Có một ngôi chùa trong tim mỗi người
Tu tại gia, tu trong tâm hay đến chùa chiền, cầu xin, lễ lạt thì sẽ đem lại kết quả tốt hơn cho việc tu tập, đó vẫn là băn khoăn của không ít Phật tử trên con đường hướng đến sự giải thoát.
Tu chùa hay tu nhà?
Dân gian ta thường có câu “thứ nhất tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa”. Câu nói ấy thường được hiểu rằng đó chính là “xếp hạng” mức độ khó của quá trình tu tập: Khó nhất là tu “tại gia”, nghĩa là tu ở tại nhà mình và tu chính trong bản thân mỗi người. Tu ở chợ, tức chốn đông người nằm ở mức độ khó thứ hai, còn tu tại chùa là dễ nhất, vì có môi trường, điều kiện thuận lợi cho việc tu tập.
Thực tế, câu nói ấy, tuy cần phải xem lại sự chính xác của ý nghĩa, nhưng tựu trung, đó là câu “nói quá” nhằm cho thấy, tu tại gia, rộng hơn là tu tại tâm là điều mà mỗi Phật tử cần đặc biệt quan tâm, dành tâm sức bởi đó là điều cần thiết trong hành trình tu tập, và cũng là điều không dễ thực hiện.
Thực tế, trong cuộc sống hằng ngày, ta thường bắt gặp những trường hợp phổ biến như sau: Người rất thích đi chùa, rất trọng việc cúng kiếng, nghe đâu có chùa đẹp, Phật thiêng là tìm tới, và vẫn tin tưởng rằng mình là một “đứa con” chân chính của Phật. Thế nhưng, trong cuộc sống thực, những người này lại rất vọng động, tham sân si đủ cả, việc ác không từ. Như thế thì làm sao có thể gọi là thực tâm tu hành, hướng Phật?
Một ví dụ rõ ràng là câu chuyện của đôi vợ chồng doanh nhân - giang hồ Đường Nhuệ ở Thái Bình. Hai vợ chồng được biết đến như một cặp đôi mộ đạo, thường xuyên cúng dường, thăm viếng chùa, thậm chí mời các sư về nhà cúng.
Thế nhưng, mặt trái của một cặp vợ chồng được tiếng là Phật tử mộ đạo lại là những hành vi hết sức tệ hại như hoạt động giang hồ, bảo kê, chèn ép người, ép doanh nghiệp, người dân đến bước đường cùng.
Có thể thấy, mặc dù có vẻ ngoài hết sức chân thành, hướng Phật, nhưng rõ ràng, cả hai vợ chồng Đường Nhuệ không hề thực hiện theo lời dạy của Phật. Họ không thể được gọi là Phật tử chân chính, mà có thể chỉ là những người mượn sự sùng kính với Phật để “trang điểm” cho danh tiếng của bản thân mình.
Có những trường hợp khác, không ít người coi việc “ăn chay niệm Phật” chính là thể hiện rõ ràng của người Phật tử chân chính. Tuy nhiên, nếu người ăn chay, niệm Phật mà đời sống không tu dưỡng đạo đức, làm ra những hành vi tệ hại, thì ăn chay, niệm Phật liệu có ý nghĩa gì trong quá trình tu hành của họ? Không ít cuộc khẩu chiến của những người “thuần chay” đối với người không ăn chay đã nổ ra, trong đó, nhiều Phật tử thuần chay đã buông những lời rủa xả, chỉ trích kịch liệt đối với người không ăn chay. Với cái tâm đầy phân biệt, thiếu độ lượng như thế, thì chắc hẳn đã không đúng với giáo pháp của Phật rồi.
Thờ Phật tại gia và gia tiên có được cúng mặn không?
Ngược lại, rất nhiều người, dù không đi nhiều chùa, không cúng, cầu nhiều và cũng không thường thể hiện ra bên ngoài mình là Phật tử, thậm chí cũng không phải Phật tử, nhưng với phẩm chất đạo đức tốt đẹp, thường xuyên được tu dưỡng, đã có một đời sống chuẩn mực, tốt đẹp và hạnh phúc, đó chính là đã sống đúng chánh pháp rồi.
Trên thực tế, có những Phật tử tu hành rất nhiệt tình, siêng năng lễ chùa, làm công quả… Tuy nhiên, việc nhà lại bỏ bê, chồng con, vợ con không chăm sóc, gia đình ngày càng xa cách, rạn nứt, khiến bạn đời bực tức, khiến con không được giáo dục đúng cách. Đó cũng không phải là người Phật tử chân chính.
Hòa thượng Viên Minh, Trụ trì Tổ Đình Bửu Long đã chia sẻ, mỗi Phật tử cần thực hành lời dạy của Phật ở mọi hành động trong đời sống. Người Phật tử cũng cần phải hoàn thành những trách nhiệm, nghĩa vụ, công việc của mình trong cuộc sống hàng ngày, chăm sóc gia trình trọn vẹn. Còn nếu chỉ hướng đến việc chùa, chiền, kinh sách mà bỏ quên những nghĩa vụ phải có, bỏ bê gia đình thì không phải là một Phật tử chân chính.
Trong kinh Phật cũng có nhắc đến lời dạy của Phật về người Phật tử tu tại gia. Trong đó, người Phật tử tại gia cần thực hiện những bổn phận và trách nhiệm như sau. Thứ nhất là bổn phận với chính mình. Đó là sự tu tâm dưỡng tánh, để cho thân tâm được an lạc, bình yên hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ.
Thứ hai là bổn phận đối với gia đình, người thân. Người Phật tử ngay tại gia đình mình phải góp phần giúp gia đình được hạnh phúc chứ không chỉ “tu” cho riêng bản thân mình, bằng cách hiếu thảo cha mẹ, đối đãi chân thành, tốt đẹp, công bằng, tròn đầy, giữ gìn hòa khí để gia đình luôn có niềm vui.
Giới là nền tảng đạo đức của người xuất gia và tại gia
Phật ở tại tâm
Đề cao vai trò của tu tâm, tu tại gia cũng chính là đề cao sự nỗ lực tự thay đổi từ bên trong của mỗi người, thay vì hướng đến cầu xin bên ngoài. Tuy nhiên, mỗi một con người, trong cuộc sống của mình sẽ phải đối mặt với rất nhiều vấn đề: Sự vất vả mưu sinh, sự cám dỗ của dục vọng, của cái xấu, cái ác, sự tha hóa và thỏa hiệp, và cả những nghịch cảnh mà mỗi con người phải gánh chịu. Trong hoàn cảnh xã hội ngày nay, khả năng làm chủ bản thân của con người trở nên mong manh vì bị kẹt trong nhiều hệ lụy và các sự ràng buộc chằng chịt nối nhau, khiến cho việc tu dưỡng đạo đức, rèn luyện ý chí mạnh mẽ càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Nếu không có ý chí, thiếu trí huệ thì khó mà vững tâm trên con đường tu hành được. Để tu tại gia, tu tâm theo đúng chánh Pháp, người ta cần phải có sự hiểu biết đúng đắn và chân chính về giáo lý đức Phật, và cần đến sự “khai thị” của các bậc tu hành chân chính.
Đại Đức, Tiến sĩ Thích Hoằng Hòa, Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM đã đưa ra những kiến giải cụ thể cho vấn đề này: “Khi đặt ra câu hỏi tu tại gia tốt hơn hay đến chùa tốt hơn, ta sẽ thấy, không có yếu tố nào đúng và đầy đủ tuyệt đối. Đối với người đã biết Phật pháp, hiểu giáo lý thì đi chùa hay không đi chùa không quan trọng, cốt yếu là họ đã tu và sống đúng lời Phật dạy. Tuy nhiên, với những người không biết gì về kinh pháp, giáo lý, thì bảo “chỉ cần tu tại gia, không cần đến chùa, nghe pháp”, đó chỉ là sự chủ quan cá nhân. Người mới bước vào con đường tu, rất cần đến chùa, học đạo để hiểu biết và thực hành kinh pháp, để biết Ngũ giới là gì mà phải giữ gìn, biết đến Bát chánh đạo để có thể thực hành nhằm có được hạnh phúc và giải thoát.
Phật tử tại gia với sứ mệnh hộ pháp và hoằng pháp
Tất nhiên, đi chùa nói đến ở đây là việc đến chùa để học, để hiểu, để thấm nhuần giáo lý. Còn đến chùa để cầu xin, thỏa mãn tâm tham hay mê tín dị đoan, thì trường hợp nào cũng không nên.
Một khi đã là Phật tử thuần thành, thấu hiểu kinh tạng, thì lúc ấy, đối với người Phật tử, điều quan trọng cốt lõi là hướng vào tu tâm. Kinh pháp cũng luôn nhấn mạnh về cái tâm, tu chính ở cái tâm. Kinh Hoa nghiêm có nói “nhất thiết duy tâm tạo”. Nghĩa là mọi thứ đều do tâm mình tạo ra. Nếu tâm thanh bình thì thế giới được thanh bình. Tâm con người mà vọng động, thì thế giới này cũng vọng động.
Nếu đúc kết về việc tu hành theo đạo Phật một cách ngắn gọn, thì có thể khái quát trong 4 câu thơ sau:
Không làm các điều ác
Thành tựu các hạnh lành
Giữ tâm ý thanh tịnh
Là lời chư Phật dạy.
Người Phật tử, đầu tiên cần trừ bỏ các hành vi sai trái, độc ác, tu dưỡng đạo đức. Cao hơn không làm điều ác, chính là thực hiện các việc lành, việc tốt, giúp người giúp đời. Nhưng, trên tất cả, tinh hoa của đạo Phật nằm ở câu thơ thứ ba: Giữ tâm ý thanh tịnh. Giữ tâm ý thanh tịnh, chính là tu dưỡng tâm trong mọi sát na, là khiến tâm ý không vọng động, khởi sanh dục vọng hay điều ác…, đưa tâm về trạng thái trong trẻo bình yên.
Tu tâm, vì thế, chính là cốt lõi trong việc tu hành, cũng chính là cách tu gian khó nhất nhưng là con đường mà nhất thiết mỗi Phật tử chân chính phải đi qua”.
Cư sĩ tại gia với việc đốt vàng mã
Như sư cô Thích Nữ Hương Nhũ, Trụ trì chùa Thiên Quang, Giảng viên tại Học Viện Phật Giáo Việt Nam tại TP.HCM đã chia sẻ: “Đạo Phật không phải thắp nhang để cầu xin, không phải cầm một bó nhang đi khắp các chùa, ở đâu có bàn thờ là cắm nhang vào, nước mắt nước mũi ròng ròng để mong Đức Phật chứng và phù hộ cho mình. Phải hiểu rằng chúng ta về với đạo Phật là để ngộ ra mình xưa nay vốn sống trong vô minh, phiền não, nghiệp chướng và đó là nguyên nhân của mọi khổ đau trong cuộc đời”.
Chùa không ở xa xôi ngoài kia, Phật cũng không ở trên cao vời vợi. Nếu hướng Phật, tu đúng chánh pháp, thực hành lời Phật dạy thì trong trái tim mỗi người đều đã có một ngôi chùa, trong tâm mỗi người đã có Phật đấy thôi.
Mời quý Phật tử xem thêm video: "Hoa sen và thuyết luân hồi của Phật giáo":
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Hạnh nguyện độ tha rạng ngời của Đức Phật A Di Đà
Góc nhìn Phật tử 11:35 14/12/2024Hướng về ngày 17/11 AL, ngày vía kỷ niệm Ngài, là khi những điều thiêng liêng cao cả nhất được tôn vinh, là cơ hội hy hữu để ta hướng tâm về hình ảnh đức Phật, hướng về hình ảnh của một bậc xuất trần thượng sĩ và tam thiên đại thiên thế giới của Ngài.
Tập điều chỉnh chính mình khi phát hiện mình bất ổn
Góc nhìn Phật tử 08:54 03/12/2024Này bạn, khi tâm trạng rơi vào trạng thái bất ổn, uể oải, hoặc cảm giác như năng lượng tích cực trong ta đã cạn kiệt, việc đầu tiên cần làm là ý thức rõ ràng về tình trạng của mình.
Tôi tin nhân quả
Góc nhìn Phật tử 13:57 02/12/2024Từ ngày tôi biết đến Phật pháp, câu kinh dạy về nhân quả: “Muốn biết cái nhân trước, hãy nhìn sự thụ hưởng ở hiện tại. Muốn biết cái quả sau, hãy nhìn việc làm hôm nay” luôn khắc sâu trong tâm trí tôi.
Truyện ngắn: Hương từ chữ bay ra…
Góc nhìn Phật tử 11:17 02/12/2024Mẹ về hưu sau mấy chục năm lăn lộn với nghề. Ngày đi làm cuối cùng để chia tay đồng nghiệp, mẹ mang về một bó hoa nhỏ và mấy tấm bằng khen đạt giải thưởng báo chí toàn quốc trong nhiều năm.
Xem thêm