Chữ “nghiệp” trong đạo Phật
Trong Truyện Kiều, cụ Nguyễn Du đã mở đầu bằng hai câu: Đã mang lấy nghiệp vào thân,/ Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa. Chỉ hai câu đó thôi, chúng ta thấy cụ Nguyễn Du đã thâm nhập rất sâu ý nghĩa nghiệp của đạo Phật.
Bởi vì với quần chúng bình dân, lâu nay khi gặp những hoàn cảnh bất hạnh đến dồn dập, thì luôn thán oán đất trời đã làm cho họ khổ.
Nhưng với cái nhìn của cụ Nguyễn Du, không phải trời đất làm cho mình khổ, mà chính nghiệp của mình làm cho ta sướng hay khổ.
Biết được nghiệp ấy rồi, tự mình chuyển hóa bằng cách tu tập sửa đổi, chớ không nên than trời trách đất.
Đó là một lẽ thực. Con người luôn có bệnh đổ thừa, không chịu trách nhiệm. Mình làm gì không tốt không hay, đến khi cảnh khổ dồn dập tới thì đổ tại trời khiến, Phật xui, mà không chịu nhận tại mình.
Ta làm không tốt nên quả không tốt đến là một điều hiển nhiên hợp lý thôi.
Vậy mà mình cũng oán trách trời đất mới lạ chứ!. Học hiểu đạo rồi, chúng ta phải chuyển đổi nghiệp xấu thành tốt, cái dở thành cái hay, đó là tu.
Đừng thán oán trách trời, trách đất mà phải trách mình trước tiên.
Những gì mình đã làm, ngày nay kết quả đến đúng như hành động của mình, không sai chạy.
Người không khéo tu, không nói lành, làm lành, nghĩ lành nên mọi người chung quanh ghét bỏ.
Khi bị mọi người ghét, kẻ ấy lại đổ thừa tại trời xui, Phật khiến cho người ta ghét mình.
Có phải vô lý không?
Như thế nào được gọi là chuyển nghiệp?
Cho nên khi thấy người ta không thương mình thì phải tìm lý do tại sao như vậy. Vì mình không tốt, không giúp đỡ ai hết làm sao người ta thương mến gần gũi được. Như vậy đâu phải Phật trời xui khiến. Thế mà lâu nay chúng ta đổ thừa, thán oán Phật trời, như vậy có đúng không?
Đó là chỗ sai lầm do không hiểu biết đúng mà ra.
Với Nguyễn Du, Cụ đã thấy rõ điều đó nên không ngạc nhiên với chuyện tốt xấu lành dữ của mỗi người.
Do nghiệp chi phối dẫn dắt mà có các cảnh tốt xấu, chớ không phải một đấng thần linh nào tạo ra.
Sự thực tất cả đều do con người, tự làm rồi tự chịu.
Vì vậy người đời khi thấy ai khổ thường nói: “tội nghiệp quá”.
Hai chữ tội nghiệp nói lên ý xót thương người kia vì mê lầm tạo tội lỗi, bây giờ bị quả báo phải trả nghiệp nên chịu khổ đau.
Rõ ràng tinh thần nhân quả của đạo Phật đã thấm tận xương tủy dân ta .
Nếu thấy những người sinh ra trong gia cảnh tốt, khá giả, con cháu học hành đỗ đạt, thăng quan tiến chức, thì người ta mượn câu ca dao này để khen ngợi:
Bởi chưng kiếp trước khéo tu
Ngày nay con cháu võng dù nghênh ngang.
Võng dù đó không phải ngẫu nhiên được, mà do trước kia khéo tu, đã tạo nghiệp lành, tạo phước đức nên ngày nay con cháu mới được thừa hưởng như thế, chớ đâu phải chuyện ngẫu nhiên.
Nên nhớ nghiệp từ lời nói, hành động, ý nghĩ mà ra nên ta phải thường xuyên quán sát ba nghiệp của mình.
Lời nói, hành động, ý nghĩ xấu tạo thành nghiệp ác, thì sẽ chuốc quả ác.
Lời nói, hành động ý nghĩ tốt tạo thành nghiệp lành thì được hưởng quả tốt.
Như vậy nghiệp có thể chuyển đổi được.
Như ta biết mọi người ghét mình vì lời nói không hay, cộc cằn.
Bây giờ muốn mọi người thương, ta sửa lại nói những lời hiền lành, dịu dàng, hòa nhã.
Như vậy chuyển ghét thành thương là chuyển khẩu nghiệp hoặc thân nghiệp của mình.
Miệng đã làm cho người ghét, thì bây giờ cũng chính miệng đổi lại làm cho người thương.
Chứ cứ đổ thừa trời đất thì biết chừng nào ta mới sửa đổi những thói hư tật xấu của mình.
Thấy người ta ghét nói tại trời khiến, như thế thì sẽ không bao giờ sửa lỗi.
Biết vậy rồi chúng ta chuyển đổi lại, bỏ những lời hung ác dữ dằn, nói lời hiền hòa đức hạnh thì tự nhiên mọi người chung quanh sẽ thương mến.
Đó là người khéo tu.
Chúng ta nhìn nhận nghiệp do mình làm nên có các quả khổ thì mới sửa đổi được.
Còn đổ thừa cho trời thì vô phương cứu chữa, bởi biết trời ở đâu mà tìm để xin sửa.
Đó là lẽ thực.
Như ý mình ganh ghét người này oán thù kẻ nọ thì chắc chắn người ta không thương mình được.
Bây giờ muốn người ta thương thì mình phải chân thành thương mến mọi người.
Chân thành nghĩ điều lành, làm việc lành, giúp đỡ mọi người, không oán ghét ai thì làm gì có chuyện người ta ghét mình.
Nghiệp từ thân, miệng, ý mà ra thì cũng phải từ thân, miệng, ý mà thay đổi.
Có thay đổi là biết tu, không thay đổi là không biết tu.
Vậy tu là chuyển ba nghiệp ác thành ba nghiệp thiện, chớ không có gì khác.
Cụ Nguyễn Du đã thấy rõ lẽ đó, nên mới nói:
Đã mang lấy nghiệp vào thân
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Thân và tâm chính là cánh cửa để người học Phật bước vào chân lý
Kiến thức 17:05 22/11/2024Người học Phật phải lấy thân này làm nơi để thực hành giới, lấy tâm này làm nơi để thực tập định và tuệ. Khi thân và tâm được thanh lọc qua quá trình thực hành, thì người học Phật cũng từng bước đi đến sự giác ngộ và giải thoát.
Tu hành là gì? Như thế nào gọi là tu hành?
Kiến thức 10:00 22/11/2024Mọi người nhất định không nên hiểu lầm, hiểu sai đi ý nghĩa của hai chữ tu hành này. Như thế nào gọi là tu hành?
Bố thí sinh phiền não
Kiến thức 09:32 22/11/2024Thuở xưa, khi mà Ngài Xá-lợi-phất đang tu Bồ-tát đạo, công phu tu tập chưa được vững. Một hôm có người Bà-la-môn đến thử Ngài. Họ nói: - Người tu hạnh Bồ-tát cần phải bố thí. Tôi nay có chút việc đến xin Ngài giúp cho.
Tâm là gì?
Kiến thức 09:16 22/11/2024Trong chữ Hán, chữ (心) được mô tả bằng bốn câu thơ như sau: “Tam điểm như tinh tượng/ Hoành câu tợ nguyệt tà/ Phi mao tùng thử đắc/ Tố Phật dã do tha”.
Xem thêm