Mỗi người đều có tính Bụt trong lòng
Đức Thế Tôn đã nói rằng mỗi người đều có tính Bụt trong lòng và nếu thực tập cho giỏi thì cũng có thể tỉnh thức, cũng có thể có hạnh phúc, cũng có thể có thương yêu được.
Từ thế kỷ đầu cho đến thế kỷ thứ 14, tức là 1400 năm, chúng ta đã gọi Buddha là Bụt. Các nước Đông Nam Á chung quanh ta cũng gọi Buddha là Bụt. Gọi đúng là Butha, mà gọi tắt là Bụt. Chữ ‘tha’ phía sau không đọc rõ. Gotama đọc là Gotam. Nhật Bản vẫn còn gọi Buddha là Bụt. Đến thế kỷ thứ 14 khi bị phương Bắc đô hộ, chúng ta đã bắt đầu phát âm theo người Trung Hoa. Người Trung Hoa phát âm là Fó mà ta đọc là ‘Phật’, nhưng trước đó ta đã sử dụng danh từ ‘Bụt’. Như vậy từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 20 ta mới dùng tới danh từ ‘Phật’, chỉ mới 500 năm thôi. Trước đó trong suốt 1400 năm ta dùng danh từ Bụt và bây giờ thì ta trở về gốc, việc này không có gì mới mẻ hết. Tất cả các nước đều gọi Buddha là Bụt thì ta gọi Buddha là Bụt cũng hợp lý thôi. Chữ Buddha có nghĩa là tỉnh thức, không mê ngủ, không lãng quên. Chữ Buddha cũng có nghĩa là Biết. Vì vậy chữ Buddha không có nghĩa là tên của một người. Đó chỉ là một danh hiệu. Chúng ta biết rằng đức Bổn Sư của chúng ta tên là Shakya Muni, tức là ông thầy tu dòng họ Shakya. Hồi còn trẻ Bụt tên là Siddhatta Gotama. Gotama là tên dòng họ, dòng họ Gotama Shakya. Và vì Bụt là một người tỉnh thức, luôn luôn có chánh niệm, luôn luôn có hiểu biết, luôn luôn có thương yêu cho nên chúng ta gọi Gotama Shakya là Bụt. Đức Thế Tôn có nói rằng trước khi Ngài ra đời đã có những vị Bụt khác, những vị Bụt quá khứ, và sau khi Ngài nhập diệt trên thế gian sẽ có những vị Bụt tương lai như là Bụt Di Lặc. Vì vậy Bụt không phải là tên của một người mà là danh hiệu của một người tỉnh thức, có đầy đủ hiểu biết và thương yêu. Khi chúng ta nói chuyện với người Bắc Mỹ, chúng ta phải nói cho họ biết Bụt không phải là một vị thần linh, Bụt là một con người như chúng ta. Đức Thế Tôn là một con người như chúng ta, đã từng đau khổ lúc còn trẻ. Ngài đã tìm ra được con đường thoát khổ và đã trao truyền lại cho chúng ta. Vì vậy chúng ta phải nhớ là đừng biến Đức Thế Tôn thành một vị thần linh mà phải khám phá ra cho được đức tính con người, đức tính nhân bản của Ngài.
Đức Thế Tôn đã nói rằng mỗi người đều có tính Bụt trong lòng và nếu thực tập cho giỏi thì cũng có thể tỉnh thức, cũng có thể có hạnh phúc, cũng có thể có thương yêu được. Tính Bụt đó được gọi là Phật tính. Tiếng Anh là Buddhahood hay Buddha nature. Nếu chúng ta biết tu tập, tính Bụt đó sẽ biểu hiện ra và chúng ta sẽ có đầy hạnh phúc, đầy hiểu biết, đầy thương yêu và đầy tỉnh thức. Buddha là người tỉnh thức, người biết an trú trong phút giây hiện tại. Người biết cái gì đang xảy ra cho mình và cho hoàn cảnh xung quanh mình. Nếu ta có thực tập thì ta cũng có thể tỉnh thức được. Thực tập hơi thở chánh niệm, bước chân chánh niệm và ăn cơm trong chánh niệm, ta cũng sẽ có chất tỉnh thức như Bụt. Tuy nhiên lâu lâu ta mới tỉnh thức một lần rồi lại bị sa vào thất niệm, quên lãng; vì vậy ta không phải là Bụt toàn thời gian, mà chỉ là Bụt bán thời gian. Năng lượng giúp cho ta duy trì sự tỉnh thức được gọi là chánh niệm (Mindfulness). Chánh niệm là gì? Ta phải nói cho bạn ta biết chánh niệm là năng lượng giúp cho ta có mặt trong giây phút hiện tại. Ta phải nhớ như vậy. Vì trong đời sống hàng ngày, có thể thân ta ngồi đây nhưng tâm ta lại ở chỗ khác; hoặc chìm đắm trong thương tiếc quá khứ, hoặc băn khoăn, lo sợ về tương lai, hoặc bị cái giận, cái buồn, cái phiền, cái ganh ghét kéo đi. Thân không ở chung với tâm và vì vậy ta không thật sự có mặt cho cuộc đời. Có vẻ dường như ta đang có mặt đó nhưng kỳ thực ta đang rong ruổi nơi nào khác.
Khi uống nước mà ta biết là ta đang uống nước, ta hoàn toàn để tâm vào chuyện uống nước trong suốt thời gian uống thì lúc đó là uống nước có chánh niệm. Còn khi uống nước mà tâm ý ta để ở chỗ khác thì lúc đó gọi là uống nước không có chánh niệm, hoặc là uống thất niệm, có nghĩa là đánh mất chánh niệm. Khi thở, ta để hết tâm vào chuyện thở thì đó là thở có chánh niệm. Thở có chánh niệm, uống có chánh niệm, đi có chánh niệm thì trong khi làm như vậy ta chế tác được năng lượng chánh niệm. Và nếu đang giận hờn mà ta chế tác được năng lượng chánh niệm thì năng lượng đó sẽ ôm lấy năng lượng của sự giận hờn trong ta. Năng lượng đó là năng lượng của Bụt ở trong ta. Người nào cũng có thể uống nước trong chánh niệm, đi trong chánh niệm, thở trong chánh niệm. Người có thực tập thì duy trì chánh niệm được lâu hơn, nhưng người chưa thực tập thì mới đi được hai bước là đã quên, mới uống có chánh niệm được một giây là đã lo suy nghĩ: “Trời ơi, hồi nãy mình quên lấy đồ ở ngoài trời vô; bây giờ trời mưa thì làm sao?” Khi tâm ta bị tán loạn đi, chánh niệm không có mặt được lâu dài. Chánh niệm là gì? Đó là khả năng có thể an trú được trong giây phút hiện tại, có thể ở yên trong giây phút hiện tại, có thể biết được những gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại. Chánh niệm là năng lượng giúp cho ta có mặt tại đây để biết những gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại. Đó là định nghĩa đầu của chánh niệm. Người tu là người chế tác ra năng lượng chánh niệm hàng ngày. Khi đi, các thầy và các sư cô tập đi trong chánh niệm; khi thở họ tập thở trong chánh niệm; khi ngồi, khi nấu cơm, khi rửa bát cũng vậy, họ cũng theo dõi hơi thở để chế tác năng lượng chánh niệm chứ không phải họ chỉ ngồi trong thiền đường để tu mà thôi. Ở trong nhà bếp, ở ngoài vườn rau cũng vậy, họ vừa làm, vừa thở, vừa thực tập chánh niệm. Chánh niệm càng nhiều, càng mạnh thì càng dễ có khả năng đối phó với những giận hờn, thất vọng, sợ hãi của ta vì chánh niệm là năng lượng của Bụt ở trong lòng ta.
(Trích từ sách Đạo Phật của tuổi trẻ)
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Sám tụng Phật thành đạo
Kiến thức 10:30 02/01/2025Hướng đến kỷ niệm ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni Thành đạo. Phatgiao.org.vn xin giới thiệu đến quý Phật tử những bài sám Phật Thành đạo tùy nghi lễ bái, tụng niệm cho ngày kỷ niệm Ngài.
Thành kính hướng về kỷ niệm ngày Đức Phật thành đạo mùng 8 tháng 12 Âm lịch
Kiến thức 11:21 01/01/2025Khi những cơn gió đông bắt đầu thổi, khí trời trở nên se lạnh, cũng là lúc trong lòng mỗi người Phật tử đều nao nức đón chào một sự kiện trọng đại, đồng thời hân hoan chuẩn bị đón Tết Nguyên Đán cổ truyền của dân tộc, đó chính là ngày Đức Phật Thích Ca thành đạo, mùng 8 tháng 12 âm lịch.
Với người đang trả quả báo, nên giúp hay không?
Kiến thức 07:25 31/12/2024Có người đặt vấn đề, nếu ai đó trong quá khứ lỡ làm ác, tạo nghiệp xấu, không biết tu tập để chuyển hóa, đến khi quả báo chín muồi thì phải nhận lấy báo ứng không lành. Trong nhân gian có nhiều người cho rằng, nên để người đó chịu khổ để trả quả báo, nếu cứu họ thì quả báo xấu ấy sẽ về mình. Vậy chúng ta phải ứng xử như thế nào cho đúng?
Phước cao nhất là vượt qua mọi thăng trầm của cuộc sống
Kiến thức 05:57 30/12/2024Không phải mình tu học hay làm phước với hy vọng sẽ được gặp toàn chuyện tốt đẹp, hay để trở thành con người hoàn hảo, mà là để mình có đủ sức mạnh, đủ trí tuệ, đủ đạo đức để vượt qua mọi thăng trầm của cuộc sống.
Xem thêm