Nỗi niềm đơn độc của Vua Lý Huệ Tông
Tuy từng là một vị Hoàng Đế Triều Lý nhưng Vua Huệ Tông đã chấp nhận nếp sống Thiền môn một cách nghiêm mật với hạnh đầu đà, sau khi xuất gia vào tháng 10 năm 1224 tại Chùa Bút Tháp và được Sư phụ ban cho Đạo hiệu là Huệ Quang.
> TRẦN THỦ ĐỘ CÓ THẢM SÁT TÔN THẤT NHÀ LÝ?
Đầu cạo nhẵn, áo nâu sồng đã sờn vai và nếp nhăn đã hiện rõ lên trên vầng trán vốn dĩ thông minh, dõng kiệt một thời. Lúc ấy Huệ Tông vừa đúng 30 tuổi, lứa tuổi năng động của một thanh niên cường tráng đầy nhiệt huyết, tinh nhuệ cả văn lẫn võ, nhưng Huệ Tông phải nhường ngôi cho con gái là Lý Chiêu Hoàng mới tròn 8 tuổi để đi xuất gia, quả là điều có một không hai của những bậc đế vương, từ trước đến nay chỉ có trong triều đại Nhà Lý.
Nhiều đêm sau khi thiền tọa, ông đến bên chiếc đơn cô lẻ để tựa người nằm xuống mà không sao chợp mắt được, bởi lẽ có quá nhiều vấn đề khiến ông phải suy tư hồi tưởng lại, và cứ thế ông để mặc cho tư tưởng trôi ngược dòng đời cho đến khi lịm dần vào giấc ngủ. Trong khi ngủ cũng có lắm điều mơ, lúc thì làm vua ban chiếu chỉ, lúc đánh giặc, lúc bên người vợ hiền Trần Thị Dung và cả khi bị thúc ép bởi Trần Thủ Độ. Việc ông xuất gia là điều không tránh khỏi, khi không muốn mình bị một cái chết oan khiên được bày ra bởi Trần Thủ Độ.
Bút Tháp là một ngôi chùa và trong ấy có xây một ngọn tháp cao, vươn lên tận trời xanh, có hình như cây bút, nên gọi là Bút Tháp. Tương truyền chùa này đã có từ thời Ngài Khương Tăng Hội có mặt tại đất Giao Châu từ năm 280, nghĩa là đã hiện hữu trên dưới 1.000 năm rồi. Do vậy ngôi chùa có một vị thế rất đặc biệt và nhiều vua chúa, hoàng thân, quốc thích hay ngay cả dân dã bình thường cũng hay lui tới chốn trang nghiêm này. Đây là một phước báu của triều đình đã tiếp nối được hạt giống Thánh từ Thiên Trúc truyền qua cả hơn 1.000 năm nay. Cho nên Huệ Quang Thiền sư rất an ổn khi phát tâm bỏ tục xuất gia vàthực hành nhiệm vụ của người Tăng sĩ nơi chốn Già lam này.
Bình thường ở nơi cung cấm thì ông luôn có kẻ hầu người hạ. Kẻ bưng cơm, người rót nước, kẻ rửa mặt, người đưa khăn...Những điều kiện như thế không còn trong tầm với nữa, mà ông đã chấp nhận một cuộc sống đơn lẻ tại chùa này vì nhiều lý do khác nhau.
Triều Lý kể từ khi khai mở triều nghi từ năm 1010 đến thời điểm này, kể ra cũng đã hơn 200 năm lịch sử. Qua tám đời vua, vua nào cũng có con trai để nối dõi hoàng tộc, nhưng đến đời Lý Huệ Tông chỉ có 2 con gái, nên vua phải phong vương cho Lý Chiêu Hoàng khi vừa tròn 8 tuổi. Cái tuổi thơ ngây khờ dại đâu biết gì, nhưng vì tứ bề thọ địch và nhất là bị sức ép của TrầnThủ Độ, nên Huệ Tông phải nhường ngôi cho con mình khi ông chỉ mới 30 tuổi để lên làm Thái Thượng Hoàng, rồi đi tu. Ngoài ra ông cũng đã gả chị gái của Chiêu Hoàng cho Trần Liễu nữa, đây là người anh em chú bác với Trần Thủ Độ. Nhìn xa rồi lại nhìn gần, cơ nghiệp của Nhà Lý đâu còn gì nữa mà trông, vì chung quanh ông toàn là những nịnh thần hay những người luôn muốn tạo phản để chỉ mong mang mối lợi về cho bản thân hay dòng tộc. Tuy Trần Thủ Độ ác độc, mưu thần chước quỷ không ai lường nổi, nhưng Trần Thị Dung, người chị con nhà bác của Trần Thủ Độ đã một thời làm vợ Vua Huệ Tông và rất được sủng ái.
Trong cái họa diệt vong mất nước mà bên mình vẫn còn người đầu ấp tay gối Trần Thị Dung, nên mọi an nguy của xã tắc Huệ Tông đều hững hờ, cứ để cho thế sự xoay vần đến đâu thì hay đến đó. Bởi chính bản thân ông không đủ tài cán và chung quanh cũng không tìm ra người tâm huyết để giúp lèo lái con thuyền quốc gia đại sự đến được nơi chốn anbình, cho dân chúng an cư lạc nghiệp. Nên “một liều ba bảy cũng liều”. Dẫu cho muốn được yên ở chùa, nhưng nào có yên đâu. Vì Bút Tháp vốn là chốn linh thiêng, nên ngày nào cũng có ngườira vào lễ bái tấp nập. Trần Thủ Độ nghi ngờ sẽ có người lợi dụng việc này mà sàm tấu chuyện triều ca khi mộng của ông chưa thành. Nghĩa là phải lật đổ Nhà Lý, dựng ngôi Nhà Trần, qua hình ảnh của Trần Cảnh, vốn là anh nhà bác trong gia tộc của mình.
Cho nên Trần Thủ Độ thấy chưa an tâm, liền cho người đến Chùa Bút Tháp khuyên Thiền sư Huệ Quang dời đến Chùa Chân Giáo, vốn gần gũi chốn kinh kỳ của đất Thăng Longnghìn năm văn vật, nhằm dễ kiểm soát những hành tung của Huệ Quang hơn và cố chặt đứt hết chân tay của con cháu nhà họ Lý thì lúc ấy Trần Thủ Độ mới an tâm được.
Một hôm Trần Thủ Độ mượn cớ đi lễ chùa, khi đi ngang qua sân cỏ trước vườn chùa, Thủ Độ thấy Thiền sư Huệ Quang đang lui cui nhổ cỏ. Thủ Độ hất hàm bảo:
- Nhổ cỏ thì phải nhổ cả rễ sâu.
Huệ Quang đáp rằng:
- Điều ngươi nói ta đã hiểu rồi. Một ông vua khôn ngoan như thế, nhưng ở vào lúc thế cùng vào chùa tu niệm cũng chẳng an thân và tự nghĩ rằng: Ngày xưa vì tin duyên nợ, nên để Trần Thị Dung về làm vợ mình nhưng nào ngờ đâu, đây cũng là nguyên nhân để cho Trần Thủ Độ ép ta vào ngõ bí. Mặc dầu Thái hậu đã bao lần can ngăn bảo hãy tiêu diệt Trần Thị Dung đi, nhưng ta nào có nghe, khi mà ái tình mê muội đã làm quên đi chữ hiếu và cái nhục của xã tắc sơn hà, nên ngày nay ta đã mất cả ngôi báu và cả thần dân trăm họ. Ôi cái tình! Đúng là “cái chi chi”. Ai mà hiểu, mà làm chủ được khi yêu. Cho nên trong Thập nhị nhân duyên, Phật đã dạy tự ngàn xưa, tuy bắt đầu bằng vô minh, nhưng nếu không tiêu trừ ái dục trước được, thì vòng luân hồi vẫn còn lẩn quẩn đâu đây! Điều ấy thật là chính xác. Cái điều mà Trần Thủ Độ nói chỉ làmuốn ta dẹp hết con cháu Nhà Lý thôi, chứ làm sao hiểu sâu như lời Phật dạy là nhổ cho hết cỏ vô minh vốn đã nhiễm sâu nơi cội rễ của mọi người, đó mới là điều đáng nói.
Bây giờ thì ta đã an bần lạc đạo, còn mong gì ở chốn triều ca nữa. Ngày xưa Trần Thủ Độ còn rập mình nhìn trước ngó sau tại chốn cung son, sau đó vì ta sủng ái Thị Dung nên đã cất nhắc y lên đến chức Điện tiền Chỉ huy sứ, nắm trong tay không biết bao nhiêu là quyền bính, vào ra tự tại nơi chốn cửu trùng không ai dám hé miệng hở môi. So ra ngày ấy và ngày nay khác xa nhau nhiều lắm.
Khi Thủ Độ rời chùa, Thiền sư Huệ Quang tìm cách tự tử và trước khi chết, Huệ Quang nói rằng: “Thiên hạ ngày nay đãvào tay ngươi, ngươi lại giết ta, ngày sau đến khi thác con cháu ngươi cũng sẽ bị như thế.” Đó là lời nói sau cùng của Thiền sư Huệ Quang vào ngày 3 tháng 9 năm 1226 tại Chùa Chân Giáo, thọ mệnh 33 tuổi, qua 14 năm làm vua, 2 năm làm Thái Thượng Hoàng, hai năm xuất gia ở Chùa Bút Tháp và Chùa Chân Giáo.
Thông thường với một người đã bỏ tục xuất gia là quên đi tất cả những lụy phiền của cuộc sống trước đó mới vào chùa. Tuy nhiên việc của Huệ Tông là chuyện của một triều đình, không phải chỉ là chuyện ăn cơm, uống nước của thiên hạ hằng ngày nên Vua Huệ Tông tự tìm cho mình một cái chết cho kẻ sống an lòng dễ hoành hành, để cho cái lợi danh làm chủ, rồi cuối đời của Trần Thủ Độ cũng sẽ như thế thôi. Cho hay nhân quả của nhà Phật không vị tình hay nể trọng một ai, dầu cho đó là một đấng quân vương quyền cao lộc cả, hay là một người hạ tiện bình dân. Tất cả đều bị luật vô thường và nhân quả chi phối. Không ai là kẻ được miễn trừ.
Thiền sư Huệ Quang sinh năm 1194 và mất năm 1226, được 33 tuổi. Là thái tử con Vua Lý Cao Tông, ông nối ngôi vua vàonăm 1210. Lúc ấy ông đã 16, 17 tuổi. Cái tuổi của sự trưởng thành nơi cung cấm cũng như đối với nhân gian. Chỉ làm vua 14 năm thôi, nhưng cả cuộc đời ông ghi lại đậm nét bao nhiêu chuyện phế hưng của lịch sử cũng như của một triều đại huy hoàng dựng nước đã 200 năm như thế.
Ông tên thật là Lý Sảm (李旵) hay Lý Hạo Sảm. Chữ Sảm (旵) nếu viết theo chữ Hán thì ở trên chữ “nhật” (日) và ở dưới chữ “sơn” (山). Nếu theo lối nói dân gian thì mặt trời đã xuống đến núi, nghĩa là hoàng hôn đã đến và báo hiệu cho một triều đại sắp đổi thay. Năm 1217 qua nhiều sức ép khác nhau từ trong cung cấm ra đến chốn triều ca, ông đã bị điên loạn. Điều ấy có thể tin được vì lẽ ông không chịu đựng nổi sức ép từ Trần Thủ Độ mà ông phải đơn độc một mình gánh lấy, mặc dầu con gái của Trần Lý là Trần Thị Dung luôn ở bên cạnh ông. Với nhan sắc quyến rũ ấy đã làm lung lạc tâm thần của một đấng quân vương khi tuổi đời còn non trẻ. Nhiều khi ông cột tóc lại và trên búi tóc ấy có cắm cây cờ lệnh, rồi rong chơi đây đó để quên đời. Có lúc ông thốt lên rằng: “Ta đây là tướng của trời. Hôm nay giáng thế cho người sợ oai”. Dĩ nhiên làm vua phải oai hơn người điên chứ, nhưng người điên muốn nói gì thì nói, chứ làm một đấng quân vương, ngồi trên cả muôn dân, đâu phải muốn làm gì thì làm, muốn nói gì thì nói đâu? Cho nên đôi khi điên cũng có lợi. Đây là cái cớ để ông mạt sát Trần Thủ Độ chăng?
Trong thời gian tao loạn ấy, bà Trần Thị Dung bị giáng xuống làm ngự nữ và một thời gian sau lại được Vua Lý Huệ Tông lập lại làm Thuận Trinh phu nhân mà năm 1216 bà đã là Hoàng hậu. Đàm Thái hậu, mẹ của Vua Huệ Tông rất ghét bà Trần Thị Dung, vì Thái hậu biết chắc rằng qua quân sư Trần Thủ Độ lại có Trần Thị Dung, vốn là Hoàng hậu được Vua Huệ Tông sủng ái, nên không sớm thì muộn sơn hà xã tắc của Triều Lý sẽ bị lọt vào tay Nhà Trần. Đã bao lần bà khuyên can Vua Huệ Tông là nên giết Trần Thị Dung đi, nhưng Vua không nghe. Có phải chẳng qua vì hai chữ ái tình và sắc đẹp làm cho Vua mù quáng như thế, để rồi phải giả điên, giả dại, giả khờ che mắt thiên hạ để nói lên những điều mình muốn nói, nhưng không thể nói lên sự thực được khi mình đường đường là đấng quân vương chăng?
Trong thời gian này có Thái sư Đàm Dĩ Mông, vốn là người của Đàm Thái hậu, nhưng tánh tình ông cũng nhu nhược, thiếu học thức. Tuy làm quân sư cho cả một triều đình mà giặc từ bên trong lẫn bên ngoài đang chờ sẵn tại đó, nhưng ông cũng chẳng khuyên can hay nghĩ được mưu kế gì, để cho vua phải một phen dở sống, dở chết như vậy. Thời đó thiên hạ chê cười vua thì ít mà kết án bầy tôi, quần thần thì nhiều với những kẻ chịu ơn vua lộc nước, bổng lộc đầy nhà, nhưng khi việc khó đến thì ai ai cũng thủ khẩu như bình. Xét ra xưa nay ở đâu cũng đều như vậy cả.
Lý Chiêu Hoàng tức là Công chúa Phật Kim, sinh vào tháng 9 năm 1218 và mất tháng 3 năm 1278. Lý Huệ Tông sinh bà ra trong hoàn cảnh của đất nước tang thương và mới một năm sau khi Vua giả điên. Có giả thuyết cho rằng ngày nay chúng ta thấy hình tượng một vị vua mang hia đội mão của một đấng quân vương, hai tay cầm một cái hốt và đang quỳ mọp xuống trên lưng là một tượng Phật ngồi. Đây có phải là một hình thức do vua Huệ Tông tạo ra để sám hối cho bản thân mình và cầu cho con gái của mình sớm mau ăn, chóng lớn, cũng như hối lỗi cho sự giả điên của mình để cho trong ngoài cung cấm đều không phải dị nghị chăng? Lúc Chiêu Hoàng 7, 8 tuổi, Trần Thủ Độ đã cho Chiêu Hoàng chơi chung với Trần Cảnh, là người ban đầu chỉ có nhiệm vụ mang thau nước và khăn lau cho Chiêu Hoàng rửa mặt khi ngủ dậy hay đi đâu về, nhưng dần dần hai trẻ này chơi với nhau thật thân mật khiến cho Trần Thủ Độ đắc ý lắm.
Trong tâm ông đã sắp đặt sẵn, nếu để cho hai trẻ càng gần nhau trong gang tấc giữa trai gái hằng ngày, thì trước sau gì lửa gần rơm cũng sẽ bén. Quả thật vậy! Ngoài những toan tính ra, Thủ Độ còn cho Trần Cảnh và Chiêu Hoàng ở riêng với nhau, đến khi được tấu trình tự sự thì Thủ Độ chỉ cần thông báo với triều đình là Trần Cảnh và Chiêu Hoàng sẽ trở thành vợ chồng. Điều ấy chắc quan văn, quan võ cũng biết, Đàm Dĩ Mông cũng rõ ngọn ngành. Đàm Thái hậu ghét cay ghét đắng, tự hỏi làm sao mà cháu nội của mình mới 8 tuổi đã bị ép duyên như thế? Đám cưới này do Trần Thủ Độ dựng lên chứ Huệ Tông và cả Thái Hậu đều không biết, chỉ ngao ngán chấp nhận chuyện đã rồi mà thôi.
Lúc này thì Thủ Độ có cớ để bắt Vua Lý Huệ Tông nhường ngôi chính thức cho Lý Chiêu Hoàng vào năm 1224. Bà ở ngôi Hoàng Đế cho đến năm 1225, nghĩa là chưa được 2 năm. Ngôi vị ấy đã nghiễm nhiên lọt vào tay Nhà Trần, mà người đắc ý nhất không phải là Trần Cảnh, mà là Trần Thủ Độ, người đã bày ra bao nhiêu mưu lược để mang lại giang sơn gấm vóc cho gia tộc họ Trần. Trần Cảnh hay Lý Chiêu Hoàng chỉ là một hoạt cảnh trong bao nhiêu hoạt cảnh khác về sau này trong lúc Trần Thủ Độ còn sống mà thôi.
Đến năm 1237 Lý Chiêu Hoàng chính thức bị truất phế vì không có con trai để nối dõi tông đường, mặc dầu trước đó bà đã có một người con trai với Trần Cảnh nhưng bị yểu mạng chết non. Vì ngôi vua phải có người thừa kế về sau này nên TrầnThủ Độ tìm mọi cách để truất phế Lý Chiêu Hoàng, chính thức đưa Lý Thuận Thiên, vốn là chị ruột của Lý Chiêu Hoàng lên làm vợ của Trần Cảnh, được tấn phong là Hiển Từ Thuận Thiên Hoàng hậu.
Riêng Lý Chiêu Hoàng, bà ở vậy đến năm 1258 thì chính thức lấy Lê Phụ Trần - sinh được một con trai và một con gái. Như vậy, chuyện không con của Lý Chiêu Hoàng chỉ do Trần Thủ Độ kiếm cớ mà thôi. Vì Thủ Độ chỉ mong sao thấy được sơn hà xã tắc này sớm có người kế vị, nên một lần nữa lại nhẫn tâm ép Trần Cảnh phải lấy cái bào thai của chị dâu, vợ củaTrần Liễu, làm con trai mình. Nếu Trần Thủ Độ không nóng lòng thì trước sau gì Chiêu Hoàng cũng sẽ sinh cho Trần Cảnh một người con trai để nối dõi ngôi Nhà Trần, như sau khi bà tái giá với Lê Phụ Trần. Có như vậy người đời mới xem Trần Thủ Độ là một người mưu mô khét tiếng, không phải tạo cơ hội cho mình làm vua, mà ông đã tố một ván bài lật ngửa hoàn toàn với những tinh binh dễ sai dễ khiến. Ông làm vậy cốt cũng chỉ vì Nhà Trần, nhưng vết nhơ này ai sẽ rửa sạch cho ông đây?
Sử chưa chấm dứt tại đó. Sau khi Lý Huệ Tông đi xuất gia ở Chùa Bút Tháp vào năm 1224 thì Trần Thủ Độ cho TrầnThị Dung trở thành cung nữ và mang về làm vợ của mình. Bà này vốn là chị em chú bác với Trần Thủ Độ và Nhà Trần bắt đầu lấy nhau chỉ trong gia tộc, chứ không phải người ngoài họ, vì sợ rằng ngôi báu sẽ dễ bị soán đoạt. Từ đó chuyện “loạn luân” trong cung cấm đã xảy ra như em lấy chị ruột, con chú, con bác, con cô, con cậu lấy nhau là chuyện bình thường.
Nếu nhìn chung suốt chiều dài lịch sử của nước Việt, chỉ có Triều Trần suốt gần 200 năm ấy đã làm được những điều tốt như các vua chúa sớm nhường ngôi cho con cái, lên làm Thái Thượng Hoàng. Đây cũng là cơ hội của các Thái Thượng Hoàng tuy ở Thiên Trường nhưng cũng có thể làm cố vấn cho các vua còn trẻ ở Thăng Long, như trong các cuộc chiến thắng Nguyên Mông 3 lần vào năm 1258, 1285 và 1288 là những bằng chứng hùng hồn nhất. Tuy nhiên tục lệ cận huyết mà lấy nhau như vậy do Trần Thủ Độ khởi đầu là việc ông đã lấy bà Trần Thị Dung, chị em chú bác với ông hay ép Trần Cảnh lấy chị dâu của mình là vợ của Trần Liễu. Nếu đứng về phương diện đạo đức cũng như phương diện văn hóa dân tộc cả trước hay mấy ngàn năm sau này, thì chưa hề có những việc như thế xảy ra, mà trong suốt cả Triều Trần đều lặp đi lặp lại nhiều lần từ đầu triều 1226 đến cuối triều năm 1400 cũng vậy. Quả là điều đáng trách biết bao.
Lý Chiêu Hoàng sống đến năm 1278 nghĩa là lúc bà 61 tuổi rồi mới cỡi hạc quy Tây. Tuy sử sách không nhắc nhở đặc biệt gì về lòng tin của bà đối với ba ngôi Tam Bảo, nhưng khi sinh ra bà, Vua Lý Huệ Tông đã đặt tên là Phật Kim, ắt hẳn nhà Vua cũng có ý mong rằng Chiêu Hoàng sáng giá như con Phật. Dĩ nhiên khi Thượng Hoàng đi xuất gia tại Chùa Bút Tháp vào năm 1224, chắc rằng bà và Trần Cảnh đã nhiều lần viếng thăm nơi Phật xá này, mà điều ấy Trần Thủ Độ không bao giờ muốn, luôn có ý cản ngăn. Chữ Phật Kim ấy gắn bó suốt cả một cuộc đời mình cho đến khi bà 61 tuổi. Bà đã có một thời gian tuổi thơ đầm ấm ở trong triều và bà cũng đã có người bạn đời sống chung với nhau từ năm lên 8 tuổi cho đến năm 1237, nghĩa là bà đã ở với Trần Cảnh được 12 năm. Lúc bà mới 19, 20 tuổi, đã bị truất ngôi Hoàng hậu, sống một thời gian đơn lẻ trong cung và sau này kết hôn với Lê Phụ Trần.
Khi Lý Chiêu Hoàng bị truất ngôi Hoàng hậu chắc Trần Cảnh buồn lắm, vì người này đã là kẻ đầu ấp tay gối từ năm lên 8 đến nay và bấy giờ chỉ vì không con, nên phải nhườngngôi Hoàng hậu cho chị ruột của mình và chính Trần Cảnh tức vua Trần Thái Tông phải chịu cái nhục bị ép lấy chị dâu để có người nối dõi lo cho sơn hà xã tắc qua sự chủ trương độc đoán của Trần Thủ Độ. Do vậy mà Trần Thái Tông rất ưu sầu. Nỗi ưu sầu này khác xa với sự ưu sầu của Lý Huệ Tông và cuối cùng nhà Vua cũng đã tìm lên Yên Tử để gặp Quốc Sư Phù Vân đang hành đạo tại đó.
Khi gặp, Quốc Sư hỏi:
- Bệ hạ đi đâu mà hoàng bào thấm đượm sương mai như vậy?
- Trẫm vào đây để tìm Phật chứ không tìm gì khác.
- Trong núi vốn không có Phật. Nếu tâm của Bệ hạ yên, tâm ấy chính là tâm Phật.
Nhà Vua ngẫm nghĩ hồi lâu và tự nhủ với lòng mình rằng: “Yên sao được mà yên. Nếu Quốc sư ở triều nội, hằng ngày dõi theo những sự kiện trái ý nghịch lòng như vậy thì chắc Quốc sư cũng chẳng yên đâu. Ngài là vị Lão Tăng đã được Vua Lý Huệ Tông cũng như Trần Thủ Độ kính quý. Tuy nhiên khi thấy Thủ Độ chuyên quyền như vậy chính Ngài cũng không màng lợi danh, nên đã vào núi Yên Tử để tu trì, trong khi ở Bút Tháp hay Chùa Chân Giáo gần kinh đô có nhiều điều kiện hơn, nhưng Ngài đã không bao giờ quan tâm đến.”
- Bệ hạ nên suy nghĩ cho thật kỹ - Quốc sư Phù Vân nhẹ nhàng lặp lại như thế.
- Nhưng trẫm đã quyết, dầu bất cứ giá nào thì trẫm cũng chỉ muốn xuất gia đầu Phật để giữ tâm cho an bình, chứ khôngmuốn làm vua, đứng trên cả muôn dân trăm họ, nhưng thực quyền lại chẳng có gì. Tất cả đều nằm trong tay Quân sư Trần Thủ Độ cả.
- Điều ấy ta hẳn biết, Trần Thủ Độ và Trần Thị Dung chính là anh em nhà chú nhà bác. Ông ta có tham tâm lật đổ Nhà Lý nên mới gả Trần Thị Dung cho Vua Lý Huệ Tông, sau khi Huệ Tông đi tu và bị bức tử thì Trần Thủ Độ giáng xuống làm cung nữ và làm cả tỳ thiếp cho mình. Đó là hình thức của con nhà chú lấy con nhà bác. Triều Trần này bắt đầu có những cuộc hôn nhân cận huyết như thế.
- Kính bạch Quốc sư! Chính vì thế mà trẫm đây áo não, giày vò. Cung son, gái đẹp, đàn ca hát xướng suốt ngày đâu có làm cho trẫm yên, cho nên trẫm trốn vào núi này để mong được yên thân và tìm Phật vậy.
Trần Thủ Độ ở Thăng Long đứng ngồi cũng chẳng yên, mới sớm mai chầu triều mà không có Vua Trần Thái Tông, nhìn đâu cũng thấy một không khí não nề. Trần Thủ Độ đưa tay vuốt râu và hỏi bá quan văn võ rằng:
- Có vị nào biết Bệ hạ đi đâu mà sớm vậy chăng?
- Hình như là xa giá vẫn còn kia mà. Có một vị quan lên tiếng.
- Đi trốn thì cần gì xa với giá.
- Nhưng mà trốn ai chứ?
- Trốn những sự thật đáng nguyền rủa. Trong số các quan có người buông ra tiếng thở dài và nói nhỏ đủ nghe như vậy.
Cả ngày hôm đó và ngày hôm sau nữa, Thủ Độ cho quan quân dạo khắp chốn kinh thành, tìm đâu cũng không ra bóng hình của Vua cả. Hỏi Hoàng hậu và các cung phi thì ai ai cũng chỉ biết đưa mắt nhìn nhau và cuối cùng thì có tin khẩn báo cho biết là Vua đã rời thành Thăng Long, chỉ đi cùng một ít tùy tùng và vài con ngựa tốt, còn tất cả lụa là gấm vóc đều bỏ lại sau lưng.
Được tin, Thủ Độ cho cả binh hùng tướng dũng kéo đến núi Yên Tử và khi gặp Vua Trần Thái Tông, Thủ Độ tâu:
- Muôn tâu Bệ hạ! Dân không thể thiếu người lãnh đạo một ngày, quân không thể không có chủ tướng trong một phút. Thế mà mấy ngày nay Bệ hạ đã trốn vào chốn lam sơn này khiến cho hạ thần và muôn dân đang trông ngóng lo lắng. Xin Bệ hạ hãy hồi cung.
- Ta đã ngán chốn cung cấm lắm rồi. Ngươi hãy về đi.
Nói xong nhà Vua tự mình bỏ vào trong, xem như không có Trần Thủ Độ ở đó. Thủ Độ ngẩn người ra, nhưng ông quyết không rời chốn này nếu ông không thuyết phục được Vua Trần Thái Tông về lại cung xưa. Ông đã đến gặp Quốc sư Phù Vân để giải bày tự sự. Sau khi Thủ Độ hầu chuyện với Quốc sư xong, ông đến gặp Vua một lần nữa và lần này có cả Quốc sư đi cùng, Quốc sư nói:
- Tâu Bệ hạ! Ở đây là chốn núi rừng hang hiểm, khi đói chỉ có trái cây, khi khát chỉ có nước suối. Cuộc đời của một Tăng nhân chỉ như vậy thôi. Luôn sống độc cư nhàn cảnh đã quen, còn Bệ hạ khó có thể chịu được nổi những cơn gió lạnh của mùa Đông khi trời đổi gió và nhất là bên cạnh mình không còn những phương tiện như xưa nữa.
- Bạch Quốc Sư! Trẫm đã xem ngai vàng như đôi dép bỏ rồi, còn lượm lại làm chi nữa. Hãy vất nó đi vào quên lãng cho trẫm yên thân. Quốc Sư nhìn Trần Thủ Độ và Trần Thủ Độ nghiêm nghị thưa:
- Nếu Bệ hạ đã quyết chí ở lại chốn này thì xin thưa rằng: “Bệ hạ ở đâu thì triều đình sẽ ở đó”. Nghe câu này lòng Quốc sư chẳng vui, vì lâu nay chốn lam tuyền này vốn đã yên ổn với thú rừng, cây cỏ, một làn gió thổi qua cũng làm cho muôn vật đều đổi thay. Bây giờ cả tam cung lục viện mà được xây dựng nơi chốn này thì làm sao ta có thể an tâm tu học được. Quốc sư Phù Vân suy nghĩ một hồi lâu như vậy, đoạn đưa tay mời Vua Trần Thái Tông vào trong hậu liêu để giải bày tự sự.
- Bệ hạ đã nói được câu: “Trẫm xem ngai vàng như đôi dép bỏ”. Chính là Bệ hạ đã liễu ngộ được lý vô thường rồi. Tất cả cái gì có hình tướng, cái ấy đều không thật có mà ngay cả ngai vàng hay giang sơn này cũng vậy nữa. Đã vô thường thì do sự khổ chi phối. Cái khổ của Bệ hạ đối với Nhà Lý và bây giờ là cái khổ nhận bào thai của chị dâu làm con của mình và nhất là…
Nhà Vua đưa hai tay lên chắp lại, vái xá Quốc Sư và thưa rằng:
- Như vậy cũng được! Ta sẽ về, nhưng ban ngày quyết lo chính sự cho xong, đêm đến ta tụng kinh niệm Phật, ngồi thiền và dịch kinh viết sách.
- Như thế thì còn gì hay hơn nữa. Quốc sư Phù Vân bảo như vậy. Sau khi Quốc sư và Vua Trần Thái Tông hội kiến xong, cả hai, ai nấy đều vui. Có lẽ duyên lành đã đến.
Nhà Vua ra lệnh lên xa giá hồi cung. Nhìn nét mặt của Trần Thủ Độ hân hoan như chưa bao giờ chiến thắng được một cuộc đấu trí như vậy. Xưa nay thắng bại là chuyện thường, nhưng chưa chắc rằng ai đã hơn ai. Biết đâu Thái Tông còn cao trí hơn Thủ Độ nữa. Cái trí ấy không nằm nơi mưu kế mà nhờ nơi cửa Phật tạo nên. Đó là trí tuệ để soạn ra Khóa Hư Lục và những kinh điển mà nhà Vua đã ngộ được từ cửa Thiền. Cái trí này vượt ra ngoài tam giới và có giá trị cho đến ngày nay cũng như mãi đến ngàn sau.
Người xưa thường nói: “Thua keo này ta bày keo khác” nhưng Thủ Độ thì không, “Thắng keo này ta bày keo khác”. Ông biết rằng nếu hậu duệ Nhà Lý mà còn thì sẽ không yên cho Nhà Trần, ông cũng đã biết được Hoàng tử Lý Long Tường cùng đoàn tùy tùng đã lên thuyền chạy trốn khỏi quê hương Đại Việt, nhưng ông hy vọng sóng to gió lớn sẽ không giữ lại mạng sống của những người này. Và để tru diệt hoàn toàn Nhà Lý ông đã nghĩ ra một phương cách quỷ khốc thần sầu: Ông đã tập hợp những người tâm huyết lại, trả lương cho họ thật hậu để chỉ làm việc vào ban đêm, khi không có ánh sáng thái dương soi tỏ, hầu che giấu không cho những người làm việc biết những hầm hố do họ đào gần lăng mộ các vua Nhà Lý, và sau khi hố đào thật sâu rồi, chông được cắm thật nhiều vào đó, đoạn phủ ván mỏng và cỏ xanh lên trên. Thủ Độ chọn một ngày phù hợp cho tảo mộ thăm viếng lăng tẩm của quân vương Triều Lý. Khi mới nghe ra, ai cũng bảo rằng: Thủ Độ có quan tâm. Thủ Độ là một quân sư tài giỏi, tuy trong thời gian qua ông đã gây ra không biết bao nhiêu là tai tiếng trong cung nội cũng như ngoài dân gian, nhưng ông cũng có lòng. Ngày tảo mộ lăng tẩm các đấng Tiên vương Triều Lý đã đến. Mọi người còn sót lại cũng muốn báo đáp công ơn muôn một của tiền nhân nên quần là, áo lượt, món ngon vật lạ đều đem đến cúng kiến cho các tiên vương. Trong khi con cháu Nhà Lý hì hục cúng bái, kể công, kể tội thì Thủ Độ cho quân lính rút ván dưới chân họ, tất cả đều sụp xuống hầm sâu, nơi đó có những bàn chông sắc nhọn và kể cả rắn độc trồi lên. Thật là một kẻ ác tâm, so với ngày xưa ở Ấn Độ A Xà Thế hại Vua cha, Đề Bà Đạt Đa hại Phật thì cũng không kém chút nào.
Thế là tiếng kêu la inh ỏi, nhưng Thủ Độ chẳng màng, miễn sao mưu kế của mình được thành tựu, sau đó ông cho lấp đất lại. Thế là cuộc tàn sát đã thành công, chỉ có Thủ Độ và thuộc hạ là hài lòng, còn Lý Chiêu Hoàng bây giờ đã thuộc về con dâu của Nhà Trần rồi, không biết bà nghĩ sao về thân phận của mình đây. Có tình chung nào khiến cho Thủ Độ dừng tay chăng? Hay bà là người đã hy sinh cả một hoàng tộc Nhà Lý rồi, bây giờ lại còn hy sinh đến thân phận của một Hoàng hậu, bị truất ngôi để làm tăng thêm lợi danh cho những người thừa thắng xông lên làm việc ác? Nói như lời của Huệ Tông trước khi chết là
:- “Thiên hạ ngày nay đã vào tay ngươi, ngươi lại giết ta, ngày nay ta chết, đến khi thác, con cháu ngươi cũng sẽ bị nhưthế. ”Điều ấy cũng đúng với giáo lý nhà Phật mà thôi. Đó là nhân nào thì quả nấy. Không bao giờ có một hạt nhân xấu đem ra ươm trồng, mà lại sanh ra quả tốt bao giờ và ngược lại nếu ta gieo trồng một nhân thiện thì không thể nào gặt hái một quả xấu hết. Tuy nhân và quả có nhiều thời và nhiều giai đoạn, nên cái gì cũng có thể sai và cũng có thể đúng, riêng nhân quả, nếu không đúng thì thôi, quyết không bao giờ sai cả. Đây là định luật nhân quả mà A Xà Thế, Đề Bà Đạt Đa đã nhận lấy, và rồi đây Trần Thủ Độ cũng sẽ như vậy mà thôi.
Nếu chúng ta tham khảo qua 34 trường hợp hôn nhân cận huyết xảy ra trong dòng tộc Nhà Trần do Trần Thủ Độ chủ xướng, mà tác giả Nguyễn Thị Chân Quỳnh năm 1993 đã ghi lại trong bài viết Công chúa đời Trần - Mỹ nhân kế - Loạn luân thì chúng ta sẽ rõ biết và đau lòng về điều đó. Một triều đại Nhà Trần kéo dài 175 năm kể từ năm 1225, 1226 đến năm 1400 gồm 13 đời vua như thế, nếu đứng về phương diện văn học, tôn giáo, văn hóa, lịch sử, kiến trúc, ngoại giao, chiến tranh với Mông Cổ v.v… không có triều đại nào trong lịch sử Việt Nam mà hiển hách vinh quang được như vậy. Vì lẽ các Vua Trần có tu, có học, có thọ Bồ Tát giới, nên quyết tâm đem việc thực hành Bồ Tát hạnh đi vào đời, nên giang sơn gấm vóc mới còn lưu giữ lại được như ngày hôm nay.
Tuy nhiên vấn đề trong cung cấm, vấn đề thay ngôi đổi chủ, vấn đề hôn phối v.v… khiến cho ta phải suy nghĩ rất nhiều. Vì lẽ ngay từ đầu Nhà Trần, Trần Thủ Độ đã làm cho sơn hà xã tắc điêu đứng, mà cũng chính ông trực tiếp gây dựng nên Nhà Trần. Ông không khác Đào Cam Mộc, Thiền sư Vạn Hạnh của đầu triều Nhà Lý năm 1010 là mấy, khi mà Lê Long Đỉnh đã không còn được lòng dân nữa. Ông cũng giống như Hồ Quý Ly lựa thời cơ chín muồi, cho người nội gián vào cung vua ở cuối thời Nhà Trần và đã giành được giang sơn cũng như thiên hạ vào tay mình, nhưng rất tiếc Hồ Quý Ly cũng chỉ được có 17 năm mà thôi. Trong khi đó Nhà Lý hơn 200 năm và Nhà Trần được 175 năm. Nếu cộng cả Lý và Trần lại thì lịch sử Việt Nam gần 400 năm ấy của hai triều đại này, xuyên suốt cả một dòng sông lịch sử mấy ngàn năm, chưa có triều đại nào được vinh quang như Lý, Trần vậy. Vả chăng Thủ Độ sợ ngai vàng mất vào tay tộc họ khác, nên mới chủ trương hôn nhân cận phối như thế, mà trước và sau đó không có triều đại nào lại như vậy cả. Cho hay cái công và cái tội bao giờ cũng cận kề nhau. Nếu xét về công thì Thủ Độ có công không nhỏ, nhưng nếu xét về tội của ông thì không bút mực nào miêu tả hết được.
Nỗi đơn độc của Lý Huệ Tông khi đã trở thành Thiền sư Huệ Quang ngồi nhổ cỏ trước sân Chùa Chân Giáo đã bị TrầnThủ Độ nói bóng gió để ám chỉ cho một triều đại đã qua, không nên còn mơ ước gì nữa. Rồi 175 năm sau Hồ Quý Ly cũng như vậy. Ông ta lợi dụng mình là cháu của Minh Từ Thái Phi, mẹ của Nghệ Hoàng, nên ông ta đã xúi Nghệ Hoàng giết hại trung thần, các Hoàng tử, các Thân vương và ngay cả Phế đế cũng bị sự gièm pha của Quý Ly mà bị Nghệ Tông phế bỏ. Con út của Nghệ Hoàng là Trần Ngang, tức Trần Thuận Tông được lập lên ngôi, nhưng cũng không có thực quyền. Con gái lớn của Quý Ly là Khâm Thánh, Hoàng hậu của Thuận Tông, nên mọi việc của Thuận Tông càng bị Quý Ly siết chặt hơn, bởi lẽ Hồ Quý Ly rất gian xảo.
Cho hay tất cả những ông vua đầu triều đại đều là những anh hùng của dân tộc, nhưng những kẻ sau cùng thừa hưởng được giang sơn gấm vóc của tiền nhân, không quý cái nhọc, cái khổ khi dựng nước của những đời trước, nên đã trác táng rượu chè, đam mê nữ sắc khiến cho cả trung thần lẫn nịnh thần đều chán ngán và đó chính là cơ hội để ai có gan thì có thể tóm thâu thiên hạ về cho gia tộc của mình.
Trích 'Mối tơ vương của Huyền Trân Công chúa'
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Nguyễn Du - Tiếng lòng thiên thu
Nghiên cứu 23:14 20/12/2024Thơ và thiền là đôi cánh đại bàng tung bay trên bầu trời Đông phương và Tây phương suốt từ nghìn xưa cho đến ngày nay.
Nguyện giải thoát ngay hiện tiền
Nghiên cứu 13:41 18/12/2024Trong nhà Phật, lời nguyện có thể gặp ở bất kỳ kinh sách nào. Hầu hết các lời nguyện đều lớn vô cùng và trải dài vô cùng tận. Trong các chùa Thiền tông, chúng ta thường nghe tới Tứ hoằng thệ nguyện, nơi câu đầu “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ” (Nguyện giải thoát vô số chúng sinh) đã mang tâm lượng vô biên, vô cùng tận.
Đời tu của tôi
Nghiên cứu 09:32 18/12/2024Đời tu của tôi có những cái dễ nhưng cũng gặp những cái khó. Trong cái khó thật ra tôi không tính toán cũng không suy nghĩ phải làm sao, tôi chỉ âm thầm xin Tam Bảo gia hộ. Ai làm gì nói gì, tôi cứ lặng thinh mà chịu chờ Tam Bảo gia hộ, rồi cái tốt đẹp sẽ đến, tôi không có phản ứng để chống chọi gì hết.
Tượng Phật A Di Đà chùa Phật Tích ở Bắc Ninh
Nghiên cứu 11:12 17/12/2024Ngôi cổ tự Phật Tích (tên gọi khác là chùa Vạn Phúc) toạ lạc trên núi Phượng Hoàng, Tiên Du, Bắc Ninh là nơi lưu lại dấu ấn truyền bá Phật giáo ở vùng Bắc bộ hơn nghìn năm. Chùa Phật Tích còn được biết đến là nơi lưu giữ 2 bảo vật quốc gia: Tượng Phật A-Di-Đà và bộ tượng 10 linh thú đá.
Xem thêm