Hóa giải những bất đồng trong thờ cúng tại tư gia
Tôi và mẹ, tuy đều là Phật tử, nhưng có khá nhiều khác biệt trong quan niệm thờ cúng. Tôi thì thường xuyên lau dọn bàn thờ sạch sẽ, rút bớt chân nhang chỉ chừa lại một cây, trong khi mẹ bảo là nên để nguyên như thế, mỗi năm chỉ dọn một lần lúc đảo bốc bát hương.
Hỏi: Nhà tôi có phòng thờ khá đẹp, được bài trí theo mẫu “tiền Phật, hậu linh”; bàn trước cao hơn thờ Phật, bàn sau thấp hơn thờ ông bà tổ tiên. Hiện giữa tôi và mẹ, tuy đều là Phật tử, nhưng có khá nhiều khác biệt trong quan niệm thờ cúng. Tôi thì thường xuyên lau dọn bàn thờ sạch sẽ, rút bớt chân nhang chỉ chừa lại một cây, trong khi mẹ bảo là nên để nguyên như thế, mỗi năm chỉ dọn một lần lúc đảo bốc bát hương.
Mỗi lần cúng giỗ, lễ phẩm không thể thiếu của mẹ là rất nhiều loại vàng mã, còn tôi thì lại không muốn cúng đốt những thứ ấy. Tôi thích cúng chay vào ngày giỗ còn mẹ bảo như thế thì không yên tâm, sợ thiếu lễ. Tôi đã giải thích cùng khuyên bảo mẹ nhiều về việc cần nương vào Chánh pháp, chuyển hóa bớt những phong tục dân gian mà mẹ không thay đổi vì sợ bất kính, thất lễ. Vậy tôi phải làm sao?
(DIỆU TÂM, hoahanh…@gmail.com)
Trả lời:
Bạn Diệu Tâm thân mến!
Những vấn đề bạn trình bày hiện đang tồn tại trong một số gia đình Phật tử vì các tín niệm, tập tục dân gian vẫn còn sâu đậm song hành với đời sống tín ngưỡng, tâm linh Phật giáo.
Mẹ của bạn tuy là Phật tử, có niềm tin Phật nhưng không hiểu giáo pháp, vẫn còn tin vào phong tục bốc bát hương. Theo phong tục này, bát hương là nơi hội tụ linh khí, nên không được làm động, chỉ cắm hương mà không rút bỏ chân hương. Bàn thờ có bát hương dạng này càng về cuối năm chân hương càng nhiều, tro bụi chồng chất, không gian thờ tự u ám, khá nguy hiểm vì dễ gây hỏa hoạn.
Trong khi, theo quan điểm thờ cúng của đạo Phật, bàn thờ phải luôn sáng sạch, thanh tịnh và trang nghiêm. Người Phật tử hiểu pháp thờ cúng thì thường xuyên quét dọn bàn thờ Phật, lau chùi các đồ thờ cúng sạch sẽ, dâng hương, thay nước, khêu đèn, đơm hoa, chưng quả luôn tươi tốt để cúng dường. Việc “hương đăng” cần phải làm mỗi ngày, giữ cho không gian thờ phụng luôn thanh tịnh, đẹp đẽ và trang nghiêm, như thế mới được phước báo vô lượng.
Trường hợp này, bạn cần giải thích cho mẹ rằng, việc thờ phụng ngoài lòng thành thì bàn thờ phải tinh sạch, hương đèn tỏ rạng, hoa tươi quả tốt; trên dưới trong ngoài đều thanh tịnh và trang nghiêm thì mới sinh ra phước đức. Thờ phụng mà kiêng kỵ quá nhiều thứ khiến bàn thờ tro bụi, u ám, lạnh lẽo thì phước đức không sinh, thậm chí còn hao tổn.
Cúng đốt vàng mã cũng vậy, theo Chánh pháp, những người đã khuất (tái sinh vào quỷ - thần) chỉ thọ dụng được thực phẩm và hoa hương, không thọ dụng được nhà cửa xe cộ vàng bạc vì “không tương ưng xứ”. Bởi mỗi loài có một cách thọ dụng riêng. Quan niệm “trần sao âm vậy” chỉ thể hiện được tấm lòng người cúng mà không thiết thực với mỗi loài trong những cõi giới thọ dụng khác nhau. Nên không cúng vàng mã là phù hợp, nếu vì mẹ bạn không yên tâm thì cũng có thể cúng một chút cho có lễ mà thôi.
Mâm cỗ cúng giỗ ông bà tổ tiên nếu làm chay thì tốt, còn không thì tùy duyên, có gì cúng nấy. Nếu không đủ duyên làm cỗ chay thì phải tránh trực tiếp sát sinh hại vật. Lễ phẩm cúng kính ông bà tổ tiên chủ yếu là lòng thành, quan trọng là sự tưởng niệm công ơn sinh dưỡng, ôn lại những di huấn hay gương sáng của cha ông, kết nối tình thân trong gia tộc. Cần linh động tùy duyên sao cho gia đình và thân tộc đều hòa hợp, hoan hỷ trong các ngày kỵ giỗ linh thiêng.
Người Phật tử cần nương vào Chánh pháp, chuyển hóa bớt những hủ tục dân gian là quan điểm đúng đắn nhưng cách thức thực hiện thì cần linh động, tùy duyên. Vấn đề là khai mở nhận thức, thiết lập chánh kiến, khi đã hiểu biết đúng đắn thì mỗi người sẽ tự hóa giải các hủ tục, tà kiến vốn ăn sâu vào tâm thức từ nhiều đời.
Chúc bạn tinh tấn!
Theo: Báo Giác Ngộ
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Theo Phật giáo, con người từ đâu đến và rồi sẽ đi về đâu?
Hỏi - Đáp 17:46 18/12/2024Thưa Ngài, theo triết học cuả Phật giáo thi con người từ đâu đến và rồi sẽ đi về đâu?
Cảnh giới của "Lâm chung mộng kiến bỉ Phật” như thế nào?
Hỏi - Đáp 12:27 18/12/2024Kinh Vô Lượng Thọ có đoạn: “Lâm chung mộng kiến bỉ Phật” (mạng chung mộng thấy Đức Phật A Di Đà), xin giải thích cảnh giới này như thế nào? Nếu ở trong mộng gặp A Di Đà Phật, chẳng may bị người thân quyến thuộc gọi tỉnh giấc, có phải là đánh mất cơ hội vãng sanh rồi không?
Lưu thông sách về Tây phương cực lạc sẽ tạo nghiệp ác?
Hỏi - Đáp 12:15 18/12/2024Con đem sách Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Du Ký giới thiệu nhưng có đồng tu nói sách đó nói không đúng sự thật, lưu thông sẽ tạo nghiệp, xin lão Hòa thượng khai thị.
Dọn cơm cúng thế nào cho đúng?
Hỏi - Đáp 11:14 08/12/2024Tôi thường thấy lúc cúng vong, có ba chén cơm để ngang nhau...
Xem thêm