Đạo Phật giúp con hoàn thiện chữ “người” ở sâu bên trong chính mình
Bố ạ, bố nghĩ sao về việc người trẻ giác ngộ và đi theo Đạo Phật?
Chẳng phải hiếm lần con nghe được những thắc mắc như “Bạn kia trẻ vậy mà quy y cửa Phật sao?”, “Lý do gì khiến cháu quyết định đi theo Phật giáo?”,… những câu hỏi đó thường đến từ mọi người xung quanh với tần suất thường xuyên, là sự quan tâm, hay sự can thiệp thái quá vào cuộc sống của một đối tượng mang trong mình sự khác biệt so với tiêu chuẩn chung của phần lớn cộng đồng dân cư nơi nào đó.
Châu Á nói chung hay cụ thể hơn là Việt Nam, xưa nay vốn nổi tiếng với việc du nhập nhiều đạo giáo và tôn giáo khác nhau, trong đó tôn giáo lâu đời nhất có tầm ảnh hưởng, phổ sâu rộng nhất phải kể tới Đạo Phật.
“Nam mô a di đà Phật…” hay “Mô Phật…” vốn là một câu cửa miệng của đại đa số những người Việt Nam, hay ít nhất là với những người dân tộc Kinh như nhà mình. Năm mới, ma chay, cúng giỗ, bất trắc hay may mắn và mong cầu, con đều thấy mọi người khấn như vậy, ngay cả khi họ chưa để ý rằng câu nói đó đã trở thành phản xã vô điều kiện của họ từ bao giờ. Điều này chẳng phải là sự khẳng định rằng, Phật giáo đã thấm nhuần vào tiềm thức, tư tưởng, suy nghĩ và định hướng của họ hay sao?
Việc biết tới Phật giáo đối với con là một cái duyên và đến bây giờ con vẫn tin đó là một mối lương duyên. Ắt hẳn lương duyên đem lại nhiều điều tốt. Và con luôn tự hỏi điều gì đã khiến con tin tưởng và đi theo Đạo Phật như vậy. Để nhắc lại, việc này bắt đầu từ sự mất mát của một người con yêu thương nhiều lắm... Người ấy là bố, bố biết mà nhỉ? Và chắc chắn đây là một điều không dễ dàng gì để có thể vượt qua sau 13 năm, vì thực tế là đến bây giờ trái tim con vẫn hẫng một nhịp khi nhắc tới bố.
Quay về khoảng thời gian đó, con 6 tuổi, ngồi trong lớp và đang suy nghĩ bố hay mẹ sẽ đón mình khi tan học chiều nay. Và vào buổi chiều nắng vàng hoe mắt ấy, người đến đón con là cô chú hàng xóm, và cô chú dẫn con đi mua khăn tang mặc dù con không ngừng hân hoan được tan học sớm và vẫn thắc mắc cô chú mua nhiều vải trắng vậy về làm gì. Rồi cả sự im lặng đáng sợ khi cô chú nghẹn lại, không thể trả lời con bất kì câu hỏi nào trong suốt dọc đường 3km về nhà. Cảnh đám tang hôm ấy với tiếng kèn trống và tiếng khóc thuê réo rắt, ngay cả bầu trời cao vời vợi cũng không thể kéo tâm trạng con tốt lên chút nào. Bầu trời càng cao thì nỗi trống rỗng trong con càng lớn. Con nhận ra từ nay về sau, con sẽ không bao giờ gặp lại người bố yêu thương con nhất cuộc đời này nữa. Không khí tang thương bao trùm lên gác mái ọp ẹp của nhà mình. Đáng sợ lắm bố ạ.
Mọi việc cứ kéo dài như vậy, đến lễ Phật Đản, mẹ dắt con vào chùa. Ngôi chùa nhỏ thôi, nhưng dưới con mắt của trẻ con, đâu có cái gì mà chúng không tò mò và thán phục? Con bất ngờ không biết tại sao nơi đây thờ nhiều tượng Phật và chia ra nhiều ban thờ như vậy. Mẹ cầm tay con và đi đến ban thờ Đức Ông. Là một người mạnh mẽ nhưng lần đầu tiên những giọt nước mắt của mẹ đã rơi, vì mẹ chưa nén nổi đau thương, vì mẹ vẫn nhớ và lo lắng cho bố ở “trên kia” liệu mọi thứ đã ổn chưa. Trái lại với đôi mắt dịu dàng đầy mất mát của mẹ là đôi mắt con nhìn mọi vật to lớn xung quanh. Mẹ bảo con ban thờ ở đây để thờ Đức Ông, Đức Ông cứu rỗi chúng sinh ở âm thế nơi bố đang ở đó.
Ngoài ra, những ban thòa khác như Ban Tam Bảo, hay ban thờ Mẫu là nơi các “đấng trên” ngự, lắng nghe tiếng lòng Phật tử, phù hộ chúng sinh. Con nói ra nỗi lòng mình, con được xoa dịu trái tim bé nhỏ đang rộn lên nỗi nhớ nhung da diết. Và hơn hết, con yên tâm bởi vì nơi phía bên kia, bố được Đức Ông dẫn lối, sẽ có cuộc sống ấm êm, vui vẻ, và phù hộ cả nhà. Lần đầu tiên con biết được con sẽ chia sẻ và mong cầu điều gì khi đứng trước ban thờ tại Chùa. Và lần đầu tiên con quyết định sẽ đến chùa vào mỗi dịp đầu năm, và cuối tuần con vào chùa phụ giúp các sư thầy quét dọn, sắp xếp, chuẩn bị cho những buổi lễ có thể diễn ra sắp tới. Vì nơi đây cho con cảm giác kết nối với những người con yêu.
Vốn dĩ lần đầu tiên hiểu biết sâu hơn về Phật giáo chỉ đơn thuần là như vậy. Nhưng càng tìm hiểu sâu, con thấy yêu, thấy mến, thấy khâm phục những tăng ni và các Thầy. Và tự bao giờ con cũng yêu cảm giác tĩnh mịch, yên bình và nhẹ nhàng khi tới nơi đây. Ngoài kia có sóng gió khó khăn thế nào, về chùa cảm giác lòng nhẹ bỗng. Đầu năm, vào mùng 1 Tết Âm lịch, cả nhà hay tới ngôi chùa nhỏ ấy, cầu năm mới an bình cho cả gia đình, và thăm Thầy trụ trì ở đó. Những lời dạy của các Thầy nhẹ nhàng “chạm” tới con qua những câu chuyện rất “đời”, rồi in hằn và ảnh hưởng tới lối sống của con nhiều. Con học cách hỉ xả hơn, học cách không ghét người ác, mà thương người đó nhiều hơn, và con nghĩ về nhân quả khi làm bất cứ việc gì. Chính vì vậy, con trưởng thành, tinh tế và chính chắn hơn rất nhiều bố ạ. Con cũng trở nên kiên nhẫn và vui vẻ hơn. Điều này khác biệt hẳn so với đứa trẻ nông nổi, bột phát 13 năm về trước. Chư Phật như người hướng đạo, dẫn đường chỉ lối cho bố, con và gia đình mình, khiến con có cảm giác mình vẫn luôn ở cạnh nhau như trước vậy.
Bây giờ, con nhận ra đạo Phật, đối với con, không chỉ là bến đỗ tâm linh bình yên để cân bằng tâm hồn mà còn là gốc rễ, bên cạnh sự giáo dục của gia đình, giúp con hoàn thiện chữ “người” ở sâu bên trong chính mình.
Con không thắc mắc tại sao ngày càng có nhiều người trẻ tìm tới Phật giáo. Bởi con biết, họ có cho mình một lý do riêng để đến với Tôn giáo này. Họ tìm đến Phật giáo, với mong muốn tự chữa lành bản thân, tiếp nhận những giá trị nhân văn đáng quý, hay vì những lý tưởng, mục đích cá nhân mà chỉ họ mới hiểu. Nhưng con chắc chắn, tất cả những điều ấy đều hướng tới chữ “Thiện”. Với con, mỗi người được quyền tự do đưa ra quyết định và lựa chọn cho cuộc đời của mình. Chính vì vậy, họ được phép quyết định thời điểm giác ngộ và cách thức giác ngộ tôn giáo. Dĩ nhiên, con vẫn luôn cho rằng điều đó là tín hiệu đáng mừng, thay vì coi đó là dấu hiệu kì lạ mà mọi người cần bàn tán, xôn xao.
*Bài dự thi được gửi từ tác giả Nguyễn Dương Quỳnh Anh; địa chỉ: Thủy Lợi 2, Tân Minh, Sóc Sơn, Hà Nội.
Bài tham gia cuộc thi viết “Đạo Phật trong trái tim tôi” do Ban TT-TT TW & Cổng thông tin Phật giáo Việt Nam phát động. Đạo hữu, Phật tử hoan hỉ gửi bài viết dự thi về email: info@phatgiao.org.vn.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Thần lực của lời di chúc
Đạo Phật trong trái tim tôi 12:15 20/12/2024Đời người trăm năm, không gì ngoài sinh tử. Sinh thì lo sinh kế, Tử thì lo hậu sự lúc ra đi.
Chia sẻ của nữ tiến sĩ Văn học sau một tuần tu tập tại Làng Mai
Đạo Phật trong trái tim tôi 10:39 19/11/2024Nữ nhà văn đã nghiệm ra một chân lý vô cùng quan trong để cả quãng đời sau này, bà có thể sống trọn vẹn những phút giây hân hoan, của một người hiểu rõ THẾ NÀO LÀ HẠNH PHÚC?
Viết về Đức Phật Dược Sư - thành Quảng Nghiêm một thuở…
Đạo Phật trong trái tim tôi 16:50 31/10/2024Theo tinh thần của Phật giáo Mahayana (Phật giáo Phát Triển) và Phật giáo Vajrayana (Phật giáo Kim Cương thừa) thì Đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang là một vị Phật-đà với hạnh nguyện rộng lớn, sẵn sàng xoa dịu những trái tim cằn cỗi đau thương, luôn luôn dang tay cứu độ hết thảy muôn loài trầm kha ngũ thú.
Thiền sư Yantra Amaro - người không nói gì mà pháp tự tuôn chảy
Đạo Phật trong trái tim tôi 10:23 18/10/2024Cũng như bao người trong khán phòng, tôi ngồi đợi từ sớm, rồi cảm giác như có một ngọn gió nào vừa nhẹ đến lan vào trong phòng, trong những tiếng thì thào rất khẽ của những người đang ngồi quanh tôi. Ô, thì ra ông đã đến.
Xem thêm