Đi sâu vào sự thực tập và nuôi dưỡng tâm thương yêu
Đời sống tu tập hàng ngày của ta có thể được thúc đẩy bởi ước muốn độ đời, muốn tạo dựng hòa bình cho thế giới, cho nhân loại. Bụt đã được thúc đẩy bởi ước muốn như thế nên Ngài đã để rất nhiều thì giờ trong việc tu tập và tìm ra con đường giải thoát.
Hỏi: Làm sao chúng ta có thể đi sâu vào sự thực tập và nuôi dưỡng tâm thương yêu mỗi ngày?
Sư Ông Làng Mai: Theo tôi, đi sâu vào sự thực tập nghĩa là làm thế nào để sự thực tập phải có thực chất, mà không rơi vào cái bẫy của sự thực tập hình thức. Khi sự thực tập của quý vị có thực chất, thì nó sẽ đem lại cho quý vị và những người chung quanh niềm vui, an lạc và sự vững chãi thật sự. Tôi thích cách nói ‘thực tập thiệt’. Theo tôi, sự tu tập phải đem lại an lạc ngay trong giây phút mình thực tập. Sự thực tập chân thật có thể đem lại cho ta sự sống liền lập tức. Khi quý vị thực tập hơi thở có ý thức, quý vị trở nên tỉnh thức, sống động và có thực, chứ không phải sống như một bóng ma. Điều này không phải chỉ xảy ra trong khi thực tập ngồi thiền hay đi thiền, mà nó còn xảy ra ngay trong khi quý vị đang làm thức ăn sáng. Nếu quý vị biết cách thở vào, thở ra trong chánh niệm và mỉm cười trong khi làm thức ăn sáng, quý vị sẽ chế tác được chất liệu tự do, nghĩa là tâm quý vị không bị lôi kéo bởi những nuối tiếc về quá khứ hoặc lo lắng tới tương lai, hoàn toàn tự chủ. Làm được như thế, quý vị trở thành người có nhiều sức sống, niềm vui và tình thương trong lòng. Trong khi làm thức ăn sáng, quý vị có thể chế tác ra chất liệu an vui, tình thương và sự sống thật sự. Đó là sự thực tập chính thống, chân thật và quý vị có thể nếm được hoa trái của sự thực tập ngay trong khi thực tập.
Phần thứ hai của câu hỏi là làm sao để nuôi dưỡng Tâm Bồ Đề – tức là tâm thương yêu rộng lớn. Nuôi dưỡng tâm thương yêu là loại thực phẩm thứ ba trong kinh Tứ Thực – tức là Tư niệm thực – là ước muốn sâu sắc nhất của ta. Tất cả chúng ta đều được tồn tại bởi những yếu tố của dục (những ước muốn), đó là sức sống của ta. Có những loại ước muốn có thể đưa ta tới cảnh giới của khổ đau, tuyệt vọng, và có những loại ước muốn có thể đưa ta tới cảnh giới của an lạc, hạnh phúc và tự do. Ước muốn được sống, muốn đem niềm vui tới cho người và giúp người bớt khổ là loại ước muốn chúng tôi gọi là Bồ Đề Tâm – tâm thương yêu. Uớc muốn đó là nguồn năng lượng vô biên làm cho ta có thêm sức sống. Ước muốn sâu sắc, cao cả đó làm cho hai mắt ta sáng rực lên, làm cho bước chân ta trở nên vững chãi hơn. Khi học hỏi và thực tập sâu sắc theo tinh thần Năm Giới, ta nhận thấy rằng ta có rất nhiều năng lượng để sống, để thương. Nhìn sâu vào bản chất của Năm Giới, ta thấy Năm Giới là nền tảng của hạnh phúc, chúng có công năng bảo hộ ta, gia đình ta và xã hội ta, ngăn ngừa ta để ta không bị rơi vào hầm hố của khổ đau và tuyệt vọng. Năm Giới có công năng đem lại cho ta chất liệu bình an, niềm vui, tình thương và hạnh phúc. Cái thấy sâu sắc về bản chất của Năm Giới có thể đem lại cho ta ước muốn sống theo tinh thần của chúng để biến ta thành một khí cụ của an lạc và thương yêu.
Theo tôi, Năm Giới là chất liệu thương yêu của một vị Bồ Tát. Bồ Tát tức là người được thúc đẩy bởi ước muốn rất lớn muốn giúp mọi người tỉnh thức, muốn làm vơi bớt khổ đau của người và đem lại cho người thật nhiều an vui và hạnh phúc. Tôi nghĩ rằng nếu ta phát nguyện thọ trì Năm Giới và quyết tâm sống theo tinh thần Năm Giới, ta sẽ trở thành một vị Bồ Tát và ta sống an vui và hạnh phúc không phải chỉ cho riêng ta mà cho rất nhiều người trong xã hội; đời sống phụng sự của ta như một nguồn năng lượng của hạnh phúc cho nhân loại. Học hỏi và nhìn sâu vào bản chất của Năm Giới, ta sẽ gặt hái được nhiều cái thấy. Những cái thấy ấy sẽ làm phát sinh lòng từ bi trong ta và thúc đẩy ta phát nguyện thọ trì Năm Giới và biến chúng thành lẽ sống trong đời sống hàng ngày của ta.
Khi quý vị học hỏi về Mười Bốn Giới Tiếp Hiện, quý vị cũng sẽ tiếp xúc được với nguồn sức mạnh của tình thương lớn như quý vị đã học hỏi và tiếp nhận Năm Giới. Đời sống tu tập hàng ngày của ta có thể được thúc đẩy bởi ước muốn độ đời, muốn tạo dựng hòa bình cho thế giới, cho nhân loại. Bụt đã được thúc đẩy bởi ước muốn như thế nên Ngài đã để rất nhiều thì giờ trong việc tu tập và tìm ra con đường giải thoát. Sau khi giác ngộ, Ngài đã hành đạo trong suốt bốn mươi chín năm, xả thân cứu độ mọi người, mọi loài không phân biệt một ai. Đời sống tu tập và sự thành đạt của Ngài đã xuất phát từ sức mạnh của Bồ Đề Tâm – ước muốn thương yêu sâu của Ngài. Tôi tin chắc rằng nếu quý vị có ước muốn cao sâu ấy thì quý vị sẽ có rất nhiều năng lượng và nó sẽ thể hiện qua cách sống và cách nhìn của quý vị đối với cuộc đời; năng lượng thương yêu ấy sẽ thể hiện cụ thể qua nụ cười, cách đi, cách đứng, nói năng, hành xử và làm việc của quý vị. Quý vị sẽ không còn sợ hãi về những thử thách, chướng ngại và khổ đau của cuộc đời nữa. Với nguồn năng lượng thương yêu vô biên ấy, quý vị có thể vượt qua tất cả những khổ đau ách nạn, bởi vì trái tim của quý vị có không gian vô biên để ôm lấy tất cả thế gian này. Quý vị sẽ không còn có khuynh hướng muốn loại trừ. Quý vị chỉ muốn ôm trọn thế gian này và không muốn loại trừ một ai, dù họ là kẻ thù của mình. Và trong đời sống tu tập hàng ngày, các hoạt động như đi, đứng, nằm, ngồi và thở đều thể hiện được chất liệu an lạc, thảnh thơi, hiểu biết, thương yêu và bao dung.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Đã được truyền thọ Tam Quy và Ngũ giới, vậy có phải ăn chay không?
Hỏi - Đáp 12:55 20/11/2024Hỏi: Tôi đã được truyền thọ Tam Quy và Năm giới, vậy tôi có phải ăn chay hay không?
Cúng vong linh, cúng cô hồn có phải là pháp của đạo Phật?
Hỏi - Đáp 10:18 19/11/2024Tôi là người theo đạo Phật và muốn hiểu rõ hơn về giáo pháp. Tôi có câu hỏi xin quý Báo trả lời giúp: Cúng vong linh, cúng cô hồn có phải là pháp của đạo Phật? Nếu có, xin vui lòng chỉ giúp Đức Phật dạy các điều ấy trong những kinh nào?
Tượng Phật có từ bao giờ?
Hỏi - Đáp 10:31 18/11/2024Hỏi: Tôi là một Phật tử chuyên hỷ cúng tượng Phật cho các chùa, nhưng chưa hiểu rõ lắm về nguyên nhân do đâu mà có tượng Phật. Vậy tượng Phật có từ bao giờ? Ai là người đầu tiên tạo tượng Phật? Xin cho biết sơ lược về việc tạo tượng Phật vào lúc đó.
Tu tập trong hoàn cảnh không có Phật
Hỏi - Đáp 10:00 17/11/2024Tôi thích lạy Phật nhưng vì không có bàn thờ nên tôi tự hình dung Đức Phật trước mặt rồi lễ bái. Tôi tu tập như thế và cảm thấy an yên, được Tam bảo che chở rất nhiều. Có lúc tôi tự hỏi mình tu tập trong hoàn cảnh như thế có đúng Chánh pháp không?
Xem thêm