Chuyển nghiệp - Thỏa hiệp với nghiệp
Tu là chuyển nghiệp sẽ dẫn đến kết quả thực tế như thế nào trong cuộc sống tu hành của chính tôi.
Năm 1954, lúc tôi mới đến chùa Phước Tường ở Thủ Đức để học lớp Phật học sơ đẳng do Hòa thượng Bửu Ngọc dạy. Phải nói lúc đó tôi quê mùa nhất trong các ông đạo, chưa biết một chữ Hán nào cả và bộ luật Trường hàng mà Hòa thượng Bửu Ngọc dạy, tôi cũng chưa biết, trong khi các huynh đệ đang học bộ luật này. Vì thế, tôi phải học với các huynh đệ đi trước, trong đó có thầy Nhựt Thành thông minh nhất lớp. Vì không đọc được chữ Hán, nên tôi chỉ nghe thầy giảng và ráng nhớ. Đến giờ nghỉ, tôi nhờ bạn dạy chữ Hán.
Học được chữ Hán nào thì ráng nhớ, vì không có sách, không có tập. May mắn là tôi được Hòa thượng cho quyển lịch cũ chữ Tàu, nhờ mặt trái của tờ lịch không có chữ, nên tôi dùng để viết. Với quyết tâm học, chẳng bao lâu tôi học kịp bạn. Thầy dạy gì, tôi đều hiểu.
Có thể khẳng định rằng chịu cực học như vậy và có ứng dụng vào đời sống tu của mình, nên tôi gặt hái được kết quả thấy rõ. Kết quả đó gọi là chuyển nghiệp. Cái nghiệp quê mùa, dốt nát, thô lỗ của cậu bé nhà quê mới đi tu đã được thay đổi dần theo mức độ ngấm Phật pháp vào thân tâm tôi. Một số huynh đệ khác không tiến tu được vì Phật pháp không ngấm vào tim óc, vào cuộc sống họ. Và khi Phật pháp không thấm vào lòng, trần lao nghiệp chướng dễ phát sinh.
Thật vậy, trên bước đường tu, nếu không thích thú kinh điển, không thích thú hành trì pháp Phật, trần lao nghiệp phải sanh ra. Vì thế, tôi thấy các huynh đệ chờ có cơ hội trốn tránh thời khóa, công tác, hễ trốn được là trốn liền bằng cách giả vờ bệnh. Riêng tôi, bệnh thật cũng cố gắng không bỏ thời khóa, không trốn ngồi thiền.
Sự quyết tâm tu học đã chuyển đổi được cái nghiệp bệnh hoạn của tôi vào đầu hạ trở thành khỏe mạnh ở cuối hạ. Còn huynh đệ giả bệnh, chẳng bao lâu bị bệnh thật, đó là sự biểu hiện của nghiệp bắt đầu phát sinh. Ngoài ra, nhờ ham học giáo lý, hiểu được giáo lý và tin tưởng lời Phật dạy, ứng dụng được trong cuộc sống, tôi gặt hái nhiều thành quả tốt đẹp. Trước nhất là tánh ngang bướng, thô lỗ, kỳ khôi của chú bé nhà quê được pháp Phật quét sạch sau ba tháng an cư. Từ đó, bắt đầu được thầy thương, bạn mến, đó là dấu hiệu của nghiệp hết, phước sanh. Vì thế, Hòa thượng Bửu Ngọc chọn tôi và thầy Nhựt Thành gởi vào Phật học đường Nam Việt ở chùa Ấn Quang để tu học.
Từ chùa nhà quê được vào sống tập thể ở chùa thành phố là bước thứ hai giúp tôi tiến thêm. Sống tập thể đương nhiên khó hơn ở chùa riêng. Nhất là Phật học đường Nam Việt có kỷ luật rất nghiêm và cũng rất khó khăn về kinh tế từ năm 1955 đến 1965. Vì lúc đó, Tổng thống Diệm đã ra lệnh dẹp bỏ Phật giáo vào năm 1963. Phải nói việc tu học trong giai đoạn này bị chính quyền đàn áp, chà đạp.
Lúc được vào Phật học đường Nam Việt, tôi cố gắng học để theo kịp bạn, cố gắng tu hành bằng cách tăng thời khóa tu của riêng mình. Vì nỗ lực quá sức, nên sau ba tháng an cư, tôi và thầy Nhựt Thành đều bị nám phổi. Một số huynh đệ nghĩ rằng tại tụng kinh, thức khuya, dậy sớm, học bài, thiếu ăn…, tại đủ thứ, nên mới bị suy kiệt và ho lao. Những người nghĩ như thế không có niềm tin Tam bảo.
Riêng tôi nghĩ rằng bệnh là do túc nghiệp của mình, nhứt định phải khắc phục. Vì bị ho lao, tôi phải sống biệt chúng và sang ở chùa Giác Ngộ với Hòa thượng Nhứt Niệm cũng ho lao. Cùng một bệnh nên tôi và ngài không có gì để sợ nhau, có thể giúp đỡ nhau. Còn huynh đệ khác sợ mình lây bệnh nên không dám ăn chung, không dám nói chuyện với mình. Lúc chưa bệnh, tôi thích ngồi bàn đầu để gần thầy, nghe cho dễ; nhưng bị bệnh rồi, không được vô lớp, phải ngồi ngoài và ráng lóng nghe thầy giảng.
Hòa thượng Nhứt Niệm chuyên tu, không học nhiều. Tôi và ngài đều có quan niệm đồng nhau là phải cố gắng tu mới chuyển được nghiệp. Hòa thượng khất thực xong, về dùng cơm trưa và kinh hành niệm Phật, tọa thiền liên tục đến ba, bốn giờ chiều, không nghỉ trưa. Tôi may mắn gặp ngài có tâm tu như vậy, cũng được ảnh hưởng theo. Mỗi ngày lạy sám hối là thời khóa riêng của tôi, ít nhất cũng lạy 200 lạy, còn đủ sức thì lạy 300 đến 400 lạy. Lạy hết bộ Vạn Phật, tôi lại thấy khỏe ra.
Lạy Phật suốt ba tháng an cư xong, đi khám bệnh, bác sĩ nói: “Phổi của chú hết nám rồi!”. Quý thầy thử nghĩ xem điều này có lạ không. Trước mình bị nám phổi, huynh đệ nói tại tụng kinh, thức khuya, làm bài… Bị bệnh đáng lẽ phải nghỉ ngơi, dưỡng sức. Nhưng gặp Hòa thượng Nhất Niệm lại bảo “Phải hạ quyết tâm, sống thì tu học, chết theo Phật”.
Tỉnh thức để dạy con chuyển nghiệp thành nguyện
Tụng kinh, lạy Phật, hết bệnh lao, là điều tôi muốn chia sẻ. Mình dưỡng cái thân lại không hết bệnh, nhưng mình hành nó, nó phải thua mình! Thiết nghĩ ý chí phấn đấu đi lên rất quan trọng đối với người tu. Nếu có tâm này, chắc chắn được kết quả tốt.
Hết bệnh, tôi được Hòa thượng Thiện Hòa cho trở về Phật học đường Nam Việt học lại. Lúc bệnh không học, nhưng về dự thi và tôi được xếp hạng 3; trong khi người khác học đàng hoàng, học đến chảy máu mũi mà không đậu. Tôi nghĩ nhờ Phật hộ niệm, mình khỏi bệnh và trí sáng ra, hiểu kinh chính xác, nên được điểm cao.
Lúc còn trẻ, tôi rất ốm yếu. Mỗi lần giảng kinh, mà một tháng mới giảng một lần, nhưng giảng xong, phải nghỉ cả tuần mới lại sức. Tôi cảm giác lúc đó nghiệp chướng mình còn, tham vọng lớn. Tham vọng trần lao đã hành hạ khiến tôi ốm yếu bệnh hoạn.
Anh em tu hành cần nhận ra rằng nghiệp chướng trần lao tự cản trở bước đi lên của mình. Vì thế, làm việc rất cực khổ, nhưng kết quả chẳng được bao nhiêu. Thật vậy, gặp khó khăn lớn, nhưng ý chí mình không cao, nên khó vượt được. Chỉ có cách là hạ quyết tâm, nói đơn giản là thí mạng. Năm 1963, Hòa thượng Thiện Hoa dạy tôi rằng phải làm hết sức, đến bỏ thân mạng, mới thấy đạo. Và tôi nhắc lại cho anh em biết, khi nào mình thử làm việc hết sức, nghĩ không có việc khó, không sợ khó; nói cách khác là liều mạng, đôi khi thành công.
Ngoài ra, nói đến nghiệp khiến tôi nhớ lại lúc mới thọ Sa-di, đọc trong luật có câu của Tổ dạy không được ăn phi thời, tức sau giờ ngọ không được ăn. Vì thế, tôi quyết tâm chỉ ăn một bữa, không ăn chiều. Nhưng trong lúc cơ thể đang ở độ tuổi phát triển mà vụt cắt ngang, nhịn đói như vậy, dịch vị trong bao tử tiết ra khiến mình khởi ý niệm thèm ăn và khi thèm ăn thì nước bọt trong miệng lại tiết ra. Theo quy luật, hai thứ nước này có tác dụng làm tiêu hóa thức ăn để biến thành chất dinh dưỡng nuôi cơ thể mình, nhưng bấy giờ, vì nhịn đói, không có thức ăn, nên nước bọt và dịch vị tác động ngược lại bao tử, bào mòn bao tử khiến tôi cảm thấy luôn đau ngầm ngầm trong bụng.
Vì tu khổ hạnh không đúng phương pháp như vậy, cho nên đến ngày nay bao tử tôi cũng bị yếu. Tôi hỏi thăm các vị Hòa thượng tu khổ hạnh đều bị đau bao tử. Kinh nghiệm của tôi và người đi trước như vậy, nên tôi nhắc quý thầy quyết tâm tu, nhưng điều chỉnh không khéo, phạm sai lầm, sẽ dẫn đến bệnh đau bao tử và nhiều bệnh khác nữa khiến chúng ta khó tiến tu.
Các thầy muốn áp dụng đúng pháp Phật dạy, đầu tiên phải kiểm tra lại cơ thể và kiểm tra nghiệp để điều chỉnh.
Nghiên cứu kỹ các pháp tu, tôi nhận thấy Tổ Thiên Thai dạy rằng không ăn quá nhiều cũng không ăn quá ít và không ăn những gì không thích hợp với cơ thể mình. Bấy giờ mới nhận ra nghiệp của ta và có hai cách giải quyết, một là khắc phục nghiệp. Nếu khắc phục không được thì phải thỏa hiệp, nghĩa là phải sống chung với nghiệp như thế nào cho được an ổn. Thí dụ hai huynh đệ có tính trái ngược nhau mà sống chung với nhau thì phải xung đột, cho nên khắc phục bằng cách diệt nó, hay bỏ đi. Nhưng thực tế không thể nào diệt được, cũng không bỏ đi được, chỉ còn cách phải thỏa hiệp để mình có thể sống chung với họ mà không bị buồn phiền, hay là ít bị phiền não.
Con người cần ăn để nuôi dưỡng mạng sống, nếu không ăn sẽ đói, sẽ bệnh; cho nên, ta phải thỏa hiệp với nghiệp đói này bằng cách không được bỏ đói nó, nhưng ta cũng không ăn nhiều. Ta có thể hóa giải nghiệp đói một cách đơn giản là buổi chiều, khi đói, có thể ăn nhẹ, như ăn vài miếng bánh để nước bọt và dịch vị tác dụng vào bánh sẽ không bào mòn bao tử mình, không gây khó chịu cho mình. Tôi thường sử dụng cách thỏa hiệp với nghiệp, lắng lòng để thấy được nghiệp và hóa giải để nó không gây trở ngại cho mình, thì mình yên thân, mới tiến tu được.
Nếu đã thành bệnh, hay trước khi tu đã có bệnh là túc nghiệp, như người bị bệnh tiểu đường thì một ngày ăn một bữa được hay không. Nếu vì ăn một bữa mà bữa trưa phải ráng ăn nhiều thì đường lên cao, nguy hiểm; nhưng nếu để đói mà đường hạ thấp dưới 70 cũng bị ngất xỉu.
Khi còn sanh tiền, Hòa thượng Siêu Việt kể với tôi rằng ngài tu theo Nam tông ở Campuchia, nếu ăn chiều thì các sư coi như mình phá giới, không được công nhận là sư, nên Hòa thượng phải cố gắng nhịn ăn chiều và ngài đã bị ngất xỉu, vì lượng đường xuống thấp. Thiết nghĩ đối với người bị tiểu đường phải ăn nhiều lần, nhưng có thể ăn ít và ăn đơn giản, không nên ăn nhiều một lần để điều hòa cơ thể.
Trước kia, tôi đã áp dụng phương pháp ăn gạo lứt muối mè, vừa học vừa ăn vài muỗng cơm, vài tiếng lại ăn thêm vài muỗng cơm; cho nên tôi giữ được lượng đường ổn định. Điều chỉnh cơ thể như vậy thành quen, ngày nay tôi không ăn nhiều được nữa và lượng đường trong cơ thể tôi không bao giờ tăng hơn 100. Những lúc tôi làm việc nhiều mà không ăn đầy đủ, lượng đường bị hạ xuống dưới 70, tôi cảm thấy chóng mặt, lúc đó chỉ ăn vài miếng bánh là giải quyết ổn thỏa tình trạng này.
Chúng ta còn thân tứ đại, việc đầu tiên là phải thỏa hiệp với nghiệp của thân, nhưng không cho phép nó đòi hỏi quá đáng. Những đòi hỏi hợp lý cho sự sống còn của thân mạng này theo quy luật tự nhiên của thân người, tất nhiên chúng ta phải chấp nhận để sống chung được với nghiệp thân, nhờ vậy mới tu được.
Tuy nhiên, đối với người có cơ thể tốt, tức không có nghiệp, một ngày ăn một bữa vẫn tốt và tu cao, hai, ba ngày mới ăn một bữa cũng không sao. Các Thiền sư với nếp sống thật thanh đạm, tuy hơi gầy, nhưng các ngài đã thích nghi với đời sống phạm hạnh và vẫn khỏe mạnh. Mỗi người có một nghiệp riêng, phải tự tìm ra nghiệp của mình và tự khắc phục.
Trong những vị tu cao và có cơ thể đặc biệt, có vị suốt đời không ăn cơm cháo, không ăn thực phẩm nấu chín, mà chỉ ăn rau quả tươi, nhưng vẫn khỏe. Chúng ta phải chấp nhận họ hơn ta một bậc. Thỉnh thoảng tôi gặp các Thiền sư cả đời không tắm, nhưng ta không nghe mùi hôi từ họ toát ra. Họ không tắm hay tắm khô, nghĩa là chỉ cần phủi các tế bào chết trên da rớt xuống. Còn tôi một ngày không tắm thì thấy khó chịu, không Thiền được, không ngủ được. Hoặc một tuần mà tôi không cạo tóc, để tóc dài cảm thấy khó chịu, nhưng có người tu cả đời không cạo tóc, đầu họ đống một lớp da dày có thể gỡ rớt ra từng mảng. Tôi có cảm giác họ không lệ thuộc cuộc sống nhiều như chúng ta.
Do nghiệp duyên nào mà con cái đến với cha mẹ trong kiếp này?
Theo tôi, tu hành hơn nhau ở điểm không lệ thuộc cuộc sống. Làm thế nào càng ít lệ thuộc đời sống vật chất càng tốt; trước tiên là không lệ thuộc việc ăn uống, ăn ít và ăn gì cũng được. Còn có nghiệp, phải kiêng cữ đủ thứ, ăn những thứ đụng vô nghiệp mình là không được. Thí dụ bị nhức mỏi thì cữ ăn củ cải, cữ ăn măng tre; nhưng tôi thấy các Thiền sư Nhật thường xuyên ăn củ cải vì củ cải có nhiều đường, nên họ không cần phải ăn cơm nhiều nữa và măng tre có nhiều dinh dưỡng, nên chỉ ăn một mầm măng là nhịn được một ngày không thấy đói, vì họ không có bệnh nghiệp. Đời sống vật chất của bậc chân tu đơn giản, nên họ được tự do, tức giải thoát.
Ý nghĩa giải thoát của đạo Phật là không lệ thuộc. Đầu tiên chúng ta tránh lệ thuộc vật chất. Tuy tiện nghi vật chất tốt, nhưng nếu ta để lệ thuộc nó thì không tốt, vì sống có tiện nghi quen rồi, đến khi không có tiện nghi sẽ cảm thấy bực bội, không sống nổi, thậm chí sanh ra bệnh hoạn về thân lẫn tâm. Như vậy, tự nhiên tạo thêm cho mình cuộc sống bị trói buộc vào tiện nghi vật chất để không được giải thoát, chẳng những không giải nghiệp mà còn tự tạo thêm nghiệp.
Tóm lại, trên bước đường tu, quý thầy cố gắng khắc phục nghiệp của mình. Nếu có thân nghiệp bệnh hoạn, phải biết cách sống thỏa hiệp với thân để giải trừ bệnh nghiệp. Ngoài ra, nỗ lực khắc phục nghiệp của tâm để giữ được Chánh niệm và sống trong Chánh định. Thành tựu được như vậy, chúng ta có thể biết rõ điều huyền bí của muôn sự muôn vật, đó là điều mà người đời cần ở thầy Tỳ-kheo hơn là cần những thứ có trong sách vở.
HT.Thích Trí Quảng
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Chú Lăng Nghiêm: Thần chú uy lực nhất trong Phật giáo
Kiến thức 22:01 22/12/2024Chú Lăng Nghiêm là vua trong các Chú, vì dài nhất và khó nhất trong Phật Giáo. Hầu hết những người xuất gia đi tu, đều phải thuộc lòng Chú Lăng Nghiêm từ lúc mới xuất gia, hoặc cũng có những người thuộc lòng trước khi xuất gia.
Cách tụng thần chú Dược Sư tại nhà Phật tử nên biết
Kiến thức 15:00 22/12/2024Thần chú là bí mật của Chư Phật. Bạn có nhân duyên với chú nào thì tụng chú ấy. Đừng nay tụng Lăng Nghiêm, mai tụng Đại Bi, mốt tụng Dược Sư…
Chép hồng danh Phật sẽ có công đức lớn
Kiến thức 10:57 12/12/2024Chép hồng danh Phật hay chép Nam mô A Di Đà Phật là một trong những phương pháp tiêu nghiệp và giúp tăng phước.
Ngày vía Phật A Di Đà là ngày nào?
Kiến thức 09:11 11/12/2024Ngày vía Phật A Di Đà là ngày tưởng nhớ Đức Phật A Di Đà, tác lễ tri ân công đức mà Ngài đã dày công tạo lập Thế giới cực lạc. Hằng năm ngày vía Phật A Di Đà được tổ chức vào ngày 17/11 âm lịch.
Xem thêm