Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ tư, 18/08/2021, 08:30 AM

Dòng sông tâm thức: Bát Nhã Tâm Kinh (II)

Sau khi thông qua các bài viết về Kinh Kim cang, Trung quán luận, Tánh Không, chúng ta đi đến quán chiếu Bát Nhã Tâm Kinh. Quán chiếu là soi rọi tìm thấy nhận biết thật rõ vấn đề nào đó bằng tư duy và thiền định.

Quán chiếu Bát Nhã:

bat-nha-tam-kinh 3

Bát Nhã với Thiền sư Thích Duy Lực và Nguyệt khê:

Thiền sư Thích Duy Lực giảng giải Bát Nhã Tâm Kinh dưới gốc độ vô nhị biên (bất nhị) và bản tâm mà xem Bát Nhã là cây chổi dùng để quét sạch là từ chối. Kế tiếp dùng thiền công án để thấu đạt.

Thiền sư Thích Duy Lực giải thích Bát Nhã rất khó giải thích câu Không bất dị sắc làm sao hiểu nên dùng tánh bất nhị mà giải thích tức là tự tánh bất nhị. Kế đến là không lọt vào tứ cú, chú ý đến tự tánh nên giải thích chữ Không là tự Tánh Không với cái dụng của tự tánh nầy, Không đi đến đâu thì cái dụng đi đến đó. Vì không có hai do chú ý đến bất nhị nên sắc tức là tự Tánh Không. Vì tâm tạo ra sắc nên không có thật. Câu thị chi pháp không tướng được giải thích là tự tánh vì nó không sanh diệt, không nhơ sạch không thêm bớt nên không tướng là phá đi ngủ uẩn, lục căn, lục trần lục thức nên dùng chữ Vô là không có thật để quét đi tri kiến chấp thật của phàm phu.

Dòng sông tâm thức: Bát Nhã Tâm Kinh (I)

Rồi quét đến duyên giác, 12 nhân duyên, quét đến Tứ diệu đế, sau đến quét Bồ tát đạo đại thừa, nên vô sở đắc vì có vô sở đắc thì tâm mới thanh tịnh nên cái dụng của Bát Nhã mới tự nhiên hiện ra, tâm vô quái ngại tức tự do tự tại vô hữu khủng bố có nghĩa là quét tri kiến chấp thật đại thừa, đi xa hơn quét cho là có Phật là thật nên dùng chữ viễn ly là cây chổi quét điên đảo mộng tưởng niết bàn tức là quét luôn đến nhất thừa và ba đời quá khứ hiện tại tương lai của Phật đều quét sạch hết tất cả mới đạt giác ngộ tối cao, giác ngộ này không còn nhị biên quét sạch nên lòi cái dụng ra, kinh Lăng già có câu: vô hữu niết bàn Phật, vô hữu Phật niết bàn nên quét luôn cứu cánh niết bàn và đó là câu đại minh chú vô thượng chú, từ đó tự tại không bị không gian thời gian ràng buộc số lượng cũng hết luôn và cuối cùng là câu chú Gathe gathe. …là mệnh lệnh cho sức dụng của Tự Tánh Không.

Nguyệt khê thiền sư giảng Bát Nhã dưới gốc độ đại thừa tuyệt đối luận.

Cảnh giới tuyệt đối là mênh mông vô biên vô thủy vô minh vô cùng tận là tồn tại của tuyệt đối, không gian thời gian vật chất tinh thần đều bình đẳng đồng tồn tại, cộng hữu nhau không thể phân chia. Vô thủy vô minh là hang ổ của nhất niệm vô minh, khi nhất niệm vô minh chưa có thì thời gian và không gian chưa thể hiểu biết được cũng như tính toán số lượng. Và rồi khi bắt đầu có ý niệm về thời gian không gian số lượng thì tự ngã bắt đầu tham luyến vạn vật mâu thuẫn và có tương đối vũ trụ.

Như vậy nếu nhất niệm vô minh mà trở về vô thủy vô minh thì tiêu diệt hết các thời gian không gian số lượng chừa lại màng đêm tâm tối. Đức Phật tìm ra điều nầy nên đưa đến thế giới tuyệt đối là thường lạc ngã tịnh, buông bỏ tương đối để đạt tuyệt đối nên gọi là bất khả tư nghị. Dùng thiền công án để phá nhất niệm vô minh thì màng đêm vô thủy vô minh sẽ được mở ra, bản lai diện mục được mở ra và buồn vui giận sân đều được thống trị trở thành tuyệt đối của Phật tánh giải thoát trở về chân thật tuyệt đối, vũ trụ trở thành tuyệt đối mới giải thoát chân chính, tự do chân chính, bình đẳng chân chính chẳng có ai thành lập bản lai như thế là như thế, tự tánh từ thời bản nguyên như thế.

Bát Nhã với Trung quán luận

Trung luận do Bồ tát Long Thọ đưa ra sau 600 năm đức Phật nhập diệt, chủ xướng Tánh Không. Chủ yếu là vạn pháp do duyên giả hợp mà thành nên ta nói là không, tức là không tự tánh và trung luận là sự không chấp vào hai đầu của cực đoan giữa có và không. Trung luận là sự chuyển dịch ở giữa hai thái cực đó vì vạn pháp chuyển dịch không ngừng nghĩ nên không có đứng yên ở hai thái cực đó.

Trung quán là vô tự tánh còn gọi là vô ngã tưởng. Bát bất là lý thuyết trung luận: không sinh / diệt, không một /hai số lượng, không thường /đoạn, không lai/ xuất: không đến /không đi. Phủ định tuyệt đối là phủ định cả hai lần. Tuy đối diện hai cực đối chọi nhau nhưng lại tương dung cùng nhau hiện hữu. Dưới gốc độ của Trung luận là Bát Nhã Tâm Kinh là sự phủ định toàn bộ và triệt để sự có mặt của vạn pháp. Phủ định tứ cú là có/không có/cả hai có và không có, không có có và cũng không có không có.

Kế tiếp là phủ định luôn 4 nguyên nhân: tự chính nó, từ cái khác nó, từ cả hai hợp lại, không có nhân duyên nào hết. Kết luận là không tánh là không có mặt của sự tự tính mà mình đi tìm kiếm.

Theo Thiền sư Suzuki, sự thấy biết bằng trực giác là điều giác ngộ nhìn vạn pháp như thực, như thị, có nghĩa là bỏ được nhị nguyên tính của nó, thấy đúng đắn cái duyên khởi của nó và không còn ngã trong nó, không bị kẹt ở kiến chấp của ý thức gọi là kiến thức, Trung luận đặt vấn đề về tự tính, lý luận như sau: có tự tính trong các duyên là sai lầm vì có do duyên thì có sinh tử thì không thể là tự tính được. Tự tính thì tạo tác thì sai vì tự tính không tạo tác, không nhờ pháp khác tạo ra nó. Và nếu tự tính thì nó không biến dị nên Tánh Không có 3 phẩm tánh là không do tạo tác mà thành, không nhờ pháp khác mà thành và không biến dị tức không sanh diệt.

Câu kết của Bồ tát Long Thọ: các pháp do duyên khởi nên ta nói là không là giả danh và cũng là trung đạo. Bát Nhã Tâm Kinh được hiểu nghĩa chữ Không làm hai phần: vô ngã không là theo Trung luận của Long Thọ và kế tiếp là Vô pháp không là theo Duy thức luận của Vô trước. Phần vô ngã không là Trung luận là không có tự tính không có độc lập không tự nó mà có, không sanh diệt không biến dị còn gọi là Tánh Không Trung luận. Long Thọ bảo không có tự ngã độc lập tự có mà do duyên giả lập. Long Thọ giải nghĩa trên tục đế và chân đế mà chân đế không thể dùng lý luận ngôn ngữ mà hiểu được nên phải dùng trực nhận trực giác mà thấu đạt, chân đế còn gọi là tuyệt đối tối hậu còn tục đế còn gọi là thể tức tương đối. Long Thọ cho rằng chân đế bị che phủ bởi vô minh, bởi duyên khởi và giả danh vì thế Tánh Không là không có giá trị tuyệt đối nào nên là trống không (emptiness). Ngài nói thế gian không khác niết bàn và niết bàn không khác thế gian, tuyệt đối bản thể không khác hiện tượng như vậy Tánh Không, không phải là từ chối thế giới hiện tượng mà chỉ có nghĩa là không chấp thế giới hiện tượng là thật sự tuyệt đối tối hậu.

Như vậy thế giới hiện tượng bất khả xác định nhưng ngài phủ nhận tính bất khả xác định này, ngài tin rằng nhờ trực nhận trực giác mà ta nhận ra được chân lý tối hậu và tin tưởng vào sự thống nhất tức là bát bỏ sự phân biệt, chỉnh bỏ đi tính phân biệt mà giác ngộ. Không là vô thường, vô ngã và do duyên. Không có thật. Bát Nhã là phá chấp, phá chấp ngã, phá chấp hữu, phá chấp thường, phá chấp pháp, phá chấp trí đắc và phá ngay cái chấp không.

Tôi tụng Bát Nhã Tâm Kinh

Bát Nhã với Duy thức luận

Duy thức luận ra đời sau khi Tánh Không trung quán một thời gian gần 100 năm. Vì thế không thể gọi là Phật giảng về Duy thức mà do ứng thân của Phật Di Lặc giảng giải. Như vậy bồ tác Vô Trước Thế Thân đều lấy Tự tánh Duy thức mà làm nòng cốt cho Duy thức luận gồm có 3 tự tánh:

- Biến kế sở chấp tính (zh. 遍計所執性, sa. parikalpita-svabhāva), còn được gọi là huyễn giác (zh. 幻覺) hay thác giác (zh. 錯覺): Tất cả những hiện hữu đều là kết quả của trí tưởng tượng (huyễn giác), đó chấp trước, cho rằng sự vật trước mắt là có thật, là độc lập; biến kế là biến đổi và kế thừa, sở chấp là chấp vào hình tướng và danh mà hiện hữu gọi tên.

- Y tha khởi tính (zh. 依他起性, sa. paratantra-svabhāva), nghĩa là dựa vào cái khác mà sinh ra: Tất cả pháp hữu vi đều đó Nhân duyên mà phát sinh, lệ thuộc vào nhau, không có tự tính (sa. asvabhāva); tức là do giã hợp của duyên sanh

- Viên thành thật tính (zh. 圓成實性, sa. pariniṣpanna): Tâm vốn thanh tịnh, là Chân như (sa. tathatā), Như Lai tạng (sa. tathāgata-garbha), là tính Không (sa. śūnyatā). Tức là viên tròn đẹp đẻ hoàn hảo thật sự tánh nó, nó chính là nó không có gì ngoài nó. Vậy giải thích Bát Nhã tâm kinh theo Duy thức như sau:

1. Năng tri: Quán tự tại hành thâm Bát Nhã ba la mật đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhất thế khổ ách: Bồ tác hay hành giả thực hành và nghiền ngẫm với trí mở rộng thấy ngũ uẩn là Không, không đây có hai tầng: tướng không ngũ uẩn tức dụng thể không 5 uẩn chiếm cứ trong không gian tức tự tánh tuyệt đối và thứ hai là không thật là nó nữa; thực tại giả lập ra, do quá trình huyễn hoá. Từ đó xét kỹ là mọi khổ ách tiêu tan từ quá khứ đến hiện tại không còn khổ ách.

2. Xá lợi phất sắc bất dị không không bất dị sắc sắc tức thị không không tức thị sắc thọ tưởng hành thức diệc phục như thị.

Đoạn văn này có hai yếu tố dính với duy thức: tự tính viên thành thật (tuyệt đối) và tự tính y tha khởi (tuỳ thuộc), sắc là không với ý nghĩa không gian chứa đựng sắc và sắc chứa đựng không gian là viên thành thật là định thuyết bất biến tuyệt đối có sẵn từ khi trái đất lập nên, sắc tức là không chính là không gian là vậy. Kế đến trong khi trí phân biệt vận hành thì sắc này là không có tự tánh, mà tùy thuộc do duyên mà giả hợp, tức là do luân hồi duyên khởi sanh diệt chằng chịt với nhau nên sắc này với tánh y tha khởi của Duy thức là một, quán tưởng để nhận ra điều đó là đoạn văn này.

3. Đoạn văn kế tiếp: Xá lợi tử thị chư pháp bất sanh bất diệt vô trí diệt vô đắc. Đoạn văn nầy liên hệ duy thức với 3 tự tánh: viên thành thật là Tánh Không thì không sanh không diệt còn thể không thì không tốt không xấu, không thiện không ác không sạch không nhơ. Tự tánh biến kế sở chấp là do sắc hiện hữu qua căn mắt thấy hình tướng thì giả lập, do danh mà hiện hữu vì vậy không phải thật, nó là thể không nên có sanh diệt, thay đổi theo thời gian không gian. Cuối cùng là tự tánh y tha khởi là sắc này do tâm thức biến hiện nên do nhân duyên mà thành hiện hữu, như vậy nó có nhơ sạch sanh diệt.

Để hiểu đoạn văn nầy nên chia ra hai giai đoạn là mê và giác, mê thì có sanh diệt, tăng giảm sạch nhơ tức là tự tánh y tha khởi và biến kế sở chấp, còn ở giai đoạn Giác thì không sanh diệt, không sạch nhơ, không tăng giảm. Về tính vô ngã thì về không gian thì có nhân và duyên rồi ra quả như sau: 6 căn do nhân duyên kết gặp 6 trần ra 6 thức, duyên là 6 trần theo y tha khởi tánh tuỳ thuộc vào 6 căn mà ra 6 thức, kết quả là 6 thức nên 6 căn không có tự tánh thì 6 trần cũng không có tự tánh, thì 6 thức cũng không có tự tánh hay gọi là thức chất nên kết luận Tâm vô thường Pháp vô ngã là Duy thức vậy.

Về thời gian thì 12 nhân duyên là tiến trình theo thời gian là lịch trình huyễn hóa của chúng sanh do duyên mà ra. Xét đến Tứ diệu đế, thì áp dụng 3 tự tánh Duy thức thì chia ra hai giai đoạn, giai đoạn tương đối y tha khởi và biến kế sở chấp của khổ tập diệt đạo là thật tướng của thọ tưởng hành thức, còn viên thành thật là tuyệt đối là Tánh Không của thọ tưởng hành thức. Kế đến là tri hành, tri thức đúng đắn thì là chứng, còn hành đúng đắn thì đắc, đó là chân lý tối hậu tuyệt đối. Tại đây mọi người nghĩ là từ chối không tri không đắc, trong khi Duy thức không nghĩ là từ chối mà là tướng không của tri và đắc tức là giả lập y tha khởi và biến kế sở chấp nên hiểu đúng đắn thì viên thành thật là chứng đắc. Tức là hiểu tri hành là giả lập là thức biến kế và y tha khởi thì đạt được chứng đắc là viên thành thật. Nói tóm lại theo Duy thức thì không phải từ chối mà là hiểu đúng nghĩa của nó từ 4 thánh đế 12 nhân duyên đến tri hành mà hiểu y tha khởi và biến kế sở chấp để đi đến viên thành thật là tiến trình tuần tự thực hiện. Bây giờ đến quả nhận được là dĩ vô sở đắc cố bồ đề tất đoạ ….. hết câu thần chú yết đế yết đế (gathe gathe) chấm dứt bài tâm kinh là kết quả. Kết quả 1. Là thoát khổ ách, 2. Là giác ngộ niết bàn, 3. Chứng minh điều ấy.

Chiếu kiến ngủ uẩn giai không trên mặt tuyệt đối thì 5 uẩn và Không như nhau, Tánh Không của 5 uẩn là tuyệt đối tự tính nên dụng thực hành tri Bát Nhã là tri thức hiểu đúng thực tướng vạn pháp tức là giải thoát đến niết bàn.

Chứng minh điều ấy là kinh Kim cang Phật dạy tu bồ đề rằng cả 3 đời Phật quá khứ hiện tại và tương lai đều có Phật tánh hay Tánh Không đều chứng quả vô thượng chánh đẳng chánh giác là tri giác tuyệt đối.

Cuối cùng là câu thần chú Gathe gathe…nghe là năng tri, đọc thần chú là sở tri, do đó khi đọc thần chú xong là hành giả áp dụng Năng sở song vong là chủ thể đọc và nghe thần chú thì đối tượng ngay lúc đó hành giả biết mình nghe được âm thanh đọc mà biết bằng trực nhận trực giác, chứ không phải do ý thức về âm thanh đó vì năng tri nghe âm thanh đó là y tha khởi do duyên, nên dùng trực giác tâm thức mà nhận biết, nên chủ khách đều là một xóa tan nhị biên phân biệt thành nhất nguyên, đó là tri thức đúng thật tướng của Tâm và Vật. Như vậy nghe bằng tánh nghe là giác ngộ viên mãn đó là khoảnh khắc giác ngộ.

bat-nha-tam-kinh 4

Bát Nhã với Hoa nghiêm tông

Vài tư tưởng quan trọng trong “Kinh Hoa nghiêm”.

Đây là bộ kinh đồ sộ, cao thâm. Chúng ta có thể đi vào nó thông qua tác phẩm độc đáo nhỏ gọn: “Yếu chỉ Đại phương quảng Phật Hoa nghiêm kinh” (Duy Tắc thiền sư) (Thích Duy Lực dịch).

Theo Duy Tắc Thiền sư cũng như truyền thống triết học Phật giáo, bản thể và mỗi sự vật hiện tượng thường được miêu tả từ ba phương diện: Thể (mặt bản thể) (tánh), Tướng (mặt hiện tương, biểu hiện), Dụng (mặt ứng dụng, hoạt động). Trong tác phẩm “Yếu chỉ Đại phương quảng Phật Hoa Nghiêm kinh”, có 4 vấn đề cần quan tâm (theo kiến giải của Duy Tắc thiền sư):

Sự sự vô ngại: Sự sự vô ngại là tư tưởng quan trọng. Sự sự vô ngại: tất cả giới hạn, phân cách của sự vật xứng với tánh dung thông, một tức nhiều, nhiều tức một, lớn vào nhỏ, nhỏ vào lớn, trùng trùng vô tận, nên gọi là "sự vô ngại pháp giới".

Đồng thời cụ túc: Tất cả sự vật hiện tượng đồng thời đầy đủ trong một sự vật hiện tượng, mỗi sự vật hiện tượng đều có sự tương trợ lẫn nhau.

Nhất đa tương dung: Một sự vật hiện tượng dung nạp nhiều sự vật hiện tượng, nhiều sự vật hiện tượng ở trong một sự vật hiện tượng, mỗi sự vật hiện tượng chẳng đồng mà đồng, đồng mà chẳng đồng.

Chư pháp tương tức: Tất cả sự vật hiện tượng vốn chẳng có khác, nên sự vật hiện tượng kia tức sự vật hiện tượng này, sự vật hiện tượng này tức sự vật hiện tượng kia, tương tức với nhau.

Có thể tóm lược chìa khóa các ý vừa nêu đối với “Kinh Hoa Nghiêm” là “Ý niệm về tương tức và tương nhập” (Cái này là cái kia, cái này trong cái kia…).

Tham khảo thêm “Từ điển Phật học”: “Trong Tiểu thừa, tính Không nhằm nói về thể tính của con người và được sử dụng như một tĩnh từ (s: śūnya). Ðại thừa đi thêm một bước nữa, sử dụng Không như một danh từ (s: śūnyatā), xem Không là vạn sự, vạn sự là Không, tức mọi hiện tượng thân tâm đều không hề có tự tính (s: svabhāva). Mọi pháp đều chỉ là những dạng trình hiện (呈現; e: appearance; g: erscheinung), chúng xuất phát từ tính Không, là không. Tính Không vừa chứa tất cả mọi hiện tượng, vừa xuyên suốt các trình tự phát triển sự vật

Sắc tức thị không”: (Tức thị: Không khác gì).

“Sự vật có hình tướng” hoặc “thân thể này” chẳng khác gì cái chân không diệu hữu, bản thể, Phật tánh, chân như,…Không tức thị sắc”: Cái diệu hữu, bản thể, Phật tánh, chân như,… không khác gì sự vật có hình tướng hoặc thân thể này. Kết hợp hoa nghiêm và Bát Nhã Tâm Kinh là nhất thiết duy tâm tạo. Tâm là 4 uẩn còn lại của 5 uẩn, tâm tức là không, không tức là tâm, như vậy Tâm ở đây được hiểu là hai khía cạnh: một là tâm phân biệt, tâm nầy hoạt động của con người gồm có sở tri là bị biết và năng tri là người biết, phân biệt sinh tồn và làm việc. Tâm này như con khỉ nhảy múa với trần cảnh bên ngoài. Kế tiếp là tâm Phật là chân tâm, là Tánh Không là tâm lóe ra khi hết vọng tâm phân biệt. Tâm này là tự tánh tâm, nên không sanh không diệt là tự Tánh Không. Kết luận hoa nghiêm là một là tất cả tất cả là một, một đây là Phật tánh tức Tánh Không, tất cả đây là sắc.

Bát Nhã nhìn gốc độ Pháp Hoa = Chân không diệu hữu

Chân không diệu hữu ra đời theo kinh Pháp hoa, hiểu theo đơn giản là chân thật của hư không lại có sự hữu một cách kỳ diệu. Nhưng hiểu một cách trực nhận thì chân không này là chân lý tuyệt đối thì có nhiều tên gọi như trí tuệ Bát Nhã, viên giác tánh, tri kiến phật, chân tâm,như lai tạng là chân tánh phật tánh. Từ đó cái hữu có kỳ diệu là sự hoá hiện của chân không mà ra và cái hữu đó là sanh diệt là vô thường là biến đổi duyên khởi là tướng không giả lập. Vì là tướng nên sanh diệt nên có nhiều tên gọi là nhân tướng, quả tướng, nghiệp tướng, hiện tượng. Chính sự đối nghịch giữa chân không và cái hữu nên mới gọi là chân không diệu hữu. Thật tướng chân như, pháp tánh là thế giới chân thật trường trú của Phật ở trạng thái chân không, nó không sanh diệt, cấu tịnh tăng giảm cũng không có nghiệp, không hư vọng, và từ đó nó dung thông với thế giới hiện tượng không bị ngăn ngại là chân không diệu hữu chân không có đến đâu thì diệu hữu có đến đó.

Bát Nhã với Thiền sư Suzuki

Thiền sư Suzuki cho rằng Bát Nhã Tâm Kinh là tâm yếu của bộ kinh Bát Nhã vì hầu hết bộ kinh Bát Nhã không có Bồ tát Quán Âm, quán tự tại avakitesvara. Chủ yếu của bộ kinh này là thần chú cuối cùng. Tâm kinh đúng là tiêu chuẩn của kinh Bát Nhã mở đầu là từ chối và cuối cùng là khẳng định nên gọi là giác ngộ.

Phủ định tất cả giãn lược vào cái không, đầu tiên là từ chối 5 uẩn, 18 giới, 12 xứ, 12 nhân duyên, 4 thánh đế. Phủ định luôn trí và đắc vì trí đắc do suy luận nhị biên thì không bao giờ có. Cuối cùng là câu thần chú Gathe Gathe là giác ngộ. Vì thần chú nên không dịch ra được dù tiếng hán hay tiếng gì đi nữa. Nhưng Bát Nhã Tâm Kinh lại được thiền tông ưa chuộng, mặc dù rất khó hiểu được nhưng thiền tông quan niệm càng khó hiểu thì càng đắc được đó mới là chủ ý của thiền. Chính sự thần bí của câu chú này mà là chìa khóa để đạt giác ngộ, Bát Nhã Tâm Kinh lấy trí tuệ Bát Nhã là chính các kinh luận Bát Nhã gồm 600 quyển nhưng khác ở chỗ có câu thần chú cuối cùng này.

Tâm kinh là cốt lõi của bộ kinh Bát Nhã nhưng cô đọng gồm 260 chữ mà thôi, theo Thiền sư Suzuki tâm kinh là một công án thiền mà quá trình giác ngộ của người hành giả là chuỗi đồng phủ định, phủ định bất cứ thứ gì do trí óc mang lại vì vô minh là không thấy sự thật như thế là như thế, nên từ chối thức không còn chỗ nào để bám là con đường giác ngộ. Gathe là điểm cuối cùng của giác ngộ, tham công án miên mật đến cuối cùng là Gathe, có người hỏi thiền sư Phật là ai? Thiền sư trả lời Phật là thùng đầy nước bị thủng đáy, nước chảy ra từ lỗ thủng đáy đó như từ chối cho đến cạn kiệt rồi bùng lên ngộ đạo Gathe. Thiền công án từ chối đi đến đích là gathe giác ngộ là các pháp như thật với tự tính chân như của chúng.

Bát Nhã với triết lý thiền tông

Triết lý thiền tông bao gồm Tánh Không Bát Nhã và Như lai tạng. Mở đầu của thiền tông là câu: Niêm hoa vi tiếu: Bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành phật. Cả 3 câu trên là đúng theo Bát Nhã tâm kinh là phủ định từ chối. Sự phủ định này không có nghĩa là không có, không ngơ mà là không chấp vào, không bám vào, không lệ thuộc vào. Câu cuối cùng là kiến tánh thành Phật có nghĩa là thành Phật tánh trong ta chứ không phải con người Phật hay một dạng Phật nào ngoài tâm ta. Bát Nhã cho ta Tánh Không, đồng nghĩa là tánh giác nên hiểu tánh giác đó qua hình thức từ chối là bỏ được nhị biên phân biệt, từ chối là buông xã tuyệt đối tức không bám trụ, rồi từ chối đó có nghĩa không còn thời gian, không gian, số lượng của ý thức ban đầu, rồi đạt đến năng sở song vong không còn năng của ta không còn sở của người, rồi không quá khứ không tương lai mà chỉ còn hiện tại từng sắc na hiện tiền và nó chính là nó không gì ngoài nó là như thị.

Đối với tâm Duy thức thì hàng phục tâm và an trụ tâm đạt chân tâm. Kết luận là nhân là ưng vô sở trụ đưa đến quả là vô sở bất tại tức nơi nào cũng hiện hữu là Phật tánh. Triết lý thiền tông về Tánh Không cho rằng Tánh Không là vô ngã và vô pháp để vượt qua được hai thuyết Trung quán Không và Duy thức vô pháp chấp. Kế đến là Như lai tạng là một hình thức của Duy thức áp dụng vào cơ thể chúng sanh 5 uẩn mà tu tập. Như lai là Phật tạng là cơ thể tu theo cơ thể của Phật từ cơ thể chúng ta là mang 6 căn ra mà tu tập. Như lai tạng là dựa vào kinh Lăng nghiêm chủ ý nhiều nhất là tánh thấy tánh nghe và tu tâm hàng phục tâm và an trụ tâm. Như lai tạng còn gọi là chân như là Phật tánh. Phật tánh có 7 đức tính như sau: Thường: Thường còn, không mất không biến đổi; Tịnh: Trong sạch; Thật: Thành thật; Thiện: Lành, chẳng ác; Đương kiến: Thấy hết những cái xảy ra; Chân: Đúng thật, không giả. Khả chứng: Có khả năng trải nghiệm chứng đắc thành chánh quả.

Tóm lại thiền tông lấy Bát Nhã tâm kinh là căn bản của triết lý đạo Thiền để nhận biết tầm quan trọng của Bát Nhã Tâm kinh.

Thật tướng Bát Nhã:

bat-nha-tam-kinh 5

Kinh Nhật tụng - Sư bà Hải Triều Âm: Tụng Chú Đại Bi và Bát Nhã Tâm Kinh

Một là phải nhớ rằng Bát Nhã tuy chủ trương trên phương diện nhận thức luận, tất cả hiện tượng đều là biểu tượng của tâm, ngoài tâm ra tất cả đều không, nhưng cái không đó không phải là cái không trống rỗng, hư vô, chỉ có phủ định, mà là cái không linh động, cái không "diệu hữu", cái "không tức thị sắc". Mặt khác, về phương diện tu dưỡng, cái không tuy phủ định để thấy không có tự tính nhưng vì thế mà khẳng định thấy không có gì để chấp trước. Không chấp trước không phải là xa lánh thế gian, sinh hoạt tiêu cực, mà là để phát huy cái tinh thần hoạt động tự do vô ngại, vận dụng tất cả mọi hoạt động vô vi, vô tác để thực hiện từ bi cứu khổ trong tinh thần bình đẳng, vô sai biệt.

Hai là phải hiểu rằng muốn đoạn trừ vô minh, không thể bằng hành vi tiêu cực chấm dứt suy tưởng trừu tượng mà trái lại phải tích cực bằng vào nổ lực của ý chí vận dụng tâm năng để chứng nghiệm cái đối nghịch với cái hình tượng huyễn ảo do vô minh sai lầm vọng tạo. Vô minh là cái thấy biết điên đảo, ngược lại với trí tuệ căn bản. Vô minh phủ nhận Giác ngộ, nhưng ngược lại Giác ngộ không phải là một khái niệm tiêu cực chỉ vỏn vẹn có nghĩa là đoạn diệt Vô minh. Giác ngộ không phủ nhận gì hết. Giác ngộ là một khẳng định, như lời Phật dạy: "Thấy Pháp tức thấy Phật, thấy Phật tức thấy Pháp". Dứt bỏ khái niệm về sự hữu-có-tự-tính để đến Tánh Không mà chỉ bằng cách ngưng hoạt động ý thức thời giống như trường hợp đức Phật trước khi thành đạo đã từng tu tập với hai vị đạo sĩ là Aràda Kàlàma và Udraka Ràmaputra cả hai pháp thiền Diệt tận định và Ly thức định, diệt hết mọi cảm thọ, dứt bặt mọi tư tưởng và ý thức khi nhập định, biến thân xác tựa hồ thành gỗ đá. Ðức Phật nhận ra đó là một hình thức tu tập quá tiêu cực không thể nào đưa đến giác ngộ (Thiền vô sắc giới).

Ba là cần biết rằng lúc khởi đầu đạo lộ đưa đến thực chứng Tánh Không phương tiện duy nhất để hiểu biết là tư duy phân biệt. Quả vậy, các pháp có thể phân thành hai loại: loại hiện pháp (abhimukhì), như sắc, thanh, hương ...được hiện lượng tức tri giác đơn thuần thấy biết ngay trong sát na hiện tại và loại ẩn pháp (paroksa), tùy thuộc tỷ lượng, một tiến trình so sánh loại suy để do những dấu hiệu được thấy biết mà suy ra những sự kiện không hiện tiền. Sự phân loại kiểu này không để lọt bất cứ một pháp nào ra ngoài hai loại đó. Bất kỳ pháp nào nếu không hiện thời ẩn hay ngược lại. Tánh Không theo Tsong-ka-pa là một pháp như mọi pháp khác và cố nhiên thuộc loại ẩn pháp. Giả như Tánh Không là hiện pháp thời ai ai cũng thấy biết ngay được. Trong thực tế, đâu có trường hợp như vậy xảy ra. Tri thức thường nghiệm không thể nào trực nhận Tánh Không. Cách độc nhất tìm đến Tánh Không trong giai đoạn đầu của đạo lộ là sử dụng tập quán suy tư và nhận thức thông tục.

Kinh nói: "Vì có danh nên có thủ trước. Vì có tướng nên có thủ trước". Gọi tên và nhận ra tướng dạng là tác dụng của tư duy phân biệt. Chấp trước và cố chấp thường đi đôi với tư duy phân biệt. Tư duy phân biệt thật ra vô hại, nhưng khi nó đi đôi với chấp trước và cố chấp thời sinh ra vọng tưởng hý luận gây nguy hại rất lớn. Theo quan điểm Trung quán, thay vì tư duy phân biệt, vọng tưởng hý luận mới là đối tượng phủ định. Vọng tưởng ở đây được hiểu theo nghĩa nói đến trong Ðại thừa nghĩa chương: "Kẻ phàm phu mê tối đối với sự thật bèn khởi ra các tướng của các pháp, chấp lấy tướng mà cho ra danh, y theo danh mà giữ lấy tướng, bởi chỗ giữ lấy chẳng chân thật, nên kêu là vọng tưởng". Ngài Nguyệt Xứng giải thích thêm vọng tưởng là "cái sự tô lên một ý nghĩa sai lầm rằng có tự tính".

Như vậy, phủ định vọng tưởng hý luận tức là phủ định sự hữu-có-tự-tính mà vọng tâm lầm tưởng là chân thực. Bồ đề tâm luận chỉ rõ lý do tại sao phải đoạn tận mọi vọng tưởng hý luận: "Cái pháp của đường mê là từ nơi vọng tưởng mà sanh ra, nó lần lượt nảy nở ra cho đến thành vô lượng, vô biên các phiền não".

Vì Bát Nhã Tâm Kinh là gồm thâu summary lại tất cả đạo Phật qua các thời kỳ nên ta hiểu nó từ Nguyên thuỷ đến Đại thừa, từ vô ngã vô thường và khổ đến Tánh Không rồi Duy thức chân không diệu hữu của Tâm, có người giải thích là chữ không là từ chối là quét sạch là pass vượt qua những chặng đường tu tập đi từ Nguyên thủy đến Đại thừa. Vì nó quá cô động 260 chữ nên sự quét sự pass này không được diễn tả bằng cách nào? Và tại sao? Vì không có Ngã nên không có người chèo thuyền đi qua bờ bên kia và cũng không còn nghiệp báo, không có người nhận chịu quả báo, vì không có pháp nên không có bờ bên này và bờ bên kia nhị biên tương đối, vì không có chứng đắc mà luôn luôn là Như thị vì vạn pháp do Tâm của Duy thức nên mới có chân không diệu hữu. Đạo Phật cốt lõi là sự giải thoát, để thoát ra khỏi căn nhà lửa cháy đạo Phật có nhiều đường ra từ vô ngã vô thường khổ đến Tánh Không đến do Tâm biến hiện là huyễn ảo đến từ chối hết, diệt tận gốc cái gì bám víu cái gì chấp vào. Khi không còn không gian thời gian số lượng của ý thức, không còn quá khứ tương lai mà chỉ hiện tiền, không còn đối đãi của chủ thể và khách năng sở song vong nhị biên tương đối khi không còn cả cái Tánh Không nữa thì đó là điểm cuối cùng của đạo Phật giải thoát: gathe gathe paragathe parasamgathe Bodhi svaha !!

Kết luận: Bát Nhã Tâm Kinh là nữa là kinh nữa là chú Mật tông. Vì nó gom tụ chỉ có 260 chữ nên cô động tương tự như chúng ta nói: tôi học ra bác sĩ thì tôi phải học kinh qua các môn học anatomy physiology histology microbiology pathology histology surgery…thì mới thành bác sĩ. Tất cả chỉ là tên của môn học chứ không phải chi tiếc từng môn học. Bát Nhã Tâm Kinh cũng vậy chỉ nêu tên từng chặn đường mà Bồ tát phải tu tập đi qua bằng quán chiếu trải nghiệm như ngủ uẩn duyên khởi tứ diệu đế 12 nhân duyên,Thất bồ đề phần, Lục độ ba la mật đến vô chứng vô đắc sau cùng là thần chú mật tông. Suốt hết con đường đạo Phật từ Nguyên thủy đến Đại thừa Trung quán Duy thức. Nhưng chủ yếu của Bát Nhã Tâm Kinh là nhắc nhở Bồ Tát tụ tập phải cho chín mùi đầy đủ mới đạt được tuệ giác Bát Nhã nên gọi là Bát nhã ba la mật. Trí tuệ Bát nhã là viên mãn thành tựu nên là mẹ của chư Phật và Bồ Tát. Bát nhã là chính giác, tự hiển lộ nhận ra khuôn mặt chân thật cả hai là một, sở tri năng tri nhập thành một: tình trạng thiền chấp chấm dứt tình trạng đồng nhất không phân biệt gọi là Chính giác hay Nhất thiết trí. Đầu tiên Bát nhã phản đối là có phương tiện và cứu cánh chủ thể khách thể, cái này cái kia, cái thấy và cái bị thấy.

Nhờ quán chiếu Bát Nhã tất cả nhập lại là một không còn tính nhị nguyên là Chính giác hiện hành trong Bát nhã và ngược lại Bát nhã hiện hành trong Chính giác là giác ngộ. Bát-nhã là soi thấy yếu tính của sự vật như thế là như thế (yathābhūtam); Bát-nhã soi thấy sự vật y theo bản tính Không của chúng; khi soi thấy sự vật như thế là đạt tới biên tế của thực tại, tức là vượt ra ngoài lãnh vực tri kiến của con người; và do đó, Bát-nhã nắm cái không thể nắm, đạt cái không thể đạt, hiểu cái không thể hiểu; khi lối diễn tả bằng trí năng về tác dụng của Bát-nhã ấy được diễn dịch thành những hạng từ tâm lý, nó là cái không dính mắc vào đâu, dù nó là một ý tưởng hay một cảm giác. Những ai khởi sự thực hành Bát-nhã phải thực hành tất cả sáu Ba-la-mật để hồi hướng công đức cho sự chứng đắc vô thượng chính giác.

Tuy nhiên, khi hồi hướng như thế, đừng bao giờ chấp chặt (parāmṛṣṭā) vào nơi chính giác coi đó là mục tiêu cho các tu tập của mình, cũng đừng chấp trước năm uẩn (skandha) coi đó là những thực tại cá biệt bất khả hoại. Bởi vì Nhất thiết trí là cái vô thủ trước (aparāmṣṭā).“Vô thủ trước“ tức là “không bị dính mắc.” Bất khả đắc và Bất khả tư nghị là bản tính của Bát-nhã, Bồ-tát khi đã khôi phục được hoạt dụng nguyên thủy của nó, tự nhiên sẽ không chấp thủ dù là chấp thủ Bát-nhã, Nhất thiết trí hay Chính giác.

Do đó, đương nhiên tri kiến như thực trong các kinh Bát-nhã có nghĩa là tri kiến xuyên qua bức màn trùng điệp phủ tối đôi mắt chúng ta, và rồi dùng trí Bát-nhã nắm lấy vạn hữu trong chân như của chúng. Chân như (tathatā) là một từ quá lạ, nhưng trong thuật ngữ Phật giáo, nó là một trong những từ ý vị nhất. Hiểu rõ nghĩa của nó là hiểu toàn bộ hệ thống tư tưởng của đạo Phật. Chân như là như như và đừng có hiểu lộn thành như nhau hay như một. Khi người ta nói đến “Vô dị tướng“, thì có thể tưởng rằng các dị tướng bị biến thành vô sở tri hay vô sở hữu, để bộc lộ cái tướng như một của chúng. Nhưng cái mà các hành giả Bát-nhã muốn nói là những cái được thấu hiểu trong những tương quan chân thực của chúng, không chỉ tương quan giữa cái này với cái kia mà tương quan với lý tính hiện hữu của chúng. Lập trường của Bát-nhã không nhất thiết phải phủ nhận cái được mệnh danh là hiện tượng giới; nó cho thế giới có quyền hạn khi thì sinh khi thì diệt, lúc có lúc không. Nhưng cùng lúc nó không quên xác nhận rằng những gì chúng ta thấy thành và hoại ở đây đều là những bóng mờ thoảng qua của sự thể đằng sau đó, thì ý nghĩa của những bóng mờ thoảng qua sẽ không bao giờ được nhận thực và được thẩm định đúng mức.

Do đó, các nhà Đại thừa luôn luôn cẩn thận chi ly phân biệt “khả đắc” và “bất khả đắc“, nói như thuật ngữ, “khả đắc” nằm trong thế giới được thiết lập trên lưỡng nguyên này và “bất khả đắc” nằm trong một thế giới vượt lên trên. Bất cứ ở đâu có chỗ cho tương phản giữa có và không, ở đó có khả đắc tính, và do đó, có chấp thủ, vốn là địch thủ của giác ngộ và giải thoát. Phật nói: “Lành thay, Tu-bồ-đề. Đúng như lời ông nói. Tất cánh viễn ly là hết thảy các pháp - Bồ-tát, Bát-nhã ba-la-mật và Vô thượng chính đẳng bồ đề. Nhưng Bồ-tát ở trong pháp tất cánh viễn ly đó mà như thật biết rõ Bát-nhã ba-la-mật và đạt tới tri kiến rằng Bát-nhã ba-la-mật là tất cánh viễn ly cho nên Bát-nhã ba la mật tức phi Bát-nhã ba-la-mật. Quả thực Bồ-tát nhân Bát-nhã ba-la-mật mà chứng đắc Vô thượng chính đẳng bồ đề nhưng ở trong đó không pháp nào là khả thủ, là khả đắc; do không thủ, không đắc, nên Bồ-tát chứng đắc Vô thượng chính đẳng bồ đề mà không phải là do viễn ly chứng đắc viễn ly”: Kinh Kim cang.

Để kết luận bài viết này xin trích dẫn lời HT. Viên Minh nói về Bát Nhã: Chính vì vậy mà giáo pháp của Đức Phật có chia ra làm 3 bậc: sơ thiện, trung thiện và hậu thiện.

Sơ thiện giúp cho người sơ cơ chưa thấy pháp có thể đoạn giảm điều ác, tăng trưởng điều lành để vơi bớt những phiền não khổ đau do vọng nghiệp gây nên.

Trung thiện giúp cho người đã thấy pháp (ngộ) có thể nhập lưu (bước vào dòng Thánh).

Hậu thiện giúp cho các bậc Thánh hữu học đạt đến vô học, tức là giác ngộ giải thoát hoàn toàn.

Vậy nếu xét thấy mình còn sơ cơ thì đừng vội luận bàn lý Bát-nhã hay cố gắng thực hành tuệ quán Vipassanā, mà chỉ nên bố thí, phóng sanh, trai giới, gần gũi và học hỏi các bậc thiện trí thức, nghe pháp, tụng kinh, sám hối, cung kính, phục vụ... Lúc thân tâm tương đối ổn định, trong sáng hành giả có thể tu tập những bước sâu hơn như nhẫn nhục, nhu hoà, tinh tấn, thiền định, tứ vô lượng tâm hoặc trì chú, quán tưởng, niệm Phật, tham công án.. Đến lúc nói năng, hành động, suy nghĩ đều có thể sáng suốt, định tĩnh, trong lành trong tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác, không bị che lấp bởi thế giới ý niệm của lý trí vọng thức nữa thì mới có thể thấy được lý Bát-nhã và hành được sự Vipassanà một cách chính xác. Sở dĩ chúng ta nói đến lý Bát Nhã và sự Vipassanà là để chúng ta không bị lạc đường vào tà đạo – lý luận cao siêu nhưng “cước căn bất điểm địa” – còn thực tế thì mỗi người phải tự khám phá, hoặc nhờ một vị thiện trí thức chỉ bày căn cơ trình độ của mình để hạ thủ công phu sao cho khế hợp, đừng với quá cao cũng đừng kẹt vào những pháp môn phương tiện mà Chư Tổ tạm thời vận dụng cho người sơ học.

Chính vì không tự biết mình nên nhiều người chưa thấy lý, chỉ mới có đôi chút kiến giải, rồi chấp vào cái lý kiến giải đó, tự cho mình có căn cơ cao thượng, chỉ hành pháp cao siêu mà thực ra là đang tự đánh lừa mình trong thế giới vọng tưởng huyễn hoá. Lý là thấy ra cái thực và sự là sống tỉnh thức trọn vẹn với cái thực đó. Nhưng khi lý chỉ là sản phẩm kiến giải của tư tưởng thì sự chính là luân hồi sinh tử trong tam giới – lý này là hóa thân của vô minh, tà kiến, mà hoạt động cụ thể chính là Hành (chữ hành dùng trong ngũ uẩn và thập nhị nhân duyên), trung tâm tạo tác ra tam giới cũng như dựng lên ngôi nhà bản ngã. Do đó, cụ nói đúng, cái quan trọng là phải biết căn cơ trình độ thực của mình để tháo gở ngôi nhà bản ngã trong tam giới ấy.

Nam Mô Thích Ca mâu Ni Phật!

Tài liệu tham khảo:

- Đọc và hiểu Bát Nhã Tâm kinh - Trịnh nguyên Phước - Người cư sĩ Paris.

- Dẫn vào Tâm kinh Bát Nhã - Thiền sư Suzuki - HT. Tuệ Sỹ dịch -Thư viện Hoa sen

 - Nói chuyện về Bát Nhã Tâm kinh - HT. Thích Viên Minh - Thư viện Hoa sen.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Tín ngưỡng thờ phụng đức Phật Dược Sư thời nhà Đường

Nghiên cứu 09:45 03/11/2024

Việc thiết lập đàn tràng và tu trì đức Phật Dược Sư trở nên quan trọng hơn dưới thời trị vì của vua Đường Túc Tông, thời kỳ triều đình nhà Đường phải vật lộn để vượt qua thách thức do những cuộc nổi dậy của quân đội trong nước gây nên...

Những đóng góp của Hòa thượng Thích Minh Châu trong công tác ngoại giao Phật giáo

Nghiên cứu 09:45 19/10/2024

Di sản mà Hòa thượng để lại không chỉ là nền móng vững chắc về giáo dục và ngoại giao, mà còn là kim chỉ nam cho chúng ta tiếp tục phát triển, đưa tinh thần từ bi và trí tuệ của đạo Phật lan tỏa rộng khắp, góp phần gìn giữ hòa bình.

Lợi ích của Thiền tứ vô lượng tâm trong đời sống xã hội

Nghiên cứu 09:30 06/10/2024

Có thể nói rằng Từ, Bi, Hỷ, Xả là những đức hạnh tốt lành và cao đẹp để xây dựng nên một con người hoàn thiện, một gia đình hạnh phúc, một xã hội tốt đẹp.

Vài suy nghĩ về quyền động vật trong kinh, luật Phật giáo

Nghiên cứu 19:05 21/09/2024

Cảnh giới trí tuệ của chư Phật đã thấy và biết như thật rằng “tất cả mọi loài chúng sanh đều có tính Phật”, do đó, họ cần phải được tôn trọng, bảo tồn và thương yêu bình đẳng. Nói cách khác, từ tuệ giác của Đức Phật, Ngài đã thừa nhận “quyền động vật” nói riêng và muôn loài chúng sanh nói chung.

Xem thêm