Nghĩ về sống – chết của đời người
Trong Phật giáo, hạnh bố thí được xem trọng và luôn luôn khuyến khích. Theo Phật giáo Nguyên thủy, bố thí được xem là phương tiện để đối trị tính tham ái, vị kỉ và được thực hành để tránh khổ đau của đời sau.
Theo Phật giáo Đại thừa, bố thí là biểu hiện của lòng Từ bi và là phương tiện để dẫn dắt chúng sinh đến giác ngộ.
Đời người không có sống – chết, thì chắc không có tôn giáo. Tôn giáo góp phần làm giảm nỗi đau của con người ở chặng cuối cuộc đời, cũng như của những người còn sống trước sự ra đi của người thân yêu, dẫu sách Luận ngữ có đoạn: “Quý Lộ vấn sự quỷ thần. Tử viết: “Vị năng sự nhân, yên năng sự quỷ?”. Viết: “Cảm vấn tử”. Viết: “Vị tri sinh, yên tri tử””. Nguyễn Hiến Lê dịch: “Quý Lộ hỏi đạo thờ quỷ thần. Khổng Tử đáp: “Chưa biết đạo thờ người, sao biết được đạo thờ quỷ thần?”. Lại hỏi: “Con mạo muội hỏi về sự chết”. Đáp: “Sự sống còn chưa biết, sao biết được sự chết?”” (1).
Chết là hết?
Trong y học, “chết” là sự chấm dứt vĩnh viễn của mọi hoạt động sống như hô hấp, trao đổi chất hay sự phân chia các tế bào. Xưa nay, qua sách vở, chúng ta thấy không ít người cho rằng “chết là hết”, nhưng tất cả những tôn giáo lớn trên thế giới đều đồng ý rằng chết không phải là hết, mà còn có một “cái gì đó” tồn tại, dẫu giáo lý của các tôn giáo khác nhau trong chi tiết và lối diễn dịch. Dù được gọi là tâm, thần thức, linh hồn hay tinh thần, “cái đó” vẫn tiếp tục hiện hữu trong hình thức này hay hình thức khác. Nói ngắn gọn, hầu hết các tôn giáo tin rằng chết rồi vẫn còn, hoặc còn khổ hoặc được sung sướng, nghĩa là hoặc Niết bàn/ cõi Cực lạc hay Thiên đàng, hoặc Địa ngục, Hỏa ngục,…
Trong bài hát “Nối vòng tay lớn”, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có viết: “Người chết nối linh thiêng vào đời”… là muốn nói đến việc chết không phải là hết mà vẫn tồn tại qua con cháu, qua những gì họ đã thực hiện, đã để lại cho đời. Và người sống khi đứng trước linh cữu, trước di ảnh, trước nấm mồ hoặc tưởng tiếc về người quá cố luôn như “được nghe” và tự dặn mình phải sống thế nào cho xứng đáng với công sức, với ước mong của người đã khuất…
“Cúng 49 ngày” theo quan niệm nhà Phật
Trong tang lễ, sách Gia Định thành thông chí, Trịnh Hoài Đức cho biết đã có “tục cư tang theo đạo Phật, cúng 49 ngày mới thôi” (2). Theo lễ nhà Phật, cứ 7 ngày một tuần chay, cúng 7 tuần chay là trọn 49 ngày – gọi là “thất thất lai tuần”. Lễ này có người cúng ở chùa, có người cúng ở nhà (có nhà mời Tăng ni đến tụng kinh cầu siêu) những mong vong hồn người quá cố được siêu thăng tịnh độ. Với nhà Phật, việc dâng cúng không phải cung ứng vật thực cho vong hồn – được coi như biểu thị lòng hiếu kính theo quan niệm Nho giáo – mà là thể hiện các hạnh lành, đặc biệt là hạnh bố thí, nói nôm na là làm phước, nhằm hồi hướng cho vong hồn thân nhân vừa quá vãng được siêu thăng về cõi Cực lạc, hay vào thiện đạo trong lục đạo luân hồi.
Theo kinh Địa Tạng Bổn nguyện, thì “sau khi cha mẹ hay người thân quyến chết, nếu có thể làm chay cúng dường, chí tâm cầu khẩn thời những người như thế, kẻ còn lẫn người mất đều đặng lợi ích cả” (3).
Lý giải việc này, kinh Địa Tạng Bổn nguyện cho hay khi con người trút hơi thở cuối cùng, giã từ cuộc sống, thì “Con quỷ dữ vô thường kia không hẹn mà đến, thần hồn vơ vẩn mịt mờ chưa rõ là tội hay phước, trong bốn mươi chín ngày như ngây như điếc, hoặc ở tại các ty sở để biện luận về nghiệp quả, khi thẩm định xong thời cứ y theo nghiệp mà thọ lấy quả báo.
Trong lúc mà chưa biết chắc ra làm sao đó thời đã nghìn muôn sầu khổ, huống là phải bị đọa vào các ác đạo.
Thần hồn người chết đó khi chưa được thọ sinh, ở trong bốn mươi chín ngày, luôn luôn trông ngóng hàng cốt nhục thân quyến tu tạo phước lành để cứu vớt cho.
Qua bốn mươi chín ngày thời theo nghiệp mà thọ lấy quả báo” (4).
Có yên mới có vui
Trong Phật giáo, hạnh bố thí được xem trọng và luôn luôn khuyến khích. Theo Phật giáo Nguyên thủy, bố thí được xem là phương tiện để đối trị tính tham ái, vị kỉ và được thực hành để tránh khổ đau của đời sau. Theo Phật giáo Đại thừa, bố thí là biểu hiện của lòng Từ bi và là phương tiện để dẫn dắt chúng sinh đến giác ngộ. Đối với đời người, hầu như không ai không vướng nghiệp chướng/ nghiệp ác ở cõi Ta bà. Do đó, với người sắp mãn phần, Kinh Địa Tạng Bổn nguyện, khuyên: “Đến khi những chúng sinh quen theo thói chẳng lành ấy sắp sửa mạng chung, thời cha mẹ cùng thân quyến vì người đó mà tu tạo phước lành để giúp tiền đồ cho người đó” (5).
Tu tạo phước lúc này chính là thực hành hạnh bố thí. “Cứ theo nghiệp ác của người đó đã gây tạo, suy tính đến quả báo, thời đáng lẽ người đó phải bị đọa vào ác đạo, song nhờ thân quyến vì người đó mà tu nhơn duyên Thánh đạo, cho nên các điều tội ác của người đó thảy đều tiêu sạch.
Như sau khi người đã chết, lại có thể trong bốn mươi chín ngày vì người ấy mà tu tạo nhiều phước lành, thời có thể làm cho người chết đó khỏi hẳn chốn ác đạo, được sinh lên cõi trời hoặc trong loài người hưởng lấy nhiều sự rất vui sướng, mà kẻ thân quyến hiện tại đó cũng được vô lượng điều lợi ích” (6).
Đọc và nhìn lại chặng đường qua của một đời người hơn 70 năm buồn vui ở cõi Ta bà, tôi không biết những điều mà Kinh Địa Tạng Bổn nguyện đã viết, đã trích dẫn, hoặc kinh sách của một số tôn giáo khác được đọc, có đúng như vậy hay không, nhưng tôi biết chắc một điều là những việc làm ấy sẽ giúp tâm người đang sống được yên. Có yên mới có vui. “Có gì đẹp trên đời hơn thế/ Người yêu người sống để yêu nhau” (Tố Hữu – Bài ca mùa xuân 1961). Cuộc sống chỉ có ý nghĩa khi nó được tưới mát bằng dòng nước của thương yêu. Không có thương yêu, thế giới này lập tức biến thành địa ngục. Vì thế, không nên khổ sở, không quá bi thương, mỗi người đều có định số/ nghiệp riêng, sống cùng chết, chúng ta không ai có thể làm chủ được. Xưa nay, chưa từng có chuyện có sống mà không có chết. Già mà không chết là đi ngược lại ý trời. Kinh Pháp Cú (số 113) có dạy: “Dù sống đến trăm năm/ Không thấy pháp sinh diệt/ Chẳng bằng sống một ngày/ Thấy được pháp sinh diệt”.
Một khi “thấy được pháp sinh diệt” thì người đi, người ở đều thấy nhẹ lòng. Áo quan tốt hay xấu cũng vùi xuống ba tấc đất, hoặc đưa vào lò thiêu nên cũng không cần cầu kỳ; vòng hoa viếng bạc triệu không bằng tấm lòng chân thật tưởng nhớ về nhau. Nói như ông bà ta: “Không ai khen đám cưới, chẳng ai cười đám ma”, vì thế cần “tu tạo phước lành” để người ra đi và người ở lại được “vô lượng điều lợi ích” như lời kinh đã trích dẫn, hơn là những hình thức thoáng qua trong chớp mắt.
Chứng cảnh vui Niết bàn hay không là do những người đang sống quyết định, nên làm được những gì tốt đẹp, những gì có thể đem lại niềm vui cho mình, cho người thì hãy cố gắng, hết sức cố gắng trong khả năng cho phép vậy. Đạo không tuyệt đối, chỉ cần thành tâm liền có thể cầu.
Chú thích:
1. Nguyễn Hiến Lê, Luận ngữ, NXB Văn học, H, 1995, trang 184.
2. Trịnh Hoài Đức (Tu Trai Nguyễn Tạo dịch), Gia Định thành thông chí, Tập hạ, Phủ QVKĐTVH xb, S, 1972, trang 5.
3. H.T Thích Trí Tịnh (dịch), Kinh Địa Tạng Bổn nguyên, NXB Tôn giáo, H, 2016, trang 111.
4. Kinh Địa Tạng Bổn nguyên, sđd, trang 109.
5. Kinh Địa Tạng Bổn nguyên, sđd, trang 102.
6. Kinh Địa Tạng Bổn nguyên, sđd, trang 103-104.
Nguồn: Phật học Từ Quang (tập 44)
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Tôi ăn chay
Góc nhìn Phật tử 08:08 25/11/2024Tôi bắt đầu ăn chay cách đây năm năm, một sự thay đổi không lớn nhưng lại khởi nguồn từ một câu chuyện sâu sắc. Tôi chưa từng nghĩ rằng việc ăn chay lại có thể tác động mạnh mẽ đến tâm thức mình đến vậy.
Cách niệm Phật Dược Sư chữa bệnh
Góc nhìn Phật tử 07:12 25/11/2024Nói về đức Phật Dược Sư thì đa phần người ta nghĩ ngay đến việc chữa bệnh, chớ đều không biết được rằng: Ngoài chữa bệnh ra, danh hiệu của ngài còn giúp cho chúng ta tăng phước, tăng thọ và tiêu trừ tai nạn ngay trong đời này.
Cảm ơn những tháng ngày dưới mái chùa
Góc nhìn Phật tử 16:25 24/11/2024Trong cuộc đời mỗi người, có những nơi không chỉ là chốn dừng chân, mà còn là ngôi nhà nuôi dưỡng tâm hồn, gieo trồng hạt giống an lạc. Với tôi, mái chùa là nơi như thế.
Trong cuộc sống, không có gì là mãi mãi
Góc nhìn Phật tử 08:40 24/11/2024Cuộc sống giống như nhịp điệu của cơn mưa. Khi những giọt nước rơi từ trên trời, đôi khi chúng ta có thể cảm thấy ướt át, lạnh lẽo và trầm lắng.
Xem thêm