Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ tư, 19/12/2018, 22:09 PM

"Đời cha ăn mặn, đời con khát nước" thực hư ra sao dưới góc nhìn Phật giáo

Nếu toàn thể nhân loại kể từ đời thượng cổ cho đến ngày nay đều có cùng một thói quen sống “ai sao tôi vậy” hoặc “xưa sao nay vậy” thì giờ này chúng ta vẫn còn phải vác rìu bằng đá để đi săn thú đem về ăn sống nuốt tươi, chứ không thể có được nền văn minh điện toán như ngày nay.

Nền văn minh mà chúng ta đang thừa hưởng này không phải bỗng nhiên từ trên trời rơi xuống, hoặc là từ những bộ óc ù lì “ai sao tôi vậy” mà xây dựng nên. Đó là nhờ công lao của những khối óc quả cảm, đầy sáng kiến, dám thí nghiệm những sáng kiến của mình, dám tranh đấu để những sáng kiến thành hiện thực dù cho đôi khi phải hy sinh tính mạng.

Sự tiến hóa cả về vật chất lẫn tinh thần có được là nhờ ở những con người biết suy nghĩ độc lập, can đảm nhận lãnh trách nhiệm, dám có ý kiến khác đương thời, “ai sao tôi không vậy” mới vùng lên lật đổ được ngoại xâm, không chịu cam tâm làm nô lệ.

Bài liên quan

Cho nên, là phần tử của đạo Phật, chúng ta nên xét lại một số thói quen xấu, như thói quen ỷ lại vào người khác “ai sao tôi vậy”.

Những “ai sao tôi vậy” nào mà hợp lý, có lợi cho mọi người thì theo. Cái nào có hại thì nên bỏ và nói người khác bỏ. Không nên mang nỗi sợ truyền kiếp với tiền nhân mà cứ cắm đầu tuân theo những thói quen lạc hậu như sợ “ra ngõ gặp gái thì xui xẻo”, “có con mèo lạc vào nhà thì sẽ nghèo”, “vợ chồng khắc tuổi thì sẽ sớm bỏ nhau”, vân vân và vân vân.

Trong tinh thần đó, chúng ta nên xét lại một số châm ngôn tục ngữ qua lăng kính của đạo Phật, thí dụ như câu “đời cha ăn mặn đời con khát nước”.

Quan niệm về cái gọi là “đời cha ăn mặn đời con khát nước” cho rằng có một cái gì vô hình lưu truyền cái nhân xấu do đời cha tạo ra và chuyển giao cái quả xấu do nhân xấu mang lại cho con cái trong dòng họ huyết thống tổ tiên.

Có người cho rằng, đó là do ảnh hưởng huyết thống, mà khoa học ngày nay đã khám phá ra các “gene” di truyền và cũng có người cho rằng quan niệm này bắt nguồn từ thuyết nhân quả luân hồi của đạo Phật, điều này mới nghe ra thì tưởng như đúng vì cũng gieo nhân và cũng hái quả, nhưng hoàn toàn không đúng.

Thời đức Phật còn tại thế, có người hỏi Ngài:

“Bạch Đức Thế Tôn, vì lý do nào mà trong đời người có người chết yểu và có người sống lâu; có người bệnh hoạn và có người khỏe mạnh; có người xấu và có người đẹp; có người làm gì cũng không có ai làm theo, noi?gì cũng không ai nghe theo; có người nghèo khổ và người giầu sang, có người sanh trong gia đình bần tiện và có người sanh trong gia đình cao sang, có người ngu dốt và có người trí tuệ thông minh” ?

Đức Phật trả lời như sau:

“Tất cả chúng sinh đều mang theo cái Nghiệp (Karma) của chính mình như một di sản, như vật di truyền, như người chí thân, như chỗ nương tựa. Chính vì cái Nghiệp riêng của mỗi người mỗi khác nên mới có cảnh dị đồng giữa chúng sanh”.

Nghiệp (kamma, hay tiếng Sanskrit là karma) là qui luật nhân quả trên bình diện đạo đức. Nói một cách chính xác hơn, Nghiệp là tác ý hay ý muốn. Vì có ý muốn nên mới phát sinh hành động qua thân, khẩu, và ý. Tác ý có thể là thiện hay không thiện, tức lành hay dữ, cũng có thể không lành không dữ. Vì thế hành động là gieo nhân, mà nhân lành sẽ ra quả lành và nhân ác sẽ ra quả ác. Tiến trình hành động và phản hành động, tức tiến trình gieo nhân và gặt quả nối tiếp vô cùng tận. Nhân tạo quả, quả trở thành nhân mới.

Tiến trình của nhân và quả này là qui luật thiên nhiên, luôn luôn biến dịch, không có ai tạo ra nó và hủy diệt nó. Một năng lực ngoại tại hay một đấng thần linh nào đó có quyền ban phước cho những ai ăn hiền ở lành hay trừng phạt những ai làm điều ác, hay có quyền chuyển giao phước báu hoặc hình phạt từ người này qua người khác, hoàn toàn không có chỗ đứng trong Phật giáo. Người cha, dù có thương con cách mấy cũng không thể nào thay thế cho con ở tù khi đứa con phạm trọng tội giết người.

Bài liên quan

Trong lịch sử Phật Giáo có rất nhiều điển tích nói lên cái nhân quả do mình làm mình chịu, không ai có thể gánh thay cho mình được, như sự tích bà Mục Liên Thanh Đề, thân mẫu ngài Mục Kiền Liên. Bà Thanh Đề khi còn sống đã làm nhiều điều độc ác, tham lam và ích kỷ, không bao giờ làm phước, bố thí hay giúp đỡ người nghèo khổ, nên khi mệnh chung bà phải đọa vào địa ngục A-Tỳ, làm thân ngạ quỷ, đói khát cực khổ.

Ngài Mục Kiền Liên, một vị đại đệ tử thần thông bậc nhất của Phật, sau khi chứng được đạo quả, liền dùng huệ nhãn quan sát sáu nẻo luân hồi, thấy cha đang ở cõi trời hưởng phước báu an vui, còn mẹ là bà Thanh Đề đang sống trong cảnh giới địa ngục thân hình tiều tụy, đói khát khổ sở.

Quá thương xót mẹ, ngài dùng thần thông đem bát cơm dâng mẹ. Bà Thanh Đề, vì đói lâu ngày nên khi thấy bát cơm, thì lòng tham nổi lên sợ các quỷ đói khác dành ăn nên bà lấy tay trái che bát cơm, tay mặt bốc ăn, cơm liền biến thành than hồng. Ngài xót xa rơi lệ, biết mẹ mình nghiệp chướng quá nặng, sức mình không cứu nổi, bèn đi cầu cứu với Phật.

Vâng theo lời Phật dậy, ngài nhờ sức tâm của chư vị A La Hán, là những bậc tu hành đạt đạo, đã thanh lọc tất cả mọi tư tưởng ô nhiễm tham sân si, tháo gỡ xong mọi sự vướng mắc của tâm ý thức, chấm dứt được dòng luân hồi nghiệp báo, tâm thanh tịnh mênh mông như hư không, nên mới chuyển hóa được tâm bủn xỉn của bà Thanh Đề. Chỉ cần một niệm tâm chuyển hóa, ngục tù tâm tạo của bà đã tự tan rã. Cho nên Lục Tổ nói: “Tự tánh khởi một niệm ác, liền diệt vạn kiếp thiện nhân, tự tánh khởi một niệm thiện, liền dứt hằng sa ác nghiệp” (Pháp Bảo Đàn Kinh).

Bao nhiêu đó chứng tỏ rằng người con đắc đạo, thần thông bậc nhất là do tu chứng của chính cá nhân mình không do nơi cha mẹ và bà mẹ cũng vậy, phải gánh chịu cái quả do việc làm của chính mình, ngay cả con bà đến cứu bà cũng không được. Thật là rõ ràng quan niệm phúc ấm truyền đời hay cái gọi là “đời cha ăn mặn đời con khát nước” không có mặt trong đạo Phật.

Theo luật nhân quả, thì quả vui hay quả khổ của người đang thụ?hưởng đều do những nhân tốt hay xấu do chính người ấy, chứ không phải do người khác đã gieo trồng, trong kiếp hiện tại hay trong những kiếp quá khứ. Với cái nhận thức và tầm nhìn giới hạn của chúng ta nên chúng ta chỉ thấy trước mặt cái quả đang trổ mà không thấy được tất cả các nguyên nhân vi tế đã sanh quả ấy, vì các nhân ấy không phải chỉ là những nhân đã gieo trồng trong kiếp này mà có thể là đã được gieo trải từ nhiều kiếp trong quá khứ. Nhà Phật gọi là nhân quả ba đời, (có nghĩa là bao gồm nhiều kiếp trong quá khứ, kiếp hiện tại và nhiều kiếp trong tương lai).

Sở dĩ chúng ta phải đem ánh sáng của đạo Giác Ngộ rọi vào những câu châm ngôn tục ngữ như câu “Đời cha ăn mặn đời con khát nước” vì câu này sai luật nhân quả. “Người này ăn mặn mà người khác lại khát nước” !!! Chuyện đời nay rõ ràng, ai cố gắng học hành thì được ghi tên nơi bằng cấp, không có việc chuyển nhượng.

Quan niệm “Đời cha ăn mặn đời con khát nước” cũng có thể là một lời hăm dọa phát nguồn từ thế lực cầm quyền trong xã hội cũ tại Việt Nam. Chế độ phong kiến thời xưa, vì quyền lợi, thường có thói quen tàn ác kéo cả gia đình phạm nhân vào một sự trừng phạt, thí dụ như án “chu di tam tộc”, giết cả ba họ kẻ có tội với triều đình, với mục đích khủng bố tinh thần dân chúng, để họ vì nghĩ đến thân nhân, thương xót không muốn thân nhân mắc họa, mà không giám chống đối lại triều đình.

Ở đây thì vì nghĩ đến con mà không giám làm điều gì mang họa cho con. Dọa dẫm mà có kết quả thì cũng có thể bỏ qua được. Nhưng không có nghĩa là lời dọa đó đúng với chánh pháp. Cũng như giết ba họ của phạm nhân để người khác không giám phạm pháp thì chỉ là một sự trả thù tàn nhẫn và vô lý mà thôi.

Cái lợi của sự dọa dẫm này quá nhỏ so với các tác hại như sau:

(1) Quan niệm “đời cha ăn mặn đời con khát nước” chỉ gây cho con cái, cái tinh thần ỷ lại vào phúc ấm tổ tiên.

(2) Đời sống đen tối thì oán trách, đổ thừa cho cha mẹ mà không tự nhận rằng vì cái nhân xấu mình đã gây ra trong quá khứ.

(3) Con cái khá giả thì cha mẹ giành công, khoe khoang rằng phúc đức do mình tạo. Nếu trong đám lại có những đứa nghèo khổ thì chúng lại oán hận cha mẹ bất công, chia phúc cho con này không cho con khác. Cha mẹ nhận công như vậy đã gián tiếp không khuyến khích chính con cái làm điều thiện để tạo nhân tốt cho nghiệp quả của bản thân họ.

(4) Không giải thích được những trường hợp một gia đình có nhiều anh chị em, trong đó có người giầu sang, kẻ nghèo khó nghiện ngập. Như vậy thì phước đức của tổ tiên cha mẹ đã được chia cho con cái theo công thức nào?

(5) Không giải thích được trường hợp cha mẹ hiền đức như vua Ba Tư Nặc và Mạt Lợi phu nhân mà lại sinh ra người con độc ác là vua Lưu Ly, đang tay giết cả dòng họ Thích Ca.

Là Phật tử của đạo Giác Ngộ, chúng ta không tin về cái gọi là “phúc ấm truyền thừa” hay “đời cha ăn mặn đời con khát nước”. Bà Mục Liên Thanh Đề ăn mặn nhưng con của bà đâu có khát nước. Chúng ta phải tin và hiểu định luật nhân quả, phải tin tưởng nơi chính mình, chính mình tạo nhân cũng chính mình gặt quả, phải tin vào khả năng và sự cố gắng của chính mình trong việc hóa giải những nhân xấu bằng những nhân tốt để cải thiện đời mình và không ngừng làm việc tốt để tạo an lạc cho chúng sinh, làm tốt cho cộng đồng.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Sự tiến hóa nào cũng cần đánh đổi

Góc nhìn Phật tử 09:50 02/11/2024

Nhân duyên quả là một tiến trình mà không phải mắt thường có thể nhìn thấy, nếu không nội quán huân tu, khai mở tâm trí để thấy rõ cội nguồn tử sinh mà thôi tạo tác, thì mỗi chúng sanh phải chịu từng khổ vui của sự sống chết để học hết bài học của nhân quả, ái luyến, chấp thủ, luân hồi...

Hạnh phúc khi biết an trú tâm trong hiện tại, bây giờ và ở đây

Góc nhìn Phật tử 08:30 02/11/2024

Có một người khi sanh tiền rất hiền lương, hay giúp đỡ người khác nên sau khi chết sanh lên thiên giới và được phong làm thiên sứ. Thiên sứ thường xuống trần gian làm việc thiện, giúp đỡ người khác để cảm nhận hương vị của hạnh phúc.

Thấy rõ nhân - duyên - quả để an nhiên

Góc nhìn Phật tử 13:04 01/11/2024

Lập gia đình, xây dựng cuộc sống ấm no, có con cái sum vầy và nuôi dạy chúng nên người là niềm vui, hạnh phúc đồng thời cũng là mong muốn chính đáng của mọi người. Tuy nhiên, không phải ai mong muốn gì cũng đều được như nguyện.

Trăm năm thoáng chốc mộng nhân sinh

Góc nhìn Phật tử 19:00 31/10/2024

Gom lấy trăm năm đổi tình, tiền/ Lòng trần được mấy phút an yên? / Lợi danh rồi cũng vô thường mất/ Để cả hư tâm gánh muộn phiền...

Xem thêm