Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ bảy, 19/01/2019, 16:00 PM

Đạo Phật với vấn đề trợ tử hay Quyền được Chết êm ái!

Vấn đề trợ tử (euthanasie) là vấn đề nóng bỏng của thời đại được báo chí và các phương tiện thông tin khác quan tâm. Những vụ án gần đây chung quanh cái chết của Vincent Humbert (a) và Terri Schiavo (b) làm chấn động dư luận. Dưới đây là vấn đề trợ tử dưới nhiều góc nhìn, trong đó, có góc nhìn Phật pháp.

"Thân thể con người cũng như một yên ngựa, phải biết rời bỏ khi đã tới cuối hành trình " Ibn Sina (Avicenne)

Vấn đề trợ tử (euthanasie) là một vấn đề nóng bỏng của thời đại vẫn được nêu lên báo chí và các phương tiện thông tin khác một cách thường xuyên. Những vụ án gần đây chung quanh cái chết của Vincent Humbert (a) và Terri Schiavo (b) đã làm sôi nổi dư luận thế giới, và gây nên những phản ứng đam mê giữa hai phe ủng hộ và chống đối trợ tử, ngay cả trong giới lãnh đạo chính trị, như tổng thống G.W. Bush đã vội vã ban ra một đạo luật đặc biệt nhằm ảnh hưởng lên quyết định của Toà án Tối cao Mỹ (b).

Bài liên quan

Và tháng tư vừa qua, Thượng Nghị viện Pháp đã thông qua một đạo luật cho phép ngừng điều trị bệnh nhân khi đã tới giai đoạn cuối đời.

Thoạt nhìn, vấn đề đặt ra có vẻ giản dị: Khi một người bị bệnh nặng đã tới giai đoạn cuối đời, đang kéo dài trong sự đau đớn, thì có thể nào giúp người đó ra đi một cách nhẹ nhàng, êm ái, và mau chóng hơn không? Nhất là khi ngày hôm nay, người ta có đầy đủ phương tiện để gây nên cái chết nhẹ nhàng, trợ giúp bởi y khoa.

Thật ra, xét kỹ lại chúng ta mới thấy rằng trợ tử là một trong những vấn đề phức tạp nhất trong xã hội, bởi vì liên quan tới nhiều lãnh vực của cuộc sống: Khoa học, kỹ thuật, kinh tế, văn hoá, đạo đức, tôn giáo, luật pháp... Trợ tử nằm trong khung cảnh rộng lớn hơn của những vấn đề sinh đạo đức (bioéthique), mới được đặt ra từ khoảng ba chục năm nay, do những bước tiến khổng lồ của ngành sinh học.

Trong bài này, chúng ta sẽ lần lượt xem xét :

1) Định nghĩa của các danh từ liên quan tới trợ tử

2) Lịch sử của sự hình thành khái niệm trợ tử

3) Cuộc tranh luận về trợ tử tại các nước Tây phương

4) Luật pháp về trợ tử hiện nay trên thế giới

5) Thái độ của các tôn giáo thần khải

6) Thái độ của đạo Phật về trợ tử.  

Bìa Tạp chí Time về vấn đề trợ tử gây nóng bỏng trong dư luận vừa qua

Bìa Tạp chí Time về vấn đề trợ tử gây nóng bỏng trong dư luận vừa qua

Định nghĩa các danh từ liên quan tới trợ tử

Đầu tiên, chúng ta phải định nghĩa một số danh từ liên quan tới trợ tử một cách chính xác.

Euthanasie là một chữ xuất hiện vào thế kỷ thứ XVII, có nghĩa là " làm cho cái chết tốt đẹp " (từ chữ Hy Lạp eu là tốt và thanazein là chết), và có thể định nghĩa là " hành động cố tình gây nên cái chết một cách êm thắm, cho một người bị bệnh nặng không chữa khỏi được, chắc chắn sẽ chết, đang vô cùng đau đớn, bằng cách dùng thuốc men hay một sự can thiệp khác".

Người ta còn gọi nó là giết người vì thương hại hay vì nhân đạo (meurtre par compassion, mercy killing). Tiếng Việt có thể dịch là "ưu tử", "an tịch", " trợ tử", "hộ tử" hay "gây chết êm ái, nhẹ nhàng", nhưng chữ "trợ tử" được dùng nhiều hơn hết, tuy rằng không chính xác lắm.

Có hai loại trợ tử cần phải được phân biệt là trợ tử tích cực (euthanasie active) nghĩa là gây nên cái chết bằng mộthành động tích cực, và trợ tử thụ động (euthanasie passive), nghĩa là ngưng mọi điều trị để cho người bệnh chết một cách tự nhiên.

Bài liên quan

Người ta còn gọi trợ tử thụ động là "sự ngưng chỉ hay bỏ sót các phương pháp điều trị kéo dài cuộc sống". Trong trường hợp Vincent Humbert chẳng hạn (a), khi bà mẹ bơm vào ống dẫn dạ dầy của con mình một liều thuốc pentobarbital mạnh với mục đích trợ tử, nhưng không chết mà lâm vào tình trạng hôn mê, khi BS Chaussoy tắt máy hô hấp nhân tạo và tiêm chlorure de potassium để tim bệnh nhân ngừng đập, thì cả hai đều là hành động trợ tử tích cực.

Ngược lại, quyết định của toà án Florida ngừng dinh dưỡng Terri Schiavo (b) bằng ống dẫn dạ dầy là một hành động trợ tử thụ động. Thật ra, ý muốn và kết quả của trợ tử tích cực và trợ tử thụ động cũng như nhau, tuy rằng hình thức có khác nhau.

Trợ tử còn được phân chia làm trợ tử tự nguyện (euthanasie volontaire), trợ tử không tự nguyện (euthanasie non volontaire), và trợ tử không tùy ý (euthanasie involontaire).

Trợ tử tự nguyện (euthanasie volontaire) là trợ tử do người bệnh yêu cầu một cách rõ ràng, với sự chấp thuận sáng suốt của người đó (consentement éclairé) (như trường hợp Vincent Humbert). 

Trợ tử không tự nguyện (euthanasie non volontaire) là trợ tử trên người bệnh trong tình trạng hôn mê hoặc lú lẫn, không còn khả năng yêu cầu trợ tử (như trường hợïp Terri Schiavo). 

Trợ tử không tùy ý (euthanasie involontaire) là trợ tử trên người bệnh còn minh mẫn, không yêu cầu cái chết hoặc không chấp thuận trợ tử (chẳng hạn như khi câu hỏi không được đặt lên cho người đó).

Trợ giúp tự tử (aide au suicide) hay tự tử trợ giúp bằng y khoa (suicide médicalement assisté) là sự giúp đỡ, thường thường do một người thầy thuốc, một người bệnh đã quyết định chấm dứt cuộc sống của mình, bằng một liều thuốc độc hay một phương tiện khác. Hành động đưa tới cái chết là do người bệnh, nhưng người trợ giúp là người thầy thuốc.

Giảm đau cuối đời (sédation terminale), còn gọi là trợ tử gián tiếp (euthanasie indirecte) là sự điều trị bằng thuốc giảm đau loại morphine, nhằm giảm đau cho bệnh nhân, nhưng có thể đưa tới cái chết do tai biến suy giảm hô hấp. Thật ra, ai cũng biết rằng tất cả là tùy liều thuốc, nhẹ hay nặng, mà hành động này mang tính chất giảm đau hay trợ tử.

Điều trị tạm thời (soins palliatifs) là điều trị không nhằm khỏi bệnh, mà nhằm thuyên giảm sự đau đớn của người bệnh, về thể xác cũng như tinh thần.

Điều trị tới cùng (acharnement thérapeutique, còn gọi là bướng bỉnh vô lý, obstination déraisonnable) là điều trị bằng mọi cách, nhằm kéo dài cuộc sống, tuy biết rằng bệnh nhân ở trong tình trạng cuối đời.

Tình trạng thực vật (état végétatif) là một thực thể y khoa xuất hiện từ những năm 1960-70, do những bước tiến của các phương pháp hồi sinh (b). Đó là một trong những hình thái tiến hoá của coma, sau khi não bị chấn thương nặng hoặc thiếu oxy. Người bệnh có vẻ tỉnh, mở mắt, nhưng không có hoạt động ý thức nào và hoàn toàn phụ thuộc sự điều dưỡng trong đời sống hàng ngày.

Sau một thời gian khoảng một năm, tình trạng có thể gọi là thực vật mạn tính (état végétatif chronique, persistent vegetative state), không còn hi vọng đảo ngược lại, với những biến chứng xẩy ra do liệt giường lâu ngày. Đó là tình trạng của Terri Schiavo (b), kéo dài trong 15 năm trời và mới kết thúc gần đây. 

Khi bệnh nhân bị kéo dài sự sống trong đau đớn, liệu anh ta hoặc người nhà có quyền xin được chết nhờ bác sĩ tiêm hoặc rút ống...???

Khi bệnh nhân bị kéo dài sự sống trong đau đớn, liệu anh ta hoặc người nhà có quyền xin được chết nhờ bác sĩ tiêm hoặc rút ống...???

Lịch sử của sự hình thành khái niệm trợ tử

Hành động trợ tử chắc chắn đã có từ lâu, nhưng khái niệm trợ tử và những tranh luận chung quanh khái niệm này mới xuất hiện từ khoảng hai thế kỷ nay tại Tây phương.

Người chống đối trợ tử đầu tiên chính là Hippocrate (tk V - IV trước CN), vị tổ của ngành y học Tây phương, ngược lại với quan điểm của đa số thầy thuốc Hy Lạp thời bấy giờ.

Trong lời tuyên thệ, ông kêu gọi người thầy thuốc " không bao giờ cho ai một liều thuốc độc, dù người đó yêu cầu, và không bao giờ gợi ý về điều đó ".

Vào thời đại Trung Cổ, thái độ chống trợ tử trở thành đa số, và tình trạng này tiếp diễn tới thế kỷ thứ XIX, mặc dù có vài người như Sir Thomas More (tk XVI) và Francis Bacon (tk XVII) lên tiếng chủ trương hành động trợ tử bởi các nhà thầy thuốc.

Francis Bacon là người đầu tiên dùng chữ euthanasia, trong một cuốn sách in năm 1623. Ông viết: "Phận sự của người thầy thuốc không phải chỉ là chữa khỏi bệnh tật, mà còn làm vơi dịu những khổ đau do bệnh tật gây nên.

Và không phải chỉ làm vơi dịu khổ đau và khỏi bệnh, mà còn đem lại cho bệnh nhân, khi không còn hi vọng sống sót, một cái chết êm dịu và an lành. Trợ tử như vậy là một phần không nhỏ của hạnh phúc ".

Vấn đề trợ tử lại đặït lên vào thế kỷ thứ XIX, với sự xuất hiện của gây mê và thuốc morphine. Cường độ của các cuộc tranh luận này tùy thuộc ở bối cảnh lịch sử, xã hội, văn hóa của mỗi địa phương. Các nước Anh, Hoa Kỳ, Đức và Hoà Lan là những nơi mà các cuộc tranh luận về trợ tử xẩy ra sôi nổi nhất.

Vào khoảng cuối thế kỷ thứ XIX, tại nước Anh, Hoa Kỳ đã có nhiều bài báo y học và luật pháp đề cập tới vấn đề trợ tử, và đặc biệt Samuel Williams tại Birmingham năm 1870 đã gây ảnh hưởng lớn trong dư luận bằng cách trình bầy ý định của ông dùng éther và chloroforme để chấm dứt cuộc sống của bệnh nhân. Năm 1906, một dự án đạo luật nhằm hợp pháp hoá trợ tử tại tiểu bang Ohio bị bác bỏ do gặp nhiều phản đối.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Năm 1920, một bác sĩ và một luật sư Đức, tên là Hoche và Binding, đồng xuất bản một cuốn sách trình bầy quan điểm sau: Một số bệnh nhân bị chứng nan y, bệnh tâm thần và trẻ con dị dạng, sống những cuộc sống "không đáng sống", và đem lại cái chết cho họ là một lối điều trị nhân đạo, phù hợp với y đức. Tác giả cũng nhấn mạnh tới gánh nặng kinh tế phải trả để kéo dài cuộc sống của những bệnh nhân đó. Quan điểm của Hoche và Binding sẽ có ảnh hưởng lớn trên tư tưởng Đức sau này và được Đức quốc xã Nazi áp dụng một cách triệt để, đặc biệt trong chương trình "trợ tử T4 ".

Năm 1931, bác sĩ Killick Millard đề nghị trước Hội đoàn Sĩ quan Y khoa Anh một đạo luật hợp pháp hoá trợ tử, và từ đó, các hội đoàn y sĩ ủng hộ trợ tử được thành lập, các bài của các chứng nhân về hành động trợ tử, cùng những yêu cầu trợ tử của bệnh nhân được đăng tải trong báo chí. Năm 1936, một dự án đạo luật nhằm hợp pháp hoá trợ tử được đưa ra trước Nghị viện Anh, và bị lật đổ bởi 35 phiếu chống 14.

Sự bác bỏ dự án đó, cùng với sự bùng nổ của Đệ nhị thế chiến, và sự khám phá sau này của các trại tập trung Nazi với sự cộng tác của các thầy thuốc Đức trong công cuộc diệt chủng, đã làm vấn đề trợ tử tàn lụi dần, tuy rằng vẫn còn âm ỉ.

Khoảng cuối những năm 50, tranh luận về trợ tử lại trở lại, dưới khía cạnh pháp lý. Năm 1969, một dự án định luật nhằm hợp pháp hoá trợ tử lại được đưa ra trước Nghị viện Anh, và cũng lại bị lật đổ bởi 61 phiếu chống 41.

Tại Hòa Lan, năm 1970 xẩy ra vụ án Geertruida Postma, một người thầy thuốc đã bị truy tố về tội giết người vì cố ý tiêm cho một bệnh nhân bị liệt, câm và điếc đã nhiều lần yêu cầu ông làm việc đó, một liều thuốc morphine nặng làm người đó qua đời. Trong bản án rất nhẹ (ông chỉ bị ở tù một tuần, và quản thúc tại gia một năm), quan tòa cho biết trong những điều kiện nào một trường hợp trợ tử có thể chấp nhận được. 

Tiếp theo đó, năm 1973, Hội đoàn Y sĩ Hòa Lan tuyên bố rằng trợ tử vẫn được coi là bất hợp pháp, nhưng người thầy thuốc có thể dùng được để làm vơi sự khổ đau của bệnh nhân, "trong trường hợp bất khả kháng", nghĩa là khi người thầy thuốc ở trong tình trạng mâu thuẫn giữa một đằng bổn phận bảo vệ sự sống, và một đằng bổn phận làm giảm sự đau đớn của bệnh nhân.

Trong những năm 80, nhiều trường hợp trợ tử đã bị truy tố trước pháp luật, và dần dần xã hội Hòa Lan đã tiến tới ủng hộ trợ tử.

Một sự thỏa thuận ngầm xuất hiện về sự cho phép trợ tử và không bị pháp luật truy tố, nếu hội đủ ba điều kiện sau :

1) Sự yêu cầu trợ tử phải tới từ bệnh nhân, và được lặp lại nhiều lần, một cách có ý thức và tự do.

2) Bệnh nhân phải ở trong tình trạng vô cùng đau đớn, không có phương pháp nào làm thuyên giảm, ngoài cái chết.

3) Người thầy thuốc phải tham khảo ý kiến một thầy thuốc khác, và người đó cũng phải xem trợ tử như là một giải pháp có thể chấp nhận được.

Sau công tác của nhiều ủy ban và nhiều dự án đạo luật, Nghị viện Hòa Lan ban ra năm 1993 một đạo luật miễn truy tố pháp luật các thầy thuốc trợ tử với điều kiện là hội đủ ba yếu tố trên và báo cáo những trường hợp trợ tử.

Tại Hoa Kỳ, năm 1988, trong tờ báo y khoa JAMA có đăng một bài tựa là "It's over, Debbie"(Xong rồi, Debbie), thuật một câu chuyện xẩy ra tại khoa phụ sản một bệnh viện.

Người nội trú trực đêm bị gọi tới vì một thiếu phụ 20 tuổi tên là Debbie đang khó thở. Cô ta bị ung thư buồng trứng tới giai đoạn cuối cùng, điều trị hóa học không hiệu quả. Cô chỉ còn có 40 kí, từ hai ngày không ăn uống được gì, đôi mắt hốc hác, tuyệt vọng, nôn mửa thốc tháo và hơi thở rất khó khăn. Bên cạnh cô, người mẹ cầm tay cô, như mất hồn.

Debbie thì thào với người nội trú:"Thôi, cho xong đi". Anh đi lấy một ống tiêm với 20 mg morphine, và nói với người mẹ cầm tay cô và chúc cô ngủ ngon, vì anh sắp cho cô một liều thuốc để cô nghỉ yên.

Nét mặt cô từ từ thư dãn, không còn cau lên vì đau đớn, hơi thở điều hoà và yếu dần, và 4 phút sau Debbie trút hơi thở cuối cùng.

Trong ánh mắt người mẹ, vẻ biết ơn hiện lên rõ rệt. Bài tường thuật này đã gây nên nhiều phản ứng và làm sống dậy những tranh luận về trợ tử tại nước Anh và Hoa Kỳ, với những dự án đạo luật hợp pháp hoá trợ tử tại các tiểu bang Washington, Californie và một số tiểu bang khác.  

Cuộc tranh luận về trợ tử tại các nước Tây phương hiện nay

Cuộc tranh luận về trợ tử tại các nước Tây phương vẫn chưa được kết thúc, và sự tranh chấp giữa hai phe ủng hộ và chống đối trợ tử hiện đang mang mầu sắc của sự tranh chấp giữa hai khuynh hướng đòi và chống sự hợp pháp hóa (légaliser), hay đúng hơn ra luật (légiférer) về trợ tử.

Tại Pháp: Từ 86 tới 88 % dân chúng đồng ý với trợ tử, 33 % một cách tuyệt đối và 55 % trong một số trường hợp, cho những người bị bệnh không thể chịu đựng nổi và vô phương cứu chữa.

Tại Pháp: Từ 86 tới 88 % dân chúng đồng ý với trợ tử, 33 % một cách tuyệt đối và 55 % trong một số trường hợp, cho những người bị bệnh không thể chịu đựng nổi và vô phương cứu chữa.

Những người chống đối trợ tử, và chống đối hợp pháp hóa trợ tử, thường đưa ra những luận cứ như sau :

- Nhiệm vụ của người thầy thuốc là bảo vệ sự sống chứ không phải là tiêu diệt sự sống. Theo điều 38 của Luật Y đức (Code de Déontologie), người thầy thuốc không có quyền cố tình gây nên cái chết;

- Những trường hợp yêu cầu trợ tử thực sự rất hiếm hoi, theo kinh nghiệm của các thầy thuốc và điều dưỡng trông nom các bệnh nhân vào giai đoạn cuối đời;

- Thay vì trợ tử thì phải cải tiến sự điều trị tạm thời (soins palliatifs) và đem lại cho bệnh nhân những điều kiện cuối đời an lành nhất, về thể xác cũng như tinh thần;

- Hợp pháp hóa trợ tử có thể đưa tới những sự lạm dụng, quá trớn, trơn tuột (pente glissante, slippery slope) qua những trường hợp trợ tử không tùy ý bệnh nhân, nhưng tùy ý thầy thuốc, điều dưỡng và gia đình, hoặc trợ tử những bệnh nhân yếu đuối, tàn tật nhất. 

Trong khoảng hai chục năm gần đây đã có nhiều vụ án liên quan tới trợ tử, tại các nước Âu châu và Mỹ châu, với những trường hợp gây chấn động như: BS Jack Kevorkian, mệnh danh " BS tự tử ", đã nhìn nhận đưa 130 bệnh nhân qua thế giới bên kia, trong 10 năm hành ghề, trước khi bị vào tù; tại nước Áo, hai cô phụ tá điều dưỡng và đồng phạm, mệnh danh là "4 thiên thần của sự chết", đã bị kết án tù chung thân vì đã giết hoặc tìm cách giết 42 bệnh nhân bằng các phương pháp dã man, và gần đây hơn năm 1998, cô y tá Christine Malèvre đã bị kết án 12 năm và phạt bồi thường 160000 Eu vì đã cố tình gây nên cái chết của 7 bệnh nhân tại bệnh viện Mantes la Jolie;

- Cuối cùng, hợp pháp hóa trợ tử có thể gây tổn hại cho uy tín của y khoa và sự tin cậy của bệnh nhân đối với người thầy thuốc.

Mặt khác, những người ủng hộ trợ tử, và chủ trương hợp pháp hóa trợ tử, đưa ra một số luận cứ khác, không hẳn là ngược lại :

- Nhiệm vụ của người thầy thuốc là "trong mọi trường hợp, phải cố gắng làm giảm sự đau đớn của bệnh nhân, nâng đỡ tinh thần và tránh mọi bướng bỉnh vô lý về thăm dò và điều trị " (điều 37 của Luật Y đức);

- Dù điều trị tạm thời được phát triển tới đâu chăng nữa (và còn lâu mới có đủ phương tiện kinh tế để phát triển các đơn vị điều trị tạm thời - phải nhớ rằng mỗi bệnh nhân trong đơn vị này cần đến 4 người điều dưỡng( cũng vẫn sẽ còn nhiều trường hợp có nhu cầu trợ tử;

- Với những bước tiến của y học, những đổi thay của xã hội, số bệnh nhân qua đời tại bệnh viện mỗi ngày một gia tăng (70%), và các công trình nghiên cứu gần đây cho biết số tử vong trợ giúp bởi y khoa (décès médicalement assistés) rất cao:

Trong hai công trình nghiên cứu (Lancet 02/08/03) trên 20000 ca tử vong tại các nước Âu châu, tỷ lệ chết trợ giúp bởi y khoa đi từ 23% (YÙ) tới 51% (Thụy Sĩ).

Tỷ lệ dùng chế phẩm loại thuốc phiện (opiacés) nhằm giảm đau nhưng có thể đưa tới tử vong rất cao, từ 19 tới 26%.

Bài liên quan

Tại Hòa Lan, 57% thầy thuốc công nhận đã ít ra một lần trong đời có hành động trợ tử hoặc giúp bệnh nhân tự tử. Tại Pháp, 50 % bệnh nhân qua đời tại phòng hồi sức là do ngừng điều trị, khi các phương pháp điều trị trở thành vô ích.

Và, theo Bộ trưởng Y tế Douste-Blazy, mỗi năm có khoảng 150000 ca ngừng máy hô hấp quyết định ngoài khuôn khổ luật pháp. Như vậy, tiếp tục chối cãi trợ tử trong khi hành động trợ tử vẫn thường xuyên xảy ra là một thái độ giả dối, đạo đức giả, không thích hợp với hiện trạng xã hội.

- Hợp pháp hóa trợ tử, nếu được qui định một cách chặt chẽ, sẽ không làm tăng những trường hợp "trợ tử" giả hiệu, tức là những trường hợp giết người bệnh một cách tùy tiện; trái lại, có thể phân biệt một cách rõ ràng hơn hai hiện tượng với những động cơ hoàn toàn khác nhau này.

Vấn đề còn phức tạp hơn nữa khi một số người cho rằng không có sự khác biệt giữa trợ tử tích cực, ngừng điều trị, giúp tự tử và giảm đau cuối đời, vì theo họ ý muốn và kết quả cũng như nhau, tuy rằng có khác trong hình thức.

Một số khác thì lại cho rằng những trường hợp đó hoàn toàn khác nhau: Trợ tử là cố ý gây cái chết, trong khi ngừng điều trị chỉ là để cái chết tới một cách tự nhiên; và vì vậy họ đồng ý với ngừng điều trị mà không đồng ý với trợ tử.

Trong hai cuộc thăm dò dư luận tháng 3/01 tại Pháp bởi cơ quan SOFRES và tháng 12/02 bởi cơ quan IFOP, từ 86 tới 88 % dân chúng đồng ý với trợ tử, 33 % một cách tuyệt đối và 55 % trong một số trường hợp, cho những người bị bệnh không thể chịu đựng nổi và vô phương cứu chữa.  

[Còn tiếp phần 2)

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Mẫu hình người cư sĩ lý tưởng

Nghiên cứu 15:55 17/04/2024

Trong những chúng đệ tử Phật, thì chúng cư sĩ tại gia chiếm số lượng đông đảo và có những ảnh hưởng nhất định đối với diện mạo của Phật giáo nói chung.

Phẩm tính quan trọng của một người học trò từ trường hợp Tôn giả Angulimala

Nghiên cứu 10:10 05/04/2024

Angulimala là một người cực ác trong xã hội khiến ai ai cũng khiếp sợ với danh xưng kẻ sát nhân, chỉ duy nhất tình thương của Phật pháp mới khiến tên cướp quay đầu sám hối, từ một kẻ đại ác trở thành Sa môn Thích tử.

Đạo đức của Phật giáo với đạo làm người

Nghiên cứu 18:00 02/04/2024

Với tư cách là hình thái ý thức xã hội, Phật giáo cũng như mọi tôn giáo, cũng mang trong nó những giá trị tư tưởng, như là sự phản ánh khát khao vươn tới chân - thiện - mỹ của chính loài người, song đặc biệt hơn ở chỗ chú trọng mục tiêu giải thoát khỏi khổ.

A lại da thức và Mạc na thức

Nghiên cứu 09:00 16/03/2024

Trong kinh Duy Thức thuộc tạng kinh phát triển, để chỉ cho sự huân tập thành khối nghiệp lực (A Lại Da Thức và Mạc Na Thức,) được xem là người giữ kho (librarian) và cái kho (library) tích trữ tạo thành nghiệp lực.

Xem thêm