Giáo lý đạo Phật vi diệu và thực tế với tất cả mọi người
Đức Phật diệt độ cách đây đã trên 25 thế kỷ, trải qua biết bao sự biến thiên đổi dời, lịch sử đi qua nhiều thời đại, thế nhưng giáo lý của đạo Phật vẫn không hề thay đổi hay lỗi thời, mà ngược lại Bát chánh đạo, Tứ Diệu Đế ngày càng thích hợp với chân lý của thời đại.
>>Phật tử có thể đọc thêm loạt bài về Lời Phật dạy
Suốt 49 năm hoằng pháp độ sinh, cuối cùng lúc sắp nhập Niết bàn đức Thế Tôn tuyên bố rằng: “Ta chỉ nói khổ và con đường diệt khổ”.
Một số người cho rằng Phật giáo là một hệ thống giáo lý quá cao siêu và vi diệu mà những người bình thường trong thế giới của chúng ta không thể thực hành được. Họ cũng quan niệm rằng người ta muốn trở thành một Phật tử chân chính thì phải xa lìa thế gian này, để trú ẩn vào một nơi chùa chiền, tự viện, hay một nơi yên tịnh nào đó để tu tập.
Một số khác lại hấp tấp bởi chỉ nghe người ta nói hoặc đọc lấy lệ một vài tác phẩm Phật giáo của một số tác giả viết, nhưng vì chưa hiểu sâu mọi phương diện của Phật giáo đã vội vàng kết luận những vấn đề còn phiến diện không đúng với tinh thần căn bản của Phật giáo. Đó là một quan niệm sai lầm do nhìn nhận thiếu sâu sắc về giáo lý cũng như Lời dạy của đức Phật.
Thực tế chúng ta thấy, giáo lý của đức Phật không chỉ dành riêng cho giới tu sĩ và cư sĩ tại gia. Những pháp môn Ngài dạy là tùy theo căn cơ hay nói đúng hơn là tùy theo trình độ của mỗi chúng ta. Bát thánh đạo, Tứ diệu đế được coi là một quy tắc, triết lý sống của Phật giáo dành cho tất cả mọi người để hành trì, mà không có sự phân biệt về chủng tộc hay quốc gia. Thực tế cho thấy, không phải ai cũng có thể xuất gia hoặc là ẩn tu trong các hang động. Bởi giáo lý của đạo Phật dù cho có cao thượng, thanh tịnh như thế nào đi chăng nữa, nếu mà đa số nhân loại trên thế gian này không thể thực hành, và thực hành không có hiệu quả trong đời sống thường nhật đối với thế giới đương đại này, thì giáo lý ấy đều là vô ích.
Giáo lý đạo Phật đã vượt qua sự khảo nghiệm của thời gian trên 25 thế kỷ, nếu chúng ta hiểu được tinh thần của Phật giáo đúng như bản chất của nó (và không chỉ ở ngôn từ hình thức) thì chắc chắn chúng ta có thể thực tập và hành trì những lời dạy của giáo lý ấy khi đang hiện hữu như một con người bình thường.
Thực hành giáo lý đạo Phật, đương nhiên người xuất gia sẽ có nhiều thuận lợi hơn. Nhưng một số khác lại cảm thấy, sự ẩn dật, tránh né như thế nếu người không có bản lĩnh, trí tuệ tinh tấn tu hành thì kết quả cũng sẽ chẳng đi đến đâu. Ta hãy nghe Ngài Xá Lợi Phất, một đệ tử lớn của đức Thế Tôn kiến giải về điều này: “Một người có thể sống trong rừng, chú tâm vào việc thực hành những hạnh khổ hạnh, nhưng trong tâm vẫn chứa đầy tư tưởng bất tịnh và ô nhiễm, cấu uế; trong khi đó một người khác có thể trú tại một ngôi làng hay nơi thành thị, không thực hành hạnh khổ hạnh, song tâm của họ có được sự thanh tịnh và không ô nhiễm, cấu uế. Trong hai loại người này, Xá Lợi Phất nói, người sống một cuộc đời thanh tịnh ở làng mạc hay thành thị rõ ràng cao thượng hơn và thuyết phục hơn người sống ở nơi núi rừng.”
Trong nền văn học Phật giáo có vô số trường hợp nói đến giới cư sĩ tại gia (ưu-bà-tắc, ưu-bà-di) sống một cuộc sống bình thường, nhưng họ có thể thực hành lời dạy của đức Phật trong đời sống thường nhật của gia đình một cách thành công và kết quả là họ chứng đắc sự an lạc, Niết bàn. Để chứng minh điều này, ta hãy nghe chàng tu sĩ Vaechagotta, một lần chất vấn thẳng với đức Phật rằng, liệu có người cư sĩ tại gia thực hành giáo pháp của Ngài một cách thành công và chứng đắc những trạng thái tâm cao chăng. Đức Phật trả lời một cách quả quyết rằng: Không phải chỉ có một, hoặc hai mà có hàng trăm và nhiều người hơn thế nữa là cư sĩ sống tại gia thực hành lời dạy của Ngài thành công và chứng đắc những trạng thái tâm cao thượng đó là một thực tế.
Kinh Thiện Sinh trong Trường A Hàm cho thấy đức Phật rất tôn trọng cuộc sống của cư sĩ tại gia, bởi các mối quan hệ gia đình và xã hội của họ. Một chàng thanh niên trẻ tuổi tên là Thiện Sinh (Sigala) thường đảnh lễ sáu phương hướng: Đông, Nam, Tây, Bắc, Thượng, Hạ theo di chúc của người cha trước khi ông qua đời dặn lại. Nhưng đức Phật lại dạy chàng trai trẻ tuổi rằng: “Giới luật thánh thiện” thì sáu phương đó là: phương Đông chỉ cho cha mẹ; phương Nam chỉ cho sư trưởng; phương Tây chỉ cho vợ con; phương Bắc chỉ cho bằng hữu, họ hàng và láng giềng; phương trên (thượng) chỉ cho Sa môn, Bà la môn và bậc thánh; phương dưới (hạ) chỉ cho đầy tớ, người giúp việc và thợ thuyền. Đức Phật dạy lễ lạy rất đặc trưng và ý nghĩa, bởi vì anh ta lễ lạy một điều gì thiêng liêng, một điều gì xứng đáng được tôn trọng và kính ngưỡng có tính cách thực tế hơn. (xin đọc thêm bài kinh Thiện Sinh này).
Trong giáo lý đạo Phật đề cập nhiều pháp môn tu để hiển lộ chân tánh. Chân tánh được coi là Tánh Bản Nhiên hay gọi là Phật tánh nằm tiềm ẩn trong tâm của mỗi người. Tu là dẹp vọng tưởng, dẹp cấu uế để hiển lộ Phật tánh nơi mình. Tu để trở thành chân nhân, thành Bồ tát, thành Phật là một thưc tế không phải viển vông. Bởi đức Phật dạy ai cũng có tánh Phật như Ngài.
Theo giáo lý của đức Phật dạy: “Trong con người ta có hai thuộc tính, đó là tánh Phật và tánh Người:
- Tánh Phật là tánh Bản nhiên thanh tịnh bao trùm, nên Như Lai gọi cái bao trùm này là “Phật tánh” hay còn gọi là “Bể tánh thanh tịnh”; trong bể tánh thanh tịnh có Điện từ Quang.
- Tánh Người thì có 16 thứ: Thọ, tưởng, hành, thức, sắc, tài, danh, thực, thùy, tham, sân, si, mạn, nghi, ái, kiến. Chính vì 16 thứ của tánh người (ngũ uẩn) cấu trược này, mà nó vọng tưởng, lôi kéo con người trong vòng cuốn hút của điện từ âm dương luân hồi trong dục giới không ngày cùng. Vậy, đức Phật dạy phải dùng 37 pháp quán trợ đạo để diệt 16 thứ nói trên của tánh người mà được Định, nhờ người tu được định nên mới biết đường trở về Phật giới.
Vậy tu trì là một thực tiễn dễ hiểu, dễ thấy đâu phải xa vời duy ý trí. Nếu chúng ta tu theo công thức đức Phật dạy nói trên có nghĩa là chúng ta phải dẹp những thói tiêu cực xấu ác tiềm ẩn trong con người của chúng ta, bởi 16 thứ kể trên, trong đó có 3 thứ mà danh từ nhà Phật gọi là tam độc đó là, Tham, Sân, Si. Đây là ba độc tố lớn che mờ tánh giác của con người. Và khi cái xấu, cái ác giảm dần; cái thiện, cái cao thượng trong con người ngày càng gia tăng, thì đó là trở thành chân nhân là quân tử là bậc thánh trí…
Giáo lý đạo Phật rất thực tiễn nhưng cũng rất sâu sắc, rất nhân văn khoa học. Chính vì yếu tố này, mà không ít các học giả và các nhà khoa học hàng đầu thế giới đánh giá rất cao về sức “quyến rũ” của Phật giáo ở nhiều lĩnh vực. Ở đây chưa nói đến chiều sâu của triết lý Phật giáo, cũng không nói đến tính minh triết của giáo lý này mà người Tây phương đang tìm lại. Ta chỉ nói một vấn đề về Đạo đức:
- Đạo đức học ở Tây phương là răn cấm, là những mệnh lệnh. Người Tây phương hiện đại theo duy lý nên họ làm cái gì cũng dựa trên thực tế và căn cứ thực tế để chất vấn nhau cho ra nhẽ. Ví dụ, nói về Đạo đức họ có thể chỉ ra: anh không được thế này, anh không được thế kia, anh làm thế là phạm tội. Phạm tội với ai ? Tại sao như thế là phạm tội ? Nếu Phạm tội phải nhờ một lực lượng Trên Cao (tức lực lượng vô hình), về điều này con người hiện đại phương Tây bây giờ chối bỏ, vì họ cảm thấy như vậy là ngây thơ.
- Nhưng với Đạo đức của Phật giáo thì trái hẳn, bắt nguồn từ con người. Không ai ra lệnh, không ai ngăn cấm. Phật giáo nói: tham là khổ, sân (nóng giận) là khổ, si là khổ. Từ thì vui, bi thì vui, hỷ thì vui, xả thì vui. Từ bi hỷ xả, cứ thực hành sẽ thấy vui. Tham, sân, si cứ mắc vào sẽ thấy khổ. Lại nữa, Phật giáo nói: Đừng giết hại, đừng nói dối, đừng trộm cắp, đừng tà dâm, đừng say rượu: đó là năm giới khuyên nhủ của giáo lý đạo Phật, nếu ta tự nguyện với ta, làm được đến đâu chính ta nhẹ nhàng đến đó. Đạo đức của Phật giáo là thực nghiệm, nhằm mục đích làm cho con người tốt hơn đã đành, nhưng cốt nhất là làm cho nội tâm thanh thản, chính điều này là hạnh phúc đâu phải xa xôi.
Đức Phật diệt độ cách đây đã trên 25 thế kỷ, trải qua biết bao sự biến thiên đổi dời, lịch sử đi qua nhiều thời đại, thế nhưng giáo lý của đạo Phật vẫn không hề thay đổi hay lỗi thời, mà ngược lại Bát chánh đạo, Tứ diệu đế ngày càng thích hợp với chân lý của thời đại. Suốt 49 năm hoằng pháp độ sinh, cuối cùng lúc sắp nhập Niết bàn đức Thế Tôn tuyên bố rằng: “Ta chỉ nói khổ và con đường diệt khổ”. Con đường diệt khổ ấy được ghi chép trong Tam tạng kinh điển của Phật giáo, với nhiều pháp môn tu tập để diệt khổ, tất cả không ra ngoài phần Đạo đế của Tứ đế (cùng với 37 trợ đạo phẩm).
Tứ đế còn có tên là Tứ Diệu Đế, hay các học giả và các nhà nghiên cứu đạo Phật nước ngoài còn gọi là Bốn Sự Thật Cao Quý. Chúng ta hãy cùng nhau khảo sát thực tiễn của giáo lý này:
Khi đề cập về Tứ Diệu Đế, các Tổ thầy thường ví đức Phật như một vị Đại lương y sáng suốt và bi mẫn cắt thuốc và trị bệnh cho chúng sinh. Tứ diệu đế theo danh từ chuyên môn thường gọi: Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và Đạo đế.
Đế thứ nhất, hay nói cho dễ hiểu là Sự thật cao quý thứ nhất mà đức Phật chỉ cho chúng ta biết chúng ta bị bệnh gì. Sự thật thứ hai cho chúng ta biết nguyên nhân gây ra căn bệnh này. Sự thật thứ ba là cách chấm dứt căn bệnh đó, và Sự thật thứ tư là phương cách để chuyển hóa loại trừ các nguyên nhân và triệu chứng của bệnh.
Sau khi đức Phật giác ngộ Toàn triệt, bài giảng đầu tiên hay nói đúng hơn là Bài chuyển bánh xe Pháp đầu tiên là Bốn sự thật cao quý này (Tứ diệu đế), đó chính là nền tảng của đạo Phật. Bốn sự thật của giáo lý này, có nội dung hàm chứa sâu sắc được minh định dưới đây:
1. Sự thật về sự khổ đau (Dukkha)
Sự thật cao quý thứ nhất thường được dịch là “Cuộc đời là đau khổ.” Nhiều người khi mới bước chân vào đạo Phật, khi nghe tới câu nói này, họ đã chẳng còn muốn lắng nghe Phật Pháp, huống hồ lại còn học hỏi nữa.
Tuy nhiên từ ngữ Pali dukkha cũng ám chỉ: bất cứ đều gì tạm thời, điều gì có điều kiện, hoặc là một sự tổng hợp của nhiều thứ khác nhau; thậm chí những gì quý giá và thú vị cũng chỉ là tạm thời, bởi vì những điều này sẽ chấm dứt.
Liên quan đến bản chất của cuộc đời, là bản chất cái tôi.. Có phải con người chúng ta cũng chỉ là tạm thời; cũng là có điều kiện và cũng là tổng hợp của nhiều thứ khác nhau không? Chúng ta đã hiểu rằng cuộc đời là vô thường, vậy chúng ta có hiểu chúng ta cũng là vô thường không? Đức Phật dạy rằng, trước khi chúng ta hiểu biết về cuộc sống và về cái chết, chúng ta cần phải hiểu biết về bản thân của chúng ta.
2. Sự thật về nguyên nhân của sự đau khổ (Samudaya)
Sự thật cao quý thứ hai dạy rằng, nguyên nhân của đau khổ là sự ham muốn, hoặc là thèm khát (tanha). Bởi chúng ta tiếp tục tìm một cái gì đó, bên ngoài chúng ta để giúp cho chúng ta hạnh phúc. Tuy nhiên, dù cho chúng ta có thành công bao nhiêu đi chăng nữa, thì chúng ta cũng chẳng bao giờ vừa lòng.
Đức Phật dạy rằng sự thèm khát ấy, phát sinh từ sự thiếu hiểu biết. Chúng ta đi qua cuộc đời này, bằng cách chụp giữ lấy hết vật chất này, đến vật chất khác để chúng ta có được cảm giác an toàn. Và không chỉ dính mắc về vật chất, mà chúng ta còn dính mắc với những ý nghĩ, với những ý kiến về bản thân và với thế giới chung quanh.
Sau đó, chúng ta cảm thấy thất vọng, vì mọi người không cư xử theo đường lối của chúng ta. Vì thế, sự thất vọng ngày càng gia tăng, bởi vì cuộc sống luôn luôn diễn ra không giống như mong đợi.
Lời Phật dạy về nghiệp và tập nghiệp; về sự tái sinh, liên quan chặt chẽ đến sự thật cao quý thứ hai này.
3. Sự thật về cách chấm dứt đau khổ (Nỉrhodha)
Lời Phật dạy: Bốn sự thật cao quý đôi khi được so sánh như một thầy thuốc chuẩn đoán bệnh tật và cho thuốc điều trị. Khổ đế chỉ ra triệu chứng của bệnh; Tập đế là nguyên nhân của bệnh; Diệt đế là sự vắng bóng của những triệu chứng và nguyên nhân bệnh tật đó. Sự thật cao quý thứ ba này mang đến cho chúng ta niềm hy vọng chữa dứt được căn bệnh này.
Đức Phật dạy rằng, nếu chúng ta thực tập siêng năng, chúng ta sẽ chấm dứt được sự ham muốn khát ái. Ở sự thật này, có thể được ví như trước kia, chúng ta giống như con chuột bạch chạy vòng quanh bánh xe không ngừng nghỉ và nay chúng ta đã chấm dứt được sự rượt đuổi của vui thích-ham muốn. Và đã đạt tới sự Giác ngộ (hoặc là sự tỉnh thức). Các bậc giác ngộ trong trạng thái đó gọi là Niết bàn.
4. Sự thực về con đường giải thoát chúng ta khỏi sự đau khổ (Magga)
Trong sự thật cao quý thứ tư (Đạo đế). Đức Phật là một Đại lương y sáng suốt cho toa thuốc trị bệnh rất “kiến hiệu” để chuyển hóa loại trừ căn bệnh của chúng ta: đó là con đường cao quý có Tám phần được gọi là Bát chánh đạo hay (Bát thánh đạo). Không giống các tôn giáo khác, đạo Phật là đạo thực hành. Trọng tâm của giáo lý đạo Phật là phải hằng sống với giáo lý và chúng ta phải tự mình bước chân trên con đường Bát chánh đạo cao quý này. Với tinh thần luôn thúc liễm thân tâm qua lăng kính của Bát chánh đạo đó là: Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định giúp chúng ta phát triển những đức tính tốt đẹp và cao cả. Bởi Bát chánh đạo có một vị trí vô cùng quan trọng và là con đường chân chính của mọi tôn phái trong đạo Phật, là pháp môn tiêu biểu nhất cho mọi người tu tập và nó rất thực tiễn, gần gũi với tất cả chúng ta.
Để kết thúc bài viết này, xin được mượn lời giáo sư sử học Rhys Danids phát biểu về giáo lý Bát chánh đạo và Tứ diệu đế của đạo Phật như thế này: “Là Phật tử hay không là Phật tử tôi đã quan sát mọi hệ thống của các tôn giáo trên thế giới, tôi đã khám phá ra rằng không một tôn giáo nào có thể vượt qua được về phương diện vẻ đẹp và sự quán triệt của Bát chánh đạo và Tứ diệu đế của đức Phật. Tôi rất mãn nguyện đem ứng dụng cuộc đời tôi theo con đường đó.”
Tài liệu tham khảo:
- Bài: Hãy bay với hai cánh vào hiện đại - GS Cao huy Thuần (Báo Điện tử PGVN tháng 7.2016) - đức Phật dạy tu thiền tông. Soạn giả Nguyễn Nhân (Nxb-TG tái bản lần 2 năm 2015)
- Bài: Vấn đề thời đại qua lăng kính Bát chánh đạo - Viên Hải Mặc Nhân (Báo Điện tử PGVN tháng 9.2016)
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
“Người đời tranh nhau những chuyện không đâu”
Kiến thức 16:50 21/11/2024Đời này chúng ta chết rồi sẽ sanh tới cõi nào? Tôi có thể sanh về đâu? Đời sau chúng ta có nắm chắc sanh tới cõi nào hay chăng? Còn tiếp tục luân hồi hay chấm dứt luân hồi?
Làm thế nào để tạo ra phước đức bền vững?
Kiến thức 16:10 21/11/2024Người sống có phúc có đức chắc chắn sẽ an vui hạnh phúc bền lâu, nhưng quan trọng là làm thế nào để tạo ra phước đức bền vững?
Từ, bi, hỷ, xả - bốn tâm vi diệu
Kiến thức 13:12 21/11/2024Bốn tâm vô lượng này tuy riêng biệt nhưng làm nền tảng cho nhau, tương tức với nhau.
Nhớ ơn Thầy Tổ
Kiến thức 08:35 21/11/2024Chúng ta muốn tỏ lòng biết ơn người đi trước, thì không gì thiết thực hơn là phải thực hành theo ba điểm sau đây...
Xem thêm