Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ năm, 23/03/2023, 14:25 PM

Màu áo lam làm tôi tâm huyết với nghề

Gia đình Phật tử Bích Khê, nơi đó có ngôi chùa Hồng Khê (1) mà tôi thường tham gia sinh hoạt với các anh chị em trong khuông hội. Cái tên mà tôi không thể quên được, cái tên luôn nằm sâu thẳm trong tâm hồn, trong tiềm thức của tôi.

Dù đi xa tôi vẫn nhớ vì đó là nơi đầu tiên tôi khoác chiếc áo lam, cùng sinh hoạt với anh chị em nơi đây. Ngày ấy khi tôi còn bé, chỉ chừng khoảng 15 tuổi đã theo chân bà nội đi chùa vào các đêm rằm và mồng một hàng tháng để cầu kinh lễ Phật. Được hòa mình trong thế giới thiền của Phật, nghe những lời kinh tụng đầy triết lý cuộc sống, lòng tôi lại dấy lên một tình yêu kỳ lạ. Tôi tâm sự với bà nội nghe: “Nội ơi! Con muốn đi chùa mặc áo lam như nội”. Nội nói “Ừ, thì đi với nội!”. Kể từ đó, tôi được khoác chiếc áo lam trên mình đi chùa với bà nội trong các ngày rằm, mồng một hay các hoạt động của phật giáo như Lễ Phật đản, Lễ Vu Lan…lòng tôi ngập tràn niềm vui sướng. Tôi nâng niu chiếc áo lam và xem nó như chiếc áo dài trắng thướt tha mà tôi từng mặc một thời đi học ở trường PTTH.

Cứ mỗi đêm trăng rằm sáng lung linh, tiếng chuông chùa lại ngân lên, vang xa,  hòa quyện với tiếng cầu kinh đều đều của phật tử. Tôi lại mường tượng đến những chiếc áo dài lam được xếp ngay hàng thẳng lối trước điện thờ; tôi hình dung những đôi tay trần áp vào nhau bất động hướng về chư Phật, khói trầm hương tỏa mờ thanh thoát... Thế rồi tôi vội dục bà nội: “Bà ơi, mau đi chùa kẽo trễ!”.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Đối với tôi thời đó, kinh phật khó mà thuộc được nhiều. Lui lui lại lại cũng thuộc mỗi mấy câu do bà tôi bắt đọc nằm lòng: “Nam Mô A Di Đà Phật; Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát…”. Thế nhưng lòng tôi vẫn cảm thấy nhẹ nhõm, thanh thản biết bao. Đúng nghĩa là an nhiên, tự tại! Lễ Phật xong, mọi người thủng thẳng ra về. Trên con đường làng, chị em ríu rít tâm sự thật vui. Dưới ánh trăng ngà, bóng những chiếc áo dài lam thướt tha tỏa xuống càng tô đẹp thêm những lũy tre làng, những con đường quê yên tĩnh.

Vào những dịp Tết Trung thu hằng năm, chúng tôi tổ chức phát quà cho trẻ em nghèo với những chiếc đèn Ông sao, vài gói bánh kẹo, tuy nhỏ nhưng giàu tính nhân văn cao cả. Các em rất vui và hồ hỡi cùng tham gia các tiết mục văn nghệ, các trò chơi do chị Huynh trưởng tổ chức. Tôi còn nhớ có những lần cùng bà nội đi Thọ bát ở các chùa khác lân cận như chùa Hà My, chùa Nại Cửu. Chị em chúng tôi rủ nhau đi, đèo nhau trên chiếc xe đạp, chở những đạo hữu lớn tuổi không có phương tiện đi lại. Đến các chùa bạn, chúng tôi được mở mang thêm kiến thức, học được nhiều điều hay và gắn kết tình bè bạn hơn.

Tôi học được những lời Phật dạy như “Từ bi, Hỷ xả”, giúp đỡ cho nhiều người có hoàn cảnh khó khăn… Phải chăng chính đó là một phần của sự “Vô ngại, Đại bi” mà đức Phật từng dạy. Qua việc học Phật, hiểu những lời Phật dạy, áp dụng vào đời sống của bản thân, tôi thấy rằng việc học Phật mang lại nhiều điều tốt đẹp cho bản thân, gia đình và xã hội. Việc học Phật góp phần nâng cao giá trị đạo đức con người, đưa con người đến với chân, thiện mỹ. Ngoài ra việc học Phật còn góp phần nâng cao tình người trong xã hội, mọi người sống với nhau trong tình thương yêu nhân loại, thương yêu vạn vật.

Có thể nói rằng từ khi học Phật cuộc sống của tôi trở nên đơn giản, hạnh phúc hơn. Tôi nhận thấy rằng việc học Phật đã mang lại cho tôi nhiều lợi lạc rất lớn, cái lợi lạc ấy dường như không giấy mực nào mà tả cho hết. Càng đi sâu vào việc học Phật Pháp và hiểu Phật Pháp thì cuộc sống của tôi càng an nhiên trước thói đời đầy nghiệt ngã này.

Tôi cảm thấy tự hào khi được khoác lên mình chiếc áo dài lam bình dị và cảm thấy mình sống có trách nhiệm hơn... Điều đó tôi càng nhận thức được rằng cần phải tu tập nhiều hơn nữa để xứng đáng với màu áo lam hiền hòa, thanh khiết ấy, nguyện được đem một phần sức lực của mình cống hiến cho cộng đồng, cho xã hội; được yêu thương mọi người và mọi người yêu thương.

Giờ đây tôi đang công tác tại một ngôi trường có truyền thống dạy học 45 năm ở Thành cổ Quảng Trị đó là trường THPT thị xã Quảng Trị. Nhưng tôi tâm niệm mình chưa dừng lại ở đó mà vẫn luôn phấn đấu cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”. Nghề dạy học vinh dự càng cao, thì trách nhiệm càng nhiều đòi hỏi người đứng trên bục giảng phải có bản lĩnh, biết chịu đựng và vượt qua khó khăn trước mắt, đem hết sức mình cống hiến cho những thế hệ tương lai của đất nước. Một nghề nghiệp mà cho dù hoàn cảnh, cuộc sống có khó khăn hay cuộc đời riêng nhiều trắc trở, không cho phép mình được u sầu, bất mãn trước học trò. Bước lên bục giảng, trước bao nhiêu ánh mắt trong veo, chờ đợi của học trò, người thầy phải quên đi tất thảy những nỗi niềm riêng tư, cho dù gặp những học trò hư để lại trong thầy bao nỗi buồn phiền.

Tuy tuổi nghề của tôi chưa nhiều nhưng tôi cũng cảm nhận được nghề giáo là nghề hết sức đặc biệt, có vị trí hết sức quan trọng trong xã hội. Những chiêm nghiệm, nghĩ suy qua 17 năm gắn bó cùng nghề dạy học tôi thấy mình đã không chọn sai nghề bởi thấy mình cũng đã góp phần nhỏ bé chắp cánh những ức mơ tương lai cho nhiều thế hệ học sinh. Với tôi hai từ “nhà giáo” vô cùng thiêng liêng, cao quý như Cômenxki viết “Dưới ánh mặt trời không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học”, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đã nói “Nghề dạy học là nghề cao qúy nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo”. Cao quý bởi đó là sự nghiệp trồng người, ươm mầm và nuôi dưỡng những tài năng tương lai của đất nước như lời Bác Hồ nói “ Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”.

Bây giờ với tôi “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” vì ở đó tôi bắt gặp những tà áo trắng trinh nguyên bay trong gió phủ kín cả sân trường giờ tan học; những ánh mắt thơ ngây, trong sáng; những nụ cười tươi và những vòng tay lễ phép cúi xuống: “Em chào cô ạ!”. Tôi cảm thấy tự hào, hạnh phúc vô cùng vì thấy mình là người đáng kính trong con mắt học trò. Tuổi đời có thể già đi nhưng tuổi nghề thì trẻ mãi. Tôi lại thấy yêu thêm nghề dạy học mà tôi đã chọn. Tôi sẽ vững vàng hơn của một người giáo viên nhân dân, nguyện cống hiến tốt hơn nữa cho sự nghiệp trồng người mà Đảng và nhà nước giao phó. Bởi nhà hiền triết – Tago đã nói: "Giáo dục một người đàn ông thì được một con người, giáo dục một người đàn bà thì được một gia đình, giáo dục một người thầy thì được một thế hệ".

Ghi chú: (1) Chùa Hồng Khê ở làng Bích Khê xã Triệu Long huyện Triệu Phong tỉnh Quảng Trị.

*Bài dự thi được gửi từ tác giả: Lê Thị Thu Thanh; địa chỉ: Đội 2 - Bích Khê - Triệu Long - Triệu Phong - Quảng Trị. 

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Phật về

Đạo Phật trong trái tim tôi 07:03 14/05/2024

Bồ-tát Siddhartha thị hiện trên cuộc đời cho chúng ta thấy rõ lẽ thật sống, hòa hợp thuận theo tự nhiên thì chúng ta sẽ có hạnh phúc.

Người đàn bà xa lạ và hành động "cảm thông thiên ức Phật"

Đạo Phật trong trái tim tôi 09:41 09/05/2024

Sáng nay, trên đường đi làm ngang qua ngôi chùa cổ tôi thấy một người đứng chắp tay lễ Phật trước cổng chùa đóng kín, trong không gian vắng vẻ, trong lành, rợp bóng cây xanh và hơi nước ẩm ướt của trận mưa đêm, thấy bình an đến lạ.

Thư gửi Thế Tôn: “Dù thế nào, con vẫn vững bước đi trên đường này”

Đạo Phật trong trái tim tôi 16:16 28/04/2024

Con biết là “một cánh hoa đào rơi không làm cho sự có mặt của cây hoa đào suy giảm”, “sự biểu hiện hay ẩn tàng của hình tướng con sóng không làm suy giảm sự có mặt của đại dương”.

Xem thêm