Chủ nhật, 10/12/2023, 13:50 PM

Nghi thức hộ niệm siêu độ

Theo lời Bụt dạy, sự an lạc của con cháu tức là sự an lạc của tổ tiên và của ông bà cha mẹ. Đại chúng giữ tâm thanh tịnh và an lạc là để tạo cơ duyên và căn bản thanh tịnh và an lạc cho những người đã khuất.

1. (Thiền Hành) (30 phút, sau khi được hướng dẫn)

2. (Thiền Tọa) (12 phút, sau khi được hướng dẫn)

3. (Dâng Hương)

Đại chúng đứng chắp tay trước bàn thờ. Vị chủ lễ nâng hương lên và xướng kệ Dâng Hương sau ba tiếng chuông bắt đầu, trong khi mọi người quán tưởng theo lời kệ:

Lò báu đốt danh hương

Khói trầm quyện tỏa khắp mười phương

Tâm bồ đề dũng liệt phi thường

Tiếp xúc đâu cũng phóng hào quang

Khắp chốn an định tỏ tường

Kính thành phụng hiến đức Từ Tôn.

Chúng con kính dâng hương lên Bụt và chư vị Bồ Tát. (C)

chaptay-4-5385

4. (Tán Dương)

Hương đã cắm vào bình, vị chủ lễ xướng, đại chúng chắp tay quán tưởng theo:

Xinh tốt như hoa sen

Rạng ngời như Bắc Đẩu

Xin quay về nương náu

Bậc thầy của nhân, thiên.

Sen quý nở đài giác ngộ

Hào quang chiếu rạng mười phương

Trí tuệ vượt tầm pháp giới

Từ bi thấm nhuận non sông

Vừa thấy dung nhan Điều ngự

Trăm ngàn phiền não sạch không

Hướng về tán dương công đức

Tinh chuyên đạo nghiệp vun trồng.

Nam mô đức Bổn Sư Bụt Thích Ca Mâu Ni. (C)

5. (Lạy Bụt)

Vị chủ lễ xướng các danh hiệu sau đây, và đại chúng lạy xuống một lạy theo tiếng chuông gia trì sau mỗi danh hiệu:

Nhất tâm kính lễ Bụt, Pháp và Tăng thường trụ trong mười phương (C)

Nhất tâm kính lễ đức Bổn Sư Bụt Thích Ca Mâu Ni (C)

Nhất tâm kính lễ đức Bồ Tát Đại Trí Văn Thù Sư Lợi (C)

Nhất tâm kính lễ đức Bồ Tát Đại Hạnh Phổ Hiền (C)

Nhất tâm kính lễ đức Bồ Tát Đại Bi Quan Thế Âm (C)

Nhất tâm kính lễ đức Bồ Tát Đại Nguyện Địa Tạng Vương (C)

Nhất tâm kính lễ Tôn Giả Thượng Thủ Ma Ha Ca Diếp (C)

Nhất tâm kính lễ Tôn Giả Đại Trí Trưởng Lão Xá Lợi Phất (C)

Nhất tâm kính lễ Tôn Giả Đại Hiếu Ma Ha Mục Kiền Liên (C)

Nhất tâm kính lễ Tôn Giả Luật Sư Ưu Ba Ly (C)

Nhất tâm kính lễ Tôn Giả Khải Giáo A Nan Đà (C)

Nhất tâm kính lễ Tôn Giả Ni Trưởng Kiều Đàm Di (C)

Nhất tâm kính lễ liệt vị Tổ Sư qua các thời đại từ Thiên Trúc đến Việt Nam. (CC)

6. (Trì Tụng)

Đại chúng an tọa trên tọa cụ thành hai hàng đối diện nhau. Duy Na và Duyệt Chúng khai chuông mõ. Vị chủ lễ xướng kệ khai kinh:

Nam mô đức Bổn Sư Bụt Thích Ca Mâu Ni (ba lần) (C)

Pháp Bụt cao siêu mầu nhiệm

Cơ duyên may được thọ trì

Xin nguyện đi vào biển tuệ

Tinh thông giáo nghĩa huyền vi. (C)

Kinh A Di Đà (C)

Đây là những điều tôi đã được nghe Bụt nói vào một thời người còn cư trú ở tu viện Cấp Cô Độc trong vườn cây của thái tử Kỳ Đà. Hồi đó cùng ở bên Bụt có một ngàn hai trăm năm mươi vị khất sĩ, trong đó có những vị A La Hán đệ tử lớn của Bụt mà ai cũng biết đến như các thầy Xá Lợi Phất, Mục Kiện Liên, Ca Diếp, Ca Chiên Diên, Câu Hy La, Ly Bà Đà, Châu Lợi Bàn Đà Già, Nan Đà, A Nan Đà, La Hầu La, Kiều Phạm Ba Đề, Tân Đầu Lô Phả La Đọa, Ca Lư Đà Di, Kiếp Tân Na, Bạt Câu La và A Nậu Lâu Đà. Lại cũng có mặt các vị Bồ Tát đại nhân như Văn Thù, A Dật Đà, Càn Đà Ha Đề, Thường Tinh Tấn, và rất nhiều các vị Bồ Tát lớn như thế, cùng với chư thiên như Thích Đề Hoàn Nhân, nhiều đến vô lượng, đều cùng có mặt.

Lúc bấy giờ Bụt gọi thầy Xá Lợi Phất và bảo: “Từ đây đi qua phương Tây, cách khoảng mười vạn ức cõi Bụt, có một thế giới gọi là Cực Lạc, trong cõi ấy có một vị Bụt tên là A Di Đà, hiện đang thuyết pháp.

“Này Xá Lợi Phất, đất nước ấy vì sao tên là Cực Lạc? Bởi vì dân chúng trong nước ấy không biết khổ là gì, chỉ hưởng thụ mọi thứ an lạc, cho nên cõi ấy được gọi là Cực Lạc.

“Này nữa, Xá Lợi Phất, ở nước Cực Lạc, có bảy lớp lan can, bảy lớp lưới giăng, bảy lớp hàng cây, tất cả đều được làm bằng bốn thứ châu bảo, bao quanh giáp vòng, vì vậy cõi ấy được gọi là Cực Lạc.

“Này nữa, Xá Lợi Phất, ở nước Cực Lạc có rất nhiều hồ thất bảo chứa đầy thứ nước có tám công đức, dưới đáy hồ toàn là cát vàng; bốn bên hồ có những lối đi làm bằng vàng, bạc, lưu ly và pha lê; phía trên các con đường ấy lại có vô số lâu đài, cũng được xây dựng và trang trí bằng các chất liệu vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, xích châu và mã não. Sen trong các hồ lớn như những chiếc bánh xe, sen xanh chiếu hào quang xanh, sen vàng chiếu hào quang vàng, sen đỏ chiếu hào quang đỏ, sen trắng chiếu hào quang trắng, hương sen tỏa ra vi diệu và tinh khiết.

“Xá Lợi Phất! Nước Cực Lạc được tô điểm bằng những cái đẹp như thế.

“Này nữa, Xá Lợi Phất! Ở nước Bụt ấy, người ta thường được nghe nhạc từ hư không vọng xuống. Đất được làm bằng vàng ròng. Mỗi ngày sáu lần có mưa hoa mạn đà la rơi xuống. Dân chúng nước ấy có thói quen buổi sáng lấy lẳng hứng đầy các bông hoa mầu nhiệm ấy để đem đi cúng dường các vị Bụt đang cư trú ở vô số các cõi Bụt khác. Đến giờ cơm trưa, mọi người đều về kịp nước mình để ăn cơm rồi đi kinh hành. Xá Lợi Phất, nước Cực Lạc đẹp tuyệt vời như thế đấy.

“Này nữa, Xá Lợi Phất! Ở nước Cực Lạc kia, thường có nhiều loại chim đủ màu rất kỳ diệu như Hạc trắng, Khổng tước, Anh vũ, Xá lợi, Ca lăng tần già và Cọng mạng… Những con chim ấy, sáu buổi mỗi ngày, thường hót lên những thanh âm hòa nhã: trong giọng hót của chúng, người ta nghe được tiếng diễn xướng các pháp môn ngũ căn, ngũ lực, thất bồ đề phần, bát thánh đạo phần… Dân chúng trong nước nghe được những pháp âm như thế đều nhiếp tâm trở về thực tập niệm Bụt, niệm Pháp và niệm Tăng.

“Xá Lợi Phất, thầy đừng tưởng rằng các loài chim ấy đã được sinh ra trên căn bản nghiệp báo. Tại sao? Tại vì ở nước Bụt kia không có ba nẻo đường đen tối là địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh. Xá Lợi Phất! Ở nước ấy danh từ ác đạo mà còn không có, huống hồ là sự thực về ác đạo. Những con chim kia đã được Bụt A Di Đà biến hóa ra với mục đích là làm cho pháp âm được tuyên lưu rộng rãi trong xứ của ngài.

“Xá Lợi Phất, ở nước Bụt ấy, mỗi khi có gió nhẹ xao động các hàng cây và các màn lưới châu báu thì người ta được nghe những âm thanh vi diệu, giống như là có trăm ngàn nhạc khí cùng được tấu lên một lần. Người dân nước ấy mỗi khi nghe các âm thanh kia thì đều nhiếp tâm niệm Bụt, niệm Pháp và niệm Tăng. Xá Lợi Phất, nước Cực Lạc đẹp tuyệt vời như thế đấy.

“Xá Lợi Phất! Thầy nghĩ sao? Đức Bụt kia tại sao có tên là A Di Đà? Xá Lợi Phất! Tại vì đức Bụt ấy là ánh sáng vô lượng có thể chiếu soi được tất cả các cõi nước trong mười phương mà ánh sáng ấy không hề bị ngăn cách. Vì vậy nên ngài được gọi là A Di Đà.

“Hơn nữa, Xá Lợi Phất! Thọ mạng của đức Bụt ấy cũng như của dân chúng trong nước ngài là thọ mạng vô lượng kéo dài tới vô lượng vô biên kiếp A Tăng Kỳ, vì vậy cho nên danh hiệu của ngài là A Di Đà.

“Xá Lợi Phất! Từ khi Bụt A Di Đà thành đạo đến nay tính ra là đã mười kiếp. Này nữa, Xá Lợi Phất! Số đệ tử thanh văn đã đắc quả A La Hán của đức Bụt ấy nhiều vô lượng, không thể đếm được bằng toán học, số đệ tử Bồ Tát của ngài cũng đông đảo như thế.

“Này Xá Lợi Phất! Nước Bụt kia đã được xây dựng bằng những công đức đẹp đẽ như thế.

“Này nữa Xá Lợi Phất! Tất cả những ai sinh về nước Cực Lạc đều có tư cách bất thối chuyển, trong số ấy có nhiều vị đã là Bồ Tát nhất sinh bổ xứ. Số lượng của các vị này đông đảo vô cùng, không thể dùng toán học mà kiểm đếm được, ta chỉ có thể dùng danh từ vô số A Tăng Kỳ để diễn tả mà thôi.

“Xá Lợi Phất! Chúng sinh mọi nơi khi nghe nói tới nước Cực Lạc đều nên phát nguyện sanh về nước ấy. Tại sao? Tại vì sanh về nước ấy thì sẽ được sống chung và gần gũi với rất nhiều các bậc thiện nhân cao đức.

“Xá Lợi Phất! Những kẻ thiếu phúc đức và căn lành thì ít hy vọng được sinh về cõi ấy. Vì vậy, Xá Lợi Phất, người con trai lành hay người con gái lành nào muốn sinh về cõi ấy thì khi nghe đến danh hiệu Bụt A Di Đà phải nắm lấy danh hiệu ấy mà hết lòng thực tập quán niệm theo phương pháp nhất tâm bất loạn, hoặc trong vòng một ngày, hai ngày, ba ngày, bốn ngày, năm ngày, sáu ngày hay bảy ngày. Người ấy, đến khi lâm chung, sẽ được thấy Bụt A Di Đà và các vị thánh chúng nước ấy hiện ra trước mặt. Trong giờ phút ấy, tâm ý người kia sẽ an trú trong định, không hề điên đảo và tán loạn, do đó người ấy được vãng sinh ngay về nước Cực Lạc.

“Xá Lợi Phất! Vì thấy được cái lợi ích lớn lao này cho nên tôi muốn nói với quý vị rằng những ai đang nghe tôi nói đây hãy nên phát nguyện sinh về nước ấy.

“Xá Lợi Phất, nếu trong giờ phút hiện tại tôi đang ca ngợi những lợi ích và công đức không thể nghĩ bàn của Bụt A Di Đà thì tại phương Đông có các vị Bụt A Súc Bệ, Bụt Tu Di Tướng, Bụt Đại Tu Di, Bụt Tu Di Quang, Bụt Diệu Âm và các vị Bụt đông như số cát sông Hằng, vị nào cũng đang ngồi tại quốc độ của mình, biểu lộ tướng lưỡi rộng dài của các vị, bao trùm cả thế giới tam thiên đại thiên và thốt lên lời tuyên bố thành thật của mình: ‘Này toàn thể chúng sinh các cõi, quý vị hãy nên tin vào kinh này, kinh mà tất cả các Bụt trong vũ trụ đều đem hết lòng xưng tán và hộ niệm.’

“Xá Lợi Phất, tại phương Nam có các vị Bụt Nhật Nguyệt Đăng, Bụt Danh Văn Quang, Bụt Đại Diệm Kiên, Bụt Tu Di Đăng, Bụt Vô Lượng Tinh Tấn và các vị Bụt khác đông như số cát sông Hằng, vị nào cũng đang ngồi tại quốc độ của mình, biểu lộ tướng lưỡi rộng dài của các vị, bao trùm cả thế giới tam thiên đại thiên và thốt lên lời tuyên bố thành thật của mình: ‘Này toàn thể chúng sinh các cõi, quý vị hãy nên tin vào kinh này, kinh mà tất cả các Bụt trong vũ trụ đều đem hết lòng xưng tán và hộ niệm.’

“Xá Lợi Phất, tại phương Tây có các vị Bụt Vô Lượng Thọ, Bụt Vô Lượng Tướng, Bụt Vô Lượng Tràng, Bụt Đại Quang, Bụt Đại Minh, Bụt Bảo Tướng, Bụt Tịnh Quang và các vị Bụt khác đông như số cát sông Hằng, vị nào cũng đang ngồi tại quốc độ của mình, biểu lộ tướng lưỡi rộng dài của các vị, bao trùm cả thế giới tam thiên đại thiên và thốt lên lời tuyên bố thành thật của mình: ‘Này toàn thể chúng sinh các cõi, quý vị hãy nên tin vào kinh này, kinh mà tất cả các Bụt trong vũ trụ đều đem hết lòng xưng tán và hộ niệm.’

“Xá Lợi Phất, tại phương Bắc có các vị Bụt Diệm Kiên, Bụt Tối Thắng Âm, Bụt Nan Trở, Bụt Nhật Sanh, Bụt Võng Minh và các vị Bụt khác đông như số cát sông Hằng, vị nào cũng đang ngồi tại quốc độ của mình, biểu lộ tướng lưỡi rộng dài của các vị, bao trùm cả thế giới tam thiên đại thiên và thốt lên lời tuyên bố thành thật của mình: ‘Này toàn thể chúng sinh các cõi, quý vị hãy nên tin vào kinh này, kinh mà tất cả các Bụt trong vũ trụ đều đem hết lòng xưng tán và hộ niệm.’

“Xá Lợi Phất, tại phương Hạ có các vị Bụt Sư Tử, Bụt Danh Văn, Bụt Danh Quang, Bụt Đạt Ma, Bụt Pháp Tràng, Bụt Trì Pháp và các vị Bụt khác đông như số cát sông Hằng, vị nào cũng đang ngồi tại quốc độ của mình, biểu lộ tướng lưỡi rộng dài của các vị, bao trùm cả thế giới tam thiên đại thiên và thốt lên lời tuyên bố thành thật của mình: ‘Này toàn thể chúng sinh các cõi, quý vị hãy nên tin vào kinh này, kinh mà tất cả các Bụt trong vũ trụ đều đem hết lòng xưng tán và hộ niệm.’

“Xá Lợi Phất, tại phương Thượng có các vị Bụt Phạm Âm, Bụt Tú Vương, Bụt Hương Thượng, Bụt Hương Quang, Bụt Đại Diệm Kiên, Bụt Tạp Sắc Bảo Hoa Nghiêm Thân, Bụt Ta La Thọ Vương, Bụt Bảo Hoa Đức, Bụt Kiến Nhất Thiết Nghĩa, Bụt Như Tu Di Sơn và các vị Bụt khác đông như số cát sông Hằng, vị nào cũng đang ngồi tại quốc độ của mình, biểu lộ tướng lưỡi rộng dài của các vị, bao trùm cả thế giới tam thiên đại thiên và thốt lên lời tuyên bố thành thật của mình: ‘Này toàn thể chúng sinh các cõi, quý vị hãy nên tin vào kinh này, kinh mà tất cả các Bụt trong vũ trụ đều đem hết lòng xưng tán và hộ niệm.’

“Xá Lợi Phất! Thầy nghĩ sao? Tại sao gọi kinh này là kinh mà tất cả các Bụt đều đem hết lòng xưng tán và hộ niệm?

“Sở dĩ như thế, là vì những người con trai hoặc con gái nhà lành nào nghe được kinh này và nghe được danh hiệu Bụt A Di Đà, hết lòng hành trì và thực tập theo phép niệm Bụt thì những vị ấy sẽ được tất cả các vị Bụt hộ niệm, và tất cả sẽ đạt tới quả vị giác ngộ cao tột, không còn bị thối chuyển. Vì vậy cho nên quý vị hãy tin vào lời tôi đang nói, và cũng là lời chư Bụt đang nói.

“Xá Lợi Phất, nếu có người đã, đang, hay sẽ phát nguyện sinh về nước Bụt A Di Đà, thì người ấy ngay trong giờ phát nguyện đã đạt được quả vị giác ngộ cao tột không thối chuyển và đã có mặt tại cõi nước ấy rồi, không kể đến sự kiện là người ấy đã sinh, đang sinh, hay sẽ sinh về đó.

“Xá Lợi Phất, trong khi tôi đang ca ngợi công đức không thể nghĩ bàn của chư Bụt, thì chư Bụt cũng đang xưng tán công đức không thể nghĩ bàn của tôi, và nói: ‘Bụt Thích Ca Mâu Ni thật là hiếm có. Ngay trong cõi ta bà đầy dẫy năm yếu tố ô nhiễm là kiếp trược, kiến trược, phiền não trược, chúng sinh trược và mạng trược mà Ngài có thể chứng đắc được quả vị giác ngộ vô thượng và còn tuyên thuyết được cho chúng sinh những pháp môn mà bất kỳ ở đâu, mới nghe qua người ta cũng rất khó mà phát sinh niềm tin.’

“Xá Lợi Phất! Thầy nên hiểu cho rằng cư trú trong thế giới đầy năm loại ô nhiễm này mà đạt tới được quả vị giác ngộ vô thượng và còn diễn giải được cho mọi giới những pháp môn rất khó tin như pháp môn này, đó là một việc làm quả là cực kỳ khó khăn.”

Nghe Bụt nói kinh này, thầy Xá Lợi Phất, tất cả các vị khất sĩ, và mọi giới Thiên, Nhân, A Tu La, v.v… ai cũng phát lòng tin tưởng, tiếp nhận, làm lễ Bụt và lui về trú sở của mình. (CC)

7. (Khai Thị)

Đại chúng tập họp hôm nay để đọc kinh, niệm Bụt, cúng dường và hồi hướng cho (ông, bà) … nhân ngày kỵ giỗ của …, có thân nhân (và con cháu) của … tham dự trong việc hộ niệm. Xin đại chúng lắng nghe: ông bà cha mẹ, dù đang còn tại thế hay đã khuất núi, đều cũng đang có mặt nơi con cháu. Sự sống của con cháu là sự sống của ông bà cha mẹ. Sự sống của tổ tiên và của ông bà cha mẹ được tiếp nối nơi sự sống của con cháu. Theo lời Bụt dạy, sự an lạc của con cháu tức là sự an lạc của tổ tiên và của ông bà cha mẹ. Đại chúng giữ tâm thanh tịnh và an lạc là để tạo cơ duyên và căn bản thanh tịnh và an lạc cho những người đã khuất.

Xin các vị con cháu, bà con và thân nhân của … đứng dậy, ra trước bàn thờ Tam Bảo, chắp tay tịnh tâm để sẵn sàng đảnh lễ chư Bụt và chư Bồ Tát thánh tăng.

8. (Xướng Lễ)

Nhất tâm kính lễ Bụt, Pháp và Tăng thường trụ trong mười phương (C)

Nhất tâm kính lễ đức Bổn Sư Bụt Thích Ca Mâu Ni (C)

Nhất tâm kính lễ đức Bồ Tát Đại Trí Văn Thù Sư Lợi (C)

Nhất tâm kính lễ đức Bồ Tát Đại Hạnh Phổ Hiền (C)

Nhất tâm kính lễ đức Bồ Tát Đại Bi Quan Thế Âm (C)

Nhất tâm kính lễ đức Bồ Tát Đại Nguyện Địa Tạng Vương (C)

Nhất tâm kính lễ liệt vị Tổ Sư qua các thời đại từ Thiên Trúc đến Việt Nam. (CC)

(Xin mời quý vị trở về chỗ ngồi.) 

9. (Khai Thị) hoặc (Trì Tụng)

Thân này không phải là tôi

Tôi không kẹt vào nơi thân ấy

Tôi là sự sống thênh thang

Tôi chưa bao giờ từng sinh mà

cũng chưa bao giờ từng diệt

Nhìn kia biển rộng trời cao

Muôn vàn tinh tú lao xao

Tất cả đều biểu hiện tôi từ nguồn linh tâm thức

Tự muôn đời tôi vẫn tự do

Tử sinh là cửa ngõ ra vào

Tử sinh là trò chơi cút bắt

Hãy cười cùng tôi

Hãy nắm tay tôi

Hãy vẫy tay chào để rồi tức thì gặp lại

Gặp lại hôm nay

Gặp lại ngày mai

Chúng ta đang gặp nhau nơi suối nguồn

Chúng ta sẽ gặp nhau từng phút giây trên muôn ngàn nẻo sống. (C)

Xin đại chúng nghe đây: Sự an lạc của thế giới và sự an lạc của cả hai cõi âm dương đều tùy thuộc vào sự an lạc của chúng ta trong giờ phút này. 

Xin quý vị nhiếp tâm trì niệm hồng danh chư Bụt và chư vị Bồ Tát theo phương pháp trì danh nhất tâm bất loạn.

10. (Niệm Bụt)

(Vị chủ lễ xướng)

Sông Ái dài muôn dặm

Biển mê sóng vạn tầm

Cõi luân hồi muốn thoát

Niệm Bụt hãy nhất tâm. (C)

Tịnh Độ vốn sẵn nơi Chân Tâm

Di Đà hiện ra từ Tự Tánh

Chiếu sáng ba đời khắp mười phương

Mà vẫn không rời nơi hiện cảnh

Con xin hướng về Bụt A Di Đà,

Giáo chủ cõi Tịnh Độ,

Nguồn ánh sáng vô lượng

Gốc thọ mạng vô cùng

Một lòng xin quán tưởng

Và trì niệm hồng danh. (C)

(đồng tụng, mỗi danh hiệu ba lần)

Nam mô đức Bổn Sư Bụt Thích Ca Mâu Ni (C)

Nam mô đức Bụt Dược Sư Lưu Ly (C)

Nam mô đức Bụt A Di Đà (C)

Nam mô đức Bồ Tát Đại Trí Văn Thù Sư Lợi (C)

Nam mô đức Bồ Tát Đại Hạnh Phổ Hiền (C)

Nam mô đức Bồ Tát Đại Bi Quan Thế Âm (C)

Nam mô đức Bồ Tát Đại Nguyện Địa Tạng Vương. (CC)

11. (Sám Nguyện)

Trang nghiêm đài sen ngự tọa

Đại hùng từ phụ Thích Ca

Đệ tử lắng lòng thanh tịnh

Bàn tay chắp thành liên hoa

Cung kính hướng về Điều ngự

Dâng lời sám nguyện thiết tha.(C)

Đệ tử phước duyên thiếu kém

Sống trong thất niệm lâu dài

Không được sớm gặp chánh pháp

Bao nhiêu phiền lụy đã gây

Bao nhiêu lỡ lầm vụng dại

Vô minh che lấp tháng ngày

Vườn tâm gieo hạt giống xấu

Tham, sân, tự ái dẫy đầy

Những nghiệp sát, đạo, dâm, vọng

Gây nên từ trước đến nay

Những điều đã làm, đã nói

Thường gây đổ vỡ hàng ngày.

Bao nhiêu não phiền nghiệp chướng

Nguyện xin sám hối từ đây. (C)

Đệ tử thấy mình nông nổi

Con đường chánh niệm lãng xao

Chất chứa vô minh phiền não

Tạo nên bao nỗi hận sầu;

Có lúc tâm tư buồn chán

Mang đầy dằn vặt lo âu,

Vì không hiểu được kẻ khác

Cho nên hờn giận, oán cừu;

Lý luận xong rồi trách móc

Mỗi ngày mỗi chuốc khổ đau

Chia cách hố kia càng rộng

Có ngày không nói với nhau

Cũng không muốn nhìn thấy mặt

Gây nên nội kết dài lâu;

Nay con hướng về Tam Bảo

Ăn năn khẩn thiết cúi đầu. (C)

Đệ tử biết trong tâm thức

Bao nhiêu hạt tốt lấp vùi:

Hạt giống thương yêu, hiểu biết

Và bao hạt giống an vui.

Nhưng vì chưa biết tưới tẩm

Hạt lành không mọc tốt tươi

Cứ để khổ đau tràn lấp

Làm cho đen tối cuộc đời

Quen lối bỏ hình bắt bóng

Đuổi theo hạnh phúc xa vời

Tâm cứ bận về quá khứ

Hoặc lo rong ruổi tương lai

Quanh quẩn trong vòng buồn giận

Xem thường bảo vật trong tay

Dày đạp lên trên hạnh phúc

Tháng năm sầu khổ miệt mài;

Giờ đây trầm xông bảo điện

Con nguyền sám hối đổi thay. (C)

Đệ tử tâm thành quy ngưỡng

Hướng về chư Bụt mười phương

Cùng với các vị Bồ Tát

Thanh văn, Duyên giác, thánh hiền

Chí thành cầu xin sám hối

Bao nhiêu lầm lỡ triền miên

Xin lấy cam lồ tịnh thủy

Tưới lên dập tắt não phiền

Xin lấy con thuyền chánh pháp

Đưa con vượt nẻo oan khiên

Xin nguyện sống đời tỉnh thức

Học theo đạo lý chân truyền

Thực tập nụ cười hơi thở

Sống đời chánh niệm tinh chuyên. (C)

Đệ tử xin nguyền trở lại

Sống trong hiện tại nhiệm mầu

Vườn tâm ươm hạt giống tốt

Vun trồng hiểu biết, thương yêu.

Xin nguyện học phép quán chiếu

Tập nhìn tập hiểu thật sâu

Thấy được tự tánh các pháp

Thoát ngoài sinh tử trần lao

Nguyện học nói lời ái ngữ

Thương yêu, chăm sóc sớm chiều

Đem nguồn vui tới mọi nẻo

Giúp người vơi nỗi sầu đau

Đền đáp công ơn cha mẹ

Ơn thầy nghĩa bạn dày sâu.

Tín thành tâm hương một nén

Đài sen con nguyện hồi đầu

Nguyện đức từ bi che chở

Trên con đường đạo nhiệm mầu

Nguyện xin chuyên cần tu tập

Vuông tròn đạo quả về sau. (CC)

 12. (Trì Chú) (mỗi chú ba lần)

(Chơn Ngôn Diệt Tội Của Bảy Đức Bụt)

Ly bà ly bà đế, cầu ha cầu ha đế, đà ra ni đế, ni ha ra đế, tỳ lê nễ đế, ma ha dà đế, chơn lăng càn đế, ta bà ha. (C)

(Chơn Ngôn Quyết Định Vãng Sanh)

Nam mô a di đa bà giạ, đá tha già đá giạ, đa địa dạ tha, a di lỵ đô bà tỳ, a di lỵ đa tất đam bà tỳ, a di lỵ ca tỳ ca lan đế, a di lỵ đa tỳ ca lan đa, dà di nị dà dà na, chỉ đa ca lệ, ta bà ha. (CC)

13. (Cúng Dường) (mỗi chú ba lần)

(Chơn Ngôn Biến Thực)

Nam mô tát phạ đát tha nga đa phạ rô chỉ đế, án, tam bạt ra, tam bạt ra hồng. (C)

(Chơn Ngôn Biến Thủy)

Nam mô tô rô bà gia, đá tha nga đá gia, đát điệt tha, án, tô rô, tô rô, bạt ra tô rô bạt ra tô rô, ta bà ha. (C)

(Chơn Ngôn Cúng Dường Phổ Biến)

Án nga nga nẳng tam bà phạ phiệt nhật ra hộc. (CC)

14. (Kệ Cúng Dường)

Phụng hiến Cam lồ vị

Phân lượng như thái hư

Xin mọi loài đạt nguyện

Về nương bóng đại từ. (C)

15. (Kệ Siêu Độ)

Nam Kha mộng vừa tỉnh

Tịnh độ sen nở rồi

Quê nhà đã về tới

An lạc và thảnh thơi.

Nam mô Bồ Tát An Lạc Địa (ba lần) (C)

Trà trên đỉnh núi Tản

Nước giữa lòng sông Đà

Thiền vị chỉ một ngụm

Tịnh độ đã sinh qua.

Nam mô Bồ Tát Siêu Lạc Độ (ba lần) (C)

16. (Phát Nguyện)

Nương tựa A Di Đà

Nơi bản môn mầu nhiệm

Con dốc lòng quay về

Duy trì nguồn chánh niệm

Con đã nguyền trở lại

Nương tựa A Di Đà

Cúi xin Bụt nhiếp thọ

Cõi Tịnh Độ bày ra

Xin lấy đuốc ánh sáng

Soi vào tâm tư con

Xin lấy thuyền thọ mạng

Chuyên chở hình hài con

Cho sự sống an lạc

Cho lý tưởng vẹn toàn

Xin Bụt luôn bảo hộ

Để tâm không buông lơi

Cho con phá tà kiến

Làm phiền não rụng rơi

Trong giây phút hiện tại

Có Bụt trong cuộc đời

Tịnh Độ đi từng bước

Vững chãi và thảnh thơi

Hiện tại sống chánh niệm

Tịnh Độ đã thật rồi

Sau này đổi thân khác

Thế nào cũng an vui.

Niệm Bụt A Di Đà

Được nhất tâm bất loạn

Chín phẩm sen hiện tiền

Tự tha đều thọ dụng

Biết trước giờ mạng chung

Tâm con không nao núng

Thân con không bệnh khổ

Ý con không ngại ngùng

Di Đà cùng thánh chúng

Tay nâng đóa sen vàng

Có mặt trong giây lát

Cùng lên đường thong dong

Sen nở là thấy Bụt

Tịnh Độ là quê hương

Cúi xin Bụt chứng giám

Hành trì không buông lung. (CC)

17. (Quay Về Nương Tựa)

Con về nương tựa Bụt, người đưa đường chỉ lối cho con trong cuộc đời.

Con về nương tựa Pháp, con đường của tình thương và sự hiểu biết.

Con về nương tựa Tăng, đoàn thể của những người nguyện sống cuộc đời tỉnh thức. (C)

Đã về nương tựa Bụt, con đang có hướng đi sáng đẹp trong cuộc đời.

Đã về nương tựa Pháp, con đang được học hỏi và tu tập các pháp môn chuyển hóa.

Đã về nương tựa Tăng, con đang được tăng thân soi sáng, dìu dắt và nâng đỡ trên con đường thực tập. (C)

Về nương Bụt trong con, xin nguyện cho mọi người,thể nhận được giác tính, sớm mở lòng Bồ Đề.

Về nương Pháp trong con, xin nguyện cho mọi người,nắm vững các pháp môn, cùng lên đường chuyển hóa.

Về nương Tăng trong con, xin nguyện cho mọi người,xây dựng nên bốn chúng, nhiếp hóa được muôn loài. (CC)

18. (Hồi Hướng)

Trì tụng kinh thâm diệu

Tạo công đức vô biên

Đệ tử xin hồi hướng

Cho chúng sinh mọi miền. (C)

Pháp môn xin nguyện học

Ân nghĩa xin nguyện đền

Phiền não xin nguyện đoạn

Quả Bụt xin chứng nên. (C)

Nguyện sinh về Tịnh Độ

Sen nở thấy vô sinh

Chư Bụt và Bồ Tát

Là những bạn đồng hành. (C)

Nguyện dứt hết phiền não

Cho trí tuệ phát sinh

Cho tội chướng tiêu tán

Quả giác ngộ viên thành. (CCC)

19. (Thực Tập Kết Thúc)

Xin đại chúng lắng nghe. Trong suốt buổi lễ tụng kinh và cúng dường cầu siêu độ này chúng ta đã được khai thị rằng sự an lạc của con cháu chính là sự an lạc của tổ tiên, ông bà và cha mẹ. Để tỏ lòng tri ơn và hiếu thảo với người quá cố, các vị con cháu khi nghe tiếng chuông, xin đứng dậy chắp tay hướng về bàn thờ hương linh và lạy xuống bốn lạy theo nhịp chuông. Sau bốn lạy, xin quay lại nhìn nhau cho rõ. Trước bàn thờ người quá cố, quý vị hãy chứng tỏ là quý vị đang thương yêu nhau, chấp nhận nhau và tha thứ tất cả những lỗi lầm của nhau.

Quý vị hãy nắm tay nhau hoặc ôm nhau vào lòng để chứng tỏ điều ấy, nhất là khi quý vị đang có khó khăn trong việc truyền thông với nhau. Hãy thở ba hơi thở thật sâu và có ý thức trong khi thực tập điều này. Sự an lạc của quý vị sẽ là nền tảng cho sự an lạc của người quá cố. Xin đại chúng lặng yên duy trì chánh niệm để hộ niệm cho thân nhân người quá cố trong những giây phút thực tập này.

(Vị chủ lễ thỉnh chuông)

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Diệu dụng của thần chú Lăng Nghiêm

Kiến thức 10:11 23/12/2024

Thần chú Lăng Nghiêm là chú cốt tủy trong Phật giáo, học, trì tụng Chú Lăng Nghiêm là nhân duyên rất lớn của người con Phật.

Thần chú hộ mệnh Angulimala là gì?

Kiến thức 06:10 23/12/2024

Thần chú hộ mệnh của mỗi người chính là lòng từ bi của chính người đó. Nếu ta tu tập tâm từ thì trường năng lượng xung quanh ta chính là trường năng lượng hộ mệnh. Trường năng lượng này sẽ bảo hộ ta tránh được rất nhiều tai ương, hoạn nạn.

Chú Lăng Nghiêm: Thần chú uy lực nhất trong Phật giáo

Kiến thức 22:01 22/12/2024

Chú Lăng Nghiêm là vua trong các Chú, vì dài nhất và khó nhất trong Phật Giáo. Hầu hết những người xuất gia đi tu, đều phải thuộc lòng Chú Lăng Nghiêm từ lúc mới xuất gia, hoặc cũng có những người thuộc lòng trước khi xuất gia.

Cách tụng thần chú Dược Sư tại nhà Phật tử nên biết

Kiến thức 15:00 22/12/2024

Thần chú là bí mật của Chư Phật. Bạn có nhân duyên với chú nào thì tụng chú ấy. Đừng nay tụng Lăng Nghiêm, mai tụng Đại Bi, mốt tụng Dược Sư…

Xem thêm