Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU

Nghe pháp bằng “mắt”

“Dạo này tôi siêng đi chùa lắm, biết sao không? Chùa tôi mới có thầy về vừa trẻ vừa đẹp - Ôi dồi thầy chùa tôi cũng thế ăn nói nhỏ nhẹ ai cũng mê”. Đứng ở chợ mua rau vô tình nghe các bà các cô “tán” với nhau mà tôi thấy cuộc đời đúng toàn chuyện bi hài. Xưa đến chùa để thảnh thơi, an lạc khi lắng nghe tiếng kinh, lời kệ; còn nay người ta đến chùa chỉ vì… thầy đẹp.

Có thể thấy, cửa chùa trước đây thanh tịnh và trang nghiêm hơn bây giờ. Ngày ấy, các cụ đến chùa vì tâm thành kính với Phật, một lòng hướng pháp, sống đơn giản không bon chen. Thời xưa, điều kiện học đạo không thuận tiện như bây giờ, đĩa pháp còn hiếm và kinh sách Phật cũng không nhiều. Đĩa pháp đầu tiên tôi được nghe cùng mẹ là đĩa “Bóng mây” của thầy Thích Thiện Thuận. Tôi vẫn nhớ lúc ấy ba mẹ con nghe pháp với tâm trạng háo hức, hết khóc lại cười vì những lời dạy của thầy, lúc thì dí dỏm lúc lại chất chứa biết bao nỗi niềm, xúc cảm của người con với mẹ của mình.
 
Thời xưa, cái gì cũng khó khăn nên được nghe pháp qua đĩa thôi mà ai cũng thấy hạnh phúc. Mà đĩa thời ấy chất lượng thấp, hình mờ và hay bị vấp, chứ đâu có được nét, chuẩn HD như bây giờ. Nhưng ai cũng vui, ai cũng quý từng chiếc đĩa, nâng niu cất vào hộp, rồi có khi còn mang trao đổi với nhau để cùng chia sẻ Phật pháp.

Bây giờ thời đại công nghệ phát triển, chỉ cần một cú click chuột là có cả một thư viện pháp âm, pháp thoại cho mỗi người vào nghe. Để hoằng pháp cho chúng sinh, các thầy không chỉ thuyết giảng qua băng đĩa mà còn đi thực địa, nghĩa là đến tận chùa để giảng pháp cho bà con nơi thôn quê. Ngày càng có nhiều vị giảng sư dày công tu học, nghiên cứu nhiều phương pháp để thuận tiện hơn cho việc hoằng pháp độ sinh.

Điều kiện học pháp đa dạng là vậy, tưởng chừng mỗi người sẽ tiếp thu thêm nhiều tinh hoa trong kho tàng Phật học, nhưng thật đáng buồn khi hiện nay lại xuất hiện một bộ phận người phật tử đang nghe pháp bằng “mắt”. Thế nào là nghe pháp bằng “mắt”? Đó là việc người phật tử đến chùa tưởng như nghe pháp, nhưng hóa ra là ngắm thầy. Đây là hiện tượng tôi đã trực tiếp nhìn thấy nên mới dám mạo muội viết ra. Chứ những điều nghe từ người khác tôi ít khi dám tin hết vì thiếu đi tính xác thực.

Câu chuyện tôi đề cập trong phần đầu mới chỉ là một phần của tảng băng chìm. Ngoài việc buôn chuyện về “sắc đẹp” của các thầy ngoài chợ, sẽ thật thiếu sót nếu không nói tới trang phục đi nghe pháp của các bà các cô thời nay. Tôi đã từng đến một buổi giảng pháp của một quý thầy trẻ và vô cùng bất ngờ trước quần áo được các phật tử chọn mặc đi nghe pháp. 

Thay vì những chiếc áo pháp màu lam hay nâu mặc rộng rãi che kín thân mình, có bác độ trung tuổi mặc bộ đồ tu bó chẽn, lại còn khoét cổ sâu hình chữ V nữa chứ? Ôi tôi nhìn mà còn thấy xấu hổ và ngại ngùng thay. Không dừng lại ở đó, nhiều người còn trang điểm, đeo trang sức kín người và xịt thêm chút nước hoa. Nói thực phụ nữ làm đẹp không có gì sai, nhưng đến chùa mà “ăn diện” thế này dường như không phù hợp cho lắm.

Cứ tưởng chỉ có một người ăn mặc kiểu “đặc biệt”, nhưng ngay sau là một tốp chị em khác, cũng quần bó, mặt trang điểm và áo xẻ tà... tận nách. Còn đâu tấm áo nâu sòng của các cụ ngày xưa thường mặc mỗi khi đến chùa, thời nay sao lạ quá. Tôi tự hỏi hay tại mình quê nên lạc hậu, không bắt kịp xu thế và cảm thấy như đang bị sốc văn hóa. 

Sau khi lựa những bộ quần áo đẹp nhất, các bà các cô bắt đầu chọn chỗ và chỉnh trang lại đầu tóc... chuẩn bị cho buổi nghe pháp. Thiết nghĩ đi nghe pháp nếu không chuẩn bị máy ghi âm thì cũng nên mang giấy bút để ghi chép lại lời thầy dạy chứ tôi cũng không hiểu mục đích của việc trang điểm kỹ càng để làm gì?

Bi hài nhất chính là lúc bắt đầu thời giảng pháp của quý thầy. Chưa bao giờ tôi thấy chúng ta lại thiếu văn hóa khi đi nghe pháp như vậy. Trước mặt thầy mà nhiều người ngồi hồn nhiên, vô tư quá. Chẳng khép chân gọn gàng mà cứ ngồi ngả ngớn, xiêu vẹo. Làm thế không chỉ khiến thầy bị xao nhãng trong khi giảng mà còn tự làm mất đi oai nghi của một người học Phật. Nếu ngồi mỏi quá không chịu được nữa thì chỉ cần xá nhẹ và đi lùi về sau để ra ngoài duỗi người cho thoải mái.

Không những vậy, khi đến phần người khác đặt câu hỏi cho thầy giải đáp tôi thấy mọi người nói chuyện cười đùa rất rôm rả, khác hẳn lúc nghe giảng. Điều này là thiếu tôn trọng người khác vì họ nói mà ta không nghe. Thiết nghĩ mỗi chúng ta nên rút kinh nghiệm. 

Trước đây, khi đi nghe giảng pháp tôi cũng ít khi nghe phần hỏi đáp của mọi người mà hay làm việc riêng. Sau này, mẹ tôi có dạy: “Làm việc gì cũng nên đặt mình vào vị trí của người khác. Nếu ai cũng như con thì lúc con nói ai sẽ lắng nghe. Hơn hết, nếu đã đến dự một buổi pháp thoại thì con phải chú tâm vì trong mỗi câu hỏi đã chứa đựng một bài học thâm sâu rồi”. Từ lúc đó, tôi tự nhìn nhận lại bản thân và chỉnh đốn lại hành động của mình.

Tôi còn để ý thấy một điều, là đàn ông khi đến dự một buổi giảng pháp dù không đông bằng phụ nữ nhưng họ lại có những hành động rất đúng mực. Thứ nhất là ngồi ngay ngắn, thứ hai là hạn chế nói chuyện riêng, thứ ba là rất chăm chú nghe thầy thuyết giảng. Đây là sự khác biệt tôi nhận thấy sau khi đi nghe giảng ở một số chùa. Nhiều người nói đàn ông ngộ đạo chậm hơn phụ nữ. Nhưng tôi thấy quan điểm này chưa đúng. Phụ nữ đi chùa nhiều nên đôi lúc bị rơi vào ngã mạn, tự khen ta đi tu lâu nên giỏi hơn người khác. Đó là chưa nói tới việc phụ nữ mắc khẩu nghiệp rất nặng.

Đàn ông tuy đi chùa ít hơn phụ nữ nhưng lại tin sâu và có độ tập trung rất lớn. Ở một vài khóa giảng, tôi thấy các bác, các chú ghi chép rất cẩn thận và tỉ mỉ. Họ vừa lắng nghe, vừa tự ghi lại những ý hay thầy vừa giảng. Lúc nghe được một lời pháp hay họ còn gật gù tâm đắc.

Trong khi đó, các bà các cô nghe thầy giảng cũng rất chăm chú, cứ như nuốt trọn lấy từng lời. Đôi mắt mở to, long lanh như sương sớm. Miệng đôi lúc hơi hé cười nhưng hình như đâu có tập trung vào lời pháp. Một vài vị giảng sư còn kiểm tra đột xuất, hỏi một phật tử nữ bất kỳ xem thầy vừa giảng gì nhưng họ nào có trả lời được. Vì còn đang mải “ngắm” pháp chứ có nghe pháp đâu. Có thầy còn nửa đùa nửa thật nói: “Thấy nhìn thầy chăm chú thế thầy tưởng cô hiểu lắm mà hóa ra không hiểu gì à? Lần sau nên chuẩn bị giấy bút để ghi lại không về nhà lại quên hết”.

Mà thầy nói đúng thật, vừa hết khóa giảng đã thấy góc chùa mỗi chỗ một tốp đứng xì xào với nhau: “Giọng thầy miền Nam nhẹ nhàng quá! Sao thầy trẻ thế mà đã xuất gia rồi!...” Nhiều người còn ra xin thầy chụp ảnh để up lên facebook nữa chứ. Nói chung là muôn kiểu khen ngợi, có đủ cả, từ khuôn mặt đến áo quần, chỉ thiếu mỗi khen pháp thầy giảng hay mà thôi.

Vì được chứng kiến tận mắt, nghe tận tai nên tôi mới tin thời nay nghe pháp bằng “mắt” hóa ra có thật. Trong bài viết, tôi chỉ muốn đề cập tới hiện tượng này đang tồn đọng trong một bộ phận nhỏ nhóm người phật tử. Còn hầu hết mọi người khi đến dự các buổi giảng pháp đều có những hành động chuẩn mực và chăm chú nghe lời thầy dạy. 

Vài dòng tâm sự tôi chỉ muốn chia sẻ để chúng ta cùng nhau quán chiếu và thay đổi mong sao đạo pháp luôn hưng thịnh, gắn chặt vào dòng chảy của cuộc đời. Hòa thượng Tuyên Hóa đã từng nói:

“Khi tôi đến, tôi không có gì cả
Khi tôi đi, tôi vẫn không có gì cả
Tôi không muốn để lại dấu vết gì trên thế gian
Tôi từ hư không đến
Tôi sẽ trở về hư không”

Đức Phật và các vị Tổ sư luôn nhắc chúng ta về sự giả tạm của sắc thân cũng như sự vô thường của cuộc sống. Hà cớ gì ta lại mê đắm cái thân giả tạm này mà bỏ ngoài tai những lời Pháp vô giá của các vị minh sư. Mỗi một vị thầy đều là đệ tử của Như Lai, là người truyền đăng tục diệm, là người nối kết mạng mạch của Phật giáo nơi cõi trần tục còn biết bao phiền não trái ngang. 
 
Với các thầy, người phật tử dành sự tôn kính là điều nên làm, bởi đó là những người đã hi sinh cuộc đời mình, đi ngược lại dòng đời chỉ với một mục đích duy nhất là dẫn dắt chúng sinh tìm về con đường giác ngộ. Tuy nhiên, cần nhớ đó chỉ là sự tôn kính chứ không phải là việc tôn sùng các thầy như một đấng thần linh. Bởi làm như vậy là đi ngược với giáo lý của đức Phật. Ngài chưa bao giờ nhận mình là một vị thần hay đấng tối cao, có khả năng ban phước giáng họa cho ai cả. Hơn 40 năm thuyết pháp, điều đức Phật luôn hướng tới là chỉ cho chúng sinh cách chuyển hóa tâm thức, đoạn ác tu thiện, biết tin nhân quả mà thôi.

Lắng nghe lời giảng của quý thầy cũng như lắng nghe lời dạy của đức Phật. Trên hết, chúng ta cần tập trung lắng nghe trong sự tỉnh thức. Không phải điều gì thầy dạy cũng đúng, vì dẫu sao các thầy cũng vẫn là con người phàm phu, nên không tránh khỏi việc đôi lúc giảng chưa đúng. Vì vậy, chúng ta - mỗi người con Phật khi đi nghe giảng pháp cần biết phân biệt đúng sai. 

Chỗ nào thầy giảng hay, ta cần ghi lại để ứng dụng vào cuộc sống. Còn chỗ nào thấy thầy giảng không hợp lý hoặc chưa đúng thì cần tùy duyên, nhẹ nhàng tìm cách để hỏi lại thầy. Nên tránh tuyệt đối việc xì xào, bàn tán nói xấu sau lưng thầy hay chê pháp thầy giảng “vớ vẩn”, như một vài phật tử tôi đã từng bắt gặp.

Sự học là vô bờ, giáo lý của đức Phật để lại vốn lớn rộng, mênh mông như đại dương bao la. Những điều thầy dạy và tri thức chúng ta tích lũy được chỉ nhỏ bé như giọt nước giữa đại dương kia mà thôi. Bởi vậy, chúng ta cần không ngừng tu học, học từ lời ăn tiếng nói, cho tới thân ý đều luôn giữ được sự thanh tịnh, trang nghiêm. 

Chỉ cần chúng ta tinh tấn, nỗ lực không ngừng thì bóng tối vô minh sẽ dần tan biến; thay vào đó là ánh sáng của trí tuệ, hơi ấm của từ bi sẽ đưa ta đến được bến bờ giải thoát, tìm được niềm an lạc ngay tại cõi trần tục đầy khổ đau.

Xin gửi tới quý đạo hữu lời dạy của lão Hòa thượng Hải Hiền để khép lại bài viết:

“Đừng sợ không có chùa, chỉ sợ không có đạo
Chẳng thà không có người, không thể không có pháp”.

Diệu Âm Minh Tâm
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Phật dạy thần chú phá trừ những việc xấu ác

Phật giáo thường thức 17:33 26/04/2024

Nếu người trì tụng muốn làm pháp này được thành tựu, trước cần phải sạch sẽ trai giới, phát tâm chí thành tụng đà-ra-ni 10 vạn biến cho được thuộc làu rồi, nhiên hậu mới tùy chỗ làm phép được thành tựu.

Làm sao con chuyển hóa được niềm đau trong con thành sự an lạc và tĩnh lặng?

Phật giáo thường thức 15:00 26/04/2024

Hỏi: Thưa Thầy, khi con nhìn thấy Thầy, con cảm nhận được sự định tĩnh và niềm an lạc nơi Thầy, nhưng đồng thời con lại thấy một niềm đau trong con…Con muốn được như Thầy. Làm sao con có thể chuyển hóa niềm đau trong con thành niềm vui, sự an lạc và tĩnh lặng như Thầy?

Thực hiện ước mơ

Phật giáo thường thức 13:50 26/04/2024

Người có phước đức, định lực, trí tuệ là điều kiện cần để thực hiện được ước mơ của mình. Không có phước đức trí tuệ thì sẽ rất khó thực hiện được ước mơ của mình. Sống thế nào có thể tăng trưởng phước đức định lực trí tuệ?

Chủ động tìm kiếm bạn đường hay để tùy duyên phận?

Phật giáo thường thức 12:35 26/04/2024

Hỏi: Khi đến lúc phải lập gia đình, tìm một người đi cùng mình để trải nghiệm bài toán cuộc đời thì lúc đó mình nên đi tìm kiếm, hay chỉ đơn giản là cầu nguyện và để pháp tự vận hành. Con rất mong nhận được câu trả lời của Thầy.

Xem thêm