Những vấn đề tinh yếu của kinh Kim Cương
Kinh Kim Cương hay gọi đủ là Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh, đây là bản kinh quan trọng và có ảnh hưởng lớn của Phật giáo Đại thừa, như trường phái như Trung Quán Luận, Duy Thức, Tam Luận tông…Và đặc biệt là Thiền tông.
>>Phật tử có thể đọc loạt bài về Kinh Phật
Khi Phật giáo được truyền vào Đông độ thì bản kinh Kim Cương này cũng được lấy đó làm tâm ấn truyền tông của Thiền tông Trung Hoa. Câu truyện Ngũ tổ Hoằng Nhẫn đã lấy y che cửa, giảng truyền tâm yếu của Kim Cương Kinh và truyền y bát cho Lục tổ Huệ Năng là minh chứng rất rõ ràng về tầm quan trọng của nó. Thiền tông tuy nói rằng “Bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, trực chỉ nhân tâm, kiến tính thành Phật” nhưng vẫn lấy bản kinh này làm phương thức truyền tâm ấn, có lẽ bởi yếu chỉ của kinh là tính không, là thực tướng để đi đến Phật quả, thực tướng Niết bàn. Ở việt Nam Phật Hoàng Trần Nhân Tông vị tổ thứ nhất của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử cũng đã từng nghe “ưng vô sở trụ, nhi sinh kỳ tâm” mà đạt ngộ nên trong cuối bài Cư Trần Lạc Đạo Phú ngài viết: “Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền”.
Kinh Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật là bản kinh thứ 9 của hội thứ 16 trong 9 bộ Đại Bát Nhã. Thời gian xuất hiện Kinh này có rất nhiều ý kiến khác nhau, nhưng phần đa cho rằng nó xuất hiện khoảng trước hoặc sau 100 năm công nguyên, nhưng đều xuất phát từ bộ Đại Bát Nhã. Kinh này được rất nhiều các cao Tăng phiên dịch sang hán ngữ và chú sớ như: ngài Cưu Ma La Thập dịch là Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật Kinh, đại diện cho tân dịch có ngài Huyền Trang dịch là Đệ Cửu Hội Năng Đoạn Kim Cương Phẫn. ngoài ra còn có các bản dịch của các ngài như Bồ Đề Lưu Chi, Chân Đế, Nghĩa Tịnh, Đạt Ma Cấp Đa...Ở Việt Nam hiện nay cũng có nhiều bản dịch như của HT Thanh Từ - Kim Cương Giảng Giải; HT Trí Quang – Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật; HT Nhất Hạnh – Kinh Kim Cương Gươm Báu Cắt Đứt Phiền Não, Đoàn Trung Còn...
Vậy Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật là gì?
Theo phạn ngữ là Vajra chedikā Prajñā pāramitā. Vajra là Kim cương 金刚: nghĩa đen là một loại khoáng chất, có tính cứng rắn và sắc bén. Còn có nghĩa là sấm sét, phá hủy. Chedika là cắt đứt đoạn diệt. Prajna là Bát Nhã般若: là Trí Tuệ. Paramita dịch là Ba La Mật波羅密 nghĩa là đáo bỉ ngạn. Như vậy Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật có nghĩa là một thứ trí tuệ đáo bỉ ngạn được ví như kim cương sắc bén, có thể đoạn trừ (cắt bỏ) được hết thảy phiền não, khổ đau để đạt tới an vui giải thoát. Do vậy tên của Kinh được dùng Kim Cương là dụ, Bát Nhã Ba La Mật là Pháp, dùng dụ và Pháp để lập đề kinh.
Nguyên thủy của Kinh này vốn không phân chia làm chương phần, nhưng nay lại thấy có 32 phần nguyên do là bởi thái tử Chiêu Minh con của vua Lương Vũ Đế phân ra vậy, đương cơ của Kinh này là ngài Tu Bồ Đề người trực tiếp thưa hỏi đức Phật. Ngài Tu Bồ Đề trung hoa còn dịch là Thiện Hiện, là một trong thập đại đệ tử của Phật, được tôn xưng là Giải Không Đệ nhất. Như thế thông qua đương cơ của Kinh có thể ít nhiều thấy rằng nội dung của kinh xẽ được đức Phật giảng dạy về Tính Không chăng?
Theo Đại Cương Kinh Kim Cương Bát Nhã của HT Thích Thiện Siêu trong tuyển tập “Vô Ngã Là Niết Bàn” ấn bản năm 2000 nói trong 32 phần, nhưng tóm tắt lại có ba phần như sau:
1. Phần thực tướng bát nhã từ câu: “như vậy tôi nghe….” Đến câu “ trải tòa mà ngồi” là phần thể hiện “thực tướng Bát nhã vô ngôn thuyết” ngay nơi các uy nghi hàng ngày cảu Ngài.
2. Phần quán chiếu Bát nhã từ câu: "Tu Bồ Đề tán thán Phật..." cho đến câu "Bồ-tát nên an trú như ta dạy". Đây là đoạn kinh, dựa vào văn tự ngôn ngữ, Phật dạy về công dụng quán chiếu của Bát Nhã. Trong phần này Tu-bồ-đề nêu hai câu hỏi là, làm thế nào một vị Bồ-tát khi phát tâm Bồ-đề có thể an trụ trong tâm đó và làm thế nào hàng phục vọng tâm, và Phật trả lời hai câu hỏi đó.
3. Phần đoạn nghi: Trừ hai phần trên, tất cả đoạn kinh văn còn lại thuộc vào phần này. Trong phần này Phật cũng dùng ngữ ngôn văn tự để dạy công dụng của quán chiếu Bát Nhã mà đoạn trừ các nghi hoặc. Song những mối nghi ở phần này, không phải do Tuệ mạng Tu-bồ-đề nêu lên, mà chính do Phật đón biết trước các mối nghi hoặc sẽ ngấm ngầm khởi lên trong tâm Tôn giả, nên Phật tự lần lượt nêu lên hỏi Tu-bồ-đề, rồi Phật tự lần lượt giải đáp hầu làm cho Tu-bồ-đề và kể cả chúng ta không còn chút nghi hoặc đối với lý Bát-nhã chơn không. Vì vậy ở phần kinh văn này ta thường thấy lặp đi lặp lại nhiều lần câu: "Tu-bồ-đề ư ý vân hà? Tu-bồ-đề ý ông nghĩ thế nào?" "Ư ý vân hà?" cũng còn có ý nghĩa là Phật dạy luôn luôn phải hồi quang phản chiếu.
Nội dung chính của Kinh Kim Cương
Như vậy có thể thấy nội dung chính của kinh được kết đọng lại ở những tiêu điểm như sau:
Một là: Đức Phật giáo hóa cho hàng Bồ Tát về phương pháp hàng phục tâm và pháp trụ tâm, khuyến cáo các Bồ Tát không nên chấp vào tướng (Ngã, Nhân, Chúng Sinh, Thọ Giả) và sở dĩ được gọi là Bồ Tát là vì không chấp vào tướng và luôn luôn giác hữu tình. Ngài Tu Bồ Đề khải thỉnh rằng: “Thưa Thế Tôn, những Thiện nam tử, Thiện nữ nhân phát tâm Vô thượng chính đẳng chính giác, nên trụ tâm như thế nào và hàng phục tâm như thế nào? Phật bảo ông Tu Bồ Đề: Lành thay, lành thay…. Các đại Bồ Tát nên hàng phục tâm như vầy; đối với hết thảy các loài chúng sinh, noãn sinh, thai sinh, thấp sinh, hóa sinh, có sắc, vô sắc, hữu tưởng, vô tưởng, phi hữu tưởng, phi vô tưởng đều khiến cho được vào Vô dư niết bàn, độ hết thảy vô lượng vô biên chúng sinh nhưng thực lại không thấy có chúng sinh được độ. Tu bồ đề nếu Bồ tát có ngã tướng, nhân tướng, chúng sinh tướng, thọ giả tức chẳng phải Bồ Tát”.
Bồ tát菩薩: Phạn ngữ là bodhisattva nghĩa là Giác hữu tình, thường tu tập các pháp như lục độ ba la mật, vì hạnh nguyện tự lợi và lợi tha mà dùng khắp phương tiện để hóa độ chúng sinh. Thiện nam tử, thiện nữ nhân là những người nam người nữ vâng giữ đầy đủ Tam quy ngũ giới một cách trọn vẹn mới được gọi là “Thiện” theo như trong Quán Vô Lượng Thọ Kinh người được gọi là thiện nam tử, thiện nữ nhân phải đủ bốn điều kiện như sau: 1. từ tâm bất sát; 2. hiếu dưỡng mẹ cha; 3. phụng dưỡng sư trưởng; 4. tu tập thiện nghiệp.
Những vị Thiện nam tử, thiện nữ nhân ấy mà phát cái tâm vô Thượng chính đẳng chính giác tức là tâm cầu Phật quả hay gọi là tâm Bồ đề. Việc phát tâm Bồ đề là rất thực khó, nhưng giữ cho tâm ấy được bất động luôn luôn cũng thực là khó. Bởi vì nếu như các vị Bồ Tát còn chấp vào tứ tướng ấy là: Ngã là cái ta, cái tôi; Nhân là chấp vào cá thể nào đó, hữu tình nào đó sinh ra bỉ thử là có ta có người; Chúng sinh là chấp vào các tướng của muôn loài hữu tình vô tình; Thọ giả là chấp vào tuổi thọ dài ngắn đang sống, nếu còn chấp là còn vọng tưởng, còn vọng tưởng thì là còn mê còn là chúng sinh thì chân tâm Phật tính, hay Niết Bàn diệu tâm, làm sao đạt được, như thế xẽ bị vọng tưởng nôi cuốn trôi lăn trong luân hồi mà thôi.
Đức Phật đã trả lời cách hàng phục tâm bằng cách độ tất cả chúng sinh (Vọng tưởng) vào Vô dư niết bàn, mà không thấy có chúng sinh được diệt độ, cũng có nghĩa là đưa tất cả vọng tưởng vào chỗ Vô sinh. Vì sao lại không thấy có chúng sinh được diệt độ? Vì Bồ tát đối với các tướng ngã - nhân - chúng sinh - thọ giả đều do tâm trụ hư dối mà ra tức là nhận thấy rõ các pháp do duyên sinh giả lập mà có, nhận biết được tính không của đối tượng mà không trụ vào đó. Độ sinh mà còn thấy mình hay độ, chúng sinh được độ tức còn phân biệt chấp tướng, chưa phải là tâm Bát-nhã ly tướng độ sinh. Vì chấp là vọng tưởng chưa có tâm bình đẳng, vọng tưởng của mình còn chư độ được, thì sao độ được chúng sinh.
Tiếp theo là làm như thế nào để trụ tâm? Đức Phật dạy: Bồ Tát đối với các Pháp nên vô trụ làm các việc bố thí, bởi vì không trụ sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp bố thí…. Phúc đức lớn không thể nghĩ lường, Bồ Tát nên như thế mà trụ tâm. Sau khi hàng phục được tâm, đức Phật dạy cách trụ tâm. Bằng cách "không trụ ở nơi sáu trần sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp mà làm việc bố thí". Có lẽ ở đây chỉ nói tiêu biểu về việc bố thí, nhưng bao gồm cả Lục độ vạn hạnh, đều cần phải không trụ tâm (không chấp thủ) vào sáu trần thì mới định an.
Bố thí: Bố là rộng khắp, thí là cho tức là phải làm một cách bình bẳng, không phân biệt, Bố thí thường luôn phải đi đôi với trí tuệ. Phàm phu bố thí thường hay cầu lợi ích, thường mắt bám sắc, tai theo thanh, mũi theo hương… mà bám trụ vào đó. Bố thí trong nhà Phật thường nhắc tới Tài thí, Pháp thí, Vô úy thí. Tài thí là đem của cải vật chất cho người đỡ khốn khổ đói, khát, nóng, lạnh….
Pháp thí là đem giáo lý chân lý giảng giải nói cho mọi người ta sinh tâm chính tín theo đó mà tu hành đạt đến chỗ an vui hạnh phúc. Vô úy thí là an úy khiên cho được bình an vô quải ngại hết lo âu sợ hãi. Trong các hàng bố thí thì Pháp thí là hơn cả. chính vì vậy trong kinh Dược sư nói: “trước ta hãy cho ăn uống rất ngon, rồi sau ta mới cho ăn pháp vị để lập thành người rốt ráo yên vui..” Tài thí chỉ no cho được một đời, chỉ giúp cho nhất thời mà thôi, pháp thí mà được thì lợi ích cả hiện tại lẫn đời vị lai. Do chúng sinh còn chấp trước, vọng tưởng nên bố thí mà thấy có người cho, kẻ nhận, vật thí, thí mà mong đền ơn ...công đức ấy chẳng sao trọn vẹn cho được. Đối với các hàng Bồ Tát thì lục căn đã thanh tịnh, không có mong cầu, duy chỉ vì lợi ích cho hết thảy chúng sinh, như nước trong đất lợi ích cho muôn loài, thực hành “ Tam Luân không tịch” không chấp tướng mà thực hành hạnh Bố thí lên phúc đức được trọn đầy vô lượng vô biên. Bởi vì sao vì sáu trần là vọng luôn biến đổi, tâm mà trụ nơi sáu trần ấy thì tâm cũng sẽ biến đổi vô cùng làm sao có thể mà an trụ được tâm, chính vì không trụ nơi sáu trần thấy nó là không tự tính giả mà tâm ấy được an trụ. Kinh Đại Bát nhã nói: "không trụ vào tất cả pháp, tức là trụ Bát-nhã" (Bất trụ nhất thiết pháp danh trụ Bát-nhã)
Như vậy yếu chỉ kinh Kim Cương Bát Nhã là ở chỗ hai câu hỏi của ngài Tu-bồ-đề và hai câu trả lời của Phật về hàng phục tâm và an trú tâm. Nhưng tổng quan lại mà thấy là phá trừ Ngã chấp tức là: hàng phục tâm lấy việc độ sinh vào Vô-dư Niết-bàn mà không thấy chúng sanh đắc độ làm chính, hai là phá bỏ Pháp chấp tức là chỗ an trú tâm thì lấy việc bố thí không trụ tướng làm chính. Có thể thấy là “ngã pháp câu không”. Ở phần thứ 17 đức Phật nói: 菩薩通達無我法者, 如來說名眞是菩薩 có nghĩa là Bồ tát thông đạt pháp vô ngã như lai gọi đó là chân thật Bồ Tát.
Hai là: Đức Phật chỉ cho Bồ Tát thấy tất cả các sự vật hiện tượng trên đời đều là hư vọng, giả tạm không có thật. trong phần thứ 5 kinh văn nói: “Ông Tu Bồ Đề, ý ông như thế nào, có thể thấy Như Lai ở nơi thân tướng chăng? không thể, thưa Thế Tôn không thể dùng thân tướng để thấy được Như Lai. Bởi vì Như Lai từng dạy thân tướng tức chẳng phải thân tướng. Đức Phật bảo ông Tu Bồ Đề; tất cả những gì có tướng đều là hư vọng, nếu thấy các tướng chẳng phải là tướng, tức thấy Như Lai”.
Có thể nói đây là cốt nõi của tư tưởng kinh Kim Cương: 凡所有相皆是虛妄, 若見諸相非相, 卽見如來 - (Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng, nhược kiến chư tướng phi tướng, tức kiến Như lai). Đức Phật có tam thân, đức Phật Thích ca thị hiện ở sa bà này, nơi thành Ca Tỳ La Vệ là Thái tử Tất Đạt Đa, con vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Ma Da… với 8 tướng thành đạo, đầy đủ 32 tướng tốt, 19 tuổi xuất gia tầm đạo, 30 tuổi thành đạo, 49 (45) thuyết pháp độ sinh. Đây là Báo thân Phật mà thôi, đã có tướng tức là phải có sinh lão bệnh tử, và 80 tuổi ngài thị hiện nhập Niết bàn. Như vậy nếu chấp tướng thì đâu còn thấy đức Như Lai nữa. Nhưng Như Lai là:從無所來, 亦無所去是名如來 - (Tòng vô sở lai, diệc vô sở khứ thị danh Như Lai) nghĩa là Như Lai, không từ đâu đến cũng chẳng đi về đâu, đây là chỉ cho Pháp thân Phật vậy. Bằng con mắt Phàm thì thấy đức Phật đã nhập diệt, đó là cái nhìn về sắc thân. Nhưng Pháp Thân thì lại thường trụ bất diệt luôn luôn hiện hữu đầy ở khắp tam thiên đại thiên thế giới đó là cái Phật tâm, chân tâm vậy.
Trong Trung Quán Luận viết:
“Chư Pháp thực tướng giả
Tâm hành ngôn ngữ đoạn
Vô sinh diệc vô diệt
Tịch diệt như Niết bàn”
Đã là hữu tướng thì là có đối đãi như dài ngắn, có không, đẹp xấu, có đỗi đãi là còn có danh giới và sinh diệt biến dị, cho nên tất cả những gì có tướng đều là hư vọng. Bởi vì các pháp đều do duyên sinh giả hợp mà thành, như cái xe gọi là xe bởi vì “cưỡng lập danh” mà thôi, tự thể chẳng cái gì được gọi là xe cả, bánh, trục, bàn đạp... cái gì được gọi là xe. Thực không cái gì cả mà tổng hợp những chi tiết ấy lại và quy ước với nhau gọi là xe mà thôi. Cho nên nó hư vọng không thực hữu và mãi mãi, cái bàn ta ngồi cũng vậy nó được tổ hợp bởi gỗ, đinh, ốc vít ... nhưng sau này nó hỏng đi người ta đem vào bếp đun thành tro, tro ấy có được gọi là cái bàn nữa không. Con người chúng ta cũng như vậy, nên trong kinh Tám Điều dạy:
“ Đất nước gió nửa hợp thì lại tan
Luống những chịu muôn ngàn đau khổ
Ngũ ấm này còn có mình sao
Khác nào như cảnh chiêm bao
Biến thiên sinh diệt ai nào chủ trương”
Vì thế phải nhìn nhận các pháp bằng trí tuệ Bát nhã để thấy thực tướng của các pháp mà muốn thấy được thực tướng của các pháp thì phải bỏ ngôn ngữ, lìa khái niệm cả tâm hành để dùng trí tuệ quán chiếu. Bản chất của các pháp là tịch diệt, niết bàn là như thị; như thị tính - như thị tướng - như thị thể…
Ví dụ như một cây lan trong rừng, người ta đi rừng gặp thấy đem về, nhìn cánh hoa đẹp như cánh con bướm liền đặt cho nó cái tên là Lan Hồ điệp, lan tai châu... bản chất của nó đâu có tên như vậy, mà do sự phân biệt của con người mà thôi. Cho nên trong kinh Đại Bát Niết Bàn nói:
“Tri kiến lập tri
Tức vô minh bản
Tri kiến vô kiến
Tư tức niết bàn”
Tri kiến lập tri là cái nhìn của phàm phu, luôn luôn chấp vào cái biết của mình, cho đó là chân lý là số một cách nhìn này theo quan điểm của Phật giáo là cách nhìn vô minh, mà vô minh là gốc của Phiền não khổ đau, sinh tử, luân hồi. Tri kiến vô kiến là cách nhìn thấy biết như thực của người học Phật, tức không chấp và không vướng bận vào cái mình biết đó là Niết bàn.
Bởi vì vậy nếu lương vào sắc tướng để thấy Như Lai thì không thể thấy được, mà phải ở nơi trí tuệ siêu việt, hay nói khác là thấy tướng trong phi tướng, thấy tướng vô tướng mới thấy pháp thân Như Lai. Bởi vì Đức Phật cũng đã dạy: "Nếu ai bằng vào sắc tướng mà thấy ta, bằng vào âm thanh mà cầu ta, người đó đang đi trên tà đạo, không thể thấy ta".
Cũng chính vì vậy đó là nội dung quan trọng thứ ba mà đức Phật nói trong kinh là: nói về 32 tướng của Ngài, nhưng nếu ai ai cũng chấp vào hình tướng đó thì không được.
Bốn là: Đức Phật nhấn mạnh những lời dạy, những giáo pháp của Ngài chỉ là phương tiện như chiếc bè đưa người qua sông, không phải là cứu kính.
Khi tâm còn chấp thì dù chấp Pháp mà mình đang tu tập, hay phi pháp cũng là chấp, vẫn chưa thoát ra khỏi được, chính vì vậy trong Kinh văn Đức Phật dạy: “Không nên chấp pháp, không nên chấp phi pháp, vì Như Lai thường dạy. Tỷ Khiêu các ông nên biết, Như Lai thuyết Pháp, ví như chiếc bè. Chính pháp còn xả huống là phi pháp”.
Chính vì “Vô Trụ” là tính không, cho nên đối với giáo Pháp của Phật cũng phải xem như thuyền đưa người qua sông, nó chỉ là phương tiện đến bờ, khi tới bờ thì phải bỏ lại, không ai lại vác theo thuyền khi đã đến bờ, như thế thì chưa đạt đến viên mãn rốt ráo của giải thoát Niết bàn.
Cũng như vậy trong kinh Viên Giác dạy: “Nhất thiết Tu Đa La, như tiêu chỉ nguyệt” nghĩa cũng tương tự như đây, Tu Đa La là kinh (Pháp) được ví dụ như ngón tay chỉ mặt trăng (chân lý), chân lý không ở chỗ ngón tay, ở chỗ ngôn ngữ văn tự, kinh điển là dùng ngôn ngữ là để chuyền tải chân lý, nhưng chân lý thực không phải ở chỗ ngôn ngữ ấy vậy. Đức Phật nói bốn vạn tám nghìn pháp môn thực là vì đối trị với tâm cái căn cơ của chúng sinh mà thôi. Bởi vậy nói “Y kinh giải nghĩa tam thế Phật oan, ly Kinh nhất tự tức đồng ma thuyết”, vì còn mê nên phải lương văn tự để tìm chân lý, nhưng vốn chân lý chẳng ở văn tự nên nói y theo chữ nghĩa mà giải thì oan cho ba đời chữ Phật, cũng như vậy khi đạt được Niết bàn thì không còn chấp Pháp hay cả phi Pháp, cũng như khi đói mong cầu được ăn no, khi no rồi thì đâu còn cái tâm khao khát ham muốn kia nữa. cho nên trong Huyền Giác Chứng Đạo Ca nói:
“ Tuyệt học vô vi nhàn đạo nhân
Bất trừ vọng tưởng bất cầu chân
Vô minh thực tính tức Phật tính
Huyễn hóa không thân tức pháp thân…”
Năm là: Đức Phật nói “Ưng Vô Sở Trụ Nhi Sinh Kỳ Tâm” 應無所住而生其心. Kinh văn nói: “Thế nên Tu Bồ Đề, các Bồ Tát lớn nên như thế mà sanh tâm thanh tịnh, không nên trụ nơi sắc sanh tâm, không nên trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm, nên không có chỗ trụ mà sanh tâm kia”.
Đây có thể nói là câu cốt lõi tông chỉ của Kinh Kim Cương. Ngày xưa lục tổ Huệ Năng khi còn là anh tiều phu đốn củi, nhờ nge câu kệ ngày mà “tức tâm khai ngộ” và đến khi được Ngũ Tổ giảng truyền tâm ấn truyền y bát nghe lại câu này mà “Ngôn hạ đại ngộ” trở thành tổ thứ 6 của thiền tông Trung Hoa. Hết thảy xuyêt xuốt của Kinh có thể nói ở hai từ “Vô Trụ” tức là Vô sở trụ, xẽ “sinh tâm”. Như vậy không “trụ” thì xẽ sinh “sinh”, không trụ gì và sinh tâm gì?
Ưng vô sở trụ: là nên không trụ ở chỗ nào. Vì sao vậy? đối với Nhân - Ngã - Chúng Sinh - Thọ giả đều là do nhân duyên mà giả hợp thành hình tướng, thành các pháp nó giả có, tạm bợ đối với lục trần Sắc - Thanh - Hương - Vị - Xúc - Pháp cũng không thể trụ nơi ấy. Do giả hợp mà thành nên Phật dạy:
“Do cái này sinh
Nên cái kia sinh
Do cái này diệt
Nên cái kia diệt”
Pháp ngã đều không, thì lấy chỗ nào để cho tâm này bám víu. Lục trần như sắc kia của bông hoa nhìn bằng con mắt nhục nhãn thấy tuy đẹp, nhưng thực kỳ nó đang biến hoại và héo úa từng dây phút mà ta không hay. Thanh, hương, xúc pháp cũng vậy. Hơn nữa trong phần 18 Đức Phật nói: “Tu Bồ Đề, Tâm quá khứ không thể được, tâm hiện tại không thể được, tâm vị lai cũng không thể được” thì lấy tâm nào để mà trụ. Biết là các Pháp đều là giả hợp mà có nhưng không có nghĩa là trong cuộc sống ta không nhìn, không nghe, không ăn, không nói, không mặc... như thế thì là cái nhìn chết cứng bi quan iếm thế, nhất thiết chẳng phải ý chỉ của Phật. Chúng ta nhìn cảnh mà chấp thì trôi lăn trong vọng tưởng phiền não, đó là cái nhìn của Phàm phu. Vậy phải nhìn (đối cảnh) như thế nào? phải nhìn bằng con mắt Pháp nhãn trí tuệ để nhận chân ra thực tướng của các pháp, khó đó thì sẽ “sinh kỳ tâm”, nghĩa là khi đã không bị sáu trần hay các pháp lôi kéo thì hành giả sẽ có được cái tâm tự tại, vô quản ngại. Như vậy tức là sinh được cái tâm chân như, Phật tính, hằng thường sáng tỏ.
Có thể nói tư tưởng Vô trụ không chỉ xuyên xuốt trong kinh Kim Cương mà còn cả trong tư tưởng hệ Đại Thừa Phật giáo. Kế thừa tư tưởng này một cách rốt ráo nên các tổ sư Việt Nam cũng đã từng thể hiện nó trong các kệ, thơ thiền như: tinh thần vô Phố úy của Thiền sư Vạn Hạnh, ngài nói trong bài Thị Đệ Tử như sau:
“Thân như bóng chớp có rồi không
Cây cối xuân tươi thu lão lùng
Mặc cuộc thịnh xuy đừng sợ hãi
Kìa kìa ngọn cỏ giọt sương đông”
Hoặc như tinh thần tự tại của Phật hoàng Trần Nhân Tông đối với vạn duyên, sắc cảnh không bị vướng mắc, trong Cư Trần Lạc Đạo Phú ngài nói:
“Trong Nhà có Báu thôi tìm kiếm
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền”
“Ưng Vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” không chỉ là tông chỉ tu hành, mà đây còn có thể là chìa khóa để mở cửa cho những tâm hồn bi ai, đau khổ, chấp trước. Có thể coi như ngọn đèn sáng cho kẻ đang tối tăm, được bừng sáng, có cái nhìn lạc quan hơn vào cuộc sống để phụng sự để hành Bồ đề tâm. Như vậy không chấp mắc, bám víu vào các pháp, thì xẽ hiển bày chân tâm Phật tính.
Cho nên trong bài kệ cuối của kinh đức Phật dạy:
一切有為法
如露亦如電
應作如是觀
Nhất thiết hữu vi pháp
Như mộng huyễn bảo ảnh
Như lộ diệc như điện
Ưng tác như thị quán
Sáu là: Đức Phật nói: nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào nghe kinh này mà biết thụ trì đọc tụng và viết chép lại cho dù chỉ là 4 câu, giảng giải cho người khác nghe thì sẽ thành tựu được công đức vô lượng, vô số vượt qua tất cả các bố thì trong thế gian này.
Bố thí là một trong những phương pháp tu tập của người Phát tâm Bồ đề cầu vô thượng chính đẳng chính giác. Đây là hạnh nguyện cao cả cảu các vị Bồ tát, vì lòng đại bi mà thực hạnh hạnh nguyện cao cả này. Nhưng bố thí, cúng dàng phải được như pháp “Tam luôn không tịch” thì mới thành tựu phúc đức như trên đã nói là không trụ vào sắc, thanh, hương, vị, súc, pháp mà bố thí. Nếu thực hành tài thí đúng như chỗ vô trụ thì sinh ra Phúc đức, nhưng phúc đức chỉ là phúc báo hữu lậu mà thôi. Ở đây Đức Phật muốn dạy chúng ta hành Pháp thí đúng pháp thì sẽ sinh ra công đức.
Như thế nào gọi là công đức? Lục Tổ Đàn Kinh, ngài Huệ năng dạy: 見性是功 -平等是德 –(Kiến tính thị công - bình đẳng thị đức). Như vậy công đức là khác hoàn toàn với phúc đức, vì công đức có thể Kiến Tính, kiến tính là giác ngộ rồi. Như thế để có thể kiến tính thì phải nghe kinh (văn), đọc tụng (tư), thụ trì là thực hành (tu), Văn - Tư - Tu tam tuệ đầy đủ để tự giác, tự độ rồi sau đó độ tha, tức là giáo hóa chỉ bảo cho người khác cùng tiến lên trong con đường giải thoát. Có được như vậy thì mới thành tựu được công đức. Còn phúc đức là do ta chỉ cần cúng dàng, chấp lao phục dịch thì xẽ trưởng tự phúc cơ mà thôi. Trong kinh A Di Đà cũng nói “chẳng thể lấy chút ít công đức mà được sinh sang cõi nước kia đâu” cũng là ở ý này vậy.
Biên chép, giảng giải tức là Pháp thí. Pháp thí là đem giáo pháp chân lý chỉ dạy cho người khác, khiến họ được giác ngộ và đi đến chỗ an vui giải thoát. Kinh nói “Pháp Thí Thắng mọi thí”, con người có 2 phần thể xác tâm hồn, nếu tài thí có thể giải quyết về vật chất thân thể, thì Pháp thí xẽ là phương thuốc vi diệu cho tâm hồn đầy đau khổ. Cho nên cổ đức dạy “Tài Pháp nhị thí đẳng vô sai biệt” nếu Phật tử cúng dàng người xuất gia về Tài thí (tứ sự cúng dàng), thì người trưởng tử Như Lai xuất gia tu đạo phải vì họ mà thực Hành Pháp Thí nghĩa là phải giảng giải giáo lý Kinh điển đại thừa, phải tu tập thành tựu tự lợi lợi tha, như vậy mới có thể đạt được “tài pháp nhị thí tổng thành công”.
Chính vì lợi ích và tầm quan trọng và công đức lợi ích lớn lao như vậy, nên vấn đề thụ trì, đọc tụng kinh này và giảng giải cho người khác nghe quan trọng hơn việc bố thí cúng dàng, vấn đề này đã được đức Phật nhắc rất nhiều trong các phần. Như trong phần 7 đức Phật bảo “ông Tu Bồ Đề nếu có người đem bẩy thứ báu nhiều như tam thiên đại thiên thế giới mà đem bố thí, công đức ấy cũng không bằng người y nơi kinh này, thọ trì cho đến bốn câu kệ …Vì cớ sao? Này Tu Bồ Đề, tất cả chư Phật và pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác của chư Phật đều từ nơi kinh này ra”. Hay như trong phần thứ 10 và 13 nói: “Tu Bồ Đề, nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân, dùng hằng hà sa số thân mệnh bố thí, đối với kinh này cho dù chỉ cần thụ trì cho đến có 4 câu kệ... vì người giảng nói, phúc đức rất lớn”. Cũng tương tự như thế phần 15 đức Phật lại nói rằng: “Nếu có người thiện nam thiện nữ, buổi sáng đem thân mạng bằng số cát sông Hằng ra bố thí, buổi trưa lại đem thân mạng bằng số cát sông Hằng ra bố thí, buổi chiều cũng đem thân mạng bằng số cát sông Hằng ra bố thí, như thế vô lượng trăm ngàn muôn ức kiếp đem thân mạng bố thí. Nếu lại có người nghe kinh điển này, lòng tin không nghịch, phước của người này hơn phước của người kia, huống là chép viết, thọ trì, đọc tụng, vì người giải nói”..
Theo sự phân chia giảng giải của chư Tổ những phần như thế này thường được gọi là phần Lưu Thông. Sau khi nghe, hiểu, tín thụ, rồi phụng hành và khiến cho Kinh ấy được lưu thông phổ biến khắp nơi, nhằm lợi lạc quần sinh vậy. Có được như vậy thì sẽ như đức Phật dạy là “sẽ thành tựu được công đức vô lượng, vô số vượt qua tất cả các bố thì trong thế gian này”. Đó cúng là khiến cho Phật Pháp được cửu trụ ở thế gian này vậy.
Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật Kinh là một bản kinh trọng yếu của Phật giáo Đại thừa. Trong bản kinh này, Đức Phật tuy đề cập đến nhiều điều rộng lớn khác, nhưng hầu như toàn bộ kinh chỉ để nói lên những yếu lĩnh cần có để an trụ chân tâm và hàng phục vọng tâm. Muốn thế hành giả không nên trụ chấp vào bất kỳ đối tượng nào dù đó là Phật, là Pháp hay quả vị Vô thượng Chính đẳng giác. Muốn thế hành giả phải thấy mọi sự vật và hiện tượng là hư ảo, là huyễn, là vô thường, vô ngã, không bị lạc vào đường chấp ngã mà phải nỗ lực thực hành sao cho chân tâm vô trụ, an nhiên tự tại. Rồi quảng kết thiện duyên, lưu bá giảng giải khiến Phật pháp tịnh hóa nhân gian nói chung đi theo con đường tỉnh giác, mà còn giúp cho các Phật tử nói riêng có công năng chuyển hóa cái tâm, an trụ chân tâm để bước tiếp trên con đường giác ngộ giải thoát, để không bi quan trong cuộc sống, tự tin vượt mọi khó khăn trong mọi hoàn cảnh.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Tín ngưỡng thờ phụng đức Phật Dược Sư thời nhà Đường
Nghiên cứu 09:45 03/11/2024Việc thiết lập đàn tràng và tu trì đức Phật Dược Sư trở nên quan trọng hơn dưới thời trị vì của vua Đường Túc Tông, thời kỳ triều đình nhà Đường phải vật lộn để vượt qua thách thức do những cuộc nổi dậy của quân đội trong nước gây nên...
Làm thế nào để tiêu trừ tội nạo phá thai?
Nghiên cứu 15:36 02/11/2024Trong kinh Phật Thuyết Trường Thọ Diệt Tội Hộ Chư Đồng Tử Đà La Ni có nói rằng, nạo phá thai là một tội sát sinh vô cùng lớn, quả báo cũng rất nặng. Tại sao trong cuốn Hiện Đại Nhân Quả Thực Lục do thầy viết lại không có ví dụ nào về việc này?
Thai nhi thích nghe Kinh Địa Tạng
Nghiên cứu 15:06 02/11/2024Một người hàng xóm nói với tôi rằng, con gái bà ấy đang mang thai tám tháng rồi, phản ứng thai nghén rất mạnh. Trong mấy tháng gần đây, thai nhi thường xuyên đấm đá trong bụng, khiến con gái bà ấy rất đau đớn.
Lối sống mang lại hạnh phúc từ triết lý tiết độ trong kinh Trung A Hàm
Nghiên cứu 08:10 01/11/2024Phật dạy phải biết tinh tấn tu tập. Để làm được như thế, con người phải biết làm chủ mình trong cuộc sống thông qua tinh thần kỷ luật, mà trong Phật học gọi là Giới. Đó là “những điều răn cấm do Đức Phật chế định cho hàng xuất gia và tại gia để ngăn ngừa tội lỗi của ba nghiệp”.
Xem thêm