôi biết quay về yêu thương từ trong tâm, yêu thương theo góc nhìn quán sát nhân duyên và hoà nhập yêu thương đó vào trong từng hành động sống với nhiều việc làm lợi lạc không chỉ cho bản thân mà còn giúp được người khác trong khả năng của mình. Cũng như nhờ tình thương, tính ứng dụng sâu rộng của Phật pháp mà rất nhiều thế hệ Chư tôn đức Tăng, Ni, Phật tử, những người yêu mến đạo Phật đã tiếp nối được những hạnh nguyện cao cả, lòng từ bi vô bờ bến của Đức Phật mà tỏa rộng đến trái tim của mỗi chúng sanh. Để lớp lớp nhịp đập, vượt không gian, vượt thời gian cùng hiện hữu trong pháp thân Phật, tâm truyền tâm đến mãi muôn đời.
*Bài dự thi được gửi từ tác giả Tánh Pháp - Đặng Tiểu Vũ, địa chỉ: 5/2C Nguyễn Văn Côn, Khu phố 1, Phường 3, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang.
Bài tham gia cuộc thi viết “Đạo Phật trong trái tim tôi” do Ban TT-TT TW & Cổng thông tin Phật giáo Việt Nam phát động. Đạo hữu, Phật tử hoan hỉ gửi bài viết dự thi về email: info@phatgiao.org.vn.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Chia sẻ của nữ tiến sĩ Văn học sau một tuần tu tập tại Làng Mai
Đạo Phật trong trái tim tôi 10:39 19/11/2024Nữ nhà văn đã nghiệm ra một chân lý vô cùng quan trong để cả quãng đời sau này, bà có thể sống trọn vẹn những phút giây hân hoan, của một người hiểu rõ THẾ NÀO LÀ HẠNH PHÚC?
Viết về Đức Phật Dược Sư - thành Quảng Nghiêm một thuở…
Đạo Phật trong trái tim tôi 16:50 31/10/2024Theo tinh thần của Phật giáo Mahayana (Phật giáo Phát Triển) và Phật giáo Vajrayana (Phật giáo Kim Cương thừa) thì Đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang là một vị Phật-đà với hạnh nguyện rộng lớn, sẵn sàng xoa dịu những trái tim cằn cỗi đau thương, luôn luôn dang tay cứu độ hết thảy muôn loài trầm kha ngũ thú.
Thiền sư Yantra Amaro - người không nói gì mà pháp tự tuôn chảy
Đạo Phật trong trái tim tôi 10:23 18/10/2024Cũng như bao người trong khán phòng, tôi ngồi đợi từ sớm, rồi cảm giác như có một ngọn gió nào vừa nhẹ đến lan vào trong phòng, trong những tiếng thì thào rất khẽ của những người đang ngồi quanh tôi. Ô, thì ra ông đã đến.
Thiền sư Nhất Hạnh kể chuyện “chiếc áo ba mươi bảy kiếp khổ hạnh”
Đạo Phật trong trái tim tôi 11:09 16/10/2024Có những chiếc áo không bao giờ xấu và cũ. Tôi có một chiếc áo nâu đã sờn rách và bạc màu, nhưng tôi quý hơn tất cả những chiếc áo khác của tôi.
Xem thêm