Hòa thượng Tuyên Hóa khai thị niệm câu “Nam Mô Quán Thế Âm Bồ tát”
Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát tu pháp môn phản văn văn tự tánh, cho nên Ngài dùng tâm để quán sát tiếng kêu cứu của các chúng sanh trong thế gian. Khi Ngài nghe được sẽ tức khắc phân thân đến nơi để cứu độ nạn nhân ra khỏi bể khổ, thoát được khổ và được vui sướng...
Quý vị tập họp tại đây, dự Quán Âm thất, để cùng nhau niệm thánh hiệu: Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát. Ðây là một dịp quý báu, hy hữu, chớ có uổng phí thời gian. Nếu như có lòng coi thường thì sẽ chẳng ích lợi gì, như người đã vào tới bảo sơn mà trở về tay không, rất là đáng tiếc.
Mong rằng quý vị buông bỏ hết mọi thứ để dũng mãnh niệm với một lòng tinh tấn, nhất định quý vị sẽ thấy cảm ứng, và có như vậy mới không cô phụ mục đích tổ chức Quán Âm thất này.
Bình thường khi vào thất Quán Âm, phần đông đều niệm Phật, niệm Bồ-tát, sau đó nghỉ nửa giờ rồi mới tiếp tục công phu. Tại Hương-cảng hay Ðài-loan, đại khái mọi người niệm theo cách thức đó. Chúng ta ở Vạn Phật Thành này sẽ niệm một cách liên tục, không ngưng nghỉ, luôn một mạch từ sáng sớm tới tối, ở giữa không có thời gian nào nghỉ cả.
Quý vị nên biết rằng, chẳng phải chúng ta không nghỉ ngơi mới đúng, hay mọi người nghỉ ngơi là sai. Nói như vậy nghĩa là sao? Bởi vì chúng ta từ trước tới nay chưa hề dụng công, cho nên bây giờ phải hết sức tinh tấn, ráng hết sức để mà tiến tới. Còn như người khác thì họ đã dụng công từ lâu rồi, họ đã vào đạo, họ niệm Quán Thế Âm Bồ Tát hay không niệm cũng vậy thôi, họ đều không có vọng tưởng, do đó họ nghỉ ngơi còn hơn chúng ta tinh tấn.
Giả sử chúng ta lại sanh tâm ngã mạn nghĩ rằng: "A! Chúng ta ở Vạn Phật Thành tu hành rất là dũng mãnh và tinh tấn, còn người ta thì giải đãi, lười biếng". Nếu có ý nghĩ đó thì tất cả công đức của chúng ta đều bị tiêu ma. Ðó chính là tâm tự mãn, tâm kiêu ngạo. Chúng ta nên hiểu rằng họ đã dụng công tu hành từ vô lượng kiếp, nay họ nghỉ ngơi chính là chờ đợi số người của chúng ta đương lẽo đẽo theo sau.
Nghĩ được như thế thì đúng, và dụng công mới có kết quả tốt, chớ không thể dụng công mà nẩy sanh tâm chướng ngại. Tâm chướng ngại chính là lòng tự mãn, lòng kiêu mạn, có thể phương hại tới hạt giống Bồ-đề. Chúng ta dụng công phải ghi nhớ điểm này. Bất luận trong trường hợp nào, phải tránh cho kỳ được tâm cống cao, ngã mạn, và tránh có ý nghĩ ích kỷ tự lợi, mà phải theo đúng câu: "Pháp là bình đẳng, không có cao thấp", đó chính là châm ngôn của kẻ tu hành.
Khởi đầu dụng công, chúng ta phải giữ tâm cho chánh đáng. Không chánh đáng thì dù công phu ra sao cũng thành ma đạo. Tâm đã chánh đáng, thì dụng công cách gì cũng có thể thành Phật. Con đường dẫn tới Phật hay tới ma chỉ khác nhau ở một niệm. Quý vị hãy đặc biệt chú ý.
Bồ Tát Quan Thế Âm lắng nghe với tâm từ bi
Tại sao chúng ta phải niệm: Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát? Bởi vì đối với chúng sanh ở cõi Ta-bà Ngài đều có nhân duyên. Ngài là vị Bồ-tát tầm thanh cứu khổ và cứu nạn.
Có người nghĩ rằng: "Khi nào chúng ta gặp khổ và gặp nạn chúng ta mới cần cầu Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát, bây giờ không gặp cảnh khổ cũng không gặp cảnh nạn thì niệm danh hiệu của Ngài làm gì?"
Nói vậy hóa ra chúng ta chẳng khổ chút nào ư? Ðây là ngũ trược ác thế -kiếp trược, kiến trược, phiền não trược, chúng sanh trược, mệnh trược - các chúng sanh đều bị khổ cả, khổ không thể nói hết. Rồi trong vòng luân hồi, các chúng sanh lên lên xuống xuống, vậy mà không phải khổ sao?
Một ngày, từ sáng tới tối trong tâm toàn là vọng tưởng thôi thúc, đấy chẳng phải là cảnh khổ ư? Rồi lo âu cho riêng mình, muốn có lợi cho riêng mình, nhưng lo không được thì ngủ không an; cầu chẳng được thì ăn không ngon. Vậy mà nói là chẳng khổ ư?
Ai dám đoan quyết rằng mình chẳng khổ? Họ chẳng khổ vì điều này thì lại khổ vì điều khác, tóm lại khổ bất ly thân. Trừ phi vạn sự đều buông bỏ, chẳng cầu điều gì họa may mới không khổ.
Chúng ta niệm câu Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát, thì trước hết chúng ta phải hiểu ý nghĩa câu này. Nam mô là tiếng Phạn, có nghĩa là quy mạng, Quán là quán sát, lấy diệu quan sát trí để quán sát. Ai có diệu quan sát trí? Ngài Quán Thế Âm, vì Ngài có loại trí huệ đó, cho nên đối với hết thảy mọi âm thanh của thế gian Ngài đều hay, đều thấy, không hề bị lầm lẫn. Chữ Thế là chỉ thế gian. Âm là âm thanh. Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát tu pháp môn phản văn văn tự tánh, cho nên Ngài dùng tâm để quán sát tiếng kêu cứu của các chúng sanh trong thế gian. Khi Ngài nghe được sẽ tức khắc phân thân đến nơi để cứu độ nạn nhân ra khỏi bể khổ, thoát được khổ và được vui sướng, cho nên có câu kệ rằng:
Thiên xứ kỳ cầu thiên xứ ứng,
Khổ hải thường tác độ nhân chu.
Nghĩa là:
Ngàn nơi cầu, ngàn nơi ứng,
Ngài là thuyền vớt người trong bể khổ.
Bồ Tát Quán Thế Âm cũng giống như các bậc mẹ hiền, con cái cầu mẹ thì sẽ được mẹ cứu, không dến nỗi bị thất vọng bao giờ. Cho nên Ngài có danh hiệu là Ðại Từ Ðại Bi Quảng Ðại Linh Cảm Quán Thế Âm Bồ Tát.
Chữ "Bồ-tát" có một nửa là tiếng Phạn, nói cho đủ là Bồ-đề-tát-đỏa [Bodhisattva], dịch nghĩa thành Giác-hữu-tình hay Hữu-tình-giác, cũng nghĩa tương tự. Giác là giác ngộ, hữu tình chỉ chúng sanh. Giác-hữu-tình tức là một chúng sanh trong số người giác ngộ, hoặc kẻ giác ngộ trong số chúng sanh. Bồ-tát thuộc hàng thánh tự giác giác tha - tự mình giác ngộ và giúp người khác giác ngộ - không tự tư tự lợi, một lòng chỉ nghĩ tới hạnh phúc của chúng sanh, mà quên lợi ích của riêng mình. Ðó chính là tinh thần vô ngã.
Như chúng ta muốn cầu Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát giúp đỡ và phù hộ cho mình thì chúng ta phải thực lòng niệm: Nam-mô Quán Thế Âm Bồ Tát, lúc đó trong lòng thành khẩn và tác dụng cảm ứng mới phát sanh ra được, lúc đó Quán Thế Âm Bồ Tát sẽ nghe tiếng kêu cầu và tới nơi để cứu độ chúng ta ra khỏi bể khổ. Ngược lại nếu sự kêu cầu không thành tâm, hay lẫn lộn với những ý tưởng cầu danh cầu lợi, thì chẳng thể có cảm ứng.
Nay chúng ta niệm thánh hiệu: Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát, ta nên giữ lòng thanh tịnh, niệm một cách khẩn thiết và chí thành, không vì lợi ích riêng tư mà niệm, mà chính vì lợi ích cho tất cả chúng sanh trong cõi ngũ trược ác thế này. Chúng ta cầu Ngài rủ lòng từ bi tế độ, khiến cho toàn thể nhân loại trên thế giới khỏi ách nạn, tội diệt phước sanh, tất cả đều được lợi ích.
Tất cả mọi người cùng niệm Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát và cùng hướng theo một tôn chỉ như vậy, ắt sức mạnh cảm ứng chẳng thể nghĩ bàn. Nào! Quý vị hãy đem mọi công đức niệm thánh hiệu hồi hướng tới khắp chúng sanh trong pháp giới! Chính là:
Nguyện đem công đức này,
Hướng về khắp tất cả,
Ðệ tử và chúng sanh,
Ðều trọn thành Phật đạo.
Khai thị nhân khóa Quán Âm thất tại Ðiện Quán Âm, Vạn Phật Thánh Thành, từ ngày 5 đến ngày 11 tháng 10 năm 1981.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Duyên khởi là cốt tủy, là hạt nhân của mọi triết lý Phật giáo
Kiến thức 11:20 03/11/2024Các triết lý quan trọng của Phật giáo như Vô ngã, khổ, vô thường, tính không, nhân quả đều được đặt trên nền tảng cơ sở của duyên khởi.
Tìm lại chính mình
Kiến thức 09:00 03/11/2024Một lần Đức Phật đang tĩnh tọa ở bìa rừng thì có 30 thanh niên từ đâu chạy tới, thấy Đức Phật, họ hỏi: Thưa Sa-môn, Ngài có thấy một cô gái chạy qua đây không?
Vì sao Đức Phật không cứu độ hết chúng sinh thoát khỏi khổ đau?
Kiến thức 20:09 02/11/2024Phật không thể chuyển được nghiệp của chúng sinh, mà chỉ có thể từ bi chỉ dạy chúng sinh tự mình nỗ lực để thay đổi cuộc đời của mình.
Lục hòa: Sáu pháp sống chung hòa hợp
Kiến thức 14:50 02/11/2024Đây là phép sống chung hòa hợp để tu tập hướng đến giải thoát giác ngộ. Người tu hành mà không học tập sống chung cùng đại chúng một cách hòa hợp thì khó mà tu tập thăng tiến.
Xem thêm