Khó vẽ ước mơ
Bố Già – một bộ phim lấy đi biết bao nước mắt của người xem. Mọi người khóc, không phải do yếu đuối hay cảm xúc tức thời mà đồng cảm bởi những nhân vật, hoàn cảnh xây dựng trong phim như tái hiện một gia đình thu nhỏ của mình.
Gia đình không phải lúc nào cũng bình yên, hòa thuận, hạnh phúc mà nơi đó còn xuất hiện những mâu thuẫn, cãi vã, hơn thua, bất đồng, chịu đựng hay là sự bảo thủ, gia trưởng, ích kỷ… Phức tạp là vậy nhưng đến khi một người trong gia đình xảy ra chuyện, họ sẵn sàng hy sinh, thương yêu nhau như chưa hề có chuyện gì xảy ra và những hiềm hận trước kia cũng vì thế tan biến. Trong bộ phim có nhiều tình tiết hay, nhưng lời tâm sự của người con khiến tôi cảm động nhất: “Các bạn có nhớ lần gần nhất, được chụp với ba là khi nào và ở đâu không? Các bạn hãy tự trả lời xem! Còn tôi. Tôi không nhớ, mà chính xác hơn là không có. Tôi không có một tấm hình nào của ba…”. Tôi nghẹn lòng khi nghe đến câu thoại đấy. Giọt nước mắt muộn màng! Bởi thời gian đằng đẵng suốt hai mươi mốt năm sống chung với ba, điều tưởng chừng như đơn giản đấy tôi cũng chưa thể thực hiện được.
Ngày tôi đi, ba tiễn tôi bằng nụ cười cùng ánh mắt sâu thẳm như chất chứa tất cả nỗi niềm bên trong. Ngày tôi về, nụ cười ba đã tắt, ánh mắt năm xưa nay đã khép nhìn thiên thu. Đêm về, tiếng con Phèn sủa lên từng hồi khi nó giật mình bởi tiếng lá rơi khẽ chạm vào lòng đất. Bóng tối bao trùm cả không gian rộng lớn. Nhìn vào hư không, tôi thấy mình nhỏ bé, trống vắng và lặng lẽ nhặt từng nỗi nhớ gói ghém dệt nên giấc mộng đẹp – giấc mộng luôn có ba bên cạnh, để có thể thực hiện những điều xưa kia tôi còn dang dở chưa làm hay những lần lỗi hẹn với ba. Ngày ba mất, cả nhà phải lục tung cuốn album ngày cưới của mấy anh chị để tìm tấm hình có mặt ba, rồi nhờ thợ cắt ghép làm ảnh thờ. Các anh chị lớn, có lẽ điều đó may mắn hơn tôi, vì đến ngày cưới được một lần chụp chung với ba. Còn tôi, ngày cưới không có, thay vào đó là ngày lễ xuất gia, ba cũng không còn để chung vui, để chụp tấm ảnh kỷ niệm. Tôi chỉ biết gói ghém cả ước mơ được chụp chung với ba tấm ảnh vào trong giấc ngủ... nhưng nào có được đâu?
Chúng ta cứ mải mê kiếm tiền, mải mê đi du lịch, khám phá nhiều vùng đất khác nhau, đến lúc khi bác sĩ nói ba mẹ không có nhiều thời gian nữa, ta mới giật mình là những gì còn lại về ba mẹ chỉ là những tấm ảnh ngày ta còn nhỏ. Đến khi lớn lên, vì ngại mà mấy anh em đều chẳng ai muốn chụp hình chung với ba mẹ. Ba mẹ chắc cũng buồn lòng?
Thời đại công nghệ 4.0, hầu như mỗi người đều sở hữu một chiếc smartphone với camera 360 độ nét cao để tự chụp ảnh, quay phim. Trong chốc lát hình ảnh được chia sẻ trên các trang cá nhân mà không cần đến những thợ ảnh, không cần phải lấy ảnh trả tiền. Tuổi trẻ ngày nay chắc không biết nhớ cái thời trước, muốn chụp ảnh để lưu niệm, mà chụp tại tiệm thôi thì cũng phải đi gần chục cây số tới tiệm ảnh. Mà tới đó không phải được chụp ngay, ngồi chờ đến lượt, thợ ảnh chụp xong, đưa cho cái biên lai nhỏ bằng ba ngón tay, may lắm thì hai ngày sau quay lại lấy, thường thì một tuần. Hồi đó thợ ảnh oai cực kỳ! Tôi còn nhớ cứ thấy mấy anh thợ ảnh về làng chụp ảnh cưới là như thấy nghệ sĩ nổi tiếng.
Cuộc sống ngày càng hiện đại hơn, chỉ trong một nút chạm vào màn hình cảm ứng, bạn đã có thể thu cả thế giới vào trong tay mình. Facebook, Instagram của bạn ngập tràn ảnh bạn và người yêu, bạn và bạn thân, bạn và con của bạn đang tung tăng. Bất giác, lục lại trong điện thoại, chúng ta chỉ thấy ảnh của mình đi đâu đó chơi, ăn uống. Những dịp lễ Tết, cưới hỏi, chúng ta mải mê tự chụp hình và xem ảnh đẹp để đăng facebook khoe, nhưng sau đó quên bẵng là không ai chụp hình cùng ba mẹ. Để một ngày, chúng ta vắng ba, nhớ mẹ và tìm ảnh thì không còn nhiều... Chúng ta đều có sẵn một chiếc Smartphone trong tay, có thể chụp ảnh bất cứ ở đâu, lúc nào, với bạn bè, người yêu, nhưng có lúc nào bạn giật mình tự hỏi: Bao lâu rồi trong những tấm ảnh của mình không có ba mẹ?
Bạn ơi!... Khi còn bên nhau, phải ghi lại trong ký ức những bức ảnh, thước phim đẹp để khi xa nhau vẫn luôn nhớ về nhau. Đừng đợi một ngày kia, khi ba mẹ không còn ta lại trách bản thân mình và ngậm ngùi hai tiếng “Giá như...”
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Cảm ơn những tháng ngày dưới mái chùa
Góc nhìn Phật tử 16:25 24/11/2024Trong cuộc đời mỗi người, có những nơi không chỉ là chốn dừng chân, mà còn là ngôi nhà nuôi dưỡng tâm hồn, gieo trồng hạt giống an lạc. Với tôi, mái chùa là nơi như thế.
Trong cuộc sống, không có gì là mãi mãi
Góc nhìn Phật tử 08:40 24/11/2024Cuộc sống giống như nhịp điệu của cơn mưa. Khi những giọt nước rơi từ trên trời, đôi khi chúng ta có thể cảm thấy ướt át, lạnh lẽo và trầm lắng.
Hạnh phúc nơi tự thân
Góc nhìn Phật tử 08:20 24/11/2024Đức Phật là bậc tỉnh thức, đã phá trừ tất cả mọi tham đắm, mọi sự ràng buộc ở thế gian để tìm ra được chân như. Người đã đốt lên ngọn đèn trí tuệ, giúp người mê trở về nẻo chánh, và dẫn dắt nhân sanh vượt qua được đau khổ của trần gian, đi đến cuối đoạn đường huy hoàng thanh thoát.
Đối diện với cái chết của người thân
Góc nhìn Phật tử 15:10 23/11/2024Nhìn thấy người thân qua đời cũng là lúc ta nhận ra sự vô thường và tạm bợ trong cuộc sống. Cái chết khiến ta hiểu rõ hơn về giá trị của từng giây phút sống và tình yêu thương xung quanh mình. Nó khơi dậy những suy tư về ý nghĩa thực sự của cuộc sống và những ước mơ ta muốn thực hiện.
Xem thêm