Nhìn trăng để thấy người
Trong kinh Đức Phật thường dùng thí dụ để minh họa cho thính chúng dễ hiểu, nắm bắt được ý nghĩa giáo pháp mà Ngài muốn trao truyền. Ngắm trăng thượng tuần thì ngày càng sáng ra, nhìn trăng hạ tuần thì ngày một lu mờ là việc ai cũng biết.
Hình ảnh trăng tròn, trăng khuyết trên bầu trời có thể giúp ta liên hệ đến vị thiện hay ác tri thức. Trăng tròn sáng tỏ là bậc thiện tri thức cần nương tựa, trăng khuyết và lu mờ dần là bậc ác tri thức phải lìa xa.
Nhu cầu tìm một hay nhiều vị thiện tri thức để nương tựa tu học vốn rất quan trọng. Nhưng để biết ai là vị thiện tri thức đúng nghĩa thì không phải dễ dàng. Pháp thoại này Thế Tôn đã chỉ ra năm yếu tố giúp ta nhận biết vị thiện tri thức, đó là tín, giới, thí, văn, tuệ. Nhìn vào tín, giới, thí, văn, tuệ đang tỏa ra từ một người, nếu càng ngày càng tăng, càng sáng tỏ thì người ấy chính là thiện tri thức; nếu càng ngày càng giảm, càng lu mờ thì người ấy chính là ác tri thức.
Kinh Tạp A-hàm (kinh Mặt trăng, số 94), Đức Phật dạy: “Một thời, Đức Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ có một Bà-la-môn tuổi trẻ tên là Tăng-ca-la đến chỗ Phật, cùng Đức Thế Tôn thăm hỏi sức khỏe lẫn nhau, rồi ngồi lui qua một bên bạch Phật rằng:
- Bạch Cù-đàm, làm sao để có thể biết người nam bất thiện?
Phật bảo Bà-la-môn:
- Giống như trăng.
Bà-la-môn lại hỏi:
- Làm sao để có thể biết người nam thiện?
Phật bảo Bà-la-môn:
- Giống như trăng.
Bà-la-môn bạch Phật:
- Thế nào là người nam bất thiện giống như trăng?
Phật bảo Bà-la-môn:
- Như trăng cuối tháng, ánh sáng mất, màu sắc cũng mất, sở hệ cũng mất, ngày đêm càng lúc càng tiêu giảm, cho đến không còn xuất hiện. Cũng vậy, có người đối với Như Lai mà tín tâm tịch tĩnh, thọ trì tịnh giới, khéo học, nghe nhiều, nhường bớt phần mình để bố thí, chánh kiến chân thật; nhưng sau đó lại thoái thất tín tâm thanh tịnh đối với Như Lai, đối với sự trì giới, bố thí, nghe nhiều, chánh kiến chân thật ngay thẳng, tất cả đều bị đánh mất; ngày đêm càng lúc càng tiêu giảm, cho đến trong khoảnh khắc tất cả đều bị quên mất. Lại nữa, này Bà-la-môn, nếu người thiện nam nào, mà không thân quen gần gũi thiện tri thức, không thường xuyên nghe pháp, không suy nghĩ chân chánh, thân làm các hành vi ác, miệng nói lời ác, ý nghĩ về những điều ác, thì vì những nhân duyên ác đã tạo ra này, nên khi thân hoại mạng chung sẽ bị đọa vào trong đường ác, địa ngục. Như vậy, này Bà-la-môn, người nam bất thiện được ví như trăng.
Bà-la-môn bạch Phật:
-Thế nào là người nam thiện được ví như trăng?
Phật bảo Bà-la-môn:
- Như trăng đầu tháng, ánh sáng và màu sắc tươi sáng, ngày đêm càng lúc càng sáng dần, cho đến khi trăng đầy, hoàn toàn tròn đầy tươi sáng. Cũng vậy, người nam thiện đối với pháp luật của Như Lai mà có được tín tâm thanh tịnh, cho đến chánh kiến chân thật, chân tịnh càng tươi sáng, giới tăng, thí tăng, đa văn tăng, tuệ tăng, ngày đêm càng lúc càng tăng. Rồi vào lúc khác, gần gũi thiện tri thức, nghe thuyết Chánh pháp, bên trong suy nghĩ chân chánh, thân làm các việc lành, miệng nói những lời lành, ý nghĩ những điều lành; nhờ vào những nhân duyên này mà khi thân hoại mạng chung sẽ được hóa sinh lên cõi trời. Này Bà-la-môn, vì vậy cho nên người nam thiện được ví như trăng”.
Bậc nam (nữ) thiện trước hết là những cư sĩ chân chính. Ngoài bổn phận tu học theo Chánh pháp, họ còn nhiệt tâm hộ trì Phật pháp. Vị nam (nữ) thiện trong giáo pháp là người có hiểu biết và luôn trau dồi tín, giới, văn, thí, tuệ. Nếu tín, giới, văn, thí, tuệ được tu tập và tăng tiến đến “thanh tịnh và bất hoại” thì chắc chắn họ là những nam (nữ) thiện đích thực.
Tín là đức tin trong sạch vào Tam bảo. Niềm tin cần đi liền với hiểu biết mới trong sạch, tịnh tín. Tin mà không hiểu dễ rơi vào mê tín, tin trong mê muội. Mê mà tin thì nhanh được mà cũng chóng mất. Hiểu mà tin thì lâu hơn nhưng khi đã xác lập niềm tin rồi thì kiên cố, bền vững.
Giới là nhân cách, đạo đức cá nhân, ở đây là năm giới của người Phật tử. Chỉ cần gìn giữ năm giới trọn vẹn, có thể xem họ là bậc hiền ở đời. Năm giới chính là thước đo sự hiền thiện. Trong thực tiễn đời sống xã hội hiện nay, năm giới tuy đơn giản mà không dễ dàng gìn giữ. Phải tin hiểu nhân quả sâu sắc, tự thân nỗ lực và kết duyên với những hội chúng thiện lành mới có thể làm được.
Văn (nghe) là học hiểu Chánh pháp. Tu không học là tu mù. Chánh pháp có nhiều ý nghĩa, một trong những ý nghĩa quan trọng là con đường để đi đến chân lý. Đầu tiên cần học hiểu những giáo pháp căn bản, kế đến là học hiểu những giáo pháp thích ứng với chỗ mình đang tu. Mỗi gian đoạn tu tập cần được soi sáng và kiểm nghiệm bằng sự học hiểu Chánh pháp.
Thí xả dễ làm là bố thí hay cho đi, sâu xa hơn là buông xả. Tham ái và chấp thủ là căn bệnh cố hữu của chúng sinh nên cần buông bỏ và xả ly tất cả. Từ vật chất đến tinh thần, từ thân đến tâm đều bị tham ái ràng buộc. Sự thí xả phải được thực thi trọn vẹn mới có thể đến bờ kia.
Tuệ là chánh kiến, thấy biết đúng sự thật. Tin hiểu như thật về nhân quả, nhân duyên, bốn sự thật. Tin hiểu về khả tính giác ngộ trong con người phàm phu nghiệp chướng của chính mình. Nhờ phát huy tuệ giác nên xa lìa các tà kiến, mê tín, biết “nương tựa hòn đảo chính mình”, hãy “tự mình thắp đuốc lên mà đi”.
Tuy tín, giới, văn, thí, tuệ là năm pháp khác nhau nhưng kỳ thực chúng có mặt trong nhau, nâng đỡ nhau cùng tăng tiến hay suy giảm. Người nào trong quá trình tu học mà tín, giới, văn, thí, tuệ ngày càng tăng thì họ chính là những vị nam (nữ) thiện. Tất cả những yếu tố này luôn hiện ra trong cuộc sống của chính người ấy qua các phương diện thân khẩu ý, không thể che giấu. Chúng cũng như mặt trăng trên trời, non hay già, sáng hay tối ai cũng nhìn được. Chỉ cần thân cận, sống chung với họ một thời gian thì cảm nhận được tất cả.
Khi đã ghi nhận người ấy là một vị nam (nữ) thiện, còn một phương thức kiểm nghiệm khác nữa là những tác động của họ có ảnh hưởng chuyển hóa tích cực lên chính mình hay không; tín, giới, văn, thí, tuệ nơi bản thân mình có tốt lên không; ba nghiệp thân khẩu ý có thiện lành hơn trước không. Nếu có thì cần nương tựa lâu dài.
Ngoài ra, bậc nam (nữ) thiện, những vị thiện tri thức còn là bậc xuất gia sáng đạo trong đời. Muốn tu học đúng Chánh pháp, có kết quả cần phải tìm ra thầy sáng để nương tựa. Bậc thầy sáng không chỉ dựa vào hình thức thành đạt bên ngoài như học cao hiểu rộng, chức vụ lớn, chùa viện đẹp, tín đồ đông. Cần chú trọng đến tín, giới, văn, thí, tuệ của vị thầy ấy, nếu càng ngày những phẩm chất cao quý ấy càng tăng thì đó là bậc thầy sáng đích thực. Đồng thời, khi nương tựa với những bậc thầy sáng này, tự thân chúng ta có chuyển hóa tích cực, ba nghiệp thân khẩu ý mỗi ngày thêm thiện lành. Chắc chắn khi nương tựa những bậc thầy như vậy thì “nay vui, đời sau vui”.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Pháp tu soi gương
Kiến thức 15:52 05/11/2024Pháp thoại này Thế Tôn dạy Tôn giả La-vân (La-hầu-la) quán chiếu về thân nghiệp giống như đang soi gương thấy rõ mặt mình dơ hay sạch. Nếu không soi gương, chúng ta sẽ không biết mặt mình như thế nào.
Ác nghiệp đã trót gieo, phải làm sao để ác báo không trổ ra?
Kiến thức 10:35 05/11/2024Mỗi ngày chúng ta đều gieo trồng những nhân thiện, ác lẫn lộn. Những nhân này tuyệt đối không hề mất đi, nó được lưu trữ trong tàng thức của chúng ta. Quá trình từ nhân đi đến quả đều cần phải có duyên. Vậy làm sao để tránh được duyên ác?
Đi về phía an lạc hạnh phúc
Kiến thức 09:20 05/11/2024Kinh Trường bộ ghi: Đường này đến an lạc giải thoát Niết bàn, chấm dứt khổ đau; Đường kia đến ưu phiền não loạn khổ đau trong sinh tử luân hồi, các người muốn đi đường nào?
Muốn mau lành bệnh
Kiến thức 07:03 05/11/2024Ai cũng biết Đức Phật ngoài mười hiệu tôn quý còn được xưng tán là Y vương, bậc thầy của các thầy thuốc trong việc trị liệu tâm bệnh của chúng sanh. Không chỉ chữa trị tâm bệnh, Đức Phật còn là một vị thầy thuốc đúng nghĩa chữa trị cả thân bệnh nữa.
Xem thêm