Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ ba, 24/10/2023, 10:40 AM

Nghiệp chướng hôn trầm, ham mê ngủ nghỉ

Đức Phật dạy rằng có năm triền cái – năm trạng thái tâm lý, tình cảm làm ngăn che trí tánh của con người, còn gọi là năm phiền não nghiệp chướng, đó là: ái dục, sân hận, trạo cử, hôn trầm, nghi hoặc, làm trở ngại trên đường tu tập thiền định, phát triển trí tuệ, thành tựu Phật đạo.

Muốn được giải thoát hay tới Niết-bàn, ta phải chiến thắng những kẻ thù phiền não đó.

Tham ái, sân hận, si mê…là những kẻ thù nội tại, dù chúng không có khí giới, chúng vẫn chế ngự và sai khiến ta được. Chúng tạo nên những ảnh hưởng và hậu quả tác hại vô cùng. Ta phải nhận diện, biết những cảm thọ phiền não là kẻ thù thật sự của mình và phải diệt chúng, bởi đó là nguồn gốc của tất cả khổ lụy.

Phần lớn chúng ta đều biết và nghe danh Ma Vương phá đạo bằng cách này hay cách khác, nhưng ít ai biết Ma Vương chính là sự cám dỗ. Nó luôn ngự trị trong lòng chúng ta nhưng ta không nhận ra nó, bị nó lôi kéo vào tội lỗi, thúc dục ta làm những gì để thỏa mãn khoái lạc ngũ dục.

Tham ái, sân hận, si mê…là những kẻ thù nội tại, dù chúng không có khí giới, chúng vẫn chế ngự và sai khiến ta được.

Tham ái, sân hận, si mê…là những kẻ thù nội tại, dù chúng không có khí giới, chúng vẫn chế ngự và sai khiến ta được.

Cổ đức nói:

Trầm luân bởi một chữ tình

Tội mình chẳng vượt nổi mình vậy thôi.

Tình đây không chỉ có nghĩa là tình ái. Mà tình ở đây là chỉ chung cho mọi thứ đam mê tiền tài, sắc dục nam nữ, ăn uống say sưa, ngủ nghỉ mê si, danh vọng địa vị quyền lợi, tham lam cố chấp,… Và đi đôi với chữ tình là chữ tội. Tội ở đây không có nghĩa là lầm lỗi mà chỉ cho tất cả nỗi khổ đau vật lý lẫn khổ đau tâm lý của con người khi không vượt qua chính mình, vượt qua con người đam mê trần tục của mình.

Phật dạy người đệ tử xuất gia vào lúc sáng sớm thức dậy nên đọc bài kệ Tảo Giác:

Âm:    

Thụy miên thỉ ngộ,

Đương nguyện chúng sanh,

Nhứt thiết trí giác,

Châu cố thập phương.

Nghĩa:   

Như khi vừa ngủ dậy

Cầu cho chúng sanh,

Nhứt thiết trí thành tựu,

Mười phương thấy rõ rành.

Kinh Hoa nghiêm nói: “Dùng trí tuệ dũng mãnh mà thức tỉnh cho tất cả chúng sanh đang ngủ mê.”

Kinh Đại thừa Bồ-tát tạng Chánh pháp nói: “Tất cả các loài hữu tình đều ham thích ngủ nghỉ. Chỉ có các bậc Bồ-tát mới hay thường tỉnh giác”.

Chúng sanh đang mê đắm trong biển khổ, vọng chịu sự luân hồi, cũng đều do không có trí huệ quán chiếu của thỉ giác mà thôi. Thụy miên: Chữ Phạn là Middha, nghĩa là ngủ, là một pháp bất định (không nhất định là thiện hay ác). Trạng thái tâm, ý, thức hôn mê thì gọi là thụy. Trạng thái năm thức trước tối tăm không có hiểu biết thì gọi là miên. Nếu ở trong ngũ cái (năm món phủ che: tham dục, sân nhuế, thụy miên, trạo hối, nghi ngờ) thì gọi là thụy miên cái. Nghĩa là chúng sanh bị phiền não về ngủ nghỉ phủ che tâm thức, làm cho chúng sanh không thể tiến bước trên con đường thực hành pháp lành mà phải bị chìm đắm trong ba cõi luân hồi không có thời kỳ ra khỏi.

Nếu ở trong ngũ dục (năm thứ ham muốn: Tài, sắc, danh, thực, thùy) thì gọi là thùy miên dục. Nghĩa là hàng phàm phu phóng túng, lười biếng, chẳng siêng năng tu tập Thánh pháp mà chỉ ham mê trong việc ngủ nghỉ, đắm chìm trong sự đeo bám lạc thú trần gian.

Sách Đại thừa quảng ngũ uẩn nói: “Sao gọi là ngủ nghỉ? Nghĩa là hoạt động không được tự tại, bởi tánh của nó là mê mờ. Nghĩa là nó làm cho tâm, ý, thức hoạt động không được tự tại, bởi vì ngủ nghỉ là một phần của Si. Lại do tánh không được tự tại này mà làm cho tâm và tâm sở thành ra rất mê muội. Nếu ở trong ba tánh thiện, ác và vô ký, thì sự ngủ nghỉ này hay cùng với sự lỗi lầm tạo thành nghiệp”.

Thụy miên là hôn trầm, là lúc tâm không ngủ nhưng cũng không thức. Trạng thái dật dờ đó khó thể làm nên chuyện gì. Hôn trầm chỉ khác với cái ngủ là ta có thể dễ dàng ra khỏi nó hơn. Nhưng hôn trầm dầu không mê man như khi ngủ, nó vẫn đáo đi, đáo lại hoài. Tâm trạng này ở ngoài đời được coi là tâm không có phương hướng, từ đó nó dẫn đến thiếu nghị lực. Và nghị lực là một trong bảy yếu tố dẫn đến sự giác ngộ.

Đức Phật đã so sánh hôn trầm hay thuỵ miên giống như một nhà tù. Khi ta bị giam tù trong một căn phòng nhỏ thì ta khó có thể làm được gì. Tâm trí ta uể oải, ngầy ngật, giam hãm, tù túng, cho đến nỗi ta chỉ có đủ nghị lực để kéo lê một kiếp sống.

Phần đông chúng ta không biết hay không nghĩ hành thiền là một việc làm cần thiết nên ta dễ dàng đầu hàng các trở ngại. Sống không chỉ cần ăn ngủ, tắm rữa, giặt giũ, chúng chỉ là các hoạt động theo bản năng.

Khi mê đọc một quyển sách, ta có thể thức đến nửa đêm để đọc mà không thấy mệt, hay khi đi ăn tiệc ta có thể nói suốt buổi mà không mệt vì ta vui thích. Khi tu tập thiền định, nếu tâm ta không có sự say mê, phấn khởi thì mới vừa đau chân là chúng ta thấy khổ sở, không thú vị… Nhưng khi tâm đã hiểu ra được tầm quan trọng của tu thiền, thì chúng ta sẽ biết việc ta làm, biết từng giây phút tâm ta khởi niệm, ta sẽ thấy hứng thú để tìm hiểu chính tâm ta. Còn gì hấp dẫn hơn khi đọc một quyển sách, hay trò chuyện với người khác, ta chỉ biết về người đó. Nhưng nếu ta có thể theo dõi tâm ta từng phút, lúc nó dấy niệm, lúc nó tĩnh lặng, rồi lại dấy niệm, dấy niệm rồi lại tĩnh lặng, thì hấp dẫn và lợi ích biết bao.

Một lần Mahamoggallana đến sám hối với Phật rằng tôn giả đã ngủ gục trong khi toạ thiền. Đức Phật dạy khi cảm thấy buồn ngủ, hãy mở mắt ra và đứng dậy đi kinh hành… Đó là những cách thức bên ngoài để chữa trị bệnh buồn ngủ. Nhưng còn nhiều cách thức khác để dẫn tâm đi theo đúng hướng của chánh đạo:

1. Như quán tưởng về cuộc đời vô thường, khổ và sự chết thì có thể đến với chúng ta bất ngờ không biết trước.

2. Được làm người, được xuất gia, có chỗ tu tập, có đủ ăn, có nơi ở, thân không bịnh hoạn, được nghe kinh, học đạo, hành thiền,… là cơ duyên phước đức tốt nhất cho ta tu tập mà không phải ai cũng có được. Chúng là kết quả của các căn lành của ta. Đó là phương cách giúp tâm ta tăng thêm nghị lực mà tinh tấn vượt qua nghiệp chướng hôn trầm ngủ nghỉ.

Đức Phật so sánh hôn trầm giống như một cái ao hồ, bị sình bùn dấy động nổi lên mặt hồ làm ta không thể nào soi mặt vào để thấy bóng mình trong ao. Cũng như vậy trong trạng thái tranh sáng tranh tối giữa ngủ và thức ta không thể có sự tỉnh thức. Trong Kinh Đại Hạnh Phúc (Maha Mangala Sutta) có dạy: Cái phước hạnh thật sự của đời sống là có được một định hướng đúng”, nghĩa là ta phải nhận thức đúng đắn vị trí của mình trong thế gian này, đặt cho mình mục tiêu và tìm con đường đúng đắn để tiến đến mục tiêu đó. Một phương hướng rõ ràng đem lại cho ta nghị lực cần thiết, có thể hăng hái sấn bước. Khi ta không có đích đến, ta không có niềm say mê, hứng thú với điều gì. Thật khó tìm được một hướng đi đúng trong cuộc đời này. Đức Phật đã chỉ cho ta con đường mà Ngài đã chứng nghiệm, để đi đến đoạn tuyệt khổ đau, giải thoát, niết-bàn.

***

Ngài Lai Quả thiền sư trong giờ tham thiền, ông nghe văng vẳng có tiếng thở than. Ông bước xuống giường lần theo tiếng than rên rỉ thì phát giác có một con rận từ trên giường té xuống gãy mất một chân lăn lộn đau đớn vô cùng. Ngài nhận thấy cảm thọ của nó như con người. Do đó nếu như loài người chỉ nhận lấy sinh mạng để làm biểu tượng mà cuộc sống không bám víu vào mục đích gì thì khác gì con rận.                                    

Trong kinh Sa Di Thập Giới, Phật dạy: “Nỗi khổ bị thiêu trong ba đường dữ, nỗi khổ của con lạc đà, con lừa chở nặng, nỗi khổ đói khát áp bức của loài ngạ quỉ chưa gọi là khổ. Si mê không học, chẳng biết hướng đi mới là khổ”.

Xét ra, chúng sanh bị phiền não về ngủ nghỉ trói buộc nên từ đời này đến đời khác đều thường sống ở trong trạng thái ngủ mộng. Và thật ra là từ cõi này đến cõi kia, chúng sanh đều luôn bị chìm đắm trong biển khổ. Do đó, trong kinh Di Giáo đức Phật dạy: “Này các thầy Tỳ-kheo! Ban ngày các thầy phải siêng năng tu tập các pháp lành mà không được để cho thì giờ trôi qua đi một cách luống uổng. Đầu hôm và cuối đêm cũng chớ có bỏ phế. Ở phần thời gian giữa đêm các thầy phải lấy việc tụng kinh làm sự nghỉ ngơi. Không được để cho nhân duyên ngủ nghỉ làm cho một đời trôi qua một cách luống uổng mà không có được một sự chứng đắc nào. Phải nhớ rằng ngọn lửa vô thường đang thiêu đốt cả thế gian, cho nên cần phải biết sớm tự độ thoát mà chớ có ham ngủ nghỉ. Việc các giặc phiền não luôn luôn rình rập giết hại người còn đáng sợ hơn cả oan gia nữa, thế thì làm sao các thầy có thể cứ mê ngủ nghỉ mãi mà không biết tự cảnh giác ư! Rắn độc phiền não đang ở trong tâm của các thầy cũng giống như rắn hổ mang đang ngủ ở trong nhà, cho nên các thầy cần phải sớm lấy cái móc trì giới mà móc kéo nó ra. Khi nào con rắn phiền não đang ngủ trong tâm đã được kéo ra, thì các thầy mới có thể ngủ yên được. Nếu nó chưa ra mà cứ mê ngủ mãi, thì các thầy quả là người không biết xấu hổ”!

Luận Đại Trí Độ nói: “Các thầy chớ có ôm cái thây chết mà nằm ngủ. Bởi vì thân này do các thứ bất tịnh hợp lại mà thành, giả gọi là người, nên nó giống như mắc bệnh nặng, như bị trúng tên, đủ thứ đau khổ nhóm hợp lại, thì làm sao có thể ngủ yên? Giống như người đang bị trói mang đi hành hình, đang ở trong tình cảnh đại hoạ sắp đến nơi thì làm sao có thể ngủ được? Giặc phiền não chưa được diệt trừ, thì tai hoạ cho thân chưa hết, cho nên cũng giống như đang ngủ chung nhà với rắn độc. Cũng giống như là lúc ra trận đang đứng giữa muôn ngàn gươm giáo nhọn hoắc, sáng loáng, thì làm sao có thể ngủ yên được?” Không ham ngủ nghỉ là hạnh của người con Phật biết tu tâp trí tuệ.

Ngủ là một kẻ giặc đen tối mà ta không thể trông thấy được, nhưng hằng ngày nó cứ luôn đi lường gạt đoạt lấy ánh sáng của người ta. Bởi vì khi ngủ thì nó phủ che làm cho tâm thức của người ta mờ tối đi không thấy biết được điều gì nữa cả. Do vì ngủ có nhiều nguy hại lớn lao như vậy, cho nên làm sao mà có thể mê ngủ được ư ?.

Luật Tứ phần nói: “Phần đầu hôm thì đi kinh hành hoặc ngồi thiền với trạng thái luôn nhất tâm diệt trừ các triền cái. Phần giữa đêm thì nằm nghiêng bên sườn phải, hai chân xếp chồng lên nhau mà ngủ nghỉ, suy nghĩ là sẽ thức dậy đúng giờ, tâm luôn nhiếp niệm tỉnh giác không tán loạn. Đến phần cuối đêm thì thức dậy tư duy thiền quán, đi kinh hành hoặc ngồi thiền với trạng thái luôn nhất tâm, nhớ diệt trừ các triền cái”.

Lại ngủ có những thứ tai hại như trong kinh Phát Giác Tịnh Tâm đã nói: “Bồ tát nên quán 20 điều tai hại của việc ngủ nghỉ. Hai mươi điều tai hại ấy là những gì?

1. Người ưa ngủ nghỉ thì hay sinh lười biếng.

2. Thân thể nặng nề.

3. Da dẻ nhơ nhớp, không sạch.

4. Da thịt thô nhám.

5. Các đại nhơ bẩn, oai đức kém cỏi.

6. Ăn uống không tiêu.

7. Thân thể sanh nhiều ghẻ lác.

8. Có nhiều lười biếng, trễ nải.

9. Thêm lớn mạng lưới hoài nghi.

10. Trí tuệ yếu kém.

11. Mệt mỏi với ý muốn làm điều lành.

12. Đang hướng về nẻo đường tăm tối.

13. Người khác không kính trọng.

14. Bẩm chất ngu si.

15. Nhiều phiền não, tâm hướng về các kiết sử.

16. Không có tâm ưa thích các pháp lành.

17. Hay làm cho các pháp lành bị giảm bớt ít lại.

18. Thường sống trong sợ hãi.

19. Thấy người siêng năng tu tập thì hay nói xấu, mắng chửi.

20. Bị mọi người khinh khi.

Lại một hôm trong khi Phật đang nói pháp cho chúng hội nghe, tôn giả A-Na-Luật ngồi ngủ gục. Phật thấy vậy mới quở trách rằng:

“Thầy cớ sao mê ngủ,

Như là loại ốc, trai,

Ngàn năm một giấc ngủ,

Từ Phật chẳng qua tai!”

Sau khi nghe Phật quở trách như vậy, tôn giả A-Na-Luật rất xấu hổ, nên quyết tâm phấn đấu không ngủ để tu tập, và trải qua bảy ngày đêm, tôn giả bị mù cả hai mắt. Lúc đó, đức Thế tôn bèn dạy Tôn giả tu tập Tam muội nhạo kiến chiếu minh kim cang. Khi tôn giả tu tập pháp thiền định này được thành tựu viên mãn, tâm phát sáng, Ngài không cần nhờ vào con mắt mà vẫn nhìn thấy khắp cả mười phương một cách rõ ràng, tỉ mỉ, giống như là nhìn thấy một trái cây ở trên tay, cho đến diệt trừ hết các lậu hoặc, chứng quả A-la-hán.

Kinh Thí Dụ nói: “Có một thầy Tỳ kheo cứ sau khi ăn no là vào trong phòng đóng cửa lại mà nằm ngủ, bởi vì thầy này chỉ thích được sướng tấm thân. Nhưng một hôm, Phật thấy thầy tỳ kheo này thời hạn chỉ còn bảy ngày nửa sẽ chết nên Phật mới từ bi thương xót mà kêu dạy bảo với thầy rằng: “Ở vào thời đức Phật Duy Vệ (tức Phật Tỳ-bà-thi (Vipasyin), còn gọi là Phật Phất-sa, là đức Phật đầu tiên trong bảy đức Phật quá khứ, ra đời cách nay 91 kiếp), thầy từng được xuất gia, nhưng cũng do vì không chịu nhớ nghĩ đến kinh điển, giới luật mà chỉ biết sau khi ăn no là lo đi ngủ, cho nên sau khi chết thầy bị đoạ sanh làm loài rít trong suốt 50.000 năm. Sau đó chết lại đoạ làm các loài sò, ốc và mọt cây, lần lượt mỗi loài đều 50.000 năm nữa. Cả bốn loài này chỉ sống trong chỗ tối, yêu quý thân mạng, chỉ thích lấy những khuất tối làm nhà ở mà không ưa ánh sáng, mỗi một lần ngủ là cả năm mới thức, luôn bị trói buộc triền miên trong lưới tội mà không biết mong cầu ra khỏi. Đời này tội hết mới được làm Sa-môn, thì tại sao thầy lại còn ham mê ngủ nghỉ mà không biết chán đủ ư? Thầy Tỳ-kheo này nghe đức Phật quở trách như vậy, bèn sanh tâm xấu hổ, sợ hãi mà tự biết quở trách tội nghiệp của mình. Rồi nhờ đó mà thầy diệt trừ được năm món triền cái, và chứng thánh quả A-la-hán”.

Kinh Tăng Hộ Nhân Duyên nói: “Một hôm Ngài Mục Kiền Liên thiền định thấy cái lu thịt bị lửa thiêu đốt cháy phừng dưới địa ngục, Ngài liền xả định và bạch hỏi đức Phật. Phật dạy: Cái lu thịt lớn mà thầy thấy đó chẳng phải thật là lu thịt mà là một người nghiệp tội. Số là vào thời Phật Ca-diếp, kẻ ấy là một Thượng toạ ở trong chúng Tăng mà không chịu ngồi thiền, tụng kinh, không thông hiểu giới luật, chỉ biết ăn no rồi đi ngủ, và hay luận bàn những chuyện vô ích. Có những thức ăn ngon bổ dưỡng, mà người ta cúng dường cho chúng Tăng thì Thượng toạ ấy lấy ăn uống trước, do nhân duyên này mà bị đoạ vào trong địa ngục làm một cái lu thịt lớn, chịu cái khổ lửa đốt đến nay vẫn chưa dứt”.

Nếu ai đã hàng phục được bốn con rắn độc (bốn đại), diệt trừ xong năm món triền cái, thì cả Trời, Rồng sẽ cúi đầu cung kính khi trông thấy mặt, loài quỷ thần phải thót tim sợ hãi lúc nghe đến tên, và khi ấy sự ngủ nghỉ cũng không còn bị đau khổ nữa.

Trước khi ngủ phải quay mặt về phương Tây, chánh tâm buộc niệm mà quán tưởng, niệm Phật một trăm câu, ngàn câu, cho đến muôn câu, hoặc tưởng niệm đến điều lành, rồi mới được ngủ. Và trước khi ngủ Phật cũng chế luật cho Tỳ-kheo bài kệ thức tỉnh:

Dĩ thời tẩm tức,

Đương nguyện chúng sanh

Thân đắc an ổn,

Tâm vô động loạn

Nghĩa:                      

Đến khi nằm ngủ,

Cầu cho chúng sanh,

Thân thể yên ổn,

Chẳng còn loạn tâm.

Động loạn nghĩa là tâm niệm tán loạn không dừng trụ được một chỗ. Thân đã ngừng sinh hoạt để nằm ngủ thì tâm ý được thảnh thơi, muôn tiếng động đều im bặt, trăm ý niệm đều lặng dừng, dứt sạch tư tưởng phan duyên, lìa xa hành vi si mê, điên loạn, thường lặng lẽ nhiệm mầu, hiển bày cái lặng lẽ, nên nói là chẳng còn loạn động tâm (tâm vô loạn động).

Kinh Pháp Hoa Phật dạy: “Không bị năm trược, tám khổ làm hại nên gọi là an, dù cho mặt trời có rơi rụng, cuồng phong, bão tố có thổi tạt cũng không làm chao động nên gọi là ổn”.

Tông Cảnh Lục chư Tổ dạy: “Người an ổn khoái lạc thì thường lặng lẽ nhiệm mầu, người vĩnh viễn dừng hết việc thế gian thì đoạn trừ tâm tựa nương bám víu”.

Luật Thập tụng nói: “Khi ngủ mà loạn động, không nhứt tâm thì có năm điều tệ hại: 1- Khổ sở vì khó ngủ. 2- Khổ sở vì khó thức. 3- Có ác mộng. 4- Khi ngủ không được các thiện thần bảo vệ. 5- Khi thức khó nhập tâm vào các pháp khéo giác quán”.

Tam thiên oai nghi nói: “Ngủ nghỉ có năm điều: 1. Đỉnh đầu phải hướng về phía hình tượng Phật. 2. Không được nằm nhìn hình tượng Phật. 3. Không được nằm duỗi thẳng hai chân. 4. Không được hướng đỉnh đầu vào gần vách và cũng không được nằm xấp. 5. Không được nằm dựng đứng hai bàn chân (nằm ngửa) mà phải một chân trên một chân dưới, hai chân đều co và hai gối chồng lên nhau, đầu gối lên cánh tay phải”.

Luật Tăng-kỳ nói: “Không được nằm kiểu quỷ đói. Không được nằm kiểu A-tu-la. Không được nằm kiểu người tham dục. Nếu nằm ngửa tức là nằm kiểu A-tu-la. Nếu nằm xấp tức là nằm kiểu quỷ đói. Nếu nằm nghiêng bên sườn trái tức là nằm kiểu người tham dục. Tỳ kheo phải nằm như sư tử chúa nằm mà ngó nhìn thân”.

Lại nói: “Xếp chồng hai chân, ngậm miệng, lưỡi để trên nướu răng, tay phải gối đầu, tay trái duỗi xuôi theo trên thân, tâm luôn nhiếp niệm tỉnh giác, khởi nghỉ là sẽ thức dậy đúng giờ. Không được ngủ cho đến lúc mặt trời mọc rồi mới dậy. Đến phần cuối đêm phải tỉnh thức dậy ngồi ngay thẳng mà tư duy tu tập theo pháp tu của mình. Nếu đêm ngủ say không tự biết mà xoay mình đổi cách nằm thì không có tội. Nếu là người già bệnh, hoặc ở bên sườn phải có ghẻ nhọt nên không nằm nghiêng bên ấy được thì cũng không có tội. Cách thức nằm ngủ của Tỳ kheo là phải làm đúng như trên đây. Nếu Tỳ kheo nào không làm đúng như vậy thì mắc tội Vượt qua giới luật”.

Không được nằm trên giường mà đọc kinh. Không được nằm dựa vào vách. Không được nuối tiếc, nghỉ ngợi về những việc thế gian. Không được làm cho giường kê ra tiếng. Nằm ngủ mà đúng như pháp thì thân sẽ được điều hoà, an ổn.

Như trong Căn bản thuyết nhứt thiết hữu bộ Tỳ-nại-da nói:

“Hay trừ các tội ác,

Chẳng bị dục trần ràng,

Lìa niệm về viên tịch,

Thì nằm ngủ được an.

Hay trừ bệnh nhiệt não,

Hết thảy dứt cầu mong,

Tâm ý thường trong lặng,

Thì yên ngủ giấc nồng.

Ở phần Phá Tăng sự trong Căn bản thuyết nhứt thiết hữu bộ Tỳ-nại-da nói: “Hôm nọ, lúc Trưởng giả Cấp Cô Độc mới đến gặp Phật, bèn theo phép thế gian mà thăm hỏi Phật rằng đức Thế Tôn ăn có ngon, ngủ có yên không, thì Phật liền dùng kệ mà đáp rằng:

“Lìa tất cả phiền não,

Tâm không nhiễm dục trần,

Được vô lậu giải thoát,

Thường ngủ được ngon lành.

Chặt đứt mọi ràng buộc,

Trong tâm tắt lửa phiền,

Luôn trong lặng sáng suốt,

Nên ngủ được bình yên”.

***

Trở lại bài kệ thức tỉnh, đương nghĩa là phải, nên; nguyện chữ Phạn là Prani-dhana, nghĩa là chí cầu đầy đủ.

Trong Chỉ Quán nói: “Phát nguyện nghĩa là thệ, bởi lẽ giống như hứa cho ai đó một món đồ mà không có đưa giấy xác nhận là sẽ cho món đồ gì, thì món đồ được cho đó sẽ không nhất định. Chúng ta cho chúng sanh điều thiện mà không có tâm huyết, thì e rằng có lúc sẽ sanh tâm hối hận, lui sụt, cho nên cần phải dùng đến sự trợ giúp sức của thệ nguyện. Lại không có thệ nguyện thì giống như trâu bò không có người điều khiển, thì hẳn là nó sẽ giúp sức cho công hạnh, thì công hạnh ắt sẽ được đứng vững”.

Luận Đại Trang Nghiêm nói: “Về nước Phật là việc lớn, nếu một mình riêng thực hành thì công đức sẽ không thể thành tựu, cho nên cần phải có sức trợ giúp của thệ nguyện. Cũng giống như việc kéo xe, dù cần sức của trâu bò nhưng cũng cần phải có năng lực của người điều khiển thì việc về cõi tịnh độ của chư Phật cũng cần phải nhờ vào sức trợ giúp của thệ nguyện dẫn dắt thì mới thành công. Do nhờ vào sự trợ giúp của thệ nguyện mà phước đức được tăng trưởng, không hư, không mất, thường gặp chư Phật”.

Lại nguyện gồm có tổng nguyện và biệt nguyện. Tổng nguyện nghĩa là như Tứ hoằng thệ nguyện, biệt nguyện nghĩa là như 10 nguyện của Bồ-tát Phổ Hiền, 12 nguyện của Bồ-tát Quán Âm, 12 nguyện của Phật Dược Sư, 48 nguyện của Phật A-di-đà, vô lượng nguyện của Phật Thích Ca…

Nếu khi hành giả trông thấy các loài hữu tình lẫn vô tình mà khéo dụng tâm phát khởi thệ nguyện tốt lành to lớn, thì ắt sẽ có được tất cả công đức tốt đẹp, nhiệm mầu.

Chúng sanh tiếng Phạn là Tát-đoả (Sattva), nghĩa là vì các loài hữu tình do nhiều pháp (chúng) giả hợp mà sanh ra nên gọi là chúng sanh. Lại nhân vì bị vô biên phiền não làm cho từ vô thỉ đến nay phải thuận theo thế gian mà chịu rất nhiều lần (chúng) sanh ra (sanh) rồi chết đi, trôi nổi mãi trong biển khổ, cho nên gọi là chúng sanh. Kinh Pháp Cổ nói: “Do muôn pháp (chúng) hoà hợp lại mà thành (sanh), nên gọi là chúng sanh”. Nếu ước theo sự, thì chúng sanh có bốn loại là:

1. Noãn sanh (Andaja): loài sanh ra từ trứng.

2. Thai sanh (Jarayuja): loài sanh ra từ bào thai.

3. Thấp sanh (Samavedaja): loài sanh ra từ nơi ẩm ướt.

4. Hoá sanh (Upapa-duka): loài sanh ra bằng cách tự nhiên hoá hiện.

Nếu ước theo lý, thì chỉ có chúng sanh tự tánh.

Kinh Đại Bảo Tích nói: “Ngươi ngày đêm mỗi niệm thường khởi ra vô lượng trăm ngàn chúng sanh”. Các hàng Bồ-tát đạo, trang nghiêm nơi cõi Phật, thành tựu cho chúng sanh, cho nên hoặc tự hoặc tha đều phải phát thệ nguyện rộng lớn là hoá độ hết tất cả chúng sanh.

Nhứt thiết trí: Tiếng Phạn là Tát-bà-nhã-na, nghĩa là trí của Phật, là một trong ba trí (nhất thiết trí, đạo chủng trí, nhứt thiết chủng trí). Vì trí này hiểu biết hết tất cả các pháp nên gọi là Nhứt thiết trí.

Luận Đại Trí Độ nói: “Cũng giống như cái hộp lớn thì nắp hộp cũng phải lớn, vì dùng vô tận trí mà biết vô tận pháp, cho nên Như Lai được gọi là bậc nhứt thiết trí”.

Lại nói: “Nhứt thiết trí thì tổng phá vô minh tối tăm trong tất cả pháp. Nhứt thiết chủng trí thì quán xét những pháp môn phá diệt vô minh”.

Kinh Nhân Vương nói:

“Cái được gọi là nhứt thiết trí,

Tức tâm vô lậu đã đầy tràn,

Thân thường giải thoát và thanh tịnh,

Tịch diệt không còn thể nghĩ bàn”.

Lại luận Đại Trí Độ nói: “Nhứt thiết trí là trí của hàng Thanh Văn, Duyên Giác, chỉ biết được tổng tướng của của tất cả pháp. Đạo chủng trí là trí của hàng Bồ-tát, biết được tất cả những đạo pháp sai biệt. Nhứt thiết chủng trí là trí của chư Phật, hiểu biết thông suốt cả tổng tướng cùng biệt tướng của tất cả các Pháp”.

***

Gương Hạnh người xưa:

- Từ Minh, Cốc Tuyền, Lang Da là ba người bạn kết thân đến Phần Dương tham học. Bấy giờ ở Hà Đông rất lạnh, mọi người đều kinh sợ thoái lui. Duy có Từ Minh quyết chí cầu đạo cam chịu lạnh ở đây, sớm chiều bền chí tinh tấn tu tập. Ban đêm toạ thiền, ma ngủ đến, Từ Minh lấy dùi chích vào mình khiến ma ngủ tan mất. Về sau đắc đạo hiệu là Sư tử Tây Hà.

- Thiền sư Triết khi ngủ lấy cây tròn làm gối đầu. Ngủ vừa trở mình thì đầu rớt xuống chiếu, Ngài giật mình thức dậy tu tập. Ngài lấy làm sự thường. Có người bảo: “dụng tâm như thế là thái quá”. Ngài đáp: “Duyên phận của tôi đối với Bát-nhã rất mong manh, nếu không cố gắng như vậy, thì e bị thói quen xấu lôi cuốn”.

- Thiền sư Phật Đăng Tuần học đạo với Tổ Phật Giám. Tham vấn mãi mà không khế ngộ, Ngài than: “Nếu đời này không tỏ ngộ ta thề không xổ mền ra nằm nghỉ”. Phát thệ rồi, suốt 49 ngày, Thiền sư chỉ đứng dựa cột chuyên tâm tham cứu, trạng thái như ngây dại, không khác nào người mất mẹ. Nhờ đó Ngài được đại ngộ.

- Thiền sư Tịnh Lâm sau khi nghỉ diễn giảng để tu tập thiền định, thường bị hôn trầm làm mê loạn tâm. Ngài cố hết sức trấn tỉnh, nhưng cứ mỗi lần ngồi được một lúc, lại mơ màng hồi nào không hay. Gần chỗ Ngài ở có một cây đại thọ nghiêng mình ra giữa vực sâu thăm thẳm. Muốn đuổi con ma ngủ đi, Ngài leo lên cây ngồi thiền. Trải mấy ngày đêm, vì sợ hơ hỏng sẽ té nát thây, mất mạng, Ngài giữ tâm định tỉnh không dám chợp mắt. Nhờ thế, Ngài đại ngộ.

- Thừa tướng Di Thích Sở Tài đến tham học với Vạn Tùng lão nhân. Ông bỏ hết việc nhà bế cửa thất không tiếp khách. Dù những khi giá lạnh, nóng bức, không ngày nào ông dừng nghỉ tham cứu. Đêm đến, ông thắp đèn sáng kế tiếp mặt trời để bỏ ngủ. Ban ngày thì ông quên ăn. Như vậy suốt 3 năm, ông mới được ấn chứng.

Lời bình: Dụng tâm như vậy, chứng đạo như vậy, đáng gọi là Bồ-tát tại gia, đâu có giống kẻ ăn thịt no nê rồi đi tìm các vị Tăng để nói thiền, nói đạo.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Xứng đáng là ruộng phước

Kiến thức 08:14 06/05/2024

Một thời, Thế Tôn trú ờ Sàvatthi, tại khu vườn ông Anàthapindika, gọi các Tỷ kheo: Này các Tỷ kheo, thành tựu sáu pháp này, Tỷ kheo đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay, là phước điền vô thượng ở đời. Thế nào là sáu?

Đức Thế Tôn đang có mặt

Kiến thức 15:30 05/05/2024

Bạch Đức Thế Tôn! Đức Thế Tôn có dạy rằng: “Mỗi khi có từ bốn người trở lên tới với nhau, sống với nhau và thực tập theo con đường Giới, Định, Tuệ thì Đức Thế Tôn có mặt ở tại đó”.

Giá trị thực tiễn của ngôi chùa

Kiến thức 13:15 05/05/2024

Hơn 2000 năm nay, thực tế đã chứng minh ngôi chùa ở Việt Nam không chỉ là biểu hiện cụ thể của kiến trúc Phật giáo mà còn gắn liền với hồn cốt, văn hóa dân tộc, là nơi truyền bá tư tưởng đạo đức, phản ánh phong tục, tập quán, nếp sống tinh thần của người dân qua từng giai đoạn lịch sử.

Đem lại hạnh phúc cho chư thiên và loài người

Kiến thức 10:37 05/05/2024

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, rừng Jetavana, dạy các Tỷ kheo: Một người, này các Tỷ kheo, khi xuất hiện ở đời, đem lại hạnh phúc và an lạc cho số đông, vì lợi ích, vì hạnh phúc, an lạc cho chư Thiên và loài người. Một người ấy là ai? Chính là Thế Tôn, bậc A la hán, Chánh đẳng giác.

Xem thêm