Không ai nghĩ con một người làm nghề đồ tể đi tu
Sau khi thắp nén nhang trên bàn thờ cửu huyền cho má xong, tôi bước tới gần ba và nói: Con đi nhé! Ba giữ gìn sức khỏe và đừng buồn nghen ba. Ba đã lặng đi và nói: Ừ, coi có quên đồ không?…
Sau đó tôi bước ra cổng để đón xe, chị Hai, Ba, Bốn, anh Bảy đi theo - đứng đợi xe cùng, còn tôi cố bước và tự hứa sẽ không nhìn lại vì sợ mình yếu lòng. Rồi thì cũng không ngăn được mình, tôi nhìn vào nhà, dù hơi xa nhưng cũng đủ để thấy được ánh mắt ba dõi theo. Ba không khóc, có lẽ ba đang cố mạnh mẽ để tôi yên lòng.
Còn nhớ, lúc khuya - khi đi làm về, ba đứng cạnh giường tôi rồi nói: “Mái tóc để từ nhỏ tới giờ sắp không còn nữa rồi” - rồi ba bước đi, để lại một khoảng lặng trong lòng tôi.
Lần này về nhà tôi vui lắm, vì sắp được thực hiện ước nguyện hơn hai năm nay của mình, càng vui hơn khi thấy ba thay đổi nhiều. Có lẽ tất cả sự cố gắng của tôi trong một năm qua đã giúp chuyển hóa được ba.
Ba đã chấp nhận ước mơ và cũng là đại nguyện của tôi, không còn la như trước. Ba còn nói: “Mày đi được thì tốt chứ sao” - dù lúc đó trên đôi mắt ông đỏ hoe với chiếc khăn đang lau vội để che đậy sự yếu đuối bên trong. Ba bao giờ cũng vậy, thương con vô bờ bến nhưng bao giờ cũng ít thể hiện ra.
Niệm Phật biến người đồ tể thành Bồ tát
Má tôi mất đã 6 năm do tai nạn giao thông - đó là một cú sốc tinh thần lớn đối với ba và với cả gia đình. Lúc đó, chính nhờ Phật pháp đã vực tôi dậy giữa cơn trầm cảm và giúp tôi hiểu được “vô thường, nghiệp, nhân quả” là gì. Còn ba tôi, dù rất thương nhớ má, ông vẫn khóc hàng đêm, nhưng không lâu sau... tôi có dì. Thực sự, tôi không oán giận ba vì tôi biết ba không chịu được sự cô đơn vì khi còn má, tình cảm ba má rất thắm thiết dù lớn tuổi.
Tuy có dì, nhưng 6 năm qua, ba vẫn luôn lo lắng cho tôi như khi còn bé, kể cả việc ăn học ở nơi xa bởi vì tôi là con út và cũng là đứa duy nhất chưa lập gia đình, trong khi 6 anh chị khác đã yên bề gia thất. Bởi vậy ba cũng mong tới ngày tôi lên xe hoa, nhưng ai ngờ một ngày kia - ở tuổi 26 - tôi về quỳ dưới chân ba, nói: “Con muốn xuất gia chứ không phải xuất giá”... Có lẽ đó là cú sốc thứ hai của ba và các anh chị tôi. Không ai nghĩ rằng một đứa con lớn lên bằng nghề sát sanh đồ tể (giết heo) nay lại đòi đi tu. Ba tôi sốc thật sự. Ba từng nghĩ rằng một lần mất vợ rồi, bây giờ lại sắp “mất” thêm đứa con… để rồi những ngày liên tục sau đó, ông không ngừng la mắng tôi và nói những câu không hay về Phật pháp. Tôi chịu không nổi nữa bởi không thể nói gì để ba hiểu được con đường thanh cao mà mình đã chọn. Tôi cũng không muốn ba vì thương con mà bị khẩu nghiệp, nên cách duy nhất là phải trốn đi với niềm tin rằng: rồi có lúc ba sẽ hiểu.
Sau đó, tôi đã đón chuyến xe đò để lên ngôi chùa mà mình đã xem là “nhà” từ lâu. Không biết từ bao giờ, ngôi già-lam ấy đã mang đến cho tôi sự bình yên đến lạ, cứ mỗi lần có khóa tu, tôi lại nôn nao để về đó. Trước những muộn phiền trong cuộc sống, tôi chọn nơi đó là nơi để về. Tôi được Sư phụ nhận vào cho tập sự đến nay đã một năm, và tháng 7 Vu lan tôi được sự cho phép của Sư bà cùng Sư phụ để về cúng cửu huyền, cũng như lễ bái đấng sinh thành lần cuối trước khi xuất gia.
Trên chuyến xe trở về chùa, lòng tôi ngập tràn hình ảnh ba, nhớ dáng ba ngồi trên tấm ván nhìn theo với những vết trầy xước đỏ khắp người vì vỡ mạch máu do bệnh tiểu đường phát ra... Giờ phút đó tôi mới nhận ra, mình thương ba vô cùng! Tôi càng thương các anh chị mình vì bao giờ cũng quan tâm, che chở và ủng hộ. Tôi chẳng biết làm gì hơn, chỉ nguyện với lòng phải luôn giữ sự tinh tấn công phu tu tập, để đem công đức ấy hồi hướng cho ba và cả gia đình luôn được bình an, biết hướng tâm về Tam bảo, tin sâu nhân quả để biết cách chuyển hóa nghề nghiệp sát sanh đang gây tạo, từ đó luôn có sự an lạc trong cuộc sống. Và đó cũng là chí nguyện của tôi - mong mọi chúng sanh đều giác ngộ Phật pháp để có con đường an vui, tự đi, tự cứu độ chính mình.
Hơn thế nữa, tôi càng thấy mình phải cố gắng hơn - không chỉ vì những người còn đang sống mà kể cả những người đã mất, cửu huyền thất tổ, ông bà cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp cũng đang mong đợi sự nỗ lực của tôi - để hồi hướng cho họ được siêu thăng.
Bây giờ tất cả đều hoan hỷ, việc duy nhất của tôi là phải luôn tinh tấn trước mọi thử thách và luôn vững tâm Bồ-đề, sơ tâm xuất gia trong sáng để đối mặt với nghiệp của chính mình từng gây tạo trong nhiều đời nhiều kiếp…
“Hủy hình thủ chí tiết
Cắt ái từ sở thân
Xuất gia hoằng thánh đạo
Thệ độ nhất thiết nhân”
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Vì sao con muốn tu tập?
Góc nhìn Phật tử 09:30 05/11/2024Thưa sư cô, con muốn tu tập, sư cô dạy cho con tu với được không ạ? Hằng ngày con nghe giảng pháp, niệm Phật và thỉnh thoảng con có ăn chay. Như vậy có phải tu không ạ?
Tình mẹ - Bến bờ bình yên cho con
Góc nhìn Phật tử 20:21 04/11/2024Tình yêu thương của người mẹ dành cho con là tình cảm sâu sắc, thiêng liêng và bền bỉ nhất trên đời.
Kích hoạt sự giàu có của bạn trong đời
Góc nhìn Phật tử 13:30 03/11/2024Bạn nhận ra được những giá trị nơi bản thân và có thể trao tặng những giá trị này đến cuộc đời, cuộc đời sẽ tặng bạn lại sự thịnh vượng và giàu có. Lúc bấy giờ giàu có là hệ quả tất yếu của hành động trao giá trị.
Sự tiến hóa nào cũng cần đánh đổi
Góc nhìn Phật tử 09:50 02/11/2024Nhân duyên quả là một tiến trình mà không phải mắt thường có thể nhìn thấy, nếu không nội quán huân tu, khai mở tâm trí để thấy rõ cội nguồn tử sinh mà thôi tạo tác, thì mỗi chúng sanh phải chịu từng khổ vui của sự sống chết để học hết bài học của nhân quả, ái luyến, chấp thủ, luân hồi...
Xem thêm