Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ năm, 16/06/2022, 08:01 AM

Làm phước bao nhiêu là đủ?

Hỏi: Kính bạch Thầy, con cũng thường đi làm phước. Vậy Thầy cho con hỏi con làm phước bao nhiêu là đủ thưa Thầy?

Đáp: Quý vị có thường đi bố thí, làm từ thiện hay cúng dường Trai Tăng, cúng dường Tam bảo không ạ? Vậy theo quý vị làm phước bao nhiêu thì đủ?

Phước đức là yếu tố quan trọng đối với mỗi người...

Phước đức là yếu tố quan trọng đối với mỗi người...

Phước đức là yếu tố bí mật luôn âm thầm chi phối chúng ta

Là người Phật tử mình phải luôn nhớ trong lòng một câu thế này:

“Điều tốt làm bao nhiêu cũng thấy thiếu

Điều xấu làm chút xíu cũng thấy dư”

Tại sao vậy? Vì thật sự cái ác nghiệp mình tạo nhiều kiếp đã khổ lắm rồi, bây giờ chút xíu ác nghiệp cũng thấy dư nữa. Nhưng cái điều tốt làm hoài cũng không đủ đâu. 

Trong Kinh Tăng Nhất A Hàm (tập 1) có nhắc đến vua Ba Tư Nặc, ông là một vị vua thuần thiện về Phật Pháp. Có một mùa hạ ông thỉnh Đức Phật và Chư tăng cúng dường trong ba tháng. Sau đó ông nói với Đức Phật rằng “Kính Bạch Đức Thế Tôn, con đã tạo công đức xong”. Đức Phật mới đáp rằng “Đại vương chớ nói thế, làm phước không nhàm chán. Hôm nay cớ sao nói đã làm xong”.

Vì sao làm phước không được chán nản mà phải làm hoài?

Đức Phật nói thế này: “Vì sinh tử dài lâu không thể kể". Chúng ta nên nhớ câu này. Tức là vòng luân hồi các kiếp sống của mình nhiều đến nổi không thể kể được đâu.

Hôm trước Thầy có nghe cuộc điện thoại của một cô, cô ấy gọi Thầy mấy lần rồi. Cô ấy nói: “Thầy ơi! Con chết nha Thầy”. Đòi chết bao nhiêu lần rồi. Cái lý do chết là cô này bị bệnh đau bao tử, mà bệnh này hay buồn vu vơ, nó ảnh hưởng lắm. Như người đau gan hay nóng giận, người đau tim hay lo sợ bất an. Cái người đau bao tử hay buồn vu vơ lắm, thấy mưa rơi cũng buồn, thấy lá rơi cũng buồn, thấy cái gì cũng buồn hết. Rồi cái không hiểu sao cô ấy mới tự tử. Mà khi cô tự tử, may sao chồng cô phát hiện và cứu sống, chồng cô thương cô lắm mà ông ta sợ cô tự tử trong cái nhà đó, có cái dớp rồi nên ông đập luôn cái nhà và hiện nay không còn chỗ ở nữa.Trước đã buồn rồi tự tử không chết, giờ lại không có nhà để ở cô càng buồn hơn. Cô đòi tự tử nữa. Thầy mới bảo cô ấy: “Sao sống mà muốn chết miết vậy?”, Thầy khuyên đừng có buồn nữa.

Rồi vài hôm sau cổ lại đòi tự tử nữa, cô gọi nói: “Thầy ơi chắc con chết thiệt nha Thầy”. Hết cách rồi Thầy mới cho hai ví dụ này, muốn chết thì cứ chọn thôi.

Thứ nhất bây giờ so sánh mình đang buồn với cảnh mình bị nấu trong dầu sôi. Vậy thích cảnh nào? Thứ hai là so với cảnh làm con chó, tự tử là tội giết người, không trân quý mạng sống, tự tử với tâm trạng uất ức như vậy là mảnh đất phì nhiêu cho ác nghiệp trổ quả tái sanh trong cõi ác giới: địa ngục ngạ quỷ, súc sanh, A- tu-la.

Nếu cảm thấy thích chảo dầu hơn thì chị cứ tự tử đi. Thầy nói miết không nghe nên phải dùng tuyệt chiêu cuối cùng ra. Rồi Thầy nói bây giờ chị thấy con chó không?

Con người dẫu có buồn, có khổ nhưng thử so với con chó coi, nó có biết gì buồn khổ đâu, nó cứ theo ác nghiệp. Mà con chó là loài súc sanh nó chỉ trả nghiệp hoặc làm ác thôi chứ không làm thiện được. Cũng như có phước được sinh lên Chư Thiên, chỉ hưởng Phước hoặc làm thiện thôi chứ không làm ác. Thầy nói chị so với chị coi, chị còn sống, chị còn thân người đây. Buồn ai mà không buồn, mà tại sao cứ buồn là tự tử miết vậy.

Thầy nói giờ chị suy nghĩ đi. Thay vì buồn mình phải mạnh mẽ lên mà sống chứ, cứ buồn hoài vậy sao. Đó là Thầy nói cho Cô đó hiểu.

Quý vị thấy một kiếp người mình sống đây không phải sống xong rồi nhắm mắt một cái là hết. Những người biết tu còn biết lo sợ cho kiếp tương lai của mình.

Thầy nói ví dụ bây giờ mình đang sống đây chứ nhắm mắt là không biết chuyện gì xảy ra. Mấy cô đang sống đây mà có đức tính nam tử hán đại trượng phu nhắm mắt xong qua hàng ngũ có râu đứng. Mấy anh nam nhi chi chí sống hở cái kẹo kéo, ích kỷ, đố kỵ, bỏn xẻn, tham lam nhắm mắt qua hàng ngũ dùng son, dùng phấn.

Đó là vẫn còn được làm người, còn nếu mà chỉ có tham lam, bỏn xẻn, ích kỷ thôi. Chỉ có xài Phước thôi mà không có tạo Phước chết xuống làm ngạ quỷ. Hưởng hết phước rồi thì làm ngạ quỷ lang thang đói khổ. Cũng có khi nhắm mắt xong vô bụng con heo. Mình đâu có biết được mình sẽ đi về đâu.

Thời Phật, có một lần Ngài đi qua có con chó nó sủa Ngài. Đức Phật biết nghiệp của nó nên bảo: “Ngươi như vậy mà còn chưa biết duyên nghiệp của mình sao?”

Con chó nghe xong ra sau nhà nằm, buổi trưa anh chủ nhà về không thấy con chó chạy ra, mới hỏi người trong nhà: “Sao con chó nay không ra mừng?”

Người nhà nói không biết hồi sáng ông Gotama (tức là Đức Phật) nói gì mà nó ra nằm sau vườn ấy. Anh chủ nhà tới gặp Đức Phật nói: “Hồi sáng ông nói cái gì với con chó của tui mà nó ra nằm sau vườn vậy?”

Đức Phật nói : “Anh có biết con chó đó là ai không? Con chó là cha của anh đó. Sau khi chết rồi tham tiếc tiền của không tạo phước đức nên đọa làm súc sanh, đọa làm chó ở trong nhà vì ông còn tiếc những Hũ Vàng chôn phía sau nhà. Anh hãy ra chỗ con chó thường nằm anh đào lên đi.”

Anh ta đã đào được những hũ vàng thật. Sau đó kéo cả nhà đi quy y. Câu chuyện trên cho ta thấy sự chấp trước vào tài sản, rồi bị đọa làm chó vậy đó. Cho nên, mình không nên ăn thịt chó hay giết con này con kia là vậy. Vì thực ra nhắm mắt một cái là không biết cảnh giới của mình đi về đâu. Mình được nghe Phật Pháp, tin nhân quả mình phải biết sợ.

Nên Đức Phật đã dạy làm phước không bao giờ đủ là vậy đó. Vì đường sinh tử luân hồi lâu dài không thể kể, biết như vậy là đời này mình làm người chưa chắc đời sau mình làm người hoặc đời này mình giàu có chưa chắc đời sau mình giàu có.

Trong ngạ quỷ sự có những câu chuyện kiếp trước của những ngạ quỷ là một đại gia, trưởng giả, phú hộ. Sau kiếp đó làm quỷ đói, bao nhiêu tài sản hưởng hết không tạo Phước trong khi chết tài sản thì để lại hết. Những câu chuyện trong Kinh Điển diễn tả lại như vậy thì mình cũng vậy đó. Cái tâm tham lam bỏn xẻn của mình quá dày chưa từng tạo điều phước đức thì Thầy cũng xin thưa quý vị nhắm mắt mình cũng sợ lắm đó nha.

Đối với mỗi người việc làm phước không bao giờ là đủ cả.

Đối với mỗi người việc làm phước không bao giờ là đủ cả.

Bây giờ nhiều khi mình cũng không dám ngồi làm một phép toán đâu. Ví như trắng tượng trưng cho điều tốt điều thiện, còn đen là tượng trưng cho điều tội điều ác. Thử xét một ngày những lời nói, ý nghĩ của mình xem coi đen nhiều hay trắng nhiều. Có những ngày sám hối hay khóa tu, đi bố thí cúng dường thì có thể trắng nhiều. Thế nhưng khi về rồi loay hoay hở ra một cái là đen không.

Quý vị biết rõ ràng rồi, mình tự làm, tự mình chịu, cái đường sinh tử là nó như vậy đó, không có ai giúp cho ai được đâu. Phật cũng không giúp được, Phật chỉ dạy cho mình thôi. Cho nên mình cô độc từ đời bây giờ rồi, mặc dù có thể đang sống với gia đình, vợ chồng con cái, bạn bè, nhưng mình có những nỗi cô đơn, cô độc trong lòng. Rồi cái đường sinh tử lan man phía trước mình không biết đi đâu hết. Cho nên nói tới cái đoạn này Thầy cũng xin thưa quý Phật Tử, nhiều lúc Thầy cũng sợ lắm. Sợ không biết chết rồi có được quay lại làm người không.

Chiều hôm nay cầm chén cơm ăn, mà chén cơm này đâu ra, Thầy có đi làm đâu mà có tiền. Bát cơm này là do Phật tử cúng dường. Thầy ăn chén cơm này mà Thầy không gửi tặng cho quý vị cái gì là Thầy nợ cuộc đời đó. Nếu mà nói nghĩa tiêu cực một chút là thầy nợ quý Phật Tử. Nhờ quý vị lo cho Thầy đủ điều kiện phương tiện để tu học. Thầy tặng lại cho quý Phật Tử những bài Pháp. Quý vị phải đi làm, cuộc sống mưu sinh cơm áo gạo tiền, không đủ thời gian để mà ngồi nghiên cứu Kinh sách thì thầy có thời gian hơn, bây giờ Thầy tặng cho quý vị Phật tử như một món quà ở một nghĩa nào đó như là sự trả ơn quý Phật Tử đã lo cho Thầy. Cầm một bát cơm lên mà thấy mình hôm nay chưa làm được điều phước gì là thấy ngày nay lỗ rồi đó.

Mỗi lần khóa tu Thầy tổ chức, Thầy có chỉ quý Phật Tử tử ăn cơm mà không bị tổn Phước. Hàng ngày mình dùng bữa cơm hay thức ăn là có tổn Phước không ạ? Xin thưa quý Phật Tử câu trả lời là có. Tại vì bát cơm với thức ăn đó phải có tiền mới mua được, mà cái tiền là biểu hiện của cái phước, mình có phước mới có tiền được. Mình có phước nhiều thì có tiền nhiều ngược lại phước ít thì có tiền ít. Về các tài sản vật chất thì quý vị bỏ tiền ra mua là quý vị đang dùng cái phước của mình đó. Bây giờ mình ăn cơm hàng ngày, mà ăn nhu cầu căn bản thôi thì cái Phước nó tổn ít. Còn thay vì bữa cơm 100 ngàn, quý vị ăn bữa 1 triệu hay 10 triệu thì phước tổn nhiều, mình xài hao phí quá thì nó tổn nhiều thôi. Vậy thì hàng ngày mình vẫn cứ tổn Phước. Thầy chỉ cho Quý Phật Tử ăn mà không tổn Phước: là trước khi ăn quý vị cầm chén cơm đó trên tay và khởi ý niệm là: “Với lòng tôn kính và thanh tịnh con xin dâng cúng dường Tam Bảo, cúng dường Phật phần thức ăn hay phần cơm này.” Nghĩa là mình khởi cái tâm tôn kính dâng lên cúng dường Phật đã rồi mình hãy ăn, khi mình dâng cúng dường Phật như vậy là mình đã có phước rồi, dĩ nhiên ăn thì vẫn tổn phước, nhưng trước đó mình đã cúng dường Phật rồi nên bù đắp lại một chút.

Biết nhớ ơn và báo ơn để tăng thêm phước đức

Hàng ngày mình xét lại xem mình toàn là xài Phước. Thì bây giờ mình phải khéo một chút. Ví dụ như hôm nay quý vị đi chùa cúng dường, cắm bông, công quả thì quý vị có phước. Nhưng về nhà quý vị có bàn thờ Phật, đến các ngày lễ, ngày rằm, mùng một quý vị ra chợ với Tâm hoan hỷ cung kính đem một cành bông cúng lên cho Phật hay là mua một đĩa trái cây cúng dường Phật. Mà phước lớn hay phước nhỏ phải tùy cái tâm mình nữa. Chứ xin Phật con cúng dường nải chuối, Phật phù hộ cho con trúng số thì cái này là hết phước luôn. Cúng dường là vì tôn kính Phật mà cúng thôi, chứ Phật không có cần nhưng vì tôn kính Phật mình cúng dường, đó là biểu hiện tấm lòng của mình là có phước. Đó là những điều nho nhỏ mình có thể làm.

Thầy nói ở nhà quý Phật tử mình thông minh khôn khéo một chút có cái bàn thờ Phật nho nhỏ thì hàng ngày buổi sáng trước khi đi làm lạy Phật 3 lạy với lòng tôn kính là có phước rồi. Mà lạy Phật hay lắm. Cuộc sống mà có người để mình lạy là hạnh phúc lắm rồi đó, sợ bữa nào mình không thấy ai để mình lạy hết là mình lên cột điện ngồi rồi, lên đó mấy bữa ngồi điện giật rớt xuống chết (nghĩa là mình kiêu ngạo, tự cao, ngã mạn là hết phúc luôn). Cho nên Thầy khuyến khích quý Phật tử chúng ta cố gắng làm phước cái gì mà trong khả năng có thể làm thì làm. Cứ nhớ lời Phật dạy ở đây là “Vì sinh tử lâu dài không thể kể.” cái đường sinh luân hồi kinh khủng lắm, đến một lúc nào đó cho dù mình có làm vua đứng đầu một nước đi chăng nữa mà nhắm mắt một cái không biết đi đâu. Cái ngày nào mình chưa giải thoát thì mình không biết chuyện gì xảy ra nên chúng ta phải biết lo như vậy mà làm những điều phước thiện. Mô Phật! Thầy xin cảm ơn quý Phật tử.

Thầy Thiện Tuệ trả lời vấn đáp Phật Pháp

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Đã được truyền thọ Tam Quy và Ngũ giới, vậy có phải ăn chay không?

Hỏi - Đáp 12:55 20/11/2024

Hỏi: Tôi đã được truyền thọ Tam Quy và Năm giới, vậy tôi có phải ăn chay hay không?

Cúng vong linh, cúng cô hồn có phải là pháp của đạo Phật?

Hỏi - Đáp 10:18 19/11/2024

Tôi là người theo đạo Phật và muốn hiểu rõ hơn về giáo pháp. Tôi có câu hỏi xin quý Báo trả lời giúp: Cúng vong linh, cúng cô hồn có phải là pháp của đạo Phật? Nếu có, xin vui lòng chỉ giúp Đức Phật dạy các điều ấy trong những kinh nào?

Tượng Phật có từ bao giờ?

Hỏi - Đáp 10:31 18/11/2024

Hỏi: Tôi là một Phật tử chuyên hỷ cúng tượng Phật cho các chùa, nhưng chưa hiểu rõ lắm về nguyên nhân do đâu mà có tượng Phật. Vậy tượng Phật có từ bao giờ? Ai là người đầu tiên tạo tượng Phật? Xin cho biết sơ lược về việc tạo tượng Phật vào lúc đó.

Tu tập trong hoàn cảnh không có Phật

Hỏi - Đáp 10:00 17/11/2024

Tôi thích lạy Phật nhưng vì không có bàn thờ nên tôi tự hình dung Đức Phật trước mặt rồi lễ bái. Tôi tu tập như thế và cảm thấy an yên, được Tam bảo che chở rất nhiều. Có lúc tôi tự hỏi mình tu tập trong hoàn cảnh như thế có đúng Chánh pháp không?

Xem thêm